Wednesday, April 24, 2024

Nếu bị kỳ thị nên làm gì?

Ngô Nhân Dụng

Ngày hôm qua, 12 Tháng Bảy, bà Johanny Santana, người Puerto Rico, đang đứng chờ trả tiền ở một tiệm thực phẩm thì bị một phụ nữ da trắng đứng đằng sau lên tiếng đuổi “Cút về xứ” vì nghe bà nói tiếng Tây Ban Nha.

Nghe tiếng làu bàu, Santana quay lại hỏi có chuyện gì không, và bà kia bảo: “Đừng nói nữa.” Bà ta nói: “Tôi sinh trưởng ở đây, cô không thuộc xứ này. Trở về xứ sở của cô đi – nước tôi không phải là chỗ cho mấy người tới ăn bám.” Người đàn bà da trắng nói thêm: “Cô là di dân lậu! Tôi mong ông Trump sẽ trục xuất cô.”

Câu chuyện, xảy ra ở làng Abington, quận Montgomery, tiểu bang Pennsylvania, được thâu hình, rồi được đài ti vi NBC 10 ở Philadelphia chiếu khiến nhiều người phẫn nộ. Santana nói với đài truyền hình: “Tôi cảm thấy bất lực vì không nói tiếng Anh thông thạo để có đủ chữ mà đối đáp với bà ta.” Cô cũng nói rất ân hận vì trong khi tức giận cô đã nói những lời bất nhã với bà kia.

Một người khác cũng là nạn nhân của bệnh kỳ thị ngay trong cửa hàng Burger King tại Eustis, Florida, mà ông ta làm quản lý.

Florida có rất nhiều di dân gốc Cuba, nhiều nói tiếng Tây Ban Nha cũng như người nói tiếng Việt ở Quận Cam. Ông Ricardo Castillo đang nói chuyện với một nhân viên bằng tiếng Tây Ban Nha thì có hai bà khách lớn tuổi lên tiếng la mắng. Lúc đầu, ông Castillo tưởng họ than phiền thức ăn không vừa ý, nên ông tới xin mời hai bà phần ăn tráng miệng của nhà hàng khỏi trả thêm tiền, và tặng phiếu ăn miễn phí cho lần sau.

Nhưng một bà nói với viên quản lý: “Trở về Mexico đi, nếu cứ còn muốn nói tiếng Tây Ban Nha!”

Nhưng ông Castillo là người Puerto Rican, ông lễ phép trả lời: “Bà biết không? Tôi không phải người Mexico. Bà đầy thành kiến, và tôi yêu cầu bà ra khỏi tiệm tôi ngay lập tức.” Một bà trả lời: “Tôi không có thành kiến.” Bà khác nói: “Ông thô lỗ quá!” Họ hỏi: “Nhân viên của anh không nói tiếng Anh à? Ở đây không phải là Puerto Rico hay Mexico, đây là America. Chúng tôi nói tiếng Anh. Ông phải nói tiếng Anh! Về nhà mà nói tiếng Mexico …”

Sau cùng, dù hai bà muốn ngồi lại ăn hết bữa nhưng ông Castillo mời họ ra khỏi nhà hàng, nếu không ông sẽ gọi cảnh sát. Ông Castillo giải thích: “Tôi không tỏ thái độ vô lễ nào cả, nhưng không thể chấp nhận cảnh đó diễn ra trong tiệm ăn.” Ông nói với nhà báo: “Không thể tưởng tượng thời buổi này còn những người như vậy!” Một khách hàng đã quay phim những cảnh trên vì không chịu nổi thái độ kỳ thị.

Puerto Rico, nghĩa là Bến Cảng Giàu Có, cũng viết là Porto Rico, là một lãnh thổ gồm nhiều đảo, nằm cách Florida 1,600 cây số về phía Nam, đã nhập vào nước Mỹ nhưng không được coi là một tiểu bang. Từ năm 1917, dân chúng Puerto Rico được công nhận là công dân Mỹ, họ chỉ được bầu một đại biểu vào Quốc Hội Mỹ nhưng không có quyền bỏ phiếu. Người Puerto Rico có thể cư ngụ ở bất cứ tiểu bang nào trong nước Mỹ.

Một nhân viên khách sạn Holiday Inn Express trong thành phố Austin, Texas, đã quay phim cảnh đối đáp với một bà khách hàng, để giải thích anh không cho bà vào thuê phòng vì bà đã gọi anh bằng những lời kỳ thị.

Craig Brooks, 26 tuổi, nghe bà khách gọi điện thoại đặt thuê phòng, bà ta hẹn sẽ tới nơi trong vòng 10 phút, Nhưng trước khi Brooks tắt điện thoại thì nghe thấy bà kia nói, “f***ing negro!” vì chắc bà nghe giọng nói biết anh là người Mỹ gốc Phi Châu. Negro là tên gọi những người nô lệ da đen đời xưa, ngày nay những người có học không ai dùng nữa.

