Friday, March 29, 2024

Lòng súng nhân đạo


Từ Hiroshima Nhìn Ra Hướng Khác
 


Nguyễn-Xuân Nghĩa

Cũng là ngẫu nhiên, trong tuần qua, lễ Chiến sĩ Trận vong của Hoa Kỳ – ngày Thứ Hai sau cùng của Tháng Năm, năm nay rơi vào ngày 30 – được nhấn mạnh với hai biến cố xa lắc.

Hôm 27, Tổng thống Barack Obama bắt tay Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại Hiroshimasau khi là Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ đến đặt vòng hoa tưởng niệm nạn nhân của hai trái bom nguyên tửném xuống Hisoshima và Nagasaki (Quang Đảo và Trường Kỳ). Hai quả bom vào mùng sáu rồi mùng chín Tháng Tám năm 1945 làm gần 300 ngàn thường dân mất mạng, nhưng sớm kết thúc Đệ nhị Thế chiến.

Qua ngày 29, Tổng thống Pháp François Hollande cùngThủ tướng Đức Angela Merkel dự lễ kỷ niệm trận Verdun tại miền Đông nước Pháp: trăm năm về trước, 10 tháng giao tranh Pháp-Đứctừ Tháng Hai đến Tháng 12 năm 1916 để lại 300 ngàn binh lính gục ngã dưới chiến hào, mà không đạt kết quả quân sự. Đệ nhất Thế chiến kéo dài thêm ba năm.

Trong cả hai Thế chiến, Hoa Kỳ là cường quốc kết thúc chiến tranh bằng sức mạnh quân sự.

Vào dịp này, lãnh đạo các nước đều nói về sự điên cuồng của chiến tranh và nhấn mạnh đến hòa bình như một yêu cầu của đạo lý con người. Tại Hiroshima, Tổng thống Obama còn nhắc nhở rằng cuộc cách mạng khoa học (đã phân giải nguyên tử) đòi hỏi cuộc cách mạng đạo đức. Khái niệm đạo đức đối nghịch với khoa học gợi nhớ danh ngôn của François Rabelais: “khoa học không lương tâm chỉ là sự hủy diệt linh hồn” – science sans conscience n’est que ruine de l’âme.

Kể chuyện trăm năm và các cuộc tàn sát kinh người trong Thế kỷ XX, ai cũng nghĩ đến trách nhiệm của khoa học khi gây thảm họa cho đối thủ. Người viết này xin nghĩ khác!

Năm 260 trước Tây lịch – 2276 năm trước – trong trận Trường Bình cuối đời Chiến Quốc bên Tầu, danh tướng Bạch Khởi của nhà Tần đạt thành tích kinh hãi hơn Verdun và Hiroshima: nội một ngày giết chết 400 ngàn hàng quân của nước Triệu – mà chẳng cần bom. Chỉ cần bắp thịt của quần chúng và cái đầu hiếu sát của lãnh tụ.

Trở lại chuyện Hiroshima và cái đầu của người quyết định khi ấy là Tổng thống Harry Truman. Thế chiến II đã khiến từ 50 đến 85 triệu người thiệt mạng trên mặt địa cầu. Trong bối cảnh ấy, quyết định của Tổng thống Mỹ làm người dân nơi khác vui mừng. Nhưng lịch sử thì chẳng quên được hai trái bom nguyên tử. Tàn sát trong chớp nhoáng nhờ kỹ thuật cao cấp của khoa học!

Khốn nỗi, nếu đã nhớ thì cũng nhớ cho chót.

Trước khi có Hiroshima và 10 vạn xác chết dưới ánh chớp chói lòa thì mùa Hè năm 1945, thủ đô Tokyo của Nhật bị Hoa Kỳ oanh tạc mấy ngày liền khiến 10 vạn người mất mạng trong đổ nát. Mấy ngày hay mấy phút, đâu là thảm kịch hay tội ác? Đế quốc Nhật khi đó chưa chịu đầu hàng và còn chuẩn bị hai chiến trường là Okinawa và Kyushu theo kiểu trận địa chiến với đạo quân sẵn sàng tự sát. Sau khi Hiroshima bị hủy diệt, Nhật hoàng Hirohito cùng các tướng lãnh vẫn còn ý chí quyết tử nên mới lãnh trái bom thứ nhì tại Nagasahi. Vài tuần sau thì Đế quốc Nhật đành bỏ cuộc và chiến tranh kết thúc.

