Friday, April 19, 2024

Chiến tranh Nga-Ukraine chưa có hy vọng kết thúc

Hiếu Chân/Người Việt

Cuộc chiến tranh tàn khốc đã 10 tháng ở Ukraine chắc chắn sẽ kéo dài sau khi cả hai phía trong tuần qua đều cố vận động thêm sự hỗ trợ từ bên ngoài và đưa ra những thông điệp khó tin cậy.

Tổng Thống Volodymyr Zelensky vui mừng sau khi nhận lá cờ Mỹ do Dân Biểu Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ Viện Mỹ, tặng sau khi ông chấm dứt bài diễn văn trước Quốc Hội Hoa Kỳ. (Hình: Mandel Ngan/AFP via Getty Images)

Kẻ gây chiến, Tổng Thống Vladimir Putin của Nga, hôm 19 Tháng Mười Hai có chuyến viếng thăm chớp nhoáng tới Belarus – đồng minh thân cận nhất của Nga và là nước giáp biên giới phía Bắc Ukraine. Chỉ hai ngày sau đó, Tổng Thống Volodymyr Zelensky của Ukraine bay tới thủ đô Washington, DC, hội đàm với Tổng Thống Joe Biden và đọc bài một phát biểu ấn tượng trước các nhà lập pháp lưỡng đảng Quốc Hội Hoa Kỳ.

Trong lúc đó, chiến trận vẫn diễn ra hết sức khốc liệt ở phía Đông và phía Đông Nam Ukraine và phi pháo Nga vẫn tiếp tục dội xuống các thành phố Ukraine, kể cả thủ đô Kiev, đẩy hàng chục triệu người dân nước này vào cảnh tối tăm và lạnh giá trong ngày Đông Chí.

Chuyến đi Belarus của ông Putin được báo chí Nga đưa tin là để bàn về hợp tác kinh tế, nhưng việc ông dắt theo Bộ Trưởng Quốc Phòng Sergei Shoigu và Bộ Trưởng Ngoại Giao Sergei Lavrov khiến cho người ta hoài nghi rằng, ông Putin đang vận động Belarus và chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới từ Belarus vào lãnh thổ Ukraine. Hồi đầu cuộc chiến, quân Nga từ Belarus tiến vào thủ đô Kiev và thất bại thảm hại. Bây giờ Moscow có thể lặp lại kịch bản cũ với sự chuẩn bị đầy đủ hơn. Tình báo quốc tế ghi nhận từ Tháng Mười vừa qua, Nga bắt đầu chuyển ít nhất 10,000 quân cùng với các hệ thống hỏa tiễn phòng không đến Belarus, phối hợp với khoảng 10,000-15,000 quân Nga đang đồn trú tại đó với danh nghĩa phối hợp tập trận và huấn luyện.

Sau cuộc hội đàm với Tổng Thống Alexander Lukashenko của Belarus, ông Putin nói với báo chí rằng hai bên đã “thảo luận chi tiết về việc hình thành một không gian phòng thủ chung” và thực hiện một “học thuyết quân sự chung” mà không cho biết học thuyết đó là gì, không gian phòng thủ đó như thế nào.

Chuyến thăm Hoa Kỳ của ông Zelensky cũng nhằm vận động chính quyền Mỹ, cả hành pháp và lập pháp, tiếp tục và gia tăng viện trợ cho cuộc kháng chiến của Ukraine. Ông Zelensky hiểu rõ, người Mỹ yêu quý tự do và dân chủ hơn cả máu của mình, nên dù chiến tuyến ở xa nước Mỹ nửa vòng trái đất, Mỹ vẫn sẵn sàng chia sẻ gánh nặng chiến phí. Ông Zelensky nói với Quốc Hội Mỹ “đồng tiền viện trợ Ukraine của các bạn không phải là tiền từ thiện mà là sự đầu tư chính đáng cho an ninh và dân chủ của thế giới” và lời nói đó đã có hiệu quả vượt cả mong đợi.

Chuyến đi chớp nhoáng, chỉ trong chưa đầy 10 tiếng đồng hồ, của ông Zelensky góp phần thuyết phục Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua khoản viện trợ $45 tỷ cho Ukraine trong dự luật ngân sách 2023, nhiều hơn yêu cầu của chính quyền Biden. Trước đó, trong cuộc hội đàm với ông Zelensky, Tổng Thống Biden chính thức công bố sẽ viện trợ vũ khí thêm $1.8 tỷ cho Ukraine, trong đó có hệ thống hỏa tiễn phòng không Patriot. Ông Biden cũng cam kết tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine chừng nào nước này còn cần, và ca ngợi nhân dân Ukraine đã “truyền cảm hứng cho thế giới.”

Xem ra, cả Nga và Ukraine đều đang cố leo thang và mở rộng cuộc chiến lên một quy mô mới.

***

Sau chuyến đi Belarus, trong cuộc họp hội đồng an ninh quốc gia Nga ngày 21 Tháng Mười Hai, ông Putin lần đầu tiên thừa nhận tình hình chiến trường Ukraine là một thảm kịch nhưng ông không biểu lộ bất kỳ cảm giác tội lỗi, hối tiếc hoặc nản chí nào. Trái lại, ông đổ lỗi cho Hoa Kỳ và NATO âm mưu “phá vỡ thế giới của Nga” và tuyên bố sẽ tiếp tục chiến đấu. Về cam kết của ông Biden viện trợ cho Ukraine, ông Putin cay cú: “Những người làm việc đó chỉ làm chuyện vô ích, chỉ kéo dài thêm xung đột,” theo báo The Independent của Anh.

Ông Putin cũng xác nhận tên lửa siêu thanh Sarmat mới của Nga, biệt danh là “Satan II,” sẽ sớm sẵn sàng để triển khai. Đây là loại hỏa tiễn siêu thanh (hypersonic), có thể di chuyển nhanh gấp 5 đến 25 lần tốc độ âm thanh, loại vũ khí mà Nga tuyên bố là độc nhất vô nhị, mang được đầu đạn nguyên tử.

Trong chiến tranh, có đòn thật và đòn gió. Có thật ông Putin muốn mượn đường Belarus để tấn công Kiev từ hướng Bắc hay chỉ là đòn “giương Đông kích Tây” để kéo quân đội Ukraine về hướng biên giới Belarus, giảm áp lực đang đè lên quân Nga ở chiến trường phía Đông và Đông Nam Ukraine hay không? Hỏa tiễn Sarmat của Nga có “vô địch” như lời ông Putin hay cũng chỉ như những loại hỏa tiễn mà Nga đang dội xuống các đô thị Ukraine? Và vũ khí nguyên tử mà ông Putin lâu lâu lại đem ra hù dọa sẽ được sử dụng trong thực tế chiến trường hoặc mãi mãi vẫn chỉ là trò rung cây nhát khỉ? Thật khó mà biết được.

Có một chuyện có thể tin chắc là cuộc chiến Ukraine đang leo thang và lan rộng, theo đà này khả năng xảy ra đối đầu trực tiếp giữa Nga với các lực lượng NATO do Hoa Kỳ dẫn đầu là không còn xa. Hai tuần trước, hôm 9 Tháng Mười Hai, ông Jens Stoltenberg, tổng thư ký NATO, đưa ra nhận định khá bi quan rằng lòng tin giữa Nga và NATO đã biến mất và “không nghi ngờ khả năng nổ ra cuộc chiến tranh toàn diện ở Châu Âu.”

Một cuộc chiến tranh toàn diện Nga-NATO là điều không ai mong muốn, và tất cả đều có thể trở thành nạn nhân.

***

Nếu có một tín hiệu lạc quan thì đó là ông Putin tái khẳng định Nga sẵn sàng đàm phán với Ukraine về chấm dứt xung đột.

“Bằng cách này hay cách khác, tất cả các cuộc xung đột vũ trang đều kết thúc bằng đàm phán. Những người chống lại chúng ta càng sớm hiểu ra điều đó thì càng tốt. Chúng tôi không bao giờ từ chối các cuộc đàm phán,” ông Putin nói, theo AP. “Mục tiêu của chúng tôi không phải là leo thang xung đột quân sự, mà ngược lại, là chấm dứt cuộc chiến này. Chúng tôi sẽ cố gắng chấm dứt chuyện này, và tất nhiên là càng sớm càng tốt.”

Có thật ông Putin muốn chấm dứt cuộc chiến bằng giải pháp ngoại giao? Hay đây chỉ là một thủ đoạn “câu giờ” của ông nhằm có thêm thời gian củng cố lực lượng sau nhiều thất bại trầm trọng trên chiến trường?

Đàm phán giữa Nga và Ukraine đã từng diễn ra ở Tehran, Iran, do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian. Nhưng đàm phán nhanh chóng bế tắc vì lập trường của hai bên cách nhau rất xa. Ông Putin muốn Ukraine phải chấp nhận thực tế là một số vùng lãnh thổ của họ đã bị Nga xâm chiếm và sáp nhập trong khi Ukraine cương quyết đòi Nga phải rút quân và hoàn trả những vùng lãnh thổ của Ukraine theo đường biên giới đã được quốc tế công nhận trước khi nổ ra chiến tranh.

Bây giờ quân đội Ukraine đang có lợi thế trên chiến trường và sự tàn bạo của quân Nga ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và đối với Ukraine nói chung càng khiến người dân Ukraine không chấp nhận yêu sách của Moscow và quyết đòi lại toàn bộ lãnh thổ, kể cả bán đảo Crimea bị Nga chiếm từ năm 2014.

Đòi hỏi của Ukraine có nghĩa là Nga phải thừa nhận thất bại hoàn toàn – điều mà ông Putin sẽ không bao giờ làm. Lịch sử cho thấy, mỗi lần thất bại trong chiến tranh thì chính quyền Moscow lại sụp đổ vì đảo chính hay cách mạng, và thất bại trước Ukraine chắc chắn sẽ đem lại một hậu quả tương tự.

Sau tuyên bố của ông Putin, ông John Kirby, phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ, cho biết ông Putin “hoàn toàn không cho thấy dấu hiệu sẵn sàng đàm phán để chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine.

“Hoàn toàn ngược lại. Tất cả những gì ông ấy đang làm trên mặt đất và trên không đều chứng tỏ ông muốn tiếp tục gây thiệt hại cho người dân Ukraine,” ông Kirby nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo trực tuyến.

Năm 2022 sắp kết thúc nhưng hy vọng kết thúc cuộc chiến lớn nhất Châu Âu xem ra còn quá xa xôi. [đ.d.]

MỚI CẬP NHẬT