Anh Brooks nói với nhà báo: “Trong đời tôi chưa từng bị ai dùng những tiếng chửi kỳ thị màu da như vậy. Tôi ở Austin, Texas, và Austin là một chỗ rất cấp tiến nhưng tôi không bị đối xử như thế bao giờ. Kỳ lạ, đến năm 2019 này mà còn những người suy nghĩ như thế.”

Khi bà khách đến, anh Brooks báo cho biết bà không thể ở khách sạn này được, vì bà đã dùng những tiếng thô tục, kỳ thị. Bà khách ngỏ lời xin lỗi và giải thích rằng bà cần ở đây vì cả gia đình đã ở đó rồi, để dự đám tang mẹ bà.

Anh Brooks nói rất tiếc, anh không có quyền cho bà ở đó. Vì anh đã hỏi ý kiến ban giám đốc khách sạn và họ đồng ý không cho những người kỳ thị vào ở khách sạn. Anh giới thiệu bà khách sang Hotel Best Western ở bên cạnh.

Người da vàng ở Mỹ ít bị kỳ thị trắng trợn như người da đen hay người Trung và Nam Mỹ. Nhưng nếu chúng ta gặp hoàn cảnh như những câu chuyện trên đây thì nên phản ứng thế nào?

Có lẽ người Á Đông tính điềm đạm và quen chịu đựng, sẽ không phản ứng mạnh mẽ như ông Ricardo Castillo, người Puerto Rican. Một người Việt Nam nói tiếng Việt với nhân viên mà bị một khách hàng nói, “Cút về nhà mà nói tiếng Việt” chắc sẽ chỉ mỉm cười hỏi lại, “Thật sao? Really?” Vừa nói vừa cười, giọng hài hước chắc sẽ làm cho các thực khách ngồi quanh bật cười!

Nếu người khách hàng tiếp tục buông lời kỳ thị, chắc ông Castillo người Việt sẽ lễ phép nói: “Bà nói bà nghe, tôi không chấp nhận những điều bà nói. Xin bà ăn cho nhanh rồi ra khỏi tiệm và đừng bao giờ trở lại đây nữa!”

Với những người nặng óc kỳ thị, chúng ta không có cách nào thay đổi họ. Gặp những người như vậy không nên tốn công “giáo dục” họ, vì cả nước Mỹ cũng đã không thể dậy cho họ cách ăn ở “văn minh.”

Phản ứng của anh Craig Brooks cho thấy anh ta là người biết cư xử. Anh báo cho ban giám đốc biết có một khách hàng vô lễ, trình bày sự kiện, và hỏi ý kiến. Tất nhiên, cấp trên phải đồng ý không chấp nhận những khách hàng kỳ thị chủng tộc.

Nhưng khi bà khách xin lỗi, và cho biết gia đình bà đã thuê phòng tại khách sạn này rồi, để dự đám tang mẹ, thì chắc một anh Brooks người Việt sẽ thay đổi thái độ. Anh có thể nói với bà rằng anh chấp nhận lời xin lỗi, xí xóa mọi chuyện, chia buồn với bà ta và điện thoại cho ban giám đốc đề nghị cứ cho bà thuê phòng.

Trường hợp chị Johanny Santana có thể cho chúng ta một điều đáng học.

Nếu có ai nói những lời kỳ thị với mình, chúng ta nên quay video, hoặc chụp hình và thâu âm. Nếu không sẵn máy thì quay sang mời người chung quanh làm chứng, phân trần, giải thích rằng mình không nói hay làm một việc gì gây hấn với người kia hết. Trước những phản ứng bình thản đó, người tỏ thái độ hay hành động kỳ thị chắc sẽ nản lòng, tự ngưng lại. Nếu người đó còn tiếp tục nói những lời thù ghét, hãy tiếp tục quay phim hoặc chụp hình, chụp cả các nhân chứng.

Luật pháp nước Mỹ cấm các hành động và lời nói kỳ thị, vì lý do chủng tộc, tôn giáo, giới tính, vân vân. Cần chuẩn bị sẵn sàng khi cần ra trước pháp luật.

Trên đây chỉ là những câu chuyện nhỏ, những hành động kỳ thị có tính cách cá nhân. Nếu có những người hay tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp nào tỏ ra có hành động hoặc thái độ kỳ thị tập thể thì khác. Khi đó chúng ta phải phản đối, phải vận động, tổ chức hành động phản đối tập thể.

Dù chúng ta ít khi trở thành nạn nhân của nạn kỳ thị nhưng người Việt Nam cần tổ chức những cuộc hội thảo về vấn đề này. Cần làm gương cho giới trẻ về cách ứng xử, đối phó khi các em bị làm nạn nhân. (Ngô Nhân Dụng)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT