Saturday, April 27, 2024

Thương mùi bánh mật chiều Xuân

LTS: Nhật báo Người Việt mở mục ‘Bạn đọc viết’ nhằm mời gọi quý thân hữu ‘cùng làm báo’ với Người Việt, chia sẻ những rung cảm, ý tưởng, quan niệm, hồi ức, kiến thức, kinh nghiệm,… về đời sống và xã hội. Để tham gia, quý bạn đọc vui lòng gởi email: [email protected]

Hà Kim Quy

Tiếng pháo râm ran từ khắp các ngõ xóm. (Hình: Nguyễn Đức Cung)

Con bước chân về nhà chồng đúng vào dịp mưa bão. Bà nội con nhìn trời mưa hoàn lưu sau bão trắng xóa, đi ra đi vào, lẩm bẩm: “Lạ thật!” Mà cũng lạ thật, hiếm hoi có năm nào bão còn nằm quên, sót lại cuối Tháng Mười Âm Lịch.

Cơn bão qua, bầu trời quang đãng trở lại. Nhưng những con đường đất thì lầy lội mãi chưa khô. Con đường đưa con về nhà chồng không hề dễ dàng. Bùn đất bám lốp xe gắn máy, xe đạp khiến dòng người đưa dâu trở nên dài hơn. Bù lại, đón con nơi cửa nhà là nụ cười tươi, hồn hậu của cha làm ấm lòng con.

Tết năm đó là Tết đầu tiên con xa nhà. Đêm Giao Thừa sao dài đến thế. Nghe pháo nổ đì đùng ngoài ngõ, con chẳng thể ngủ được vì nhớ nhà. Giờ này, chắc cả nhà đang tíu tít chuẩn bị lễ cúng Giao Thừa.

Mọi người mặc quần áo mới để đón năm mới. Cha lên hương lầm rầm khấn vái tổ tiên. Mẹ và bà tất bật cố làm nốt những việc không tên còn sót lại của năm cũ và bao giờ bà và mẹ cũng là người lên nhà muộn nhất. Mãi sau này, khi con làm chủ gia đình con mới thấu hiểu và thương bà, thương mẹ hơn.

Con hình dung trong làn mưa bụi, em trai hăm hở, cẩn thận và có phần sợ sệt châm lửa đốt bánh pháo mà em đã cuốn bằng những tập vở cũ từ mấy tháng trước. Con chó bông sẽ núp vào tận góc bếp hoặc xó xỉnh nào đó như mọi năm để trốn tránh tiếng pháo râm ran từ khắp các ngõ xóm.

Thủ tục cúng lễ Giao Thừa thì năm nào cũng đủ lệ bộ, năm nay vắng con, chắc bà và mẹ sẽ bận rộn hơn. Chỉ sau Giao Thừa, những đốt sống lưng thoái hoá mãn tính của bà và mẹ mới được giãn ra kêu răng rắc.

Mùa Xuân đã đến mang theo những cơn mưa phùn ẩm ướt. Nhìn con đường lép nhép bùn đất mà con ái ngại, thương lối về với mẹ. Ai bảo có con gái mà gả chồng xa…

Tháng Giêng rảnh rỗi, chắc thấy con buồn, cha bày gói bánh. Từ những ngày Đông, nắng hanh khô cong tàu chuối già lắt lẻo trên cây, cha hì hụi đi tuốt chúng bỏ vào bao tải, con cứ nghĩ cha tuốt lá để lấy cái đun. Một ngày, những lá chuối khô đua nhau kêu loạt xoạt được lôi ra cầu ao rửa và để ráo nước.

Chiếc cối đá cũ kỹ từ bao đời được cha mang ra rửa sạch. Cha bảo: “Cha con mình làm bánh mật nhé!” Con cười ái ngại vì con chưa được ăn bánh mật bao giờ chứ chưa nói chuyện làm bánh. Cha cười hiền hậu: “Cứ làm theo cha thôi là con sẽ khắc biết!”

Con háo hức phụ cho cha. Chưa bao giờ con thấy người đàn ông nào làm bánh, việc này thường của các bà, các mẹ. Vậy mà cha làm với sự say mê, trong lòng con dâng lên niềm thương kính. Bột được xay từ gạo nếp và thêm ít gạo tẻ đã ngâm sẵn.

