Tuesday, April 16, 2024

CSVN ‘nhất thể hóa 3 thành 1’: Độc tài tập thể thành độc tài cá nhân

Phạm Chí Dũng

Một mối nguy hiểm rất lớn đang đe dọa toàn bộ thể chế hành chính, lập pháp và hơn 90 triệu người dân nước Việt: chính sách “nhất thể hóa” của đảng cầm quyền sẽ biến hóa tình trạng độc tài tập thể thành độc tài cá nhân, đẩy vọt vị thế “độc tôn tham nhũng” của các lãnh chúa địa phương, phát sinh nạn cát cứ quyền lực cùng sứ quân địa phương lan rộng, dẫn đến chia tách từng mảng vùng miền và còn có thể làm méo mó xáo trộn bản đồ Việt Nam.

Đó là chủ trương dự kiến “bí thư kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân và hội đồng nhân dân.”

Mất sạch quyền dân

Hội Nghị Trung Ương 6 của đảng cầm quyền diễn ra vào nửa đầu Tháng Mười, 2017 đã vừa xoáy mạnh vào “tinh gọn bộ máy” cùng “nhất thể hóa.” Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1975, chủ đề “nhất thể hóa” được đảng chi tiết hóa một cách ráo riết như hiện thời.

Trong bài phát biểu kết thúc Hội Nghị Trung Ương 6, Tổng Bí Thư Trọng chỉ đạo: “… Cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân; thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân cấp huyện, cấp xã những nơi có đủ điều kiện…”

Vấn đề tổ chức lại thể chế chính trị cấp xã, huyện đã được đặt ra từ mấy năm trước, đặc biệt từ sau Đại Hội 12 vào đầu năm 2016. Trong đó, Hội Đồng Nhân Dân cấp xã và có thể cả cấp huyện cũng được đặt vấn đề cần giải thể mà chỉ duy trì bộ máy đảng và hành chính ở hai cấp này. Như vậy ngay sau Hội Nghị Trung Ương 6, chỉ đạo của đảng đã rõ: Hội đồng nhân dân cấp xã, huyện sẽ bị bỏ ở những địa phương “có đủ điều kiện,” nhưng cũng có thể hiểu là cơ chế này có thể thực hiện ở cả những địa phương “chưa hội đủ điều kiện nhưng do yêu cầu tái sắp xếp lại bộ máy để tinh gọn và giảm biên chế.”

Theo đó, quyền lực của các cơ quan dân cử ở cấp xã và huyện, dù trước đó vẫn chỉ tồn tại trên danh nghĩa như một thực thể bù nhìn và “gật” hoặc “giơ tay” theo ý chỉ của cấp ủy đảng địa phương, sắp tới sẽ hoàn toàn biến mất. Cơ hội cuối cùng của người dân phản hiện thông qua Hội đồng nhân dân cấp xã, huyện – dù trước đây đã quá hiếm muộn, trong tương lai cũng bị phủi sạch. Toàn bộ quyền lực về đường lối và điều hành cụ thể sẽ do vai trò duy nhất của người đứng đầu là bí thư xã hoặc bí thư huyện khi những người này “kiêm sạch.”

Nhưng vẫn còn một câu hỏi: “nhất thể hóa” chỉ tiến hành ở quy mô cấp xã và huyện thôi hay còn “lên” nữa?

“Giới tinh hoa” hay “đảng nát như tương”?

Cho dù ý chỉ của Tổng Bí Thư Trọng tại Hội Nghị Trung Ương 6 đề cập về “quy mô xã, huyện,” nhưng ngay sau hội nghị này, đã có những quan chức có trách nhiệm của đảng nói thẳng về tương lai gần nhất thể hóa là “bí thư tỉnh kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân và hội đồng nhân dân tỉnh.” Cựu Thứ Trưởng Nội Vụ Nguyễn Tiến Dĩnh và Phó Bí Thư Thường Trực Tỉnh Ủy Quảng Ninh Đỗ Thị Hoàng là những quan chức phát ra thông điệp trần trụi như thế.

