Friday, April 19, 2024

Hoa Kỳ ‘lưỡng đầu thọ địch’

Hiếu Chân/Người Việt

Tổng Thống Joe Biden cầm quyền chưa được 100 ngày nhưng chính sách đối ngoại “nước Mỹ trở lại” mà ông đề ra đã làm cho các đối thủ Nga và Trung Quốc hoảng hốt và ra đòn đối phó.

Đài Loan hạ thủy tàu vận tải đổ bộ Ngọc Sơn ở thành phố Cao Hùng ngày 13 Tháng Tư, 2021. Con tàu 10,000 tấn này có tên Ngọc Sơn (cũng là tên ngọn núi cao nhất ở Đài Loan) do tập đoàn CSBC (Đài Loan) đóng với chi phí $162 triệu. Lễ hạ thủy tàu này là “bước ngoặt” trong các kế hoạch đóng tàu chiến nội địa của Đài Loan giữa căng thẳng với Trung Quốc. (Hình: AP Photo/Chiang Ying-ying)

Trong vài tuần qua, thế giới nín thở chứng kiến Bắc Kinh gia tăng hoạt động đe dọa Đài Loan và các vùng biển lân cận trong khi Moscow bất ngờ điều động số lượng lớn quân đội và vũ khí ở biên giới với Ukraine và bán đảo Crimea.

Trang BBC dẫn các nguồn tin tình báo Ukraine cho biết lực lượng bổ sung của Nga tại biên giới đã lên tới 16 đơn vị cấp tiểu đoàn, gồm 14,000 lính. Còn theo tổng thống Ukraine, Nga hiện có tổng cộng khoảng 40,000 binh sĩ ở biên giới phía Đông và khoảng 40,000 lính ở Crimea – bán đảo thuộc Ukraine bị sáp nhập vào lãnh thổ Nga năm 2014.

Ở Châu Á, Bộ Quốc Phòng Đài Loan nói có 25 máy bay Trung Quốc, gồm 18 chiến đấu cơ, cùng bốn oanh tạc cơ có thể mang vũ khí hạt nhân, hai phi cơ săn ngầm và một máy bay trinh sát đã đi vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) nước này hôm Thứ Hai, 12 Tháng Tư. Trung Quốc gần đây ngày nào cũng cho phi cơ xâm nhập không phận Đài Loan nhưng đây là vụ lớn nhất trong một năm và xảy ra giữa lúc Mỹ cảnh báo về một “Trung Quốc ngày càng hung hăng.”

Cho đến nay, chưa ai biết chính xác Tổng Thống Nga Vladimir Putin và Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có ý đồ gì khi diễu võ dương oai, điều động quân lực giữa lúc chưa có dấu hiệu nào cho thấy an ninh, lãnh thổ của Nga hoặc Trung Quốc bị đe dọa.

Nhiều bình luận gia cho rằng, hành động quân sự của Nga và Trung Quốc chủ yếu nhắm tới dư luận trong nước, giải quyết những thách thức về đối nội hơn là chuẩn bị cho các cuộc xung đột vũ trang. Ở Nga ông Putin đang gặp nhiều vấn đề, từ kinh tế đình đốn do giá dầu sụt giảm và sự bất bình của dân chúng sau vụ đầu độc không thành nhà đấu tranh đối lập Alexei Navalny dẫn tới hàng trăm cuộc biểu tình trên khắp nước.

Ở Trung Quốc, đảng Cộng Sản cầm quyền đang chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày thành lập vào Tháng Bảy tới. Sự kiện chính trị lớn này là dịp để đảng Cộng Sản Trung Quốc ca tụng những thành quả lãnh đạo Trung Quốc từ “một thế kỷ ô nhục” tới vị thế cường quốc hàng đầu thế giới. Nhưng với người Trung Quốc, có một “giấc mộng chưa thành” là Đài Loan vẫn chưa “quy hồi cố quốc!”

Tuy cả Nga và Trung Quốc đều sử dụng thủ đoạn “xuất cảng xung đột,” gây sự với bên ngoài để che giấu những khuyết tật của chế độ và biện minh cho chính sách kềm kẹp xã hội, nhưng những sự kiện hiện nay không chỉ nhằm đánh lạc hướng dư luận trong nước mà là phản ứng ban đầu chống lại sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ – sự thay đổi đe dọa làm tiêu tan tham vọng bành trướng ảnh hưởng của họ.