Chiếc cối đá ì ạch quay đều, cha đều tay đổ gạo, đổ nước vào ngõng cối. Một việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại không dễ chút nào. Bột theo nhau chảy xuống thau trắng xoá, dậy thơm hương nếp trong nắng xuân dịu dàng.

Bột xay xong, cha cho vào một chiếc túi vải rồi ép cho bột ráo nước. Vừa làm cha vừa kể về nguồn gốc bánh mật gắn với huyền tích Mẹ Âu Cơ. Ở lễ hội đền Mẫu Âu Cơ, bánh mật là lễ vật không thể thiếu, năm nào cũng vậy, dân làng đều chuẩn bị đúng một trăm chiếc bánh mật để dâng lễ, tượng trưng cho một trăm người con của mẹ Âu Cơ và Lạc Long Quân. Đây là món bánh gắn liền với hành trình khai thiên phá thạch của mẫu Âu Cơ cùng năm mươi người con, khi dừng chân tại Hạ Hòa, Phúc Thọ đã dạy dân trồng lua, trồng dâu, dệt vải… và dạy cho dân làm bánh mật.

Con phụ cha làm nhân bánh bằng cách hấp đỗ xanh, tán mịn rồi trộn thêm chút đường trắng. Cha đun mật mía lên, cho chút nước cốt gừng tươi vào khuấy đều. Mùi mật ngọt quyện mùi gừng thơm ngập tràn căn bếp nhỏ, theo gió lan xa đi khắp xóm làng.

Nhanh tay trộn bột với mật mía vừa đun xong cho đến khi thành một khối dẻo, mịn màng thì cha dùng dao cắt thành từng phần nhỏ đều nhau. Con thích nhất công đoạn cha giao cho là cán từng miếng bột nhỏ mỏng ra đủ để bọc gói lớp nhân đỗ vàng óng bên trong.

Lạ thay, cha không gói bánh hình vuông hay hình chữ nhật mà gói hình củ ấu trông chúng như những kim tự tháp ngày một mọc dầy lên dưới bàn tay khéo léo quấn, cuộn của cha. Việc quấn lá rất khó chứ không đơn giản chút nào, con vụng về học mãi mà chưa gói được.

Những chiếc bánh kim tự tháp của quê nhà gói trong lòng những thảo thơm của hương đồng, gió nội, gói những vị ngọt bùi của đất mẹ dâng hiến con người. Quan trọng hơn, với con, đó là chiếc bánh gói đủ yêu thương của cha dành cho cô con dâu bé nhỏ chân ướt chân ráo về nhà chồng mà cha hay gọi là con gái của cha.

Gói bánh xong xuôi thì trời cũng xế trưa, cha bắc chõ bằng đất nung lên cái nồi đáy là nồi đồng cỡ số bảy rồi chét kín phần miệng nồi với đáy chõ bằng lá khoai dại giã nhuyễn. Nước đun sôi, hơi nước không thoát được ra ngoài mà thông lên đáy chõ làm chín dần bánh, bảo toàn được hương vị, tinh chất của bột, của mật. Ba ông đồ rau chụm đầu đen thui vào nhau bên ngọn lửa cháy tí tách thì thầm làm ấm dần căn bếp ngày đầu xuân còn vương hơi lạnh.

Trong tiếng lửa reo vui cùng mùi thơm hăng hắc của củi đang toả ra, con có cảm giác củi đang thoát xác, linh hồn của cành nhãn, cành ổi, cành xoan… từ trong vườn đang hoá mình qua ngọn khói bay lên…

Nồi chõ bốc hơi mỗi lúc một nhiều, lá chuối thăng hoa toả mùi hương rất lạ, ngào quyện cùng mùi mật ngọt đủ kích thích các khứu giác, vị giác của con và mọi người mà háo hức mong chờ giây phút bánh chín. Mùi hương bánh mật cùng giá rét lôi cuốn mọi người vào bếp. Theo kinh nghiệm của cha, bánh hấp lửa đều, to, cha chỉ cần ngửi mùi thơm là biết bánh đã chín.