Trong khi đó, giới quan chức, đặc biệt là những quan chức về hưu, lại bộc lộ mối lo ngại về việc “nếu nhất thể hóa chức danh đảng và chính quyền mà không chọn được người có đủ tài và tâm thì nguy cơ tha hóa và tiêu cực sẽ rất lớn.”

Nhưng làm thế nào để đảng chọn được “người có tâm có tầm” hay “giới tinh hoa” bố trí vào 63 cái ghế đầu não của 63 tỉnh thành, trong tình cảnh quá nhiều người từ trong nội bộ đến dân chúng phải thốt lên “đảng nát như tương,” nhìn đâu cũng thấy tham nhũng quan chức, và dù chưa “nhất thể hóa” mà một phó tổng biên tập Tạp Chí Cộng Sản là ông Nhị Lê đã phải ca thán về tình trạng “có hàng trăm sứ quân”?

Vào khoảng thời gian cuối năm 2015, trước Đại Hội 12, giới lý luận của đảng đã bắt đầu bộc lộ mối lo ngại về nạn cát cứ quyền lực ở nhiều địa phương. Khi đó, đã bắt đầu rộ lên phong trào “đánh nhau lớn” ở Yên Bái, Thanh Hóa, Đà Nẵng và “đánh nhỏ” ở nhiều tỉnh thành khác. Cũng vào thời gian cuối năm 2015, có nhiều dấu hiệu cho thấy thực trạng sứ quân và cát cứ quyền lực địa phương đã trở thành mối lo sợ lớn nhất của đảng, chứ không phải là “thế lực thù địch” hay phong trào dân chủ nhân quyền trong nước.

Tuy nhiên, nhận thức quá muộn màng là một chuyện, còn có cải hóa được thực trạng hay không lại là một chuyện hoàn toàn khác biệt. Kể từ sau đại hội 12 đến nay, bất chấp việc Tổng Bí Thư Trọng đã phần nào “trấn” được Cựu Thủ Tướng Dũng và phe cánh của ông này, tình trạng cát cứ quyền lực và sứ quân địa phương không những không giảm mà còn tăng lên. Ở nhiều địa phương, mỗi bí thư tỉnh hay chủ tịch tỉnh, hoặc cả hai, đã trở thành những ông vua không ngai. Khái niệm “vua tập thể” mà Cựu Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An ví von trước đây đã trở nên lạc hậu. Giờ đây, quyền hành và lợi ích nhóm không còn là đặc quyền của cấp bộ chính trị mà còn ăn sâu xuống các ủy viên trung ương là người đứng đầu tỉnh thành.

Tương lai “nhất thể hóa” theo cách “bí thư kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân và hội đồng nhân dân” – một dạng “chính ủy chuyên quyền 3 thành 1” – hầu như chắc chắn sẽ được “đánh lên,” tức từ cấp xã, huyện lên thẳng cấp tỉnh thành. Nếu trước đây ở một số tỉnh thành còn thí điểm cơ chế bí thư tỉnh kiêm chủ tịch hội đồng nhân dân, nhưng cơ cấu quyền lực vẫn còn phân nhánh theo phương thức “nhị quyền phân lập” – tức bí thư tỉnh và chủ tịch tỉnh là hai nhân sự khác nhau và cách nào đó kiểm soát quyền lực lẫn nhau, thì nếu thực hiện cơ chế “3 thành 1,” các “chính ủy” sẽ “quyết” hết, từ vấn đề nhân sự đến điều hành kinh tế – xã hội, và cả những dự án màu mỡ có nguồn vốn từ ngân sách và viện trợ ODA. Sẽ không có chuyện “chính ủy” phải hỏi hoặc xin ý kiến của Hội Đồng Nhân Dân tỉnh thành về quyết sách này quyết sách kia.

Tương lai trở về thời lãnh chúa địa phương lại được củng cố bởi một dấu hỏi – nghi ngờ quá lớn chưa hề được giải đáp: vì sao khi “nhất thể hóa 3 thành 1,” đảng lại hầu như không đưa ra bất kỳ cơ chế nào để kiểm soát quyền lực? Có phải đảng muốn lờ đi cơ chế kiểm soát quyền lực để không còn cơ quan nào có thể giám sát những gì đảng sẽ làm?

