Monday, April 29, 2024

Phụ nữ Việt bị chồng bạo hành – hãy biết cách bảo vệ mình

Tâm An/Người Việt

Tâm An/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Lấy chồng và được định cư tại Mỹ là ước mơ của nhiều phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, trong số này cũng có những người rơi vào tình trạng éo le khi gặp phải những ông chồng “vũ phu” khiến họ bị bạo hành, bị ngược đãi, đe dọa, khống chế về cả tinh thần lẫn thể xác. Bất hạnh hơn, khi họ là những người mới sang, không biết tiếng Anh, không có việc làm, không có tiền phòng thân, không có người quen hỗ trợ, và không biết cầu cứu ai.

Như vậy, làm sao để đối phó với tình cảnh này? Làm sao để bảo vệ mình?

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Người Việt đã có cuộc phỏng vấn với Luật Sư Phạm Đào Bạch Tuyết (Tuyết ‘Tina’ Phạm), một luật sư chuyên về Gia Đình và Di Trú hơn 30 năm qua. Bà cũng từng là giảng viên và là giáo sư cố vấn tại trường Santa Ana College trong 28 năm.

Tâm An (Người Việt): Thưa luật sư, gần đây chúng tôi nhận được nhiều thông tin chia sẻ của một số bạn đọc, trong đó đa phần là chị em phụ nữ – những người  được chồng bảo lãnh sang Mỹ định cư và đang gặp cảnh bị bạo hành, bị ngược đãi, đe dọa, khống chế về cả tinh thần lẫn thể xác. Trong vai trò là một luật sư, bà có lời khuyên gì dành cho những trường hợp này?

Luật Sư Phạm Đào Bạch Tuyết: Trước hết, tôi xin phép chỉ tư vấn pháp lý trong khuôn khổ tiểu bang California vì luật Gia Đình là luật tiểu bang, không phải luật liên bang. Các trường hợp ở tiểu bang khác, quý vị nên tham vấn ý kiến của các luật sư tại địa phương để có câu trả lời chính xác.

Đầu tiên, tôi xin được nói những vấn đề có tính tổng quát về Luật Gia Đình và Luật Di Trú để quý vị dễ hình dung.

Bạo hành trong gia đình (domestic violences) có nhiều dạng: bạo hành thân thể hoặc là bạo hành tinh thần.  Bạo hành thân thể là tất cả hành vi xâm phạm tới thân thể như đánh đập, đấm đá, tát… Còn bạo hành tinh thần là tất cả những hành động bằng lời nói, cử chỉ đe dọa tới sự an toàn tính mạng hoặc sự an toàn của nạn nhân, nhất là nếu có vũ khí hoặc nguy hiểm cận kề (imminent danger). Ví dụ như nếu người chồng nói với vợ: “Tôi sẽ đốt nhà, tôi sẽ giết cô nếu cô ly dị tôi” thì đây được coi là hành vi bạo hành tinh thần. Tất cả những lời nói khác như mắng mỏ, trách móc, cãi vã thường chưa đủ mạnh để được coi là bạo hành tinh thần.

Nhiều chị em phụ nữ được bảo lãnh sang Mỹ đang bị chồng bạo hành cả về tinh thần lẫn thể xác nhưng không biết cầu cứu ở đâu. (Hình: foryourmarriage.org)

Nạn nhân bị bạo hành gia đình sẽ được pháp luật bảo vệ và có nhiều lợi thế như: Được ưu tiên trông giữ con cái và được toàn quyền quyết định pháp lý về vấn đề con cái (ví dụ như có quyền đưa con sang tiểu bang khác ở mà không cần sự đồng ý của người phối ngẫu). Ngoài ra còn có thể được xin cấp dưỡng cho chính bản thân mình và dĩ nhiên được xin cấp dưỡng cho con cái.

Ngược lại, người gây ra bạo hành gia đình có thể bị hạn chế hoặc mất quyền nuôi con, thăm con và quyền đòi hỏi cấp dưỡng (alimony). Nếu đã có những hành động bạo hành gây nguy hiểm tới tính mạng người phối ngẫu, dẫn đến phạm tội đại hình (felony spousal abuse), người này có thể bị trục xuất về Việt Nam nếu như chưa có quốc tịch Mỹ.

Đối với Luật Di Trú, nạn nhân bị bạo hành gia đình có thể tự làm thủ tục xin thẻ xanh hoặc là xin chuyển từ thẻ xanh 2 năm (gọi là thẻ xanh có điều kiện) sang thẻ xanh 10 năm. Chẳng hạn như một phụ nữ sang Mỹ kết hôn trong vòng 90 ngày, ở với chồng được một thời gian thì bị chồng bạo hành tàn tệ và người chồng nhất định không chịu làm giấy tờ bảo lãnh cho cô. Mặc dù sau đó ly dị nhưng cô vẫn có thể tự mình xin thẻ xanh theo đạo luật Bảo Vệ Phụ Nữ bị bạo hành (Violence Against Women Act – VAWA).

Người Việt: Thưa luật sư, như vậy nếu ai thực sự là nạn nhân của bạo hành gia đình thì sẽ được pháp luật Hoa Kỳ bảo vệ trong vấn đề di trú, quyền nuôi con và xin cấp dưỡng?

Luật Sư Phạm Đào Bạch Tuyết: Đúng là như vậy. Điều quan trọng là nạn nhân phải có bằng cớ thật rõ ràng, thuyết phục, để chứng minh mình thật sự là nạn nhân của bạo hành gia đình.

Người Việt: Luật sư có thể cho biết rõ thế nào là bằng cớ thuyết phục?

Luật Sư Phạm Đào Bạch Tuyết: Bằng cớ thuyết phục nhất là phải có một án lệnh nào đó do tòa gia đình hoặc tòa hình sự cấp. Vi dụ như có án lệnh cách ly 3 hoặc 5 năm do tòa gia đình cấp, hoặc án lệnh kết tội (conviction) do tòa hình sự cấp. Nói tóm lại có án lệnh nghĩa là đã chứng minh được việc bạo hành đã thật sự xảy ra.

Người Việt Nam mới di cư sang Hoa Kỳ, thường gặp nhiều trở ngại về ngôn ngữ. Còn nếu ở tiểu bang lạnh hoặc ở vùng ít người Việt thường không có nhiều thông tin hoặc cơ quan truyền thông Việt Ngữ hướng dẫn khi họ gặp cảnh bế tắc bị bạo hành. Điều tôi nghe nhiều nhất từ những thân chủ khi mới được bảo lãnh từ Việt Nam là họ “không nỡ báo cảnh sát”. Một phần vì họ mang ơn người phối ngẫu đã cưu mang, bảo lãnh họ và con riêng của họ sang đây, một phần vì lý do không có việc làm, không biết tiếng Anh. Họ sợ rằng người bảo lãnh là nguồn thu nhập chính trong gia đình, nếu bị cảnh sát bắt đi thì sẽ không có ai nuôi mình và các con.vv… Thế nhưng nếu cứ chịu đựng bị bạo hành như vậy, nếu như xảy ra việc gì nguy hiểm tới tính mạng của mình và con mình thì sao?

Nếu như gặp cảnh chồng bạo hành con chung hoặc riêng của mình mà người phụ nữ tiếp tục bao che, chịu đựng, không báo cảnh sát, thì đây là một lỗi của người lớn đối với trẻ con. Bởi vì trẻ con là vô tội và rất cần sự bảo vệ của người cha/mẹ ruột. Nếu nhân viên An Sinh Xã Hội (social workers) biết chuyện hoặc được báo cáo, họ có thể đưa các cháu bé đi khỏi nhà, vì họ cho rằng người mẹ đã quá yếu đuối, bất lực không đủ khả năng để bảo vệ con của mình.

Khi gặp trường hợp phụ nữ bị bạo hành gia đình, tôi thường khuyên các thân chủ của mình phải mạnh dạn, đừng mắc cỡ, đừng sợ sệt hoặc cả nể, biết ơn, mà nên khai sự thật. Chúng ta có nhiều cách khác để trả ơn sau này. Chúng ta không phải trả ơn bằng mạng sống của mình và sự an toàn của các con nhỏ.

Những phụ nữ mới được chồng bảo lãnh sang Mỹ thường ở trong thế yếu về mọi mặt, rất cần sự giúp đỡ của xã hội. (Hình: beebewomen.org)

Ở Orange County và hầu hết các quận hạt khác, đều có nhà trú ẩn an toàn (shelter). Cảnh sát có thể cung cấp thông tin về những nhà trú ẩn an toàn để nạn nhân xin tạm trú. Khi gọi cảnh sát tới, cảnh sát có thể cung cấp cho nạn nhân một án lệnh bảo vệ khẩn cấp (emergency protective order) để được cách ly với hung thủ trong vòng 5 ngày. Sau đó nạn nhân có thể tự ra tòa gia đình để xin một án lệnh cách ly (restraining order), có hiệu lực 3 tuần. Tiếp đến là phiên xử tại tòa. Tòa sẽ triệu tập hai bên ra để xử.  Dựa trên các bằng cớ đưa ra, Tòa tuyên bố việc bạo hành gia đình có thật sự xẩy ra hay không. Nếu có, thì Tòa Gia Đình sẽ ra một án lệnh tiếp tục cách ly từ 3 đến 5 năm. Kẻ bạo hành cũng có thể bị kết tội bởi toà án hình sự ở một phiên xử khác.

Nếu nạn nhân có được những án lệnh nêu trên, hoặc ít nhất là các hóa đơn, chứng từ, hình ảnh bị bạo hành… thì đó là những bằng cớ quan trọng giúp ích rất nhiều cho các nạn nhân trong vấn đề di trú và quyền nuôi con, cấp dưỡng.

Nếu không có bằng cớ gì, thì đó là điều rất bất lợi, rất khó khăn để chứng minh quý vị là nạn nhân của bạo hành gia đình.

Người Việt: Trường hợp người chồng không đánh đập nhưng thường xuyên sỉ nhục, mạ lỵ và hù dọa vợ thì người vợ có được bảo vệ theo luật Bảo Vệ Phụ Nữ bị bạo hành không?

Luật Sư Phạm Đào Bạch Tuyết: Trường hợp này, người vợ cần có đủ bằng cớ mạnh đủ sức thuyết phục được xem là nạn nhân bị bạo hành để có cơ hội được áp dụng đạo luật Bảo Vệ Phụ Nữ bị bạo hành. Luật này đòi hỏi extreme cruelty (sự tàn nhẫn quá mức) nên sự hù dọa phải đến mức nghiêm trọng (ví dụ dọa giết hoặc đốt).

Người Việt: Có trường hợp người chồng hù dọa sẽ đuổi vợ ra khỏi nhà, dọa cô sẽ không được quyền nuôi con vì không có thu nhập và sẽ từ chối không bảo lãnh khi thẻ xanh 2 hết hạn… Theo luật pháp Hoa Kỳ, người vợ trong trường hợp này được bảo vệ ra sao?

Luật Sư Phạm Đào Bạch Tuyết: Việc người chồng hù dọa rằng “người nào không đi làm thì không được nuôi con” là hoàn toàn sai sự thật! Trong vấn đề quyền nuôi con, luật gia đình đặt lợi ích của con trẻ lên trước tiên. Bên nào có nhiều thì giờ chăm sóc con cái hơn (tức là không đi làm hoặc làm ít giờ hơn) sẽ được ưu tiên giành quyền nuôi con, không phân biệt đàn ông hay phụ nữ. Người nào bận đi làm, có thu nhập cao hơn thì phải trả tiền cấp dưỡng cho con cái.

Ở California phải có hôn thú mới được coi là vợ chồng. Điều quan trọng trong luật Di Trú là phải có đủ bằng cớ chứng minh được cuộc hôn nhân là một cuộc hôn nhân thật sự. Tức là phải có sự gắn bó chia sẻ quan tâm tới nhau như ở cùng nhà, cùng đứng tên hóa đơn điện nước, cùng sử dụng chung một tài khoản nhà băng, cùng khai thuế, vv.. Khi có sự rạn nứt thì phải vì lý do chính đáng và hai bên phải cố gắng để hàn gắn. Nếu đã cố gắng hàn gắn mà không được, nhất là bị bạo hành, nên xin án lệnh cách ly rồi làm thủ tục ly dị và xin cấp dưỡng. Nếu như nạn nhân chưa có thẻ xanh hoặc mới có thẻ xanh hai năm thì nên có sự cố vấn của luật sư Gia Đình và Di Trú.

Người Việt: Trường hợp vợ chồng đang ly thân nhưng vẫn ở cùng nhà, người chồng tự ý dùng số An sinh xã hội của vợ để mở hàng loạt thẻ tín dụng rồi tiêu xài hàng chục ngàn đô la. Cho tới khi nhà băng gửi giấy đòi nợ và điểm tín dụng bị tụt dốc thì người vợ mới biết chuyện. Người vợ nên làm thế nào trong trường hợp này để tự bảo vệ mình, thưa luật sư? 

Luật Sư Phạm Đào Bạch Tuyết: Về món nợ credit card, nếu người chồng chi dùng số tiền này vào việc riêng, không có ích lợi gì cho gia đình, thì người vợ nên ra tòa xin án lệnh cho người chồng chịu trách nhiệm toàn bộ số tiền này. Trong trường hợp người chồng có bằng chứng cụ thể đã sử dụng số tiền này vào việc chung, thì tòa có thẻ xử mỗi bên phải chịu một nửa khi ly dị.

Người vợ cũng có thể báo cảnh sát để điều tra. Nếu như hành động trên xảy ra sau ngày hai người đã nộp đơn ly thân hoặc ly dị, thì hành động này có thể bị coi là hình tội. Người chồng có thể bị kết tội nếu như người đó đã mạo danh, ăn cắp thông tin cá nhân mà không có thông báo hoặc sự đồng ý của người vợ.

Trong tương lai, người vợ có thể xin ba cơ quan tín dụng (Equifax, TransUnion và Experian) canh chừng và thông báo (alert) cho mình khi có bất cứ ai xin thẻ tín dụng hoặc mượn nợ dưới tên hoặc số an sinh xã hội của mình để cô ấy phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

Người Việt: Làm thế nào để xác định mốc thời gian bắt đầu ly thân, nhất là khi hai người ly thân nhưng vẫn ở cùng nhà?

Luật Sư Phạm Đào Bạch Tuyết: Nếu dọn ra riêng thì quá dễ để xác định ngày ly thân. Điều này là không dễ dàng nếu vẫn ở cùng nhà. Hai bên có thể tự đồng thuận về ngày ly thân. Nếu một trong hai người không đồng ý, thì phải tranh tụng ở tòa để tòa tuyên bố ngày ly thân là ngày nào. Tòa sẽ dựa trên những yếu tố như: Có quan hệ vợ chồng không, có ăn uống, sinh hoạt chung không? Có sánh đôi xuất hiện đi chơi chung không, có sử dụng tài khoản chung không, có khai thuế chung không v.v….

Dựa trên những yếu tố này, tòa sẽ xác định ngày ly thân. Ngày ly thân rất quan trọng, vì đây là mốc thời gian để chia tài sản, và ảnh hưởng đến thời gian phải cấp dưỡng cho người phối ngẫu.

Người Việt: Có nhất thiết phải thuê luật sư khi ra tòa ly dị không? Nhất là trường hợp người chồng có tiền mướn luật sư còn người vợ mới sang Mỹ, không có việc làm, không có tiền để thuê luật sư thì có cách nào giúp cho người vợ trong tình cảnh này không?

Luật Sư Phạm Đào Bạch Tuyết: Không có luật pháp nào bắt buộc chúng ta phải thuê luật sư, đó là quyền tự do cá nhân. Tuy nhiên, khi một bên đã mướn luật sư, mà bên kia không mướn thì khi ra tòa xử, sẽ không có luật sư bảo vệ quyền lợi chính đáng cho họ để cân bằng với bên kia.

Trong trường hợp này người vợ nên tìm mọi cách để có luật sư bảo vệ. Vì cô mới qua Mỹ cần được trợ cấp và giúp đỡ. Nếu không có luật sư, thì tìm sự hỗ trợ pháp lý miễn phí tại các tổ chức Legal Aid hoặc trung tâm Self-help Center tại quận hạt của mình. Người vợ cũng có thể thuê luật sư, sau đó xin Tòa ra lệnh cho người chồng đang có thu nhập cao hơn phải trả tiền một phần hay toàn bộ chi phí luật sư của người vợ. Về vấn đề luật sư phí, luật hôn nhân ở California không chú trọng nhiều ai đúng ai sai, ai thắng ai thua, người nào có thu nhập thấp hơn có quyền xin tòa ra lệnh cho người thu nhập cao phải phụ trả tiền luật sư phí cho mình.

Người vợ có thể dọn ra ở riêng và ngay lập tức xin cấp dưỡng tạm thời cho bản thân mình và tiền phí luật sư nếu thu nhập thấp hơn người chồng.

Người Việt: Trường hợp người vợ không muốn quan hệ tình dục mà người chồng cứ bắt ép người vợ thì có vi phạm pháp luật không?

Luật Sư Phạm Đào Bạch Tuyết: Tôi đã từng thụ lý nhiều hồ sơ mà người vợ từ Việt Nam được bảo lãnh sang Mỹ bị khống chế, cưỡng ép thành nô lệ tình dục cho người chồng. Cho dù là vợ chồng, nhưng quan hệ tình dục hợp pháp là phải dựa trên sự đồng ý của hai phía. Chỉ cần một người không đồng ý, mà người kia vẫn tiếp tục dùng sức mạnh và cưỡng ép quan hệ thì đó là hành động bất hợp pháp, gọi là Spousal Rape (cưỡng hiếp người phối ngẫu). Ngay cả khi lúc đầu hai bên có sự đồng thuận  trong quan hệ vợ chồng nhưng sau đó người chồng có hành động bạo lực và người vợ không đồng ý nữa và phản đối, lên tiếng, thì kể từ thời điểm đó, nếu người chồng vẫn tiếp tục sẽ bị coi  là “spousal rape.” Trong trường hợp bị spousal rape, nạn nhân nên gọi cảnh sát và sẽ được khám nghiệm để có bằng cớ. Nạn nhân bị spousal rape có thể tự làm thủ tục xin thẻ xanh 2 năm theo đạo luật bảo vệ phụ nữ bị bạo hành  hoặc xin thẻ xanh 10 năm một mình sau khi đã ly dị.

Người Việt: Nếu nạn nhân bạo hành gia đình muốn ly dị mà người kia không chấp thuận thì luật pháp California có cho phép việc đơn phương ly dị không?

Luật Sư Phạm Đào Bạch Tuyết: Luật California cho phép đơn phương ly dị cho dù bên kia có đồng ý hay không. Nhưng phải theo đúng thủ tục hành chánh. Khi một bên nộp đơn ly dị tại Tòa, phải tống đạt cho đối phương và nộp báo cáo đã tống đạt lên Tòa Án.  Nếu người chồng/vợ nhận được đơn ly dị từ Tòa, thì phải làm đơn phúc đáp (Response) trong vòng 30 ngày.  Nếu quá 30 ngày mà không có đơn trả lời thì Tòa cho phép người kia được quyền đơn phương ly dị trong một phiên tòa xử vắng mặt đối phương. Ngay cả như bên kia có nộp đơn phúc đáp đi chăng nữa, thì cuối cùng tòa cũng cho ly dị dù bên kia không muốn ly dị, hoặc tranh chấp đến đâu đi nữa.

Thời gian tối thiểu để được chính thức ly dị là sáu tháng kể từ ngày người chồng/vợ nhận được đơn ly dị của người kia. Trong trường hợp tranh chấp, hồ sơ ly dị có thể kéo dài vài ba năm. Vì vậy, những quý vị nào có thẻ xanh 2 năm sắp hết hạn, mà bị bạo hành, thi nên tiến hành thủ tục ly dị ít nhất trước sáu tháng để có cơ hội nộp đơn thẻ xanh 10 năm mà không cần chữ ký của người kia. (Trong trường hợp có án lệnh ly dị thì mới được tự nộp đơn xin thẻ xanh 10 năm một mình)

Người Việt: Xin cám ơn Luật Sư! (Tâm An)

——-

Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT