Charlottesville nhìn từ Âu Châu

Lê Phan

Nhiều người Mỹ và hơn thế, nhiều người Mỹ gốc Việt, không hiểu được sự sửng sốt và hoảng sợ của Âu Châu khi họ nhìn thấy trên truyền hình những đám đông rước đuốc, mang lá cờ chữ Vạn ngược của Ðức Quốc Xã và hò hét những khẩu hiệu của đám đàn em Hitler.

Từ Berlin, nơi tòa nhà Quốc Hội còn giữ lại một khoảng mái bị phá hủy cũ để nhắc nhở đừng quên quá khứ hay từ London, nơi vừa kỷ niệm cuộc giải cứu cả trăm ngàn binh sĩ Anh và đồng minh ở Dunkirk, Ðức Quốc Xã và tai họa của chủ thuyết đó vẫn còn là một phần quan trọng của ký ức dân tộc.

Lời hô dịch tiếng Anh của khẩu hiệu “Blut und Boden” (Máu và Ðất), những ngọn đuốc rực sáng, những cái chào kiểu Nazi, thái độ hung hăng và tàn nhẫn đối với ai chống lại – nói chung sự bộc lộ cuồng nộ của chủ thuyết quốc gia quá khích dựa trên chủng tộc với cả súng ống – là một nhắc nhở về một trang lịch sử mà lục địa này không bao giờ muốn mở lại.

Thái độ chấp nhận một phần nào chính nghĩa cho những người da trắng độc tôn ở Charlottesville của Tổng Thống Donald Trump của Hoa Kỳ và sự việc là một số người Mỹ nghĩ là những biểu tượng của một quá khứ đen tối đó có thể chấp nhận được nếu nó giúp đạt được những điều họ thù ghét như di dân đã làm Âu Châu không thể hiểu nổi.

Tờ Libération trong một bài xã luận viết: “Quả sự thật là ông Trump được bầu lên để đưa một nửa nước Mỹ đối đầu với nửa kia, được một số cố vấn thân cận với các nhóm cựu cực hữu và da trắng độc tôn hỗ trợ. Nhưng không ai có thể tưởng tượng một ngày thấy tổng thống Hoa Kỳ coi những người chống kỳ thị chủng tộc và đám biểu tình tân Nazi ngang nhau.”

Một nhà tư vấn chính trị Ðức, Florian Hartleb, chuyên về chủ nghĩa dân túy và cực đoan ở Âu Châu, nói là một phần lục địa cũng đang phải đối phó với những phong trào cực đoan của chính mình nên vụ Charlottesville là một tiếng chuông thức tỉnh. Nhưng điều mà Âu Châu không hiểu đặc biệt là về cách mà cuộc biểu tình chết người này được nhắc đến. Chỉ rất trễ và không phân tích rõ ràng trách nhiệm thuộc về ai. Ông giải thích: “Ðây thực sự là về phản ứng; đây là điều mà chúng tôi không quen thấy từ Hoa Kỳ.”

Sự sửng sốt ở Ðức mạnh nhất bởi vì nơi đây gánh nặng của lịch sử vẫn còn nặng trĩu.

Có lần tôi đã tới khu quảng trường rộng lớn nay điêu tàn của Ðức Quốc Xã ở Nuremburg. Ðứng ở nơi mà ta còn có thể nhớ ngay đến những đoạn phim đầu tiên về những cuộc rước đuốc và những lời hô “Blut und Boden,” thì mới hiểu vấn đề của nhân dân Ðức. Bảo vệ chúng có thể biến chúng thành một tụ điểm cho các đám tân Quốc Xã vào lúc này, đặc biệt là khi đảng chống di dân “Alternative fur Deutschland” (Con Ðường Khác Cho Ðức – AfD) đã có được một chỗ đứng dầu là rất nhỏ trong cuộc sống chính trị của đất nước. Nhưng đa số dân chúng vẫn tin là phải để cho chúng đứng vững, ngay cả khi phải tốn tiền bảo trì chúng, bởi nó sẽ bắt buộc người dân Ðức phải nhớ đến điều gì đã đưa quốc gia vào sự diệt vong của Thế Chiến 2.

Sử gia Alexander Schmidt của trung tâm tài liệu đặt ở Nuremburg đã giải thích cách duy nhất để đối diện với những di sản của Ðức Quốc Xã: “Chúng tôi không thể trốn tránh lịch sử.”

Và nó là một thí dụ cho sự nghiêm chỉnh mà Ðức nhận lãnh trách nhiệm của lịch sử. Ở Ðức, các em học sinh bị bắt buộc phải đi thăm các trại tập trung để mỗi thế hệ lại lập lại lời hứa “Không bao giờ để chuyện này xảy ra lần nữa.” Toàn thể đất nước là những đài tưởng niệm. Ðường sá và quảng trường mang tên của những người dám chống lại. Những tấm bảng đồng nhỏ ở lề đường (được gọi là cục đá để vấp chân) mang tên tuổi và chi tiết của những nạn nhân của vụ thảm sát vốn đã từng sống ở địa chỉ đó. Những tấm bảng ghi nhớ khắp nơi, ghi tên của những trại tập trung với ghi chú “Những chỗ kinh khủng mà chúng ta phải không đời nào quên.” Và đặc biệt ngay trung tâm thủ đô Berlin, một cánh đồng khổng lồ những cột màu xám, như những mộ bia nằm tận chân trời để nhắc đến bao triệu người chết trong các trại tập trung, trên bãi chiến trường, và khắp nơi, chỉ vì tham vọng của một cá nhân và sự điên cuồng của một chủ thuyết lệch lạc về chủng tộc.

