Friday, March 29, 2024

Ba mươi năm sau khi ‘Bức Tường Berlin sụp đổ’

Lê Phan

Cách đây 10 năm, vào dịp kỷ niệm 20 năm Bức Tường Berlin sụp đổ, chúng tôi có được cái may có mặt trong ngày kỷ niệm.

Lễ kỷ niêm 20 năm thật là một cuộc ăn mừng ngoạn mục, đầy ý nghĩa và vào lúc hoàng kim nhất của nền văn minh dân chủ Tây phương. Tâm điểm của nghi thức là Khải hoàn môn Brandenburg, nơi mà cách đó 20 năm, những người dân Berlin, Đông cũng như Tây tụ tập để nhảy múa trên đỉnh của bức tường và chào đón sự đột ngột sụp đổ của Bức Màn Sắt.

Khải hoàn môn nổi tiếng, mà trong giai đoạn còn bức tường đứng cô đơn trong một vùng “no man’s land,” một thứ cấm địa, bao quanh bởi hàng rào kẽm gai và súng máy, hai mươi năm sau là nơi một cuộc trình diễn âm nhạc và đốt pháo bông nhớ lại những giây phút huy hoàng đó.

Một trong những nghi thức có ý nghĩa nhất là 1,000 tấm foam cao bằng đầu người như hình những quân cờ domino, được các thanh niên khắp thế giới vẽ và dựng lên dọc theo nơi trước kia là bức tường ngay trước Khải Hoàn Môn Brandenburg. Cựu lãnh tụ của Công Đoàn Đoàn Kết và cựu Tổng Thống Lech Walesa đã đẩy cái domino đầu tiên, một cách biểu tượng, lập lại sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản trên toàn Đông Âu. Tham gia với ông đã có khôi nguyên Nobel Hòa Bình Muhammad Yunus từ Bangladesh, cựu Tổng Thống Nam Phi Nelson Mandela và cựu Tổng Thống Cộng hòa Czech Vaclav Havel, vốn đã là lãnh tụ của cuộc Cách Mạng Nhung. Cùng với ông Walesa, ông Havel đã đóng góp cho sự sụp đổ của Liên Xô.

Thủ Tướng Angela Merkel, lớn lên ở Đông Đức, đã tiếp các vị khách, kể cả Ngoại Trưởng Hillary Clinton, Tổng Thống Nga Dmitry Medvedev và lãnh tụ của 26 quốc gia trong Liên Hiệp Âu châu cho một bữa dạ tiệc chào mừng.

Vào mùa Hè năm 1989, chỉ vài tháng trước khi những người biểu tình tràn qua Checkpoint Charlie, trạm gác phân chia giữa Đông và Tây Berlin, Giáo sư Francis Fukuyama đã viết một bài trên tạp chí Nationa Interest mang cái tên “Sự chấm dứt của Lịch sử?” vốn sau đó trở thành nền tảng cho cuốn sách của ông “Sự chấm dứt của lịch sử và con người cuối cùng.”

Ông lý luận rằng cuộc tranh đấu chủ thuyết vĩ đại của thế kỷ thứ 20 – đầu tiên giữa nền dân chủ tự do và chủ nghĩa phát xít và rồi giữa dân chủ tự do và cộng sản – đã kết thúc. Lịch sử, định nghĩa bởi nhà chính trị học Fukuyama là cuộc tranh đấu giữa những chủ thuyết vĩ đại, đã đến lúc kết thúc. Dân chủ tự do đã chiến thắng.

Ông viết: “Điều chúng ta có thể chứng kiến không phải là kết thúc của Chiến Tranh Lạnh, hay sự đi qua của một giai đoạn đặc biệt trong lịch sử hậu chiến, nhưng là chấm dứt của chính lịch sử: tức là, chấm dứt của một tiến hóa chủ thuyết của nhân loại và việc phổ cập hóa nền dân chủ tự do Tây phương như là hình thức cuối cùng của chính quyền nhân loại.”

Khi Bức tường Berlin sụp đổ vài tháng sau đó, ông Fukuyama đã có vẻ như là một nhà tiên tri hơn là một nhà chính trị học. Ngay cả 20 năm sau ông có vẻ vẫn còn đúng. Nhưng ngày nay thì sao?

Ba mươi năm sau, lịch sử tự nó có vẻ đã bác bỏ “sự kết thúc của lịch sử.” Trung Cộng, Nga và Việt Nam đã hồi sinh hay kéo dài chế độ độc tài bằng cách thích ứng tư bản chủ nghĩa theo khuôn mẫu của họ. Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập đã tạo nên một hình thức chế độ độc tài sultan mới. Và ở Đông và Trung Âu, ông Walesa hẳn sẽ không nhận ra Ba Lan ngày nay mà cùng với Hungary (đã có thời là những điểm son của cuộc cách mạng năm 1989) lại một lần nữa chọn chế độ độc đảng dầu cho mang cái vỏ dân chủ. Đức quốc, có thời lãnh đạo Âu Châu, nay cũng đang bị xáo trộn vì chủ nghĩa dân túy cánh hữu. Ngay cả Hoa Kỳ, nơi mà cố Tổng Thống Ronald Reagan đã từng gọi là “thành phố chiếu sáng ở trên một ngọn đồi” hồi Tháng Giêng năm 1989, một vị tổng thống vốn muốn độc đoán hơn nay cai trị.

Những thí dụ này và nhiều nữa, đang thúc đẩy một chiều hướng nguy hiểm. Thanh niên ở phương Tây đang mất niềm tin vào các định chế dân chủ. Khoảng 75% người Mỹ sinh ra trong thập niên 1930 nói “cần thiết” sống trong một nền dân chủ, nhưng chỉ có 30% người Mỹ sinh ra trong thập niên 1980 chia sẻ quan điểm đó. Anh Quốc, Tân Tây Lan, Úc và Thụy Điển, những nền dân chủ bền vững cũng cho thấy như vậy.

Còn đáng lo sợ hơn nữa là ngày càng có nhiều người tính đến một giải pháp khác mà trước kia là lập trường không tưởng tượng được dành cho những kẻ bên lề. Năm 1995, 1 trong 16 người Mỹ nói quân đội cai trị là “tốt” hay “rất tốt.” Đến năm 2014, con số đó đã trở thành 1 trong 6 người.

Nhưng cũng phải xin thêm ngay đó không phải là toàn thể câu chuyện. Một điều quan trọng là chiều hướng suy thoái hiện nay của chế độ dân chủ không phủ nhận sự tăng trưởng đáng kinh ngạc của các nền dân chủ trên thế giới từ Thế Chiến thứ 2.

Năm 1945, thế giới có 137 chế độ độc tài trong khi chỉ có 12 nền dân chủ. Đến năm 1989, số các nền độc tài giảm xuống 105 so với 51 nền dân chủ. Đến năm 2018 thì dân chủ đang dẫn trước với 99 so với 80. Dĩ nhiên phải xin thêm ngay định nghĩa dân chủ đây khá bao dung kể cả những nền dân chủ thực sự với những nền dân chủ tương đối không mấy cấp tiến. Nhà kinh tế học Max Roser của viện đại học Oxford tính là số người sống trong một nền dân chủ tăng gần gấp đôi giữa năm 1989 và 2015, từ 2 tỷ lên 4 tỷ.

Còn đáng chú ý hơn có lẽ chính là sự việc các nhà độc tài hậu 1989 cố trình bày mình là dân chủ. Nhiều nhà độc tài cố tình tổ chức những cuộc bầu cử thường xuyên và có vẻ dân chủ trong khi gian lận.

Họ cho phép báo chí bán tự do, bịt miệng khi cần. Họ giả vờ cai trị theo chế độ pháp trị, ít nhất trên giấy tờ. Và đó, theo ông Brian Klaas của nhật báo Washington Post, chính là lý do tại sao có nhiều cuộc bầu cử trên thế giới hơn bao giờ hết mặc dầu thế giới ngày càng ít dân chủ đi.

Chế độ độc tài và thiếu tự do không chết. Nhưng như chúng ta đọc, nghe và thấy hàng ngày, dân chúng lại xuống đường trên toàn thế giới, từ Hồng Kông đến Chile, Ecuador đến Algeria, Lebanon và Sudan. Lý do tại sao họ xuống đường khác biệt rất nhiều, nhưng điều họ đều chia sẻ là đòi một tiếng nói về những quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của mình. Không một người nào tham gia vào các cuộc nổi dậy khổng lồ này đòi các nhà độc tài bảo họ phải làm gì.

Tất cả họ đều đang xuống đường theo chân của những người mà cách đây 30 năm, đã đẩy vào những bức tường, những bức màn của độc tài cho đến khi sau cùng chúng sụp đổ. Những người bảo vệ cho một xã hội tự do cởi mở tiếp tục chiến đấu, và họ vẫn còn có nhiều điều để tranh đấu.

Nhưng dầu sao chăng nữa, hứa hẹn của dân chủ vẫn còn kêu gọi như đã từng kêu gọi năm 1989. Nếu không thì những nhà độc tài đã không có lý do để sợ. Mà quả thật họ đang rất sợ. (Lê Phan)

MỚI CẬP NHẬT