Cha con mình làm bánh mật nhé! (Hình: Wikipedia)

Bánh chín, cha gắp một đĩa bánh, thành kính đặt lên ban thờ thắp hương. Mùi hương trầm cùng mùi bánh mật hoà quyện ngào ngạt, ngọt lựng, thơm nồng cả một chiều Xuân.

Dưới bếp, bánh được bày ra rá, nóng hổi. Mẹ bóc bánh, bánh nóng hôi hổi vừa bóc vừa xuýt xoa. Nếu để nguội, bánh sẽ dính lá, lúc đó muốn ăn phải chậm rãi, từ từ xé nhỏ lá bánh từng tí một, theo thớ lá.

Một chiếc kim tự tháp mịn màng bằng mật mía và gạo, đỗ của đồng bãi hiện ra vàng nâu còn bốc khói mời gọi.

Lần đầu tiên con được ăn bánh mật sao thấy ngon đến thế. Chẳng biết có phải vì lạ hay vì đó là chiếc bánh gói từ tình yêu thương của cha dành cho cô con dâu bé nhỏ đã làm con đỡ buồn trong cái Tết đầu tiên về nhà chồng xa lạ.

Mỗi Tết sau, cha và con lại cùng nhau gói bánh mật. Có năm chẳng kịp tuốt lá chuối khô đành phải gói bánh bằng lá chuối tươi nhưng chẳng thể có mùi thơm đặc trưng của lá chuối khô. Căn bếp nhà mình lại rộn ràng và dậy mùi ngọt ngào của Tháng Giêng nơi đồng bãi quê nhà.

Rồi một ngày cha đột ngột trở bệnh.

Chỉ sáu tháng sau, vào ngày Rằm Tháng Giêng cha hóa về trời. Tháng Giêng năm ấy bếp nhà mình quên mùi hương bánh mật, chỉ có khói hương trầm lặng lẽ tiễn cha. Lá chuối ủ dột rũ tàu khô héo trong vườn, cái cối đá ngủ quên trong xó bếp nhớ bàn tay một người.

Con chưa thể quên được mùi hương bánh mật những ngày đầu Xuân cha gói. Mùi hương trầm dâng lên trong tiếng kinh niệm văng vẳng càng làm không gian vắng lặng đến lạnh người. Con nhớ cha!

Con biết về cha qua lời kể của mọi người – một người đàn ông bé nhỏ đã từng bị những cơn sốt rét rừng hành hạ thời cha đi Thanh niên xung phong.

Rồi cha khỏe lại, làm việc gì cũng hết mình. Tự tay cha làm thợ nề, thợ mộc để dựng lại căn nhà trên nền cũ. Cha có đôi bàn tay khéo léo, nấu ăn ngon, làm việc gì cũng giỏi dù là việc cha chưa làm bao giờ. Dù con ở với cha không nhiều nhưng con học được từ cha nhiều điều. Đó là tính kiên nhẫn, cẩn thận, tỉ mỉ, sạch sẽ và tìm tòi, sáng tạo.

Con nhớ lần cha ra nhà con chơi khi con đã ở riêng xa cha mẹ, trước khi về, cha dặn con rất kỹ rằng thứ này, thứ kia cha cất ở đâu. Thì ra, cha đã tranh thủ sắp xếp lại căn nhà của con.

Câu nói của cha như dặn dò lại có chút nhắc nhở khéo, mãi con chẳng thể quên: “Con giống cha, mọi thứ cứ hay giữ lại, tiếc rẻ. Có thứ cần nhưng có thứ chả bao giờ dùng đến, tự nhiên thành rác nhà.”

Không thể ngờ đó là lần cuối cha ở nhà con. Mỗi lần nhớ câu nói của cha, con lại sắp đặt, dọn dẹp nhà cửa cho ngăn nắp, sạch sẽ.

Từ đó, con không đủ can đảm để làm bánh mật một mình. Con sợ mùi bánh thơm ngọt ấy làm con nhớ tới cha, nhớ về cái Tết đầu tiên con về nhà chồng.

Rồi sẽ có một ngày Xuân nào đó con sẽ làm bánh mật, khi đó ở nơi nào trên chín tầng trời, cha hiểu rằng con dâu bé nhỏ của cha đã cứng cỏi, đã học được cách yêu thương theo quy luật sắp đặt của đất trời.

MỚI CẬP NHẬT