Thursday, March 28, 2024

Miến Điện trên bờ vực nội chiến

Hiếu Chân/Người Việt

Lúc 7 giờ sáng Thứ Ba, 22 Tháng Sáu, khi các nhà sư bắt đầu đi khất thực và hàng quán bắt đầu phục vụ bữa sáng ở Mandalay thì người dân cũng bắt đầu nghe những tiếng nổ lớn và thấy xe bọc thép chạy rầm rập. Tại một khu nhà, quân đội Miến Điện, gọi là Tatmadaw, và quân nổi dậy, có tên là Lực Lượng Phòng Vệ Nhân Dân (the People’s Defense Force – PDF) giao tranh với nhau bằng vũ khí nóng.

Người dân Miến Điện chào bằng ba ngón tay khi tham gia biểu tình chống lại cuộc đảo chính quân sự ở Yangon vào ngày 22 Tháng Sáu, 2021. (Hình: STR/AFP via Getty Images)

Đụng độ ở Mandalay

Lần đầu tiên kể từ khi quân đội Miến Điện làm cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính quyền dân sự Miến Điện và bắt giam các nhà lãnh đạo của đất nước hồi đầu Tháng Hai, đụng độ quân sự đã xảy ra trên đường phố, báo hiệu những chuỗi ngày bất ổn và đẫm máu đang chờ đợi đất nước Đông Nam Á này.

Mandalay là thành phố lớn thứ hai của Miến Điện sau Yangon, cũng là trung tâm phản kháng của người dân chống lại cuộc đảo chính và chính quyền quân phiệt (junta). Hàng chục người dân Mandalay đã bị bắn chết trong các cuộc biểu tình từ đầu Tháng Hai đến nay.

Những cuộc biểu tình ôn hòa đòi khôi phục chế độ dân chủ đã bị lực lượng an ninh của quân đội Miến Điện đàn áp đẫm máu với hơn 800 người bị giết, theo thông tin của một tổ chức dân sự. Trong hai tháng gần đây, cuộc phản kháng đã chuyển dần theo hướng bạo động. PDF mới được thành lập là tổ chức vũ trang ủng hộ các nhà lãnh đạo đã bị lật đổ. “Chúng tôi đã bắt đầu và đã tuyên bố chiến tranh,” Ko Tun Tauk Naing – một phát ngôn viên của PDF nói với báo The New York Times.

Vụ đụng độ sáng Thứ Ba ở Mandalay nổ ra khi Tatmadaw bố ráp một tòa nhà nơi các thành viên phong trào phản kháng dân sự cư ngụ. Báo Irrawaddy của Miến Điện trích lời một thành viên của PDF viết trên mạng xã hội: “Quân đội đánh hơi thấy chúng tôi và đến căn cứ của chúng tôi. Khi chúng tôi phát hiện ra họ, chúng tôi nổ súng chống trả. Đây là cái ngày mà chúng tôi chờ đợi để bắt đầu cuộc kháng chiến.”

Truyền hình của quân đội nói tòa nhà chứa nhiều chất nổ, và chiếu cảnh một dãy những thi thể đầy máu bên ngoài đống đổ nát của tòa nhà, vài thi thể chỉ mặc quần đùi và bị truyền hình gọi là “những kẻ khủng bố” chống lại Hội Đồng Hành Chính Nhà Nước (State Administration Council) – tức là chính phủ tạm thời của Miến Điện do quân đội dựng lên sau vụ đảo chính. Truyền hình cũng nói có bốn người bị giết trong lúc giao tranh và bốn người khác chết khi xe của họ chạy trốn và bị tai nạn. Một số đơn vị quân đội đóng gần đó đã được điều động tới Mandalay.

Trong khi đó, phía PDF nói không có người nào thuộc lực lượng của họ bị giết và các thi thể chiếu trên truyền hình đều là binh lính Tatmadaw. Trên mạng xã hội, phía PDF kêu gọi người dân đoàn kết, đốt vỏ xe và dựng chướng ngại vật trên đường phố để chặn xe thiết giáp chở binh lính quân đội đến cứu viện.

Theo các nhà báo quốc tế có mặt tại chỗ, trong vài tuần gần đây một hình thức chiến tranh đô thị (urban warfare) giữa quân đội Tatmadaw và lực lượng chống đối đã bùng phát rải rác gần thành phố Yangon lớn nhất nước, ở bang Chin phía Tây giáp Ấn Độ, bang Kayah và Shan phía Đông giáp Lào và khu vực Sagaing ở trung tâm Miến Điện. Nhiều vụ đặt chất nổ bí ẩn ở các công sở, trụ sở chính quyền quân sự địa phương và các công ty của quân đội liên tục xảy ra; vụ mới nhất là một chiếc xe nổ tung gần tòa nhà phái đoàn Liên Hiệp Quốc. Vụ đụng độ ở Mandalay hôm thứ Ba là đỉnh điểm của một đợt phản kháng như vậy.

Súng nổ rải rác suốt ngày Thứ Ba. Đến chiều, Đại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Miến Điện đăng bản tin trên Facebook: “Chúng tôi lo lắng về leo thang quân sự và khẩn thiết kêu gọi các bên ngừng ngay hành động bạo lực,” đồng thời bày tỏ lo ngại về thương vong của thường dân.

Một cuộc nội chiến đã được châm ngòi ở Miến Điện.

Một quốc gia, hai chính phủ, hai quân đội

Không chấp nhận thất bại trong cuộc bầu cử Tháng Mười năm ngoái, quân đội Miến Điện Tatmadaw đã làm vụ đảo chính ngày 1 Tháng Hai, ngay trước lúc Quốc Hội mới được bầu họp phiên đầu tiên để cử ra các nhà lãnh đạo mới của đất nước. Tổng thống Miến Điện và cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi – nhà lãnh đạo thực tế của Miến Điện – bị bắt giam, đảng Liên Đoàn Dân Chủ Quốc Gia (NLD) – đảng giành được đa số phiếu áp đảo trong cuộc bầu cử – bị giải tán. Quân đội Miến Điện lập ra Hội Đồng Hành Chính Nhà Nước làm chính phủ lâm thời do Tướng Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh quân đội, làm chủ tịch, để điều hành quốc gia cho đến khi cuộc bầu cử mới được tổ chức, sau một vài năm nữa.

Trong khi đó, những nghị sĩ, dân biểu đã được bầu nhưng bị vụ đảo chính loại ra – phần lớn thuộc đảng NLD – đã tập hợp lại thành cái gọi là Ủy Ban Đại Diện Pyidaungsu Hluttaw (the Committee Representing Pyidaungsu Hluttaw), tự coi mình là nhánh lập pháp đại diện của nhân dân Miến Điện, hoạt động bí mật và cố gắng giành sự công nhận của cộng đồng quốc tế.

Gần đây, Ủy Ban Pyidaungsu Hluttaw thành lập Chính Phủ Thống Nhất Quốc Gia (National United Government – NUG) để điều hành công việc hằng ngày, hoạt động trong bí mật song song và đối kháng với Hội Đồng Hành Chính Nhà Nước của quân đội. Ủy Ban Pyidaungsu Hluttaw và NUG bước đầu nhận được sự ủng hộ của một số quốc gia phương Tây nhưng bị chính quyền quân phiệt Miến Điện liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Như vậy, tại thời điểm hiện nay, Miến Điện có một chính quyền quân sự lập nên sau đảo chính và một chính quyền bí mật trung thành với các nhà lãnh đạo dân sự đã bị lật đổ đấu tranh khôi phục thể chế dân chủ trước đảo chính. Về quân sự, PDF được thành lập gần đây dưới quyền của NUG có sự tham gia của các lực lượng quân sự thuộc các sắc tộc thiểu số và những tầng lớp nhân dân chống lại sự cai trị của quân đội.

Những yếu tố căn bản của một cuộc nội chiến đã hình thành ở Miến Điện. Đó là xu thế tất nhiên của cuộc xung đột trong xã hội Miến Điện, là bước phát triển mới của cuộc đối đầu giữa một bên là lực lượng quân đội sử dụng bạo lực để duy trì quyền lực giành được sau cuộc đảo chính và một bên là sự phản kháng của người dân, từ biểu tình ôn hòa và bị đàn áp khốc liệt, phải đi tới chỗ cầm vũ khí và đứng dậy bảo vệ quyền sống, quyền tự do của mình.

Xung đột sắc tộc và mầm mống nội chiến

Nội chiến Miến Điện còn dễ xảy ra do đất nước này luôn trong tình trạng chiến tranh giữa các nhóm sắc tộc – được coi là cuộc nội chiến kéo dài nhất thế giới. Miến Điện là một trong những nước có nhiều sắc tộc. Khoảng hai phần ba dân số 54 triệu người Miến Điện là người Bamar theo Phật Giáo, sống tập trung ở vùng đồng bằng, có vị thế xã hội và chính trị, có đặc quyền đặc lợi về kinh tế.

Trên danh nghĩa Miến Điện là một quốc gia liên bang (union) gồm có bảy bang (state) và bảy vùng (region) nhưng guồng máy kinh tế và chính trị vẫn chủ yếu nằm trong tay người Bamar đa số; hơn 20 nhóm sắc tộc thiểu số sống ở các vùng núi và biên giới bị hạn chế về chính trị, kinh tế, không bình đẳng với người Bamar. Kể từ khi giành được độc lập từ tay thực dân Anh năm 1948, Miến Điện chưa bao giờ thật sự hòa bình ổn định vì cuộc tranh giành quyền lợi giữa chính quyền trung ương của người Bamar đa số và các sắc tộc thiểu số.

Theo ông Min Zin, một nhà nghiên cứu chính trị ở Yangon, các sắc tộc thiểu số đã chiến đấu để đòi quyền lực và quyền lợi cho người dân của họ theo những chiến lược và phương tiện khác nhau nhưng mỗi sắc tộc đều có quân đội riêng, có đảng chính trị riêng đối lập với chính quyền trung ương. Người Kachin, người Karen và người Shan ở phía Đông và phía Bắc đòi hỏi Miến Điện phải thành lập nhà nước liên bang (federalism) thật sự, trong đó mọi sắc tộc đều bình đẳng. Họ cho đó là điều kiện tiên quyết để vãn hồi hòa bình và thống nhất đất nước.

Nhưng tổ chức Quân Đội Nhà Nước Wa Thống Nhất (United Wa State Army) và Quân Đội Arakan (Arakan Army) – hai nhóm quân sự có quan hệ mật thiết với Trung Quốc – đòi được ly khai và thành lập nhà nước riêng trong một chế độ liên minh (confederation). Năm 2015, chính quyền dân sự đầu tiên của Miến Điện dưới quyền Tổng Thống U Thein Sein đã dàn xếp một thỏa thuận hòa bình với phần lớn các nhóm sắc tộc thiểu số, từng bước hội nhập các đảng chính trị và quân sự của các sắc tộc vào guồng máy chính trị quân sự của quốc gia. Chính quyền của bà Aung San Suu Kyi sau đó tiếp tục duy trì thỏa thuận hòa bình với các sắc tộc nhưng công cuộc hòa giải hòa hợp tiến triển rất chậm do các bên vẫn chưa đồng ý được với nhau một liên bang Miến Điện thật sự sẽ như thế nào.

Sau khi quân đội làm đảo chính Tháng Hai, 2021, tất cả các nhóm sắc tộc thiểu số – dù đã ký hay không ký thỏa thuận hòa bình – đều ủng hộ phong trào biểu tình phản đối đảo chính, đòi tái lập chính quyền dân sự. Họ cũng ủng hộ Ủy Ban Pyidaungsu Hluttaw và NUG – những tổ chức được biết là hoạt động bí mật từ lãnh thổ của các nhóm sắc tộc thiểu số. Các gương mặt nổi bật của phong trào dân chủ Miến Điện, của đảng NLD gần như đều trú ẩn trong những vùng đất của bộ tộc Karen, Kayah, Shan và Kachin, giáp ranh với Trung Quốc hoặc Thái Lan, do các tổ chức quân sự thiện chiến của các sắc tộc này bảo vệ.

Trên các phương tiện truyền thông không do quân đội Miến Điện kiểm soát gần đây đã xuất hiện hình ảnh những thanh niên nam nữ Miến Điện được huấn luyện quân sự, tập sử dụng vũ khí trong những khu rừng già do các nhóm quân sự thiểu số hướng dẫn; họ mặc những bộ đồng phục có phù hiệu của PDF. Trong số thanh niên này có cả cô cựu Hoa Hậu Miến Điện Htar Htet Htet và hình ảnh cô hoa hậu khoác súng trường đã được lan truyền rất mạnh trên các mạng xã hội, được giới trẻ nhiều nước hâm mộ. Lực lượng này cũng quy tụ được rất nhiều trí thức, bác sĩ, kỹ sư, sinh viên, tu sĩ Phật Giáo và hàng ngàn thanh niên đã rời bỏ thành thị, gia nhập kháng chiến. Nhiều người trong số họ, sau khi được huấn luyện quân sự, đã quay trở lại thành phố với những nhiệm vụ bí mật nào đó.

Gần đây PDF đã mở những cuộc tấn công vào các đồn trại của Tatmadaw ở khu vực biên giới buộc quân đội Miến Điện phải điều động chiến đấu cơ đi tiễu trừ. Hai cứ điểm quan trọng của PDF, một ở bang Chin phía Tây và một ở bang Kayah phía Đông, đã bị phản lực cơ của Tatmadaw ném bom san phẳng, nhiều thường dân thiệt mạng và phía quân đội cũng thiệt hại nặng.

Theo một số nhà phân tích quân sự, PDF tuy quy tụ được các đội quân thiện chiến của các nhóm sắc tộc nhưng không phải là đối thủ xứng tầm của quân đội Miến Điện – có gần một triệu tay súng được trang bị tối tân – nên chắc chắn phải dựa vào chiến thuật du kích, chủ yếu là quấy rối và tiêu hao sinh lực đối phương, hỗ trợ cho cuộc đấu tranh trên mặt trận chính trị và ngoại giao.

Trong cuộc đụng độ ngày 22 Tháng Sáu tại Mandalay, phía PDF cho biết họ có sáu thành viên bị bắt và một số khác bị thương; phần lớn thành viên của lực lượng đã trà trộn thành công vào dân cư địa phương để tránh sự truy lùng của quân đội. “Sáng nay chúng tôi phải bỏ một số người. Nhưng chúng tôi vẫn còn rất đông đảo. Chúng tôi sẽ không bỏ cuộc,” ông Tun Tauk Naing, phát ngôn viên của PDF, nói với báo The New York Times.

Một cuộc đối đầu dân chủ – độc tài mới

Cuộc nội chiến Miến Điện còn phản ánh xung đột địa chính trị toàn cầu, giữa các nền dân chủ phương Tây và thế lực độc tài toàn trị của Nga và Trung Quốc.

Cho đến nay, các chính phủ dân chủ như Hoa Kỳ, Liên Minh Châu Âu (EU), Anh, Úc, Nhật, Nam Hàn… đều phản đối quyết liệt cuộc đảo chính quân sự và nhà cầm quyền quân phiệt của Miến Điện, đòi trả tự do cho các nhà chính trị bị giam cầm và tái lập chính quyền dân sự theo kết quả cuộc bầu cử Tháng Mười, 2020.

Ngay sau vụ đảo chính, Hoa Kỳ đã quyết định cấm vận kinh tế một số tướng lĩnh cầm đầu đảo chính và các tập đoàn kinh tế trực thuộc quân đội Miến Điện. Mới đây nhất, hôm Thứ Hai, 21 Tháng Sáu, chính phủ Anh quyết định đưa ba tổ chức của Miến Điện – gồm một công ty xuất cảng gỗ, một công ty đá quý và Hội Đồng Hành Chính Nhà Nước của Tướng Min Aung Hlaing vào danh sách cấm vận, cấm các tổ chức và cá nhân này giao dịch với các tổ chức kinh tế-tài chính của Anh.

Trong khi đó, Tướng Min Aung Hlaing đang trên đường tới Moscow để tham dự Hội Nghị An Ninh Quốc Tế do Nga tổ chức trong ba ngày giữa tuần này. Đây là chuyến công cán nước ngoài thứ hai của nhà lãnh đạo đảo chính Miến Điện, sau lần đi Jakarta dự hội nghị cấp cao ASEAN hồi Tháng Tư.

Tại Moscow, nhà lãnh đạo quân phiệt Miến Điện được biết sẽ hội đàm với ông Nikolai Patrushev, thư ký Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Nga, và ông Alexander Mikheev, tổng giám đốc tập đoàn xuất cảng vũ khí của Nga Rosoboronexport. Mục đích chuyến thăm của Tướng Hlaing được cho là nhằm mua vũ khí của Nga để đối phó với cuộc nội chiến đang manh nha trong nước.

Theo dữ liệu của Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm, từ năm 2001 đến 2015, Nga và Trung Quốc là hai nhà cung cấp vũ khí nhiều nhất cho Miến Điện.

Đáng chú ý là chỉ mới Thứ Sáu tuần trước (18 Tháng Sáu) Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết yêu cầu ngăn chặn việc cung cấp vũ khí cho quân đội Miến Điện, cùng với một số biện pháp khác như loại bỏ tư cách đại diện của chính quyền quân phiệt Miến Điện, yêu cầu chấm dứt năm tháng quân đội chiếm giữ quyền lực trả chính quyền lại cho người dân, chấm dứt việc thủ tiêu những người đối lập, trả tự do cho các nhà lãnh đạo dân sự bị giam cầm, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động viện trợ nhân đạo cho người dân Miến Điện.

Trong 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc có 119 nước bỏ phiếu thuận, 1 phiếu chống của Belarus, 36 phiếu trắng và 37 thành viên không bỏ phiếu. Trong số các nước bỏ phiếu trắng có Nga và Trung Quốc. Thái Lan – nước láng giềng phía Nam của Miến Điện – cũng bỏ phiếu trắng và nói rằng họ làm như vậy để tiếp tục giữ một vai trò xây dựng trong việc giải quyết tình hình khu vực.

Nghị quyết này là sự lên án rộng rãi nhất, mạnh mẽ nhất đối với những tướng lĩnh cầm đầu đảo chính quân sự ở Miến Điện. Trước lúc bỏ phiếu, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres – người vừa được Đại Hội Đồng bầu làm tổng thư ký nhiệm kỳ năm năm lần thứ hai – phát biểu hối thúc Liên Hiệp Quốc hành động trước tình hình đang xấu đi ở Miến Điện: “Chúng ta không thể sống trong một thế giới mà đảo chính quân sự trở thành quy tắc ứng xử. Điều đó hoàn toàn không chấp nhận được,” ông Guterres nói.

Đại Sứ Miến Điện tại Liên Hiệp Quốc Kyaw Moe Tun – người mà tập đoàn quân phiệt cố loại khỏi chức vụ nhưng không thành công – đã cảm ơn các nước bỏ phiếu thông qua nghị quyết nhưng cho rằng, như thế vẫn chưa đủ. “Chúng tôi không hài lòng là phải mất ba tháng Liên Hiệp Quốc mới cho ra một nghị quyết nhẹ nhàng này,” ông đại sứ nói và khẳng định nếu Liên Hiệp Quốc có hành động dứt khoát và kịp thời chống lại quân đội Tatmadaw thì có thể đã cứu được nhiều sinh mạng.

Trung Quốc – dù có quan hệ không thật dễ dàng với quân đội Miến Điện do Bắc Kinh hậu thuẫn các tổ chức quân sự của người sắc tộc Wa và Arakan ở biên giới chống lại chính quyền Miến – đã cố gắng lợi dụng tình hình bất ổn của Miến để trục lợi. Trung Quốc có nhiều dự án đầu tư lớn ở Miến Điện trị giá hàng trăm tỷ đô la và có chiến lược mở đường ra Ấn Độ Dương qua các hải cảng và lãnh thổ Miến Điện. Từ khi xảy ra đảo chính, Bắc Kinh thay đổi lập trường, không phản đối đảo chính mà còn mời đại diện của chính quyền quân sự Miến Điện tham dự hội nghị Trùng Khánh giữa Trung Quốc và 10 nước ASEAN tháng trước, mở diễn đàn quốc tế để Tatmadaw trình bày chương trình hành động của họ và kêu gọi ủng hộ. Giới phân tích thời sự cho rằng, Hoa Kỳ và phương Tây càng lên án và siết chặt cấm vận Miến Điện thì giới quân phiệt cầm quyền ở Naypyidaw càng có lý do để ngã hẳn vào vòng kiềm tỏa của Bắc Kinh.

Và trong tình hình thế giới hiện nay, rất có thể Miến Điện sẽ là một Việt Nam mới, nơi cuộc nội chiến là sự đối đầu giữa các thế lực độc tài Nga-Trung Quốc với một phong trào dân chủ được Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ và phương Tây hậu thuẫn. [qd]

MỚI CẬP NHẬT