Khi Phạm Đình Chương viết “Lòng súng nhân đạo cứu người lầm than” trong bài “Anh Đi Chiến Dịch”, ai cũng có thể than rằng làm gì có lòng súng nhân đạo? Người lãnh đạo phải ưu tiên quan tâm đến đức hiếu sinh mà tránh đao binh súng đạn. Nhưng nếu tránh không được? Tổng thống Obama có lý khi kết án chiến tranh, nhưng càng có lý hơn khi không nhận lỗi hay phủ nhận quyết định cần thiết của Hoa Kỳ vào lúc đó. Bom nguyên tử đã tiết kiệm được sinh linh của ngần ấy phe tham chiến.

Nhưng vì sao mà sau này Hiroshima lại thành đồng nghĩa của tàn sát tập thể? Vì thứ nhất, nhân loại chưa hề thấy loại võ khí tuyệt đối ấy. Qua một phi vụ, nó giết nhanh hơn cả trăm đợt oanh tạc. Thứ hai, vài chục năm sau khi mừng rỡ là phe Đồng Minh đã dứt chiến tranh, nhiều nơi lại oán Mỹ vì cuộc chiến tại Việt Nam – mà chẳng hiểu gì nhiều về cuộc chiến đó.

Hoa Kỳ bị kết tội gây chiến và thậm chí diệt chủng trong khi thế giới không biết gì về nạn diệt chủng Mao Trạch Đông tiến hành cùng lúc trên lãnh thổ của mình khiến mấy chục triệu thường dân mất mạng. Nhiều học giả đã viết lại lịch sử để chứng minh láo rằng Hoa Kỳ không cần dùng bom để chấm dứt chiến tranh – vì đằng nào Nhật hoàng cũng chấp nhận đầu hàng – mà vẫn tàn phá hai thành phố vô can là để đánh gục nước Nhật. Hoặc để uy hiếp Liên bang Xô viết.

Liên Xô khi ấy đã ngợi ca quyết định của Hoa Kỳ, nhân dịp cưỡng đoạt một phần lãnh thổ của Nhật khi nước Nhật thất trận. Nhưng rồi bộ máy tuyên truyền của Liên Xô và cả Trung Cộng, đã thay đĩa hát. Và ra rả đả kích Mỹ đế.

Trung Quốc quên rằng vì Nhật Bản xâm lăng mà có 15 triệu dân Tầu mất mạng từ 1937 đến 1945. Dễ quên lắm vì nước Tầu khi ấy vẫn là Trung Hoa Dân Quốc dưới sự lãnh đạo của Quốc dân đảng. Và rằng từ Tháng Ba năm 1945, Nhật đã tổng phản công ngay trong lãnh thổ Trung Quốc để bao vây các căn cứ Không quân của Mỹ. Trong trận đánh ấy, ít ra đã có 10 vạn người Tầu mất mạng.

Phong trào kết án Hoa Kỳ vì vụ Hiroshima cố phủ lấp những biến cố xảy ra trên lãnh thổ Trung Quốc khi Nhật Bản chưa chịu đầu hàng. Những biến cố ấy còn được chế độ Mao Trạch Đông xóa sạch để lịch sử khỏi thấy nỗ lực chiến đấu của Quốc dân đảng và của binh lính Mỹ. Trái bom Mỹ đã thực tế cứu mạng người Tầu! Công nhận chuyện ấy thì còn gì là hào quang của cuộc Vạn lý Trường chinh?

Người Mỹ cứ hay nói thời giờ là vàng bạc, mà thời giờ cũng có thể là máu xương. Chiến tranh kết thúc sớm đã tiết kiệm được xương máu của binh lính Hoa Kỳ và người dân Trung Quốc. Sau đó là phần vụ của những kẻ đi tuyên truyền bằng cách cưỡng hiếp lịch sử. Có lẽ chúng ta cần bước qua màn khói để nhìn Trung Quốc từ bên trong.

Còn Hoa Kỳ Nhìn Từ Bên Ngoài?

Nhiều người có thể cho là Tổng thống Obama muốn dàn dựng một lối diễn giải về sự nghiệp khi tới Hiroshima kêu gọi các nước cùng tài giảm võ khí hạch tâm, còn có sức tàn sát cao hơn võ khí nguyên tử. Đây là sự dàn dựng vì Chính quyền Obama cứ kêu gọi mà lại ít giảm trừ loại võ khí đó nhất nếu so với ba đời Tổng thống sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Ông có thể dàn dựng để kín đáo tưởng thưởng Chính quyền Shinzo Abe khi Nhật đã có thái độ quân sự dứt khoát hơn trước đà bành trướng của Trung Quốc. Có khi sự dàn dựng ấy lại phản ảnh sự ngây thơ của ông về mối nguy hạch tâm của Bắc Hàn cộng sản, v.v… Nhiều nhà bình luận Hoa Kỳ đã nêu ra những giả thuyết ấy để phê phán Obama.

Thật ra, Tổng thống Hoa Kỳ có nói đến hiện tượng bệnh lý của chiến tranh, nhưng gián tiếp nhắc nhở các thế hệ về sau rằng chiến tranh vẫn sống mãi với nhân loại. Khi ấy, con người nên ứng phó thế nào với một bản chất của con người hay một thuộc tính của các quốc gia? Ai cũng oán ghét chiến tranh nhưng sẵn sàng cầm súng sau khi cố trì hoãn việc bóp cò. Rồi tìm chính nghĩa của việc cầm súng qua định nghĩa về chiến tranh.

Điển hình là “chiến tranh giải phóng”.

Nếu Hoa Kỳ đã từng có nhiều cam kết với miền Nam tự do mà lại khôn ngoan cuốn cờ từ năm 1963, 1965 hay 1973, thì đã chẳng mang tiếng thất trận vào năm 1975. Sau đó thì sao? Sau đó vẫn là thảm kịch cho người Việt Nam, sớm muộn gì thì cũng là thảm kịch. Và là cơ hội cho nước Mỹ cân nhắc về rủi ro xung đột với Trung Quốc, là chuyện ngày nay. Bốn chục năm sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc với nhận thức còn phân vân bất định của người dân Mỹ, việc Hoa Kỳ có thể cung cấp võ khí sát thương cho “bên thắng cuộc”, là cộng sản Hà Nội, lại trở thành đề tài thời sự!

Mấy triệu người Việt đã chết để lại quay về chốn cũ là tìm võ khi ngăn chặn Trung Quốc?

Mươi ngày trước khi miền Nam sụp đổ vào năm 1975, một phái bộ Hoa Kỳ có mặt tại Hà Nội để thương thuyết việc quân Mỹ ra đi trong danh dự. Trước sự huênh hoang đáng ghét của Hà Nội, một sĩ quan Mỹ nhịn không được mà phát biểu: “chúng tôi thừa sức thắng quý vị với bom nguyên tử!” Ông ta là Đại tá Harry G. Summers Jr, sau này nổi tiếng trong giới nghiên cứu Hoa Kỳ về cuộc chiến Việt Nam. Câu trả lời của bên thắng cuộc được ông kể lại trên tờ The Atlantic vào Tháng Sáu 1989: “Mấy người có bom nguyên tử mà không dùng thì cũng như không!” Lý luận ấy không sai….

Nhưng, sau khi Hoa Kỳ đã dội bom Hisoshima và Nagasaki, nếu nước Mỹ không có loại võ khí ấy thì Nhật Bản, Nam Hàn tại Đông Á hay nhiều nước Đông Âu khác có hòa bình không? Chiến tranh lạnh không biến thành Chiến tranh nóng là cũng nhờ loại võ khí đáng ghê tởm này.

Ngày nay, khái niệm “chiến tranh giải phóng” lại mang màu sắc tôn giáo với các phần tử quá khích của đạo Hồi. Qua cuộc cách mạng khoa học mới về thông tin, nếu họ thụ đắc được loại võ khí đó thì nhân lọai nghĩ sao?

Tại Hiroshima, Tổng thống Obama quay lưng với sự biến thái bệnh lý của bọn sát nhân núp sau Thượng đế và quên rằng con người vẫn cần đến lòng súng nhân đạo.

MỚI CẬP NHẬT