Trung Đông vẫn nóng bỏng

Ngô Nhân Dụng

Tổng Thống Donald Trump rút khỏi thỏa hiệp nguyên tử với Iran và đưa tòa Đại Sứ Mỹ tới Jerusalem. Nếu các hành động trên nằm trong một chiến lược mới, ông Trump đang thay đổi vai trò của nước Mỹ trong vùng Trung Đông.

Với quyết định thứ nhất, nước Mỹ đứng hẳn về phía Israel và các nước theo phái Sun Ni Hồi Giáo như Á Rập Saudi; họ đều muốn ngăn chặn không cho Iran gây ảnh hưởng trong vùng. Mỹ cấm vận trở lại, kinh tế Iran sẽ phát triển chậm hơn vì các nước Âu Châu sẽ giảm bớt mua bán và đầu tư, vì áp lực của Mỹ.

Quyết định đem sứ quán Mỹ vào Jerusalem đi ngược với chính sách của các chính phủ Mỹ trước đây, Dân Chủ cũng như Cộng Hòa. Nước Mỹ vẫn muốn đóng vai trò trung gian trong cuộc xung đột giữa Israel với người Palestine và những nước Hồi Giáo ủng hộ họ. Bây giờ, Tổng Thống Trump đứng hẳn về phía Thủ Tướng Netanyahu.

Ông Netanyahu đóng một vai chính trong cả hai quyết định trên. Ông chống thỏa hiệp với Iran ngay từ đầu. Năm 2015, ông đã qua đọc một bài diễn văn trước hai viện Quốc Hội đả kích việc Mỹ và các nước Châu Âu, Nga, Trung Quốc thỏa hiệp với Iran, ngưng thí nghiệm năng lượng nguyên tử, và được ngưng cấm vận. Việc đưa tòa Đại Sứ Mỹ tới Jerusalem càng tăng uy tín của ông Netanyahu, vì đây là điều các chính phủ Israel vẫn đòi hỏi từ hơn nửa thế kỷ mà không được thỏa mãn.

Cả hai quyết định kể trên của Tổng Thống Trump cho thấy ông muốn đứng hoàn toàn về phía Israel trong bàn cờ Trung Đông. Đây là một thay đổi chiến lược. Mặc dù các chính phủ Mỹ trước đây vẫn hết sức ủng hộ Israel, với viện trợ quân sự bốn, năm tỷ đô la mỗi năm và lá phiếu phủ quyết ở Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc mỗi khi Israel bị lên án, nhưng họ vẫn muốn thế giới Á Rập và Hồi Giáo nhìn nước Mỹ như có thể đứng trung gian hòa giải các nước đó với Israel. Ông Trump tỏ ra không cần vai trò đó.

Trung Đông vẫn là đấu trường giữa Israel và các nước Hồi Giáo, kể cả Iran từ 70 năm nay; và cũng là nơi hai phái Shia và Sun Ni trong Hồi Giáo xung đột từ hơn mười thế kỷ. Nhưng bàn cờ Trung Đông đã thay đổi từ hơn mười năm qua, kể từ khi quân Mỹ tấn công Iraq lật đổ chế độ Saddam Hussein năm 2003. Nguyên nhân là Iran bành trướng thế lực trong khối dân Á Rập theo phái Shi A.

Một hậu quả của việc hạ bệ Saddam Hussein là Iran tiến vào Iraq, vì đa số dân xứ này theo phái Shi A. Hussein thuộc thiểu số Sun Ni, và đã hai lần gây chiến với Iran. Tiếp theo, cuộc nội chiến ở Syria, từ năm 2011, tạo cơ hội cho Iran đưa người và vũ khí vào xứ này giúp Assad, một chính quyền phái Shi A. Hỏa tiễn của Iran bây giờ ở cách các căn cứ quân sự của Israel đến 100 cây số và đã bắn sang vùng cao nguyên của Syria do Israel chiếm đóng từ năm 1967. Tuần trước, Israel đã bắn hỏa tiễn trả đũa, tiêu diệt hầu hết các vũ khí của Iran ở Syria. Nhưng chưa bao giờ Israel bị đe dọa trực tiếp bởi quân đội và hỏa tiễn của Iran gần biên giới mình như bây giờ.

Lợi dụng nội chiến Syria, Iran đã đưa quân của nhóm Hezbollah từ Lebanon qua giúp chính quyền Assad, nhân đó tăng cường thế lực. Những người trong nhóm Hezbollah cũng theo giáo phái Shi A, một thiểu số ở Lebanon. Họ đã nổi lên, vũ trang trong một cuộc nội chiến ở nước này, rồi biến thành một đảng chính trị, được chính thức chia quyền hành với những đảng theo phái Sun Ni hoặc Thiên Chúa Giáo. Quân Hezbollah luôn luôn đe dọa Israel với những vụ pháo kích và xâm nhập, phá hoại. Họ đã giúp Assad đắc lực, và được Iran tiếp tế thêm nhiều vũ khí mới. Hiện nay nhóm Hezbollah có hàng trăm ngàn hỏa tiễn, sẽ chỉ quay về hướng Israel khi nội chiến Syria chấm dứt.

