Thursday, April 25, 2024

Iran càng ngày càng nguy hiểm

Hiếu Chân/Người Việt

Một sự kiện hy hữu vừa xảy ra tại giải bóng đá thế giới World Cup đang diễn ra ở Qatar: Đội tuyển quốc gia Iran không hát quốc ca của nước này trước trận gặp đội tuyển Anh hôm 21 Tháng Mười Một trên sân vận động Khalifa International. Hành động chưa từng có tiền lệ đó là nhằm biểu thị sự ủng hộ của các cầu thủ với cuộc đấu tranh ở quê nhà.

Các tuyển thủ Iran không hát quốc ca trước trận gặp Anh ở World Cup 2022 tổ chức tại Qatar hôm 21 Tháng Mười Một. (Hình: Matthias Hangst/Getty Images)

Truyền hình nhà nước Iran không chiếu cảnh các cầu thủ xếp hàng đứng im khi quốc thiều Iran cất lên. Các cầu thủ Iran cũng không tỏ dấu hiệu mừng rỡ thường thấy khi họ đá vào lưới đội Anh hai quả, dù chung cuộc Iran bị thua với tỷ số 6-2. Trên khán đài, cổ động viên Iran giương cao biểu ngữ có dòng chữ lớn “Phụ nữ. Cuộc sống. Tự do,” thể hiện sự đồng cảm với những phụ nữ đang đấu tranh ở trong nước. Họ còn hát vang bài quốc ca Iran thời trước Cách Mạng Hồi giáo – được coi như một cử chỉ phản đối chính quyền Hồi Giáo hiện hành.

Trước đó một ngày, ở thủ đô Tehran, hai nữ nghệ sĩ nổi tiếng của Iran – Hengameh Ghaziani và Katayoun Riahi – bị bắt vì công khai lột bỏ khăn trùm đầu, gọi là “hijab,” để bày tỏ sự ủng hộ người biểu tình. Hai nghệ sĩ bị chính quyền cáo buộc tội “tuyên truyền chống nhà nước!”

Truyền thông quốc tế cho biết ngày càng có nhiều nhân vật tên tuổi ở Iran công khai ủng hộ các cuộc biểu tình làm rung chuyển đất nước này trong suốt hai tháng qua. Họ đăng lên mạng xã hội những hình ảnh và thông điệp phê phán chính phủ, lên án luật lệ hà khắc về trùm khăn của phụ nữ. Có ít nhất chín nhân vật nổi tiếng như vậy đã bị cảnh sát triệu tập thẩm vấn vì họ dám phản đối nhà cầm quyền Hồi Giáo.

Cuộc biểu tình kéo dài hơn hai tháng nay khắp Iran bắt đầu từ cái chết của một cô gái 22 tuổi, tên là Mahsa Amini, hôm 16 Tháng Chín, khi cô đang bị “cảnh sát đạo đức” giam giữ vì không đội khăn “hijab” đúng cách. Cuộc biểu tình nổ ra vào ngày Thứ Sáu, 23 Tháng Chín, đa số người tham gia là phụ nữ, lúc đầu chỉ tập trung đòi hỏi chính quyền chấm dứt bạo lực, phân biệt đối xử với phụ nữ và ngưng bắt buộc phụ nữ đội khăn trùm đầu. Nhưng sau đó phong trào lan rộng ra cả nước, kêu gọi chấm dứt chế độ Hồi Giáo ở Iran và trở thành một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với chế độ chuyên chế cuồng tín này.

Như thường lệ, giới tăng lữ cầm quyền ở Tehran lại đổ lỗi cho thế lực thù địch nước ngoài đã dàn dựng, kích động các cuộc biểu tình để gây bất ổn xã hội và làm suy yếu chế độ Iran. Đáp lại, chính quyền Iran đã dùng tất cả những biện pháp đàn áp quyết liệt nhất, từ cắt mạng Internet đến sử dụng lực lượng Vệ Binh Cách Mạng bắn lựu đạn cay và cả đạn thật để giải tán đám đông. Những hình ảnh từ Iran truyền ra cho thấy, càng bị đàn áp, phong trào biểu tình càng lan rộng, người Iran đang mạo hiểm cả mạng sống để đòi tự do và quyền công dân.

Nhật báo The Washington Post ghi nhận, sau đúng hai tháng biểu tình, đến 22 Tháng Mười Một, đã có 419 người bị giết chết, trong đó có 60 trẻ em, và 17,451 người bị bắt giữ. Hai ngày cuối tuần qua, lực lượng an ninh sử dụng xe bọc thép bắn đạn thật vào những người biểu tình trong và xung quanh khu vực người Kurd – một sắc tộc thiểu số ở phía bắc Iran. Chính quyền Iran còn tuyên án tử hình bốn người bị cáo buộc tham gia tuần hành trên đường phố – một bản án hoàn toàn không chấp nhận được cho hành vi phản kháng chính trị. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình không có dấu hiệu suy yếu.

Đội tuyển bóng đá Iran, được gọi trìu mến là “Team Melli,” vẫn thường được coi là niềm tự hào dân tộc của quốc gia Trung Đông mê đá banh này. Trước khi lên đường tham dự World Cup, toàn đội đến chào Tổng Thống Ebrahim Raisi, người có đường lối cứng rắn, làm cho cả xã hội bất bình, nhiều người lên tiếng đòi đội này rút khỏi giải đấu. Nhưng hành vi từ chối hát quốc ca của các cầu thủ Iran tại Qatar và hình ảnh đó được truyền đi khắp thế giới, được đánh giá là can đảm, dù là muộn màng và không đủ mạnh mẽ. Nó cũng cho thấy chính nghĩa của phong trào đòi dân chủ của người dân Iran đang có sức lôi cuốn mạnh mẽ, có triển vọng làm thay đổi thể chế chính trị ở một quốc gia theo chế độ thần quyền độc đoán thuộc loại khắc nghiệt nhất thế giới.

***

Thật ra không phải đến lúc này người Iran mới xuống đường biểu tình chống chính quyền tăng lữ. Cuộc bạo loạn, gọi là Cách Mạng Hồi Giáo, lật đổ nhà nước quân chủ Iran năm 1979, đã lập ra một chế độ cai trị theo luật Hồi Giáo, quyền lực tập trung vào tay một nhóm người không được bầu lên, gọi là Hội Đồng Giáo Sĩ, do một giáo chủ dòng Shiite đứng đầu. Guồng máy chính quyền các cấp chỉ là tổ chức thực thi giáo luật do hội đồng giáo sĩ đặt ra. Các quyền tự do căn bản của công dân không tồn tai.

Xã hội không có dân chủ tự do, kinh tế suy yếu vì bị Mỹ cấm vận do nghi ngờ Iran theo đuổi việc phát triển vũ khí nguyên tử đã kích thích nhiều cuộc nổi dậy của người Iran. Năm 2009, Iran rung chuyển vì các cuộc biểu tình ủng hộ các ứng cử viên đối lập sau khi tổng thống đương nhiệm khi ấy là ông Mahmoud Ahmadinejad tuyên bố chiến thắng bầu cử. Hàng nghìn người bị bắt và 72 người đã thiệt mạng trong cái được gọi là “Phong Trào Xanh.” Một cuộc biểu tình đẫm máu khác nổ ra khi giá nhiên liệu tăng cao vào năm 2019, trong đó ước tính có khoảng 1,500 người thiệt mạng.

Nhưng phong trào biểu tình hiện nay khác xa những gì diễn ra trong quá khứ. Nó là sự bùng nổ của nỗi tức giận đã dồn nén trong nhiều năm, là phi tôn giáo, và nêu cao các yêu cầu thay đổi chế độ. Nó được phụ nữ và những người trẻ tuổi lãnh đạo nhưng thu hút được sự đồng cảm của người dân các sắc tộc, các thành phần xã hội của Iran mà sự ủng hộ của các nghệ sĩ, cầu thủ bóng đá kể trên là minh chứng. Người biểu tình hiện nay dường như đã mạnh dạn hơn, không sợ hãi như trước. Thế giới không có nhiều dân tộc bị một chế độ độc tài toàn trị chà đạp dám thức tỉnh và dũng cảm xuống đường phản kháng bạo quyền như người Iran.

***

Xung đột giữa chế độ thần quyền Iran với người dân nước này sẽ đi đến đâu là điều chưa biết trước được. Có thể chế độ thần quyền sẽ bị lật đổ, người Iran giành lại được tự do và dân chủ. Nhưng cũng có khả năng phong trào phản kháng sẽ bị dìm trong biển máu và tàn lụi.

Không chỉ đàn áp người dân trong nước, mà trên bình diện quốc tế, Iran càng ngày càng tỏ ra là một chế độ nguy hiểm. Là một quốc gia trong “trục ma quỷ mới,” gồm Trung Quốc, Nga, Iran, và Bắc Hàn, như nhận định của nữ Thượng Nghị Sĩ Marsha Blackburn (Cộng Hòa-Tennessee).

Trong cuộc chiến tranh Ukraine, Iran đã cung cấp hàng trăm phi cơ không người lái cảm tử Shahed-136 để quân Nga tấn công các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Iran còn hợp tác với Nga chế tạo các loại vũ khí đó trên đất Nga.

Tham vọng vũ khí nguyên tử của Iran vẫn được thực hiện một cách bí mật trong lúc Tehran tiếp tục từ chối yêu cầu đàm phán của Hoa Kỳ về việc khôi phục thỏa thuận nguyên tử Iran được ký thời chính quyền Barack Obama năm 2015 nhưng bị Tổng Thống Donald Trump rút lui năm 2018. Trong bốn năm qua, Iran đã tăng cường tinh chế uranium và có dự định sớm chế tạo một quả bom nguyên tử.

Khó có thể đàm phán xây dựng với một chế độ thần quyền đang tàn nhẫn đàn áp người dân của chính họ và đứng về phía quân Nga xâm lược đang hủy diệt Ukraine. Triển vọng ngăn chặn tham vọng vũ khí nguyên tử của Iran đang trở nên xa vời nếu phong trào phản kháng của người dân không làm thay đổi được chế độ chuyên chế thần quyền hiếu chiến ở Tehran. [đ.d.]

MỚI CẬP NHẬT