Tinh thần tự nguyện cứu các cầu thủ Heo Rừng

Ngô Nhân Dụng

Nếu một tai nạn xảy ra ở Việt Nam, tương tự như các em bé trong đội banh Heo Rừng bị kẹt trong hang động ngập nước ở Thái Lan, thì tất cả mọi người Việt cũng được tác động tâm lý để đoàn kết và giúp ích lẫn nhau không khác gì. Nhưng không biết đến lúc đó, các công tác tự nguyện của người Việt có thể biểu lộ thành hành động có hiệu quả nhanh chóng như các công dân Thái Lan hay không.

Một yếu tố giúp cuộc giải cứu các cầu tủ tí hon thành công là các việc làm tự nguyện của các công dân Thái Lan và nhiều nước khác, tinh thần tự nguyện chỉ phát triển trong các xã hội tự do.

Trong 24 giờ sau khi được tin các trẻ em mất tích, đơn vị Người Nhái (Navy SEAL) thuộc quân đội đã có mặt, nhưng họ lúng túng vì chỉ quen “hành quân” trong sông hồ, biển vùng nước ấm. Họ chưa bao giờ, với những dụng cụ cồng kềnh, chui vào các đường hang ngập nước, nhiều nơi chật hẹp nước tuôn như thác đổ, và chung quanh tối mù, đưa bàn tay ra phía trước cũng không thấy. Bình thường, các người nhái nếu gặp khó khăn có thể quyết định nhoi lên trên mặt nước để điều chỉnh, nhưng trong các đường ngầm ngoắt ngoéo chung quanh toàn đá sắc cạnh, họ không thể làm như vậy được.

Người đầu tiên giúp các người nhái chuyên nghiệp thích ứng với hoàn cảnh mới là một người tình nguyện, giám đốc các chi nhánh của hãng xe hơi Mỹ General Motors ở vùng này. Ông Ruengrit Changkwanyuen đã nghe lời kêu gọi trên ti vi của một nữ ca sĩ và diễn viên điện ảnh ở Bangkok, cô Narinthorn Na Bangchang. Cô ca sĩ và ông Ruengrit bay tới vùng hang động, hai ngày sau các trẻ em mất tích. Ông Ruengrit vốn là một chuyên viên tin học nhưng cũng chơi môn thể thao thợ lặn, đã đề nghị sửa lại các ống dưỡng khí của toán người nhái cho đỡ cồng kềnh. Và ông đưa các người nhái đến một hồ bơi ở một khu nghỉ hè gần đó để tập lặn bơi trong hang động chật hẹp.

Tinh thần tự nguyện được nuôi dưỡng trong xã hội Thái Lan không biết từ bao giờ. Cô Narinthorn kêu gọi trên ti vi xin mọi người gửi cho các mặt nạ và bình dưỡng khí cho thợ lặn. Cô xin 200 bình dưỡng khí và ống nối, nhưng đã nhận được hơn gấp đôi con số đó. Nhiều người đã tình nguyện chuyên chở những món đồ cứu trợ từ Bangkok tới làng Mae Sai và cửa động Tham Luang thuộc vùng Ba Biên Giới, xa cả ngàn cây số.

Việc tổ chức cuộc giải cứu không thể thành công nhanh chóng, trước khi các em bé bị chết vì đó và vì thiếu dưỡng khí, nếu chỉ có quân đội Thái Lan phụ trách.

Hơn 10,000 người đã tham dự, trong đó có 2,000 quân nhân với 150 người nhái, hơn 50 thợ lặn tình nguyện, và hàng ngàn công dân Thái tới giúp làm tất cả những việc như nấu cơm (5,000 phần ăn mỗi ngày), đến việc bơm không khí vô bình. Toán quân nhân từ Mỹ bay tới đã mang theo các dụng cụ cấp cứu, giúp việc chuyên chở và thông tin, nhưng các công việc hàng ngày đều do người Thái tình nguyện đảm đương. Ông Nitikarn Binkasun, một chuyên viên cấp cứu từ Bangkok bay đến, đã làm việc ngày đêm để bơm dưỡng khí vô bình, với 500 bình được đặt trong hang động, và luôn luôn có 200 bình chờ được bơm hơi từ những thùng dưỡng khí xếp ngoài cửa động.

Người tình nguyện các nước khác cũng bay qua Thái Lan, từ Phần Lan, Anh quốc, Trung Quốc, Australia, Bỉ, và Mỹ.

Ông Reymenants, người Bỉ, đã cùng những người Anh tình nguyện, cùng các người nhái Thái lặn vào con đường hầm ngập nước để tìm đám trẻ. Họ mò mẫm, vì trong hang tối om, có lúc ông Reymenants chui lầm vô một đường hầm không nhúc nhích được, phải nhờ người kéo chân lôi ra. Những người này đã vẽ một sơ đồ và đặt một đường dây thừng cho người đi sau tiếp tục.

Nhờ lần theo sợi dây đó mà hai thợ lăn người Anh Quốc đã tiến xa hơn, chính họ cũng vừa tiến tới vừa đặt thêm dây dẫn đường, cho tới khi họ ngoi lên được trên mặt nước, và nhìn thấy một đám trẻ em trong cái hang hẹp hơn một hành lang khách sạn, trong ánh sáng mờ mờ của những ngọn đèn họ đeo trên mũ và mặt nạ. Lúc đó đã là 10 ngày sau khi các em mất tích. Ông Stanton, 57 tuổi, là một lính cứu hỏa ở ở Coventry, ông Volanthen, 47 tuổi, là chuyên viên tin học ở Bristol, Anh Quốc. Họ và một “thợ lặn” thứ ba, Robert Harper, rời London ba ngày sau khi đám cầu thủ mất tích.