Và để cho quá khứ điên cuồng đó không tái diễn, luật pháp Ðức rất khắc nghiệt. Hai công dân Trung Quốc bị bắt và phạt vạ vì chào kiểu Hitler ở trước tòa nhà Quốc Hội. Chính trong bầu không khí chính trị đó, chúng ta thấy là ngay cả những đảng bị coi là cực hữu như AfD hay Front National (Mặt Trận Dân Tộc) ở Pháp, những đảng nghi ngờ Âu Châu và chủ trương quốc gia chủ nghĩa, cũng thấy khó chấp nhận sự trắng trợn chấp nhận Ðức Quốc Xã và da trắng độc tôn cũng như bài Do Thái của tổng thống Hoa Kỳ.

Lằn ranh giữa điều gì có thể chấp nhận được và điều gì không rất rõ rệt. Thủ Tướng Angela Merkel nói là tương lai của Ðức dựa trên việc tiếp tục hiểu cuộc thảm sát Do Thái là “sự phản bội tột cùng của các giá trị văn minh.” Khi Thủ Tướng Benyamin Netanyahu của Israel đưa ý kiến là giáo chủ Jerusalem của Hồi Giáo đề nghị tiêu diệt người Do Thái với Hitler, bà lễ phép nhưng cương quyết sửa sai ông: “Ðức chịu trách nhiệm hoàn toàn cho vụ thảm sát.” Ðối thủ của bà, ông Martin Schulz của đảng Dân Chủ Xã Hội, thường tức giận hét: “AfD không phải là ‘một giải pháp khác cho Ðức’ mà là ‘một sự sỉ nhục cho Ðức.’”

Các nhà bình luận và chính trị gia bảo vệ biên giới tinh thần này một cách rất hăng say. Họ chẳng hạn sẽ từ chối sử dụng một số danh từ của phe cực hữu. Họ sẽ cố không chỉ trích đối lập là “phản bội” hay “phá hoại” hay những danh từ tương tự. Di dân rất ít khi được gọi là một đám hay một bầy. Tờ Bild Zeitung, tờ báo lá cải cánh hữu và là tờ báo được đọc nhiều nhất ở Ðức, đã chỉ trích một số chính sách di dân của chính phủ. Nhưng họ tự hào là vẫn ủng hộ nguyên tắc chào đón người ngoại quốc đang cần được giúp đỡ. Hồi năm 2015, chủ bút của tờ báo còn chứng tỏ bằng cách nhận một số người tỵ nạn cho tạm trú ở nhà mình.

Ở khía cạnh đó, cuộc đối thoại chính trị ở Ðức quả là trưởng thành hơn là ngay chính ở Anh. Tôi đã có mặt ở Berlin khi cuộc tấn công khủng bố vào khu chợ Tết xảy ra. Luận điệu trên báo chí, truyền thông bình tĩnh và dựa trên sự kiện, không đồn đoán và không hốt hoảng. Thật khác xa khi về nước và nhìn thấy những hàng tít nóng bỏng trên những tờ như The Sun.

Và thái độ nghiêm chỉnh đó tiếp tục. Ở trong nước, khi những di dân Hồi Giáo tức giận với Israel, chuyển sang luận điệu bài Do Thái hồi năm 2014, Thủ Tướng Angela Merkel nói thật rõ lập trường của chính phủ và nhân dân Ðức: “Sự việc là ngày nay có trên 100,000 người Do Thái sống ở Ðức phải được coi như là một phép lạ. Nó là một món quà quý báu làm tôi vô cùng cảm tạ… Cuộc sống Do Thái là một phần của đất nước chúng ta. Nó là một phần của bản chất và văn hóa chúng ta.”

Ở Anh, trong khi đó, Thủ Tướng Theresa May, vốn bị chỉ trích rộng rãi ở trong nước trong việc tìm cách tạo liên hệ mật thiết với ông Trump trong nửa đầu năm tại chức của ông, tuyên bố sau khi tổng thống lập lại lập luận của mình là những kẻ da trắng độc tôn và chống biểu tình đều có lỗi. Bà May nói: “Không có một sự tương đồng, tôi không thấy có một sự tương đồng giữa những người truyền bá lập trường Phát Xít và những người chống lại họ, và tôi nghĩ quan trọng cho tất cả những ai trong vị trí trách nhiệm phải lên án các lập trường cực hữu ở bất cứ nơi nào.”

Lãnh tụ đảng đối lập cánh trung dung ở Anh, đảng Dân Chủ Tự Do, nói bà May nên hủy lời mời ông Trump công du Anh. Ông Vince Cable tweet: “Sau khi @realDonaldTrump đã tìm cách bao che cho sát nhân và hận thù bởi #WhiteSupremacists tại sao ông ta vẫn còn trong danh sách những quốc khách của Anh?”

Ngay cả các đảng cực hữu vốn trước kia chào đón những thông điệp quốc gia cực doan của Tổng Thống Trump, lần này cũng chỉ trích lập trường của ông. Phó chủ tịch của đảng Front National và cựu trưởng ban vận động tranh cử của bà Marine Le Pen nói: “Ðó là những người chủ trương da trắng độc tôn và kỳ thị sắc tộc. Họ cần phải bị lên án một cách thật rõ ràng.”

Tờ Guardian của London giải thích rõ nhất thái độ của Âu Châu: “Nếu những lời của ông Donald Trump về sự động viên của đám da trắng độc tôn bạo động ở Virginia hôm Thứ Bảy là một sự bày tỏ cho linh hồn của đất nước ông thì Hoa Kỳ có thể đang trên đường đi đến diệt vong.”

Âu Châu phản ứng mạnh vì Âu Châu từng thấy sự phá hoại của các chủ nghĩa cực đoan cánh hữu.