Thậm chí sau một thời gian thực hiện “3 thành 1” mà chẳng bị kiểm soát quyền lực, rất dễ để “giới tinh hoa” của đảng coi sóc linh hồn dân ở nhiều địa phương sẽ biến những địa phương đó thành một vương quốc riêng của mình. Thậm chí rất có thể sẽ xuất hiện những “chính ủy chuyên quyền” tham vọng và liều lĩnh nhất khi nghĩ đến việc tự trang bị cho địa phương mình một “lực lượng vũ trang” riêng, bao gồm vừa công an vừa quân đội…

Ông Quang, ông Phúc, bà Ngân sẽ “về” đâu?

Cấp tỉnh thành e rằng vẫn chưa phải hết. Vì “nhất thể hóa” ở cấp xã , huyện và tỉnh thành mới chỉ mang tính “thí điểm.” Điều gì sẽ tiếp đến sau chiến dịch thí điểm này? Sẽ “nhất thể hóa” các chức danh đảng và chính quyền ở cấp cao hơn – trung ương đảng, nhà nước và chính phủ?

Đó là một khả năng hoàn toàn không viển vông. Nếu kịch bản “chủ tịch nước kiêm tổng bí thư” đã được đảng đưa ra bàn trong vòng 15 năm qua và ngày càng bàn rôm rả lẫn quyết tâm theo “mô hình Tập Cận Bình” ở Trung Quốc, thì tương lai “gom” hai chức danh mà hiện thời đang thuộc ông Nguyễn Phú Trọng và ông Trần Đại Quang làm một sẽ không phải quá xa xôi.

Chỉ còn là bài toán quá khó giải: nếu ông Trọng kiêm chủ tịch nước thì ông Quang đi đâu, hoặc ông Quang kiêm tổng bí thư thì ông Trọng đi đâu…

Vẫn chưa phải hết. Mô hình “nhất thể hóa” chức danh và cả nội dung giữa đảng và chính quyền tất yếu phải dẫn đến cơ chế “gom” hai vị trị tổng bí thư và thủ tướng chính phủ làm một, theo đúng tinh thần “bí thư kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân” ở cấp tỉnh thành đã được “thí điểm.”

Khi đó, nếu ông Trọng kiêm thủ tướng thì ông Phúc sẽ làm gì, và ngược lại, nếu ông Phúc kiêm tổng bí thư thì ông Trọng sẽ đi đâu?

Cách đây ba chục năm, đã từng có vài đề án đề nghị “nhất thể hóa” theo hướng sáp nhập các ban đảng với cơ quan chính quyền để tinh gọn và thống nhất bộ máy. Đây là một chủ trương hợp lý với ít nhất một ý nghĩa là làm giảm bớt gánh nặng ngân sách và do đó giảm bớt tiền đóng thuế của dân phải chi cho một bộ máy ăn không ngồi rồi và chỉ tay năm ngón, chỉ có điều cho tới giờ mới được đảng “quyết tâm.”

Nhưng những đề án tinh gọn bộ máy trước đây không đến nỗi tham vọng ghê gớm như cơ chế “chính ủy chuyên quyền” tước sạch các quyền dân như hiện nay.

Cuối cùng, không thể không nói đến Quốc Hội và bà Nguyễn Thị Kim Ngân.

Nếu chiếu theo tinh thần “bí thư kiêm chủ tịch hội đồng nhân dân” mà đã được “thí điểm” ở các tỉnh thành, vai trò của Quốc Hội, cho dù có được cho giữ lại mà không phải giải thể, cũng chẳng còn tác dụng gì nữa. Sẽ không còn chuyện Quốc Hội được giám sát hoạt động của Chính phủ, càng không có chuyện Quốc Hội nhòm ngó vào các đề án kinh tế và đặc biệt là tình hình tài chính, ngân sách của chính phủ lẫn của đảng. Khi đó, toàn bộ ghế và quyền lập pháp sẽ vào tay đảng trị. Khi đó, bà Kim Ngân sẽ biết làm gì cho hết ngày giờ? (Phạm Chí Dũng)

MỚI CẬP NHẬT