Friday, March 29, 2024

‘Nước Mỹ đã trở lại,’ ưu tiên cho nhân quyền hay lợi ích?

Hiếu Chân/Người Việt

Đúng như mong ước của những người yêu chuộng tự do và hòa bình trên khắp thế giới “Nước Mỹ đã trở lại” sau bốn năm tự cô lập dưới thời cựu Tổng Thống Donald Trump. “Hôm nay tôi phát biểu với tư cách tổng thống Hoa Kỳ ngay buổi đầu chính quyền của mình và tôi gửi một thông điệp rõ ràng đến thế giới: Nước Mỹ đã trở lại,” Tổng Thống Joe Biden mở đầu bài diễn văn tại Hội Nghị An Ninh Quốc Tế Hamburg cuối tháng trước.

Chính phủ Biden đã tạm ngưng để duyệt xét lại hợp đồng bán phi cơ F-35 ký dưới thời ông Trump, ngừng cung cấp tất cả các loại vũ khí sát thương cho Saudi Arabia, vì Hoàng Tử Mohammed bin Salman ra lệnh giết nhà báo Jamal Khashoggi. Trong hình, ông Joe Biden (phải) trong một chuyến công du Saudi Arabia năm 2011 thời làm phó tổng thống. (Hình minh họa: AP Photo/Hassan Ammar)

“Nước Mỹ đã trở lại” không chỉ để tái lập tư thế lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ thông qua nỗ lực liên minh với các đồng minh và đối tác thành một mặt trận để chống các nhà nước độc tài; đề cao dân chủ, tự do, nhân quyền như một hệ giá trị chung để xác định đâu là thù đâu là bạn. Nhưng thế giới đã thay đổi rất nhiều trong bốn năm qua, và sự trở lại của Hoa Kỳ ngay lập tức bị thách thức với rất nhiều trở ngại, buộc Tổng Thống Biden phải điều chỉnh những cam kết mà ông đưa ra trong thời gian tranh cử.

Tổng Thống Biden sẽ điều chỉnh như thế nào, sẽ đối phó ra sao với những thủ đoạn và điều đó sẽ tác động như thế nào tới quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam trong tương lai?

Thách thức từ các quốc gia thù địch

Không khó nhận ra phần lớn thách thức đặt ra cho chính quyền Biden là từ những đối thủ cạnh tranh, từ các nhà nước độc tài đã mạnh lên trong mấy năm qua: Nga, Iran, Trung Quốc, nhưng cũng có những biến động ở các nước đối tác mà Hoa Kỳ đang muốn lôi kéo vào liên minh của mình.

Nước Nga đã có nhiều hành động thù nghịch chống Hoa Kỳ nhiều năm qua từ việc can thiệp vào các cuộc bầu cử của Mỹ, tấn công điện toán vào các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp lớn của Mỹ hoặc mưu sát nhà đấu tranh đối lập Alexei Navalny, nhưng hầu hết đều được chính quyền Trump bỏ qua.

Ngay sau khi ông Biden lên nhậm chức, Moscow đã bắt ông Navalny trở lại nhà tù – sau khi ông này thoát chết khỏi một vụ đầu độc nhờ sự cứu chữa của các bác sĩ Đức – bất chấp những cuộc biểu tình phản đối của hàng ngàn người Nga ở gần một trăm thành phố Nga. Mãi đến hôm Thứ Ba, 2 Tháng Ba, chính phủ Biden mới công bố trừng phạt các giới chức chính quyền Nga và 14 công ty nhà nước liên hệ đến một vụ đầu độc ông Alexei Navalny bằng chất hóa học. Vẫn chưa rõ Washington sẽ làm gì tiếp theo để trả đũa vụ tấn công điện toán vào công ty SolarWinds ở Texas, mở đường thâm nhập hệ thống máy tính của nhiều cơ quan chính quyền và doanh nghiệp Mỹ mà các cuộc điều tra đều chỉ ra thủ phạm là cơ quan tình báo quân sự Nga.

