Thursday, April 25, 2024

Tại sao các tướng chống sử dụng quân nhân hiện dịch chống bất ổn?

Lê Phan

Trong khi tổng thống có quyền ra lệnh cho lực lượng hiện dịch dẹp bạo loạn – chứ không phải phản đối ôn hòa – thì các tướng lãnh hàng đầu của quân đội Hoa Kỳ đều đồng ý rằng đó là một điều họ không muốn.

Cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng James Mattis, một đại tướng Thủy Quân Lục Chiến, giải thích tại sao. Ông viết là quân sự hóa phản ứng của Hoa Kỳ chống lại những cuộc xung đột “tạo nên một cuộc chiến – một cuộc chiến sai lầm – giữa quân đội và xã hội dân sự.”

Trong cố gắng tránh việc này xảy ra, các tướng lãnh chỉ huy thường ngần ngại trước bất cứ một hơi hướm gì của bộ điệu võ biền khi đối diện với người Mỹ trên đất Mỹ. Cựu Đại Tướng Martin Dempsey, cựu tham mưu trưởng Liên Quân, nhắc nhở trong một cái tweet: “Hoa Kỳ không phải là bãi chiến trường. Công dân đồng bào chúng ta không phải là kẻ thù.”

Và ngay sau những lời chê bai này, Bộ Trưởng Quốc Phòng Mark Esper, cũng từng là một ông tướng chỉ huy Vệ Binh Quốc Gia, đã công khai chống lại Tổng Thống Donald Trump và công nhận là lời kêu gọi của ông cho binh sĩ “chế ngự không gian chiến trường” có lẽ là chọn không đúng chữ. Lực lượng quân đội hiện dịch không nên được gửi đến kiểm soát bất ổn ở các thành phố Hoa Kỳ, trừ khi đó là “giải pháp cuối cùng” trong “một tình trạng thảm khốc.”

Dĩ nhiên gửi binh sĩ can thiệp vào hoạt động dân sự đã là điều từng xảy ra trong lịch sử Hoa Kỳ. Trong trên 200 năm qua, các thành phố lớn nhỏ của Hoa Kỳ đã chứng kiến chính phủ Hoa Kỳ khai triển binh sĩ trong những giai đoạn khủng hoảng quốc gia.

Giáo Sư Richard Kohn, cựu sử gia của Không Quân và giáo sư danh dự của Đại Học North Carolina ở Chapel Hill, nhắc nhở: “Tôi không muốn nhắc cho các bạn, nhưng có một bộ ba cuốn ở Trung Tâm Quân Sử về ‘Vai trò của quân đội liên bang trong bất ổn nội địa.’” Với mỗi cuốn 400 trang, bộ sử này bắt đầu từ năm 1789, với bộ mới nhất cho biết chi tiết của các vụ can thiệp ở Chicago, Detroit, Baltimore và nhiều thành phố khác, từ năm 1945.

Một trong những vụ nổi bật nhất là việc Sư Đoàn Dù 101 được khai triển đến Little Rock, Arkansas, vào năm 1957 trong giai đoạn hội nhập các trường học ở đó. Sự việc này xảy ra sau khi thống đốc Arkansas lúc đó Orval Faubus, ra lệnh cho Vệ Binh Quốc Gia của tiểu bang ông áp đặt những biện pháp trên thực tế sẽ không cho học sinh da đen vào các trường da trắng. Khi các em học sinh, mỗi em được một vị mục sư cả da đen lẫn da trắng hộ tống đến ghi tên, họ bị một đám đông phất cờ Confederacy phản đối. Sau nhiều lần cố gắng vượt qua hàng rào những Vệ Binh Quốc Gia, không một em nào vào được trường học, theo một bản phúc trình của quân đội.

Tổng Thống Dwight Eisenhower đe dọa sẽ dùng “bất cứ vũ lực nào cần thiết” để thực hiện luật hội nhập liên bang. Sư Đoàn 101 Không Kỵ đã được đặt trong tình trạng báo động.

