Friday, March 29, 2024

Hệ thống tư pháp Việt Nam rung rinh vì vụ ‘hoa hậu lừa đảo’

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Tòa án thành phố Sài Gòn vừa quyết định cho cô Trương Hồ Phương Nga và cô Nguyễn Đức Thùy Dung tại ngoại hầu tra. Diễn biến này mở ra con đường dẫn nhiều viên chức tư pháp vào tù.

Theo thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, có thể lược thuật là Trương Hồ Phương Nga, 30 tuổi, từng đoạt danh hiệu “Hoa Hậu Người Việt Tại Nga” năm 2007. Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành định giá và quản lý bất động sản, cô quay về Việt Nam kiếm sống bằng việc làm người mẫu, diễn viên, MC…

Trung tuần Tháng Mười Một, 2014, cô bị khởi tố vì “lừa đảo chiếm đoạt tài sản.” Công an thành phố Sài Gòn xác định nạn nhân của cô là ông Cao Toàn Mỹ (người sáng lập VNG – công ty game online đầu tiên của Việt Nam, công ty Vinacyber – cung cấp nhiều dịch vụ qua Internet, ngoài ra còn kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác như bất động sản…).

Theo kết luận điều tra của công an và cáo trạng của viện kiểm sát thì cô và bạn là cô Nguyễn Đức Thùy Dung, 28 tuổi, đã lợi dụng lòng tin của ông Mỹ để chiếm đoạt tổng cộng 16.5 tỷ đồng mà ông này giao, nhờ họ mua nhà.

Hồ sơ của vụ án có đầy đủ các văn tự chứng minh hoạt động mua bán nhà là do hai cô ngụy tạo. Vì giá trị khoản tiền chiếm đoạt quá lớn, cả hai cô bị truy tố ở khung hình phạt cao nhất, có thể bị phạt chung thân hoặc tử hình.

Ngày 21 Tháng Chín, 2016, tòa án đưa hai cô ra xử sơ thẩm lần đầu. Đây cũng là lần đầu cô Nga cho biết, cô là bạn gái của ông Mỹ. Khoản 16.5 tỷ đồng mà ông Mỹ đã giao cho cô không phải là tiền mua nhà, đó là tiền ông chu cấp để cô chấp nhận làm tình nhân của ông.

Sau bảy năm, chán cảnh “già nhân ngãi, non vợ chồng,” cô quyết định chia tay. Ông Mỹ đòi lại toàn bộ 16.5 tỷ đồng này. Cô không chịu hoàn trả và ông đã bắt tay với các viên chức tư pháp (điều tra viên của công an, kiểm sát viên của viện kiểm sát) để đưa cô vào tù.

Lời khai của hai cô tại phiên tòa sơ thẩm lần đầu được hỗ trợ do một bản “hợp đồng tình ái” có nhiều dấu hiệu do ông Mỹ soạn. Những lời khai này còn được hỗ trợ do một số tình tiết khác: Tháng Tư, 2014, ông Mỹ gửi đơn tố cáo cô Nga lần đầu tiên nhưng nội dung chỉ là tố cáo cô vay tiền không trả.

Bốn tháng sau (Tháng Tám, 2014), ông Mỹ gửi đơn tố cáo thứ hai, lần này mới xuất trình các chứng cứ cho thấy cô ngụy tạo giấy tờ lừa ông. Đáng lưu ý là một tháng sau (Tháng Chín, 2014), cô Nga tự trình diện cơ quan điều tra, tự thú nhận đã lừa ông Mỹ lấy tiền – nội dung tự thú giống hệt như tố cáo và các lời ông khai trước đó với cơ quan điều tra.

Tại phiên tòa sơ thẩm lần đầu, cô Nga giải thích, trong bảy năm là tình nhân của ông Mỹ, cô biết ông có quan hệ mật thiết với công an, cũng vì vậy, khi bị ông hăm dọa, cô đã tìm tới một phụ nữ tên là Nguyễn Mai Phương – người mà quan hệ với công an cũng rộng và mật thiết không kém ông Mỹ để nhờ giúp đỡ.

Chính bà Phương là người khuyên cô Nga ngụy tạo các thứ giấy tờ về một vụ mua bán nhà, tìm tới công an tự thú với nội dung do chính bà Phương chỉ dẫn vì đó là “kịch bản” mà bà này nhấn mạnh là cần thực hiện đúng để công an có thể dọn dẹp vụ này giúp cô. Cô Nga không ngờ sự giúp đỡ đó là một cái bẫy…

Ở phiên tòa sơ thẩm lần đầu, cô Nga nói thêm là từ khi bị bắt, biết đã bị sập bẫy, cô không nói gì thêm để chờ ngày công khai tất cả những tình tiết vừa kể. Tòa án đã quyết định hoãn xử, trả hồ sơ, yêu cầu công an thành phố Sài Gòn điều tra lại.

Theo báo Tuổi Trẻ, ngày 22 Tháng Sáu vừa qua, tòa án đưa cô Nga và cô Dung ra xử sơ thẩm lần hai. Lần này, cả hai cô và các luật sư của họ (chứ không phải công an và viện kiểm sát) đã cung cấp thêm nhiều lời khai cho thấy cô Nga và ông Mỹ từng gắn bó mật thiết với nhau.

Trong bảy năm cả hai có 17 lần xuất cảnh cùng lúc, cùng ở chung một khách sạn. Một số nhân chứng mà công an và viện kiểm sát sử dụng để cáo buộc cả hai “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xin khai lại vì đã khai sai do bị các điều tra viên dụ dỗ, hăm dọa. Các luật sư cũng đã chỉ ra hàng loạt điểm bất thường, chẳng hạn biên bản ghi tố cáo của ông Mỹ và biên bản ghi lời tự thú của cô Nga giống hệt nhau.

Lúc đầu tòa án bác đề nghị triệu tập bà Nguyễn Mai Phương – người bị tố cáo đã gài hai cô vào bẫy – nhưng diễn biến của phiên xử khiến hội đồng xét xử buộc phải ra lệnh dẫn giải bà Phương tới tòa. Các nhân chứng và các bằng chứng còn cho thấy, không chỉ các điều tra viên, kiểm sát viên mà giám thị trại giam cũng thông đồng để chuyển phát nhưng lá thư từ trong trại giam ra ngoài và ngược lại nhằm tác động để hai cô tự thắt thòng lọng, đút đầu mình vào tròng.

Vụ “hoa hậu lừa đảo” làm hệ thống tư pháp rung rinh không phải vì công chúng tò mò muốn biết chuyện tình hoa hậu – đại gia ra sao, hoa hậu lừa đảo thế nào mà vì có những dấu hiệu rất rõ ràng cho thấy, cả hệ thống tư pháp đã bị tác động, chuyển động theo hướng tìm mọi cách để tống những người vô tội vào tù suốt đời, thậm chí có thể bị tử tử hình.

Phiên xử sơ thẩm lần hai vụ “hoa hậu lừa đảo” dự trù diễn ra trong hai ngày đã kéo dài đúng một tuần. Ngoài việc cho hai cô tại ngoại hầu tra, hội đồng xét xử vừa đòi công an phải “điều tra lại” thêm một lần nữa. Chưa rõ lần này, những điều tra viên, kiểm sát viên, giám thị bị nêu đích danh đã sắp đặt vụ án có phải là đối tương bị điều tra hay không? (G.Đ)

Truy đuổi xe máy, cảnh sát cùng nạn nhân nhập viện tại Thanh Hóa

MỚI CẬP NHẬT