Tổng Thống Biden đã quyết định quay trở lại Hiệp Định P5+1 về kiểm soát chương trình nguyên tử của Iran, ký kết dưới thời chính quyền Obama-Biden và ông Trump đã rút ra hồi năm 2017, với điều kiện Iran phải quay trở lại thực hiện những cam kết của Tehran như thời trước năm 2015. Lúc đầu, Iran có vẻ ưng thuận nối lại đàm phán trực tiếp với Hoa Kỳ theo đề nghị của Liên Âu; nhưng sau vụ quân đội Mỹ ném bom căn cứ của các nhóm vũ trang Hồi Giáo do Iran hậu thuẫn ở miền Bắc Syria mới đây, chính quyền Iran đã đổi ý, không chịu đàm phán nữa. Giải quyết vấn đề nguyên tử của Iran như thế nào vẫn sẽ là cơn nhức đầu của Hoa Kỳ nhiều tháng năm sắp tới.

Trung Quốc ảo tưởng rằng chính quyền Biden sẽ mềm dẻo hơn với Bắc Kinh, sẽ cần sự hợp tác của Trung Quốc để giải quyết các vấn nạn lớn của thế giới như đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và chương trình vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn. Thực hiện phương châm “tiên hạ thủ vi cường” trong sách binh pháp Tôn Tử, Bắc Kinh đã nhanh chóng đẩy mạnh đe dọa Đài Loan, truy quét và đàn áp các chính trị gia đối lập của Hồng Kông, ban bố luật cho phép cảnh sát biển “nổ súng” tấn công tàu bè nước ngoài trong các vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền và thực hiện tập trận hải quân dài ngày trên Biển Đông. Các động tác này xảy ra dồn dập ngay sau ngày ông Biden nhậm chức không có mục tiêu gì khác hơn là thăm dò phản ứng của chính phủ mới của Mỹ.

Việc các đối thủ cạnh tranh chiến lược tận dụng thời điểm chính phủ Biden mới tiếp quản quyền lực và phải tập trung ứng phó với nhiều vấn nạn lớn ở trong nước để liên tiếp ra đòn nắn gân Hoa Kỳ không phải là chuyện lạ. Và cũng không có gì đáng lo vì cho dù Hoa Kỳ có thay đổi sự lãnh đạo cấp cao thì các định chế dân chủ của quốc gia này vẫn thực hiện chức trách của họ một cách tỉnh táo; quân đội Mỹ chẳng hạn, vẫn tiếp tục các cuộc hành quân bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông và eo biển Đài Loan giữa lúc Trung Quốc gia tăng dọa nạt; mẫu hạm Theodore Roosevelt vào Biển Đông tập trận chỉ hai ngày sau lễ nhậm chức của Tổng Thống Biden là một ví dụ.

Vấn đề trở nên phức tạp hơn ở các quốc gia là đồng minh của Hoa Kỳ, hoặc là các nước đối tác đang trong tiến trình chuyển hóa từ độc tài sang dân chủ mà Mỹ đang muốn kết liên minh. Saudi Arabia, Miến Điện và Việt Nam là những trường hợp đáng suy ngẫm.

Câu chuyện Saudi Arabia

Saudi Arabia – quốc gia sản xuất nhiều dầu mỏ nhất thế giới, nước lớn nhất và giàu có nhất vùng Vịnh Ba Tư, là một đồng minh số một của Washington trong cuộc đối đầu với Iran, nhất là từ sau khi Iran làm cuộc đảo chính năm 1979, thiết lập nhà nước thần quyền trong đó quyền lực tập trung vào tay các giáo sĩ Hồi Giáo dòng Shiite. Nếu Iran là “giáo chủ” của dòng Shiite thì Saudi Arabia là thủ lãnh của dòng Hồi Giáo Sunni đối nghịch; sự đối lập về ý thức hệ tôn giáo với Iran đã khiến Saudi trở thành một đồng minh tự nhiên của Hoa Kỳ và phương Tây – một mối liên hệ được củng cố bằng những quan hệ thương mại, đầu tư rất chặt chẽ.

Saudi Arabia từ lâu đã có nhiều tai tiếng về nhân quyền trong việc đối xử với phụ nữ, và đàn áp tàn bạo những người bất đồng chính kiến với vương triều al-Saud cầm quyền. Khi Hoàng Thái Tử Mohammed bin Salman được chỉ định làm người thừa kế ngai vàng của Quốc Vương Salman bin Abdulaziz Al Saud – thực tế là người lãnh đạo nhà nước Saudi Arabia thay mặt quốc vương đã 85 tuổi – thì tình hình càng tồi tệ. Ông hoàng 35 tuổi Mohammed bin Salman, thường gọi là MBS, hứa hẹn thay đổi cơ cấu kinh tế Saudi, phát triển công nghiệp và giảm phụ thuộc vào các mỏ dầu, nhưng cai trị bằng bàn tay sắt và đặc biệt tàn bạo với giới đấu tranh nhân quyền và các đối thủ chính trị.

Tháng Mười, 2018, tình báo Saudi Arabia bí mật ám sát và phanh thây nhà báo Jamal Khashoggi – một người chống đối hoàng tử MBS, phải sống lưu vong ở Hoa Kỳ và là bỉnh bút của tờ Washington Post khi ông này đến lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, theo giấy hẹn để làm thủ tục kết hôn. Vụ giết hại nhà báo Khashoggi gây chấn động thế giới nhưng phương Tây và Hoa Kỳ không có biện pháp trừng phạt thích đáng.

Ngược lại, dưới thời ông Trump, Saudi Arabia còn được Hoa Kỳ hậu thuẫn mạnh mẽ, kể cả khi nước này phát động cuộc chiến tranh ở Yemen chống quân nổi dậy Houthi và gây ra một thảm họa nhân đạo trầm trọng nhất thế giới. Trong những ngày cầm quyền cuối cùng, ông Trump còn ký sắc lệnh bán cho Saudi Arabia 50 chiến đấu cơ tàng hình F-35 mà không thông qua Quốc Hội, sau khi đã cung cấp cho nước này nhiều loại vũ khí tối tân trị giá nhiều tỷ đô la dù bị thế giới phản đối vì Riyadh đã dùng vũ khí do Hoa Kỳ cung cấp để tiến hành chiến tranh ở Yemen.

Tổng Thống Trump có lần nhấn mạnh rằng mối liên minh về an ninh Hoa Kỳ-Saudi Arabia và lợi ích của việc Saudi mua nhiều vũ khí của Hoa Kỳ thì quan trọng hơn việc truy cứu tội lỗi của một nhà lãnh đạo hàng đầu vương quốc. “Chúng ta có một đồng minh, và tôi muốn gắn bó với đồng minh ấy, mà về nhiều phương diện là một đồng minh rất tốt,” ông Trump nói trên đài Fox News sau khi công luận Hoa Kỳ bày tỏ sự phẫn nộ với vụ mưu sát một nhà báo làm việc cho một tổ chức truyền thông Mỹ.

Tổng Thống Biden đã đảo ngược một phần chính sách của ông Trump trong quan hệ với Saudi Arabia. Đến nay, chính phủ Biden đã tạm ngưng để duyệt xét lại hợp đồng bán phi cơ F-35 ký dưới thời ông Trump, ngừng cung cấp tất cả các loại vũ khí sát thương cho Saudi Arabia. Bản kết luận tình báo về vụ nhà báo Khashoggi, trong đó ghi nhận Hoàng Thái Tử MBS là người phê chuẩn hành động tàn ác đó, cũng được chính phủ cho giải mật và ngay sau đó Tòa Bạch Ốc công bố cấm vận cựu phó giám đốc tình báo Ahmad Hassan Mohammed al Asiri của Saudi và cấm nhập cảnh 76 công dân nước này.

Tuy vậy, chính phủ Biden đã không có động tác trừng phạt nào đối với Hoàng Thái Tử MBS dù trong thời gian tranh cử ông Biden đã lên án mạnh mẽ vụ ám sát và nói sẽ buộc ông MBS phải chịu trách nhiệm. Nhiều dân cử trong Quốc Hội Mỹ, các tổ chức nhân quyền quốc tế đã chỉ trích hành động “yếu ớt” của chính quyền Biden, đòi Hoa Kỳ phải trừng phạt ông MBS tương xứng với tội lỗi của ông ta thay vì chỉ cấm vận các quan chức thừa hành.

“Thay vì cấm vận MBS, có vẻ như ông Biden sẵn sàng để cho kẻ giết người được trắng án. Thông điệp cho các nhà độc tài sát nhân là: Đừng giết người, nhưng chúng tôi vẫn sẽ hợp tác với quý vị nếu chúng tôi phải làm như vậy,” bình luận viên Nicholas Kristof viết trên The New York Times. “Không có hành động chống lại hoàng thái tử phát đi một thông điệp rõ ràng ra toàn thế giới rằng những kẻ chóp bu có thể thoát khỏi hậu quả. Khi chúng ta tạo biệt lệ cho các đồng minh trong những tình huống như thế này, chúng ta nói với thế giới rằng hệ giá trị của chúng ta tùy thuộc vào quan hệ của chúng ta. Chúng ta thể hiện cho các nước như Nga và Trung Quốc thấy chúng ta có kết án nhưng hậu quả thì chưa chắc,” Dân Biểu Andy Kim (Dân Chủ-New Jersey) viết trên Twitter.

Giải quyết mâu thuẫn giữa việc trừng phạt kẻ chủ mưu tội ác và duy trì mối quan hệ đối tác Mỹ-Saudi không phải là chuyện dễ và chính quyền Biden đã chọn quan hệ thay vì thực thi công lý và đề cao các giá trị nhân quyền. Ngoại Trưởng Mỹ Antony Blinken nói rõ: “Mối quan hệ với Saudi Arabia thì lớn hơn bất kỳ cá nhân nào.”

Trình bày dài dòng như trên để thấy rằng các chính phủ hành động theo lợi ích của quốc gia họ. Trên truyền thông và trong các cuộc vận động tranh cử, các chính trị gia có thể đưa ra nhiều lời cam kết về tự do, dân chủ, nhân quyền nhưng khi phải xử lý những tình huống cụ thể trong thực tiễn chính trị, đa phần họ đều hành động theo lợi ích mà bỏ qua các giá trị và nguyên tắc dân chủ. Trong câu chuyện Saudi Arabia, lợi ích mà Hoa Kỳ nhận được từ Saudi Arabia trong cuộc đối đầu với Iran thì quan trọng hơn là việc thực thi công lý cho một nhà báo.

Khi quân đội Miến làm đảo chính, bắt giam các nhà lãnh đạo chính phủ dân sự Miến Điện, Hoa Kỳ là nước đầu tiên lên tiếng phản đối mạnh mẽ, ban hành cấm vận các tướng lĩnh cầm đầu đảo chính và đóng băng tài sản của Miến Điện tại Mỹ. Trong hình, người biểu tình ở Miến Điện phản đối đảo chính ở Mandalay, Miến Điện, hôm Thứ Hai, 1 Tháng Ba, 2021. (Hình minh họa: AP Photo)

Miến Điện: lựa chọn nào cho Hoa Kỳ?

Tuy chưa phải là đồng minh thân thiết của Mỹ như Saudi Arabia, các nước Miến Điện và Việt Nam đã nằm trong tầm ngắm của Washington như là những đối tác cần lôi kéo trong cuộc xung đột địa chính trị với Trung Quốc. Cuộc đảo chính quân sự ở Miến Điện ngày 1 Tháng Hai vừa qua đặt Hoa Kỳ vào một tình thế rất khó xử.

Sự kiện Miến Điện chuyển từ chế độ quân phiệt sang chính quyền dân sự năm 2011 tuy không do Hoa Kỳ tác động trực tiếp nhưng những chính sách cấm vận kinh tế trước chuyển hóa, và những biện pháp hỗ trợ sau chuyển hóa của Miến Điện – hoặc trực tiếp do Washington thực hiện, hoặc qua các định chế quốc tế mà Hoa Kỳ cầm chịch như Ngân Hàng Thế Giới (WB), Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) – đã có vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng dân chủ ở Miến Điện suốt 10 năm qua. Vì lẽ đó, khi quân đội Miến làm đảo chính, bắt giam các nhà lãnh đạo chính phủ dân sự Miến Điện, Hoa Kỳ là nước đầu tiên lên tiếng phản đối mạnh mẽ, sau đó là nước đầu tiên ban hành cấm vận các tướng lĩnh cầm đầu đảo chính và đóng băng tài sản của Miến Điện tại Mỹ.

Chưa hết, trong những ngày tới Washington sẽ tiếp tục có các biện pháp trừng phạt nặng, nhất là sau khi quân đội dùng vũ lực đàn áp người biểu tình, gây thương vong cho hàng chục người dân phản đối đảo chính. Cái khó của Washington là ở chỗ, làm sao buộc được giới chức cầm đầu quân đội nước này phải nhượng bộ, tái lập nền dân chủ non trẻ của Miến Điện mà không đẩy nước này lún sâu hơn vào vòng ảnh hưởng của Bắc Kinh, phá vỡ chiến lược “liên minh” mà chính phủ Joe Biden đang ấp ủ.

Có người nhận định rằng, một khi các biện pháp ngoại giao thất bại, Hoa Kỳ sẽ tính tới giải pháp quân sự, nhưng chúng tôi nghĩ rằng lựa chọn đó sẽ không xảy ra. Ngoại Trưởng Antony Blinken nói “Hoa Kỳ sát cánh cùng nhân dân Myanmar,” nhưng cụ thể sát cánh như thế nào thì chưa thấy ông nói đến. Có thể các nhà hoạch định chính sách ở Washington đang cân nhắc giữa việc lôi kéo Miến Điện vào liên minh chống Trung Quốc cùng với các quốc gia Đông Nam Á và việc phục hồi dân chủ theo khát vọng của người dân Miến.

Nếu xu thế “lôi kéo” trội hơn thì không loại trừ khả năng Washington sẽ có phương thức hòa giải với tập đoàn quân sự Miến Điện, vừa tìm cách hạn chế ách cai trị tàn bạo của họ vừa hạn chế ảnh hưởng của Bắc Kinh. Còn trong trường hợp phong trào đấu tranh của người dân Miến Điện nổi lên mạnh mẽ và bền vững, áp lực quốc tế từ Hoa Kỳ và phương Tây căng thẳng tới mức tập đoàn quân phiệt cuối cùng phải nhượng bộ thì đó là may mắn hiếm có cho đất nước này. Dù thế nào thì sự nghiệp dân chủ, tự do của người dân Miến Điện cũng đang trải qua những cơn sóng dữ và có thể sẽ tiêu tốn thêm nhiều máu và nước mắt.

Việt Nam trông đợi gì?

Việt Nam vừa là “láng giềng thân thiết” với Trung Quốc vì cùng thể chế độc tài toàn trị, vừa là kẻ đối địch trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Trong quan hệ với Mỹ, Việt Nam vừa có lợi ích chiến lược gần gũi với Hoa Kỳ chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc, vừa là một nước “cần theo dõi” vì “thành tích” đàn áp tàn bạo khát vọng tự do dân chủ của người dân.

Tuy Việt Nam cố “đu dây” giữa Trung Quốc và Mỹ, nhưng quan hệ song phương với Trung Quốc là quan trọng nhất. Theo nhận định của Cơ Quan Nghiên Cứu Quốc Hội Mỹ, nhịp độ và mức độ của sự tiến triển quan hệ song phương Việt-Mỹ vẫn bị giới hạn vì ba lý do chính: Một là, Việt Nam chỉ thực hiện các bước ngoại giao lớn với Mỹ sau khi xác định được phản ứng của Trung Quốc. Hai là, mặc dù các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy người dân Việt Nam có thiện cảm với Mỹ, giới chức Việt Nam vẫn hoài nghi mục tiêu lâu dài của Washington là chấm dứt sự lãnh đạo độc quyền của đảng CSVN bằng phương thức “diễn tiến hòa bình.” Và cuối cùng, quan tâm của Mỹ về hồ sơ nhân quyền Việt Nam bị xuống dốc trầm trọng trong mấy năm qua, vẫn còn là một trở ngại trong việc gia tăng hơn nữa quan hệ giữa Hà Nội và Washington.

Xử trí một đối tác như vậy đòi hỏi Washington phải linh hoạt, và đã có nhiều giai đoạn mối quan tâm của Hoa Kỳ về tình hình nhân quyền của Việt Nam đã bị tạm gác lại, nhường ưu tiên cho các quan hệ mang tính địa chiến lược và thương mại. Bốn năm thời Tổng Thống Donald Trump là một giai đoạn như vậy: quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam tiến triển mạnh, nhưng Washington cũng im lặng hoặc chỉ phản ứng chiếu lệ với những hành động vi phạm nhân quyền trắng trợn của Hà Nội. Và cũng trong giai đoạn này, Việt Nam gần như liên tục nhượng bộ Trung Quốc ở các dự án khai thác dầu khí trên Biển Đông, xây dựng nhà máy nhiệt điện than từ Nam chí Bắc và nhà nhà cầm quyền thẳng tay đàn áp những người bất đồng chính kiến mà không phải e ngại.

Đã có dấu hiệu cho thấy chính quyền của Tổng Thống Joe Biden sẽ tiếp tục đẩy mạnh quan hệ với Việt Nam như dưới thời Trump trong chiến lược hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Ngoại Trưởng Blinken đã gọi điện thoại cho Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại Giao CSVN Phạm Bình Minh, hứa hẹn đẩy mạnh hợp tác và hẹn nhau “ăn phở” ở Hà Nội. Từ trường hợp của Saudi Arabia và Miến Điện nói trên có thể khẳng định, Hoa Kỳ có thể sẽ không ưu tiên cho vấn đề tự do, nhân quyền của Việt Nam và đây là lựa chọn dễ hiểu.

Theo quan điểm của Washington đối phó với Trung Quốc vẫn là ưu tiên cao hơn so với dân chủ hóa thể chế chính trị của Việt Nam. Vả lại, Việt Nam chưa có một phong trào đấu tranh chống độc tài sâu rộng như Miến Điện, chưa có một tổ chức chính trị đối lập nào ở trong nước được dân chúng ủng hộ như Liên Đoàn Dân Tộc Vì Dân Chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi nên Hoa Kỳ dù muốn cũng chưa thể hỗ trợ tích cực cho công cuộc dân chủ hóa Việt Nam.

Phân tích như vậy để thấy rằng, dù chính quyền Biden và đảng Dân Chủ đề cao các giá trị tự do dân chủ như là nền tảng để thiết lập quan hệ đồng minh trong cuộc chiến ý thức hệ chống độc tài toàn trị, cuộc đấu tranh để giải thể chế độ cộng sản, tái lập dân chủ vẫn là công việc của người dân Việt Nam, sự hỗ trợ của Hoa Kỳ cho phong trào dân chủ Việt Nam sẽ không mạnh mẽ, không có nhiều tác động như thời Obama trở về trước. Và không thể trách cứ Washington về điều đó. [qd]

MỚI CẬP NHẬT