Thursday, March 28, 2024

Việt Nam: Doanh nghiệp nhà nước vẫn là gánh nặng khó rũ bỏ

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Mức độ cam kết sắp xếp khối doanh nghiệp nhà nước của chính phủ Việt Nam càng mạnh mẽ thì qui mô của khối này càng lớn.

Theo kết qủa một nghiên cứu do Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Việt Nam (CIEM) thực hiện, từ 2011 đến 2015, tuy kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (định giá, bán một phần cổ phiếu cho tư nhân) đạt 93%, nhưng chất lượng rất thấp. Đáng lưu là từ năm ngoái đến nay, quy mô của các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa càng ngày càng phình ra trong khi quản trị, thu chi tài chính, mức độ đóng góp cho ngân sách tệ hơn.

Mức độ suy thoái của kinh tế Việt Nam càng ngày càng trầm trọng. Năm ngoái, tăng trưởng GDP của kinh tế Việt Nam không đạt mức dự trù, các chuyên gia kinh tế dự đoán năm nay, điều đó sẽ lập lại. Cũng theo các chuyên gia, do tài nguyên, khoáng sản cạn kiệt, Việt Nam không còn nguồn lực nào để thúc đẩy tăng trưởng. Họ khẳng định lối thoát duy nhất là sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên, tại một hội thảo do CIEM tổ chức hồi cuối tuần vừa qua, việc sắp xếp khối doanh nghiệp nhà nước của chính phủ Việt Nam chẳng đi đến đâu.

Sau 10 năm cổ phần hóa, chính phủ Việt Nam chỉ bán được 8% vốn trong các doanh nghiệp nhà nước. Thay vì dùng nguồn vốn này để đầu tư hỗ trợ tăng tưởng, chính phủ Việt Nam lại rót 8% đó vào các doanh nghiệp nhà nước khác, kể cả khi hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp nhà nước càng ngày càng kém.

Bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế, gọi đó là “đánh bùn sang ao.”

Đó cũng là lý do các chuyên gia kinh tế không hy vọng, dự tính từ nay đến 2020, sắp xếp 240 doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa 137 doanh nghiệp nhà nước, thu về cho ngân sách 296,000 tỷ đồng, sẽ có tác dụng tích cực cho tăng trưởng.

Theo tường thuật của tờ Người Lao Động, ông Nguyễn Đình Cung, viện trưởng CIEM, bảo rằng, đó cũng là lý do, càng sắp xếp thì qui mô của các doanh nghiệp nhà nước càng lớn và tất nhiên là sai với mục tiêu rút vốn của nhà nước ra khỏi các doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực mà nhà nước không cần nắm giữ quyền điều hành để có thêm nguồn lực đầu tư cho hạ tầng và giải quyết các vấn đề về y tế, môi trường.

Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOV) dẫn lời ông Lê Xuân Bá, một chuyên gia kinh tế, lưu ý, sở dĩ giới đầu tư không mặn mà với cổ phiếu của các doanh nghiệp nhà nước vì sau khi cổ phần hóa, các doanh nghiệp này vẫn được quản lý, điều hành theo kiểu cũ.

Ông Cung khẳng định, việc sắp xếp khối doanh nghiệp nhà nước không khó, vấn đề là có thật sự muốn làm và có truy cứu trách nhiệm nếu làm không được hay không.

Các chuyên gia tính toán, số cổ phiếu của khối doanh nghiệp nhà nước trên thị trường chứng khoán chiếm khoảng 9% GDP, nếu cương quyết buộc phải bán hết cổ phiếu sau 12 tháng được cổ phần hóa, đẩy mức giao dịch cổ phiếu của khối doanh nghiệp nhà nước lên 15% thì mỗi năm ngân sách sẽ thu về từ $11 tỷ đến $12 tỷ, giúp kinh tế có thêm nguồn lực để tăng trưởng.

Tại Việt Nam, khối tài sản mà các doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ trị giá khoảng $300 tỷ. Nếu hiệu quả hoạt động của khu vực này tăng 1% thì công quỹ sẽ thu về được $3 tỷ, tương đương 1.5% GDP, nhưng từ trước tới nay, hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam chỉ giảm chứ chưa bao giờ tăng. (G.Đ.)

MỚI CẬP NHẬT