Một ngày sau, thị trưởng thành phố Little Rock điện thoại cho tổng thống để “bày tỏ sự tin tưởng” của ông là binh sĩ có thể phải được dùng đến nếu muốn mở cửa trường trung học Central High School cho học sinh da đen. Nhân viên Tòa Bạch Ốc nói ông hãy viết thành văn bản, thành ra ông gửi một điện tín nói đúng như vậy.

Sư Đòan Dù 101 đã triển khai quanh trường trung học Central High School vào lúc 5 giờ chiều ngày 25 Tháng Chín, 1957, với lưỡi lê cắm ở đầu súng. Quân sử viết “Vũ khí nhẹ và vũ khí hóa học được giữ ở đằng sau.”

Khi các em học sinh da đen đến, đám đông ngày càng tức giận và thù hận. Quân sử ghi “Hai người bị thương nhẹ, một người vì báng súng và một người vì lưỡi lê. Mặc dầu căng thẳng, đám đông bắt đầu giải tán vào buổi chiều hôm đó, và ngay tức thời khu vực quanh đó tương đối không có mấy ai. Không có chuyện gì xảy ra trong suốt phần còn lại của ngày hôm đó.”

Đó cũng không phải lần cuối. Sau vụ các cảnh sát liên quan đến vụ đã đánh dã man ông Rodney King, được tha bổng, các cuộc phản đối ở Los Angeles bùng lên. Tất cả 54 người thiệt mạng trong năm ngày bạo loạn, con số cao nhất từ năm 1863 trong một vụ chống quân dịch ở New York. Khoảng 2,328 người bị thương và thiệt hại tài sản lên đến 900 triệu, con số cao nhất trong bất cứ cuộc bạo loạn nào cho đến lúc đó. Người lúc đó là Bộ Trưởng Quốc Phòng Dick Cheney ra lệnh cho quân đội hãy đặt Sư Đoàn 7 Bộ Binh cũng như 1,500 Thủy Quân Lục Chiến chờ đợi. Sứ vụ của họ rất đơn giả: hỗ trợ cho chính quyền địa phương để tái lập trận tự.

Để cho Vệ Binh Quốc Gia có thể được liên bang hóa và đặt dưới sự chỉ huy của Tư Lệnh Sư Đoàn 7, Tổng Thống George H.W. Bush ra một sắc lệnh nói ông gửi binh sĩ đến không phải là để dẹp nổi loạn, nhưng là để “giảm thiểu tình trạng bạo động nội địa.” Lần đó, Tổng Thống Bush cũng chỉ gửi binh sĩ đến theo yêu cầu của thống đốc California.

Đại Tướng Charles Dunlap, cựu phó thẩm phán tòa án quân sự mặt trận cho Không Quân và hiện nay là giám đốc Trung Tâm Về Luật, Đạo Đức và An Ninh Quốc Gia của Đại Học Duke ở North Carolina, giải thích là vì chữ “nổi dậy” nó hàm ý quá mạnh. Ông nói: “Sử dụng đến chữ ‘nổi dậy’ có thể tạo nên một cách không đúng khái niệm nội chiến trong đầu quần chúng.” Ông thêm là nói cách khác, tổng thống đã không cần phải dùng đến Đạo Luật Insurrection Act.

Thành ra biện minh pháp lý cho việc gửi quân đội vào một vụ bất ổn dân sự ở Hoa Kỳ có thể có nhiều lý do nhưng chỉ cần nói là nó có thể biện minh được. Câu hỏi là liệu có nên làm điều đó hay không.

Trung tá hồi hưu Daniel Davis, thuộc Viện Nghiên Cứu Defense Priorities, giải thích: “Tái lập trật tự là một sự sử dụng rất đúng sức mạnh quân đội – hay đúng hơn sức mạnh quân sự. Nhưng rất nguy hiểm nói đến sử dụng binh sĩ hiện dịch chống lại người Mỹ dân sự bày tỏ sự bất mãn của họ một cách ôn hòa trên căn bản hiến pháp.”

“Đó là tại sao chúng ta rất ồn ào về cáo buộc những gì người Trung Quốc đang làm, chúng ta nói là điều đó thật tệ hại – và chúng ta đúng,” ông thêm. Hơn thế, theo ông lý luận là Vệ Binh Quốc Gia, vốn được huấn luyện cho những sứ vụ như vậy “không đối phó nổi,” chưa được chứng minh trong trường hợp những vụ biểu tình về ông George Floyd. Đó cũng là điều mà Bộ Trưởng Esper nhắc lại tuần này.

Ông Davis nói tiếp “Nó có thể là cách [Tổng Thống Donald Trump] nói, ‘Tôi muốn thêm quyền, thêm uy tín qua việc mang binh sĩ – Sư Đoàn 82 Dù – vì nó nghe cool hay là gì đó. Không. Không. Vệ Binh Quốc Gia thực sự được huấn luyện cho những tình hình này.”

Hơn thế ông nói là cuộc tranh luận quanh việc sử dụng vũ lực đã trở thành vấn đề về “cách mà chúng ta trở thành quá tập trung vào quân lực để giải quyết vấn đề, đến nỗi khi chúng ta có một vấn đề quốc gia tương đối nhỏ – so với năm 1968 – việc đầu tiên người ta muốn là mang ra binh sĩ đến.” Thay vì vậy, tổng thống và các lãnh tụ quốc gia “cần làm chuyện khó khăn của tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra, và làm cho dân chúng bình tĩnh trở lại.”

Sử gia Kohn nói: “Trong khi đúng là trong sách vở của quân đội cách tốt nhất để chặn bất ổn dân sự ‘là tổ chức lực lượng áp đảo trên đường phố và buộc mọi người về nhà,’ nếu quý vị không làm nó với những lời hòa giải và tử tế, quý vị có thể thúc đẩy thêm bạo động và chống đối. Điều quý vị muốn là tránh đổ máu và tái lập trật tự – thiệt hại tài sản có thể sửa chữa được.”

Ông thêm nếu tổng thống nhất quyết nói gửi Sư Đoàn 82 Dù đến đường phố thủ đô Washington, DC, một tư lệnh sẽ gọi các sĩ quan ra một bên và nói “Gắn lưỡi lê vào, đừng cho tụi nhỏ đạn. Và cũng nhắc các chỉ huy cho đến cấp thấp nhất là họ sẽ bị quay video từng phút.”

Ông Kohn tuy vậy bảo là thái độ “điển hình đao to búa lớn” của tổng thống đã đặt những người như Đại Tướng Mark Milley, tham mưu trưởng liên quân, “trong một vị thế thật tệ.” Dùng một ông tướng cho “một tấm bình phong chính trị không có gì lạ trong liên hệ dân sự quân sự nhưng hầu hết tổng thống mà tôi có thể nhớ có đủ ý thức để đừng đưa ra những ông như ông Milley.”

Lại càng tệ hơn nữa khi ông tướng đi trên đường phố thủ đô trong bồ độ trận và tiếng Vệ Binh Quốc Gia hung hăng giải tán một cuộc biểu tình ôn hòa vẫn còn vang dậy ở thủ đô chỉ để mở khu vực cho một dịp chụp hình. Chả thế mà ngày hôm sau ông tướng đã gửi một memo nhắc nhở quân đội là họ thề bảo vệ Hiến Pháp và phục vụ nhân dân Hoa Kỳ.

Và ông thêm một đoạn viết tay: “Chúng ta đều hứa tính mạng mình cho lý tưởng vốn là Hoa Kỳ -chúng ta sẽ tiếp tục giữ lời thề đó và với nhân dân Hoa Kỳ.” Ông Kohn giải thích them: “Điều quan trọng cho ông Milley là giữ được niềm tin của tổng thống. Thành ra ông sẽ không ra lệnh cái gì ngu xuẩn. Hay có hậu quả ngược. Hay độc hại. Hay chết người.” [qd]

MỚI CẬP NHẬT