Ngoài ra, Iran cũng hỗ trợ tích cực nhóm Houthis, cũng theo phái Shi A, ở Yemen, đánh nhau với quân chính phủ theo phái Sun Ni do Á Rập Saudi giúp đỡ.

Saudi Arabia đứng đầu các nước nhỏ theo phái Sun Ni trong vùng, đã đổ nhiều tỉ Mỹ kim vào giúp đồng đạo ở các nước Lebanon, Syria và Iraq. Nhưng những đồng tiền đó không tạo được kết quả như các ông hoàng dầu lửa mong muốn. Ngược lại, Iran sử dụng niềm tin tôn giáo, và đã có kết quả. Chính quyền Iran không giầu tiền như Saudi, nhưng họ lại sẵn sàng đưa quân, với nhiều tướng lãnh, qua chiến đấu ở Syria và Iraq.

Vì Iran bành trướng thế lực, Á Rập Saudi trở thành một đồng minh khách quan của Israel. Tổng Thống Donald Trump đang lợi dụng tình trạng mới này. Quyết định xé thỏa hiệp nguyên tử với Iran của ông Trump được cả Israel và Saudi hoan nghênh.

Nhưng việc đưa tòa Đại Sứ Mỹ tới Jerusalem có thể khiến Á Rập Saudi phải tách xa nước Mỹ, ít nhất trên hình thức, vì áp lực của người đồng đạo, và của dân chúng Saudi. Những người Á Rập Hồi Giáo coi dân Palestine là những người anh em cần được giúp đỡ, từ khi họ đã bị đánh bật ra khỏi nhà cửa, ruộng vườn lúc nước Israel thành lập.

Ngày lập quốc của Israel, Thứ Hai vừa qua, cũng là một ngày đau đớn trong lịch sử dân Palestine, mỗi năm họ vẫn kỷ niệm. Dân Palestine đã phải dùng khủng bố, bạo lực hơn hai chục năm mới được Israel cho lập một chính quyền tạm thời, tự cai quản, được thế giới công nhận, nhưng hoàn toàn tùy thuộc vào chính sách cứng hay mềm của chính phủ Israel.

Jerusalem là thánh địa của người Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo. Thành phố này do người Hồi Giáo cai quản từ thế kỷ thứ 13, cho tới khi quân Israel chiếm đóng năm 1967. Jerusalem có hai khu, nơi người Do Thái hoặc người Á Rập chiếm đa số. Cả thế giới vẫn ủng hộ một giải pháp có “hai quốc gia,” Israel và Palestine sống bên cạnh nhau. Người Á Rập và Hồi Giáo vẫn tin tưởng rằng khi quốc gia Palestine thành hình thì sẽ chọn một nửa Jerusalem làm thủ đô, chia nhau với Israel.

Việc đưa sứ quán Mỹ về Jerusalem làm người Á Rập và Hồi Giáo thất vọng. Hơn 50 người Palestine đã bị quân Israel bắn chết khi đi biểu tình tiến về hàng rào kẽm gai ngăn cách Israel và dải Gaza. Chính phủ các nước Châu Âu đã đặt câu hỏi tại sao quân Israel không tự kiềm chế, chỉ dùng đạn mã tử và lựu đạn cay, mà phải bắn đạn thật vào những thanh niên không vũ trang thứ gì khác hơn là những chiếc kéo cắt dây kẽm gai? Chính quyền Netanyahu có thể ra lệnh bắn vì họ tin rằng mình đang được cường quốc lớn nhất thế giới là nước Mỹ ủng hộ với bất cứ giá nào.

Kể từ năm 2000, đã có hơn 9,600 người Palestine bị giết vì những cuộc xung đột như xảy ra ở Gaza hôm vừa qua, trong thời gian đó cũng có 1,251 người Israel chết. Con số hơn 50 người Á Rập mới bị bắn khó thay đổi hình ảnh của cuộc tranh chấp trong vùng. Nhưng những đám tang đang diễn ra ở Gaza sẽ gây xúc động trong lòng người Á Rập khắp nơi, có thể ảnh hưởng tới chính phủ của họ.

Nhân biến cố ở Gaza, chắc chắn Iran sẽ lợi dụng thổi bùng ngọn lửa chống Israel và chống Mỹ. Nga và Trung Cộng càng thêm cơ hội nướcc đục thả câu, chống cả hai quyết định chiến lược của Tổng Thống Trump và đã hứa sẽ phối hợp với nhau chặt chẽ hơn. Các nước đồng minh của Mỹ ở Châu Âu công khai phản đối cả hai quyết định của ông Trump.

Sau cùng, liệu chiến tranh có thể bùng lên trong vùng Trung Đông hay không? Nơi lửa dễ bốc cháy nhất là biên giới Syria trong cuộc chạy đua giữa Iran và Israel. Nếu chỉ giới hạn trong vùng nằm giữa Israel với Syria và Lebanon thì tình hình chung sẽ không thay đổi nhiều. Vì cả hai nước đều tự kiềm chế. Hỏa tiễn của Iran chỉ bắn vào các căn cứ quân sự của Israel trên đất Syria, không đánh tới các đô thