Tuesday, April 23, 2024

Công nhân Pháp không bỏ được thói quen cũ

Lê Mạnh Hùng

Tháng Ba vừa qua chính phủ Pháp đưa ra dự luật cải tổ luật lao động cũ. Dự luật này, có tên là dự luật El Khomri lấy tên bà Myriam El Khomri, bộ trưởng lao động, cắt giảm một cách đáng kể những bảo vệ đối với công nhân tỷ như điều khoản 2 cho phép chủ nhân quyền tự do thương thuyết các hợp đồng địa phương mà phúc lợi có thể thấp hơn tiêu chuẩn quốc gia. Mục tiêu là khuyến khích các xí nghiệp tuyển nhân công – tạo công ăn việc làm – một mục tiêu chính trị quan trọng trong tình trạng tỉ lệ thất nghiệp tại Pháp cứ bị mắc kẹt ở mức cao khoảng 10% trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của ông Francois Hollande.

Tuy nhiên đạo luật này đã bị chống đối mạnh mẽ. Theo một cuộc khảo sát ý kiến, nó bị bác bỏ bởi từ một nửa đến hai phần ba dân chúng Pháp và hàng ngàn những người phản đối đã biểu tình tuần hành trên khắp nước Pháp với những đụng độ càng ngày càng bạo động giữa các nhóm vô chính phủ đeo mặt nạ casseurs và cảnh sát. Đã có những cuộc đình công tại những khu vực kinh tế then chốt như giao thông vận tải (hỏa xa, đường lộ và hàng không) cũng như năng lượng. Nhà máy lọc dầu và các kho dầu bị phong tỏa và nhiều trạm xăng dầu có lúc không có xăng dầu để bán.

Hiện chưa có dấu hiệu sự chống đối này lúc nào kết thúc. Dưới sự lãnh đạo của Philippe Martinez, Tổng Công Đoàn Lao Động Pháp (CGT) – tổ chức công nhân lâu đời nhất của Pháp – nhất quyết đòi hỏi chính phủ phải rút lại toàn bộ đạo luật này mà dự trù sẽ được đưa ra lại Quốc Hội vào Tháng Bảy. Trong khi chờ đợi, các cuộc biểu tình và đình công sẽ tiếp tục diễn ra tại Pháp cho đến khi bắt đầu giải túc cầu Euro 2016 sắp bắt đầu tuần này.

Chống đối gay gắt mọi va chạm đến quyền lợi của mình là một truyền thống lâu đời của Pháp. Năm ngoái những người chống đối xé rách áo một quan chức công ty Air France tại phiên họp với đại diện công nhân bàn về việc công bố việc sa thải một số công nhân. Những cuộc động viên công nhân phản đối những cố gắng cắt giảm quyền lợi này nhiều khi rất hữu hiệu. Năm 2006, sau những cuộc biểu tình trên khắp nước Pháp thủ tướng Pháp lúc đó, ông Dominique de Villepin bị buộc phải rút lại dự luật cải tổ của ông cho phép chủ nhân ký với những công nhân trẻ những hợp đồng làm việc không có những điều khoan bảo vệ chống lại sa thải

Cuộc đụng độ lần này xảy ra vào năm cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống của ông Hollande. Đảng Xã Hội cầm quyền của ông có hiện đang chia rẽ gay gắt giữa phe ủng hộ ông và phe chống đối cánh tả frondeurs. Họ nói rằng dự luật này không hề có trong chương trình tranh cử của ông Hollande năm 2012. Vỡ mộng với những hứa hẹn của chính phủ đặc biệt nổi bật trong giới trẻ mà hàng ngàn tham gia phong trào phản đối Nuit Debout chiếm giữ quảng trường Place de La République tại Paris vào Tháng Tư.

Thế nhưng từ bản chất cho đến cung cách mà các cuộc phản đối này được thực hiện nó cũng thể hiện một số những yếu tố tiêu cực của văn hóa xã hội Pháp. Người ta tìm cách thu gọn một vấn đề phức tạp xuống thành một cuộc đối kháng nhị nguyên (Manuel Valls, thủ tướng Pháp diễn tả việc này như là một cuộc chiến giữa “cải tổ và thụt lùi”) và một sự từ chối không chấp nhận dung nhượng. Ngoài ra còn có một sự cách ly giữa giới lãnh đạo và những người theo họ (đúng cả đối với phe chính phủ mà đảng Xã Hội nay không còn có một cơ sở mạnh mẽ trong tầng lớp công nhân cũng như phong trào nghiệp đoàn bị phân hóa và chi phối bởi những nghiệp đoàn công chức hoặc quốc doanh). Thành ra có khuynh hướng rằng các lập trường cực đoan sẽ chiến thắng – những người frondeurs lúc gần đây còn tìm cách đưa ra một nghị quyết bất tín nhiệm chính phủ của đảng họ.

Nội chiến bên trong cánh tả là một cơ hội trời cho cho bà Marine Le Pen của Front National vốn chống lại đao luật El Khomri và vì vậy đang thấy sự ủng hộ tăng vọt với những lời tố cáo giới “thượng lưu chính trị Paris.”

Các cuộc bầu cử tổng thống đôi khi giúp giải quyết những tranh chấp xã hội, nhưng cuộc bầu cử năm 2017 khó có triển vọng làm vậy. Người đang dẫn trước hiện nay là ông Alain Juppé thuộc đảng Tân – Gaullist trung hữu Les Républicains. Ông có thể chiến thắng một cách dễ dàng trong cuộc bầu cử nếu ông vượt qua được giai đoạn bầu cử sơ bộ trong đảng nơi mà cựu tổng thống Nicholas Sarkozy đang lăm le ra trở lại. Nhưng kế hoạch của ông Juppé muốn hủy bỏ chế độ làm việc 35 giờ một tuần và cắt giảm công chi khó có triển vọng tạo ra hăng say trong quần chúng. Và ông cũng là một khuôn mặt cũ. Năm 1995, trong khi ông làm thủ tướng ông cũng đã đưa những đề nghị cắt giảm phúc lợi tạo ra các cuộc biểu tình và đình công gay gắt.

Về phần đảng Xã Hội có triển vọng lần này sẽ thua thê thảm. Người ta hy vọng rằng một đảng Dân Chủ Xã Hội thực sự sẽ dần dà nổi lên từ đống tro tàn của đảng Xã Hội cũ của ông Hollande, nối lại quan hệ với phong trào công nhân và học từ mô hình Bắc Âu vốn cho thấy ta có thể phối hợp một mức độ nhân dụng cao với những bảo vệ vững chắc cho người công nhân.

MỚI CẬP NHẬT