Sau khi đã đào 100 lỗ trên núi để thử tìm cách cứu các em ra ngoài, người ta phải bỏ kế hoạch đó vì không biết chắc cái hang nằm ở chỗ nào bên dưới. Dù có đục được một cái ống xuống đến nơi, cũng còn mối lo nước trong hang động sẽ dâng lên làm các em chết đuối trước khi được đưa ra. Những thợ lặn tình nguyện Thái Lan và ngoại quốc đã lập ra kế hoạch giải cứu bằng cách đưa từng em ra một, với 9 trạm cấp cứu ở những nơi không bị ngập. Dọc theo đường dây đã được đặt trong hang, cứ 25 mét lại có đèn và bình dưỡng khí.

Có người tình nguyện đã hy sinh mạng sống khi đi đặt các bình dưỡng khí trong bóng tối đường hầm ngập nước. Ông Saman Gunan, 38 tuổi, một người nhái giải ngũ, hiện đang làm việc ở phi trường Bangkok, đã tự xin tham dự công cuộc giải cứu. Ông và một người bạn tình nguyện khác bị lạc trong hang động tối mò. Mọi người nóng lòng chờ đợi họ, cho đến khi người bạn ngoi lên, báo tin Saman đã chết vì bình dưỡng khí cạn. Nước Thái Lan thêm một anh hùng nêu gương sáng cho các thế hệ mai sau.

Tinh thần một dân tộc được nuôi dưỡng với những tấm gương sáng như vậy. Người Việt chúng ta đã biết chuyện Triệu Thị Trinh, chuyện Trần Bình Trọng, từ những lớp tiểu học.

Trước năm 1975, ở miền Nam, tinh thần tự nguyện của các công dân đã phát triển cao. Những đoàn thể do tư nhân lập ra lo hầu hết các công việc từ thiện mà chính quyền không đủ sức lo. Các đoàn hướng đạo, gia đình Phật Tử, thanh niên Công Giáo, Hòa Hảo, Hưng Đạo đoàn của Cao Đài Giáo, lúc nào cũng sẵn sàng “làm việc xã hội.” Mỗi lần có thiên tai, bão lụt, các học sinh trung học, tiểu học được thầy cô dẫn đi lạc quyên khắp những thành phố để giúp các nạn nhân.

Năm 1964, mấy trăm đoàn thể thanh niên, sinh viên, học sinh đã sinh hoạt với các “công tác xã hội” giúp ích đồng bào. Chương trình Công Tác Hè 1965 quy tục hàng chục ngàn học sinh trong 40 tỉnh khắp miền Nam. Chương trình CPS do Bộ Giáo Dục chủ trương tiếp tục công việc đó. Nhưng hầu hết các công việc đồng bào giúp lẫn nhau vẫn do các hội đoàn trong xã hội công dân phụ trách.

Thời kỳ “vàng son” của phong trào thanh niên làm việc xã hội đã chấm dứt ở miền Nam sau khi cộng sản vào chiếm đóng.

Hiện nay những người muốn “làm việc xã hội,” dù chỉ năm, bẩy người, cũng phải “có giấy phép” của nhà nước, mà có khi không ai biết cơ quan nào của nhà nước nắm quyền “cho phép.” Một đoàn bác sĩ từ nước ngoài về trong nhiều năm, đã thỏa thuận, xếp đặt công việc với một bệnh viện ở Long An, nhưng năm nay khi về tới nơi thì không được hoạt động. Vì “ở trên” không ai ký cho tấm giấy phép! Bỗng dưng, các bác sĩ ở nước ngoài về không được phép “hành nghề” dù họ không những tình nguyện làm không lương mà còn mang thuốc men, dụng cụ về giúp.

Một đoàn bác sĩ đã thỏa thuận đến khám bệnh ở một xã tại Tây Ninh, nhưng khi đấn nơi thì “huyện” không ký cho giấy phép chữa bệnh, phát thuốc! Tất cả những đoàn từ thiện này đều biết khi vào nước Việt Nam phải “bôi trơn.”Họ đã tặng quà cáp từ trên xuống dưới, nhưng chỉ cần một nhân vật quyền thế nào đó không hài lòng thì cũng phải ngưng hoạt động. Mà đối với những kẻ nắm quyền, họ quen tham nhũng hàng tỷ đồng, thì những quà cáp của các bác sĩ không đáng cho họ đổi ý kiến!

Các đoàn thể tình nguyện ở miền Nam Việt Nam đã chấm dứt hoạt động dưới chế độ Cộng Sản, nay phải “làm chui,” hoặc núp bóng các tổ chức tôn giáo, từ thiện được nhà nước công nhận.

Với tình trạng một đảng nắm quyền kiểm soát ngay cả những công việc từ thiện, xã hội công dân không thể phát triển. Nếu nữ ca sĩ Narinthorn Na Bangchang và ông Ruengrit Changkwanyuen sống ở Việt Nam thì họ không thể lên ti vi kêu gọi đồng bào góp sức cứu các trẻ em trong hang động ngập nước, khó lòng huy động hàng ngàn người tham gia.

Tinh thần tự nguyện chỉ nảy nở và được thể hiện trong những xã hội tự do. Khi quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp được tôn trọng, thì công dân mới phát triển. (Ngô Nhân Dụng)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.