Thùng thuốc súng Đài Loan

Những người Cộng Sản Trung Quốc từng kỳ vọng ông Joe Biden sẽ quay lại với chính sách hòa dịu dưới thời các tổng thống Clinton, George W. Bush và Obama, nhưng thực tế Bắc Kinh đã thất vọng khi ông Biden chẳng những tiếp tục những chính sách cứng rắn về thương mại thời ông Donald Trump mà còn đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt liên quan tới chiến dịch đàn áp ở Tân Cương, Hồng Kông, sự hung hăng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Bắc Kinh đặc biệt lo ngại chính sách của Hoa Kỳ củng cố liên minh với các nền dân chủ Châu Á như Ấn Độ, Nhật, Nam Hàn, Úc thành một mặt trận ngăn chặn Trung Quốc từ phía biển.

Đài Loan trở thành thùng thuốc súng, nơi thử thách ý chí của cả Washington và Bắc Kinh. Tuy chưa bao giờ chiếm được Đài Loan, Trung Quốc vẫn coi đây là một tỉnh ly khai và đe dọa thôn tính Đài Loan, có thể bằng vũ lực, nếu cần, theo đạo luật chống ly khai mà Trung Quốc ban hành năm 2005. Ông Tập Cận Bình muốn để lại dấu ấn trong lịch sử là nhà lãnh đạo Trung Quốc “thu hồi” được Đài Loan, điều mà cả ông Mao Trạch Đông lẫn ông Đặng Tiểu Bình đều không làm được. Mới tháng trước, ông Tập cao giọng tuyên bố: “Mọi mưu toan và hành động chia rẽ Trung Quốc [với Đài Loan] đều chắc chắn thất bại, sẽ bị nhân dân lên án và lịch sử trừng phạt.”

Về phần mình, Hoa Kỳ có nghĩa vụ hỗ trợ khả năng tự bảo vệ của Đài Loan theo đạo luật Quan Hệ Đài Loan (Taiwan Relations Act, TRA). Cho đến nay lực cản chính khiến Trung Quốc không dám động binh đánh Đài Loan là phản ứng của Hoa Kỳ. Chính quyền Biden có thể nói đã dành cho Đài Loan một vị thế đặc biệt hơn so với các chính phủ tiền nhiệm và điều đó làm Bắc Kinh lo ngại.

Chỉ tính trong tuần qua, chính phủ Hoa Kỳ đã gọi Đài Loan “là đối tác an ninh thiết yếu,” công bố hướng dẫn mới về hoạt động tiếp xúc giữa các quan chức Mỹ-Đài Loan và ra tuyên bố về “sự hỗ trợ vững chắc” (rock solid) cho Đài Loan và lên án hành động đe dọa của Trung Quốc. Trong thời gian này, khu trục hạm John McCain (DDG-56) lại đi qua eo biển Đài Loan để thực thi quyền tự do hải hành và nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt (CVN-71) quay lại Biển Đông, lần thứ ba dưới thời chính phủ Biden.

Ở nhánh lập pháp, Hạ Viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật Ngăn Chặn Xâm Lược Đài Loan (H.R.1173 – Taiwan Invasion Prevention Act, TIPA) ngày 18 Tháng Hai, trao quyền cho tổng thống Hoa Kỳ sử dụng lực lượng quân sự để bảo vệ và duy trì hiện trạng Đài Loan chống lại mọi cuộc tấn công quân sự.

Nếu không kịp thời gây sức ép buộc Tổng Thống Biden phải thay đổi sách lược ở Đông Á thì giấc mộng Đài Loan của ông Tập có nguy cơ trở thành ảo mộng.

Chưa biết Trung Quốc có dám động binh hay không nhưng những dữ kiện hiện nay cho phép dự đoán Bắc Kinh sẽ ra tay sớm hơn là khoảng thời gian sáu năm nữa như nhận định của Đô Đốc Philip S. Davidson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương, trước Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện tháng trước.

Với Trung Quốc, một cuộc xâm lược Đài Loan phải bảo đảm ngăn chặn hoặc đánh bại được sự can thiệp của quân đội Hoa Kỳ từ Nhật Bản, hoặc phải diễn ra thật nhanh để Hoa Kỳ không kịp chi viện có hiệu quả cho Đài Loan. Đó có thể là cuộc chiến hỗn hợp, bao gồm các đơn vị quân đội quy ước lẫn chiến tranh trên không gian mạng. Những cuộc tập trận và xâm nhập liên tục của hải quân Trung Quốc gần Đài Loan hiện nay nhằm thử nghiệm khả năng phối hợp các lực lượng tấn công trong thực tế.

Một cuộc xâm lược Đài Loan thành công sẽ là một đòn chí mạng giáng vào Hoa Kỳ và mạng lưới đồng minh trong khu vực. Trung Quốc sẽ thể hiện là một siêu cường đủ mạnh để muốn làm gì cũng được, bất chấp sự phản đối của các chính phủ dân chủ. Trung Quốc sẽ chứng minh Hoa Kỳ là một đế quốc đang suy tàn, bận rộn với những xung đột nội bộ và không còn khả năng thi triển sức mạnh ra toàn cầu.

Nên để ý rằng quan điểm “Trung Quốc đang trỗi dậy, Hoa Kỳ đang suy tàn” đã và đang được bộ máy tuyên truyền khổng lồ của đảng Cộng Sản Trung Quốc nỗ lực và bền bỉ tiêm vào đầu óc của dân chúng nước này, nuôi dưỡng một thứ chủ nghĩa dân tộc cực đoan hỗ trợ cho chiến lược bành trướng ảnh hưởng của đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Nếu Hoa Kỳ thất bại trong cuộc chiến Đài Loan, các đồng minh như Nhật, Úc và Nam Hàn sẽ xét lại khả năng bảo vệ an ninh mà Hoa Kỳ cam kết với họ, và các đối thủ như Bắc Hàn sẽ có cớ để quyết đoán hơn nữa.

Ngược lại, nếu cuộc xâm lược Đài Loan bị chặn đứng, xung đột có thể bùng lên giữa hai cường quốc nguyên tử, có nguy cơ lôi kéo thế giới vào một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba mà hậu quả chưa ai tưởng tượng được.

Được hỏi liệu Hoa Kỳ sẽ phản ứng như thế nào nếu Trung Quốc có động tác tấn công Đài Loan, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói ông “không muốn bàn luận về những giả thuyết,” nhưng cảnh báo: “Tôi chỉ có thể nói sẽ là một ‘sai lầm nghiêm trọng’ nếu bất kỳ ai muốn thay đổi hiện trạng ở Tây Thái Bình Dương bằng vũ lực,” theo BBC.

Cú sốc của Putin

Khác với Trung Quốc, chính phủ Nga của ông Putin đã có một thời gian dễ thở trong bốn năm cựu Tổng Thống Donald Trump cầm quyền ở Mỹ. Nga đã sử dụng thủ đoạn xuyên tạc thông tin để can thiệp vào các cuộc bầu cử Mỹ, đã tấn công điện toán vào các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp Mỹ, thậm chí đã “treo giải” cho các chiến binh Taliban tìm giết binh sĩ Mỹ ở Afghanistan… mà không hề bị Washington trừng phạt nhờ sự “bảo kê” của ông Trump.

Sự rạn nứt trong quan hệ giữa Hoa Kỳ với Liên Âu, đặc biệt với NATO, là một món quà bất ngờ cho chính quyền Putin. Thế rồi, ông Biden mới chỉ lên cầm quyền đã gọi Putin là “kẻ sát nhân” và đe dọa buộc Moscow phải trả giá cho những hành động gây thiệt hại cho quyền lợi của Mỹ. Ông Vladimir Putin thật sự bị sốc vì cú “xoay trục” trong chính sách đối với Nga của chính quyền Biden.

Nước Nga sẽ có cuộc bầu cử Quốc Hội vào Tháng Chín và ông Putin cần có một hành động “yêu nước” nào đó để kích thích sự ủng hộ của dân chúng dành cho đảng của ông – sự ủng hộ đang bị sút giảm trầm trọng vì vụ ám sát ông Navalny và tình trạng tham nhũng tràn lan. Thêm nữa, nếu như ông Tập Cận Bình muốn chiếm lại các vùng đất từng thuộc đế quốc Trung Hoa ngày xưa thì ông Putin cũng nuôi mộng phục hồi không gian ảnh hưởng của thời Liên Bang Xô Viết.

Trở ngại chính cho giấc mộng của ông Putin là NATO, trong đó Hoa Kỳ giữ vai trò trung tâm. Nhiều phân tích gia phỏng đoán rằng bằng việc tập trung binh lực ở gần Ukraine, ông Putin muốn thử phản ứng của Tổng Thống Joe Biden, người vừa quyết định gia tăng viện trợ quân sự cho Ukraine để nước này tự phòng vệ trước những thủ đoạn xâm lấn của Nga.

Cũng có một khả năng là Nga muốn “chia lửa” với Trung Quốc; mở thêm một điểm nóng xung đột ở phía Tây để thu hút sự chú ý và lực lượng của Hoa Kỳ, theo kế sách “hợp tung – liên hoành” mà lý thuyết gia quân sự cổ đại Trung Quốc Tôn Tử đã đề cập. Nên để ý, hành động quân sự mới của hai cường quốc độc tài toàn trị Nga và Trung Quốc chỉ diễn ra gần đây sau cuộc gặp của Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị bàn cách đối phó với sự chuyển dịch chiến lược của Hoa Kỳ và thách thức chính quyền Biden, gây sức ép buộc Washington phải thay đổi đường lối.

Tuy nhiên, nhiều quan sát viên nhận định, nếu Nga tấn công Ukraine vào lúc này thì Moscow sẽ không có lợi thế “bất ngờ” như họ đã từng có trong cuộc chiến năm 2014 và phải trả giá đắt.

Dù thế nào những hành động điều binh khiển tướng của Nga-Trung Quốc hiện nay đang đẩy Hoa Kỳ vào thế “lưỡng đầu thọ địch,” cùng một lúc đương đầu với hai đối thủ mạnh ở cả Thái Bình Dương lẫn Đại Tây Dương. Xét theo “kế sách Kinh Châu” của Gia Cát Lượng trong Tam Quốc Chí – liên minh với một đối thủ để đánh bại đối thủ kia, thì Hoa Kỳ đang ở vào thế bất lợi.

Tuy vậy, Hoa Kỳ không đơn độc. Sức mạnh chủ yếu của Hoa Kỳ không nằm ở tiềm lực quân sự hay kinh tế mà ở khối liên minh rộng lớn các quốc gia dân chủ, cùng chia sẻ một hệ giá trị chung về tự do, nhân quyền. Để đối phó với Trung Quốc, bên cạnh Hoa Kỳ còn có khối Quad, Nhật, Nam Hàn và Úc – những nền kinh tế vững chắc với tiềm lực quân sự mạnh mẽ.

Cuộc gặp gỡ trực tiếp đầu tiên giữa Tổng Thống Mỹ Joe Biden và Thủ Tướng Nhật Yoshihide Suga vào tuần sau tại Tòa Bạch Ốc chắc chắn sẽ bàn về vai trò của Nhật trong đối sách với Trung Quốc. Nhật không chỉ là đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ trong liên minh Ấn Độ-Thái Bình Dương mà còn là đối thủ trực tiếp của Trung Quốc trong cuộc xung đột về chủ quyền quần đảo Senkaku ở Biển Hoa Đông.

Để đối phó với Nga còn có Liên Âu (EU) và Anh – hạt nhân là khối NATO 30 nước thừa sức ngăn chặn tham vọng bành trướng của Nga về hướng Tây. Ngoại Trưởng Antony Blinken và Bộ Trưởng Quốc Phòng Austin Lloyd đều đang có mặt tại Brussels để hội đàm với các quan chức lãnh đạo NATO và EU về các diễn biến mới, dù ông Blinken mới vừa công du Brussels cuối tháng trước. Các hạm đội Hoa Kỳ ở Trung Đông cũng đã bắt đầu hành quân vào Hắc Hải, sẵn sàng tư thế nếu tình hình ở biên giới Ukraine chuyển biến xấu.

Đánh giá thấp sự bền bỉ của Hoa Kỳ là một trò chơi nguy hiểm và đôi khi một tính toán sai lầm lại phải trả giá đắt. Có lẽ ông Tập và ông Putin nên thận trọng trước khi làm cuộc phiêu lưu không nên có. [qd]

MỚI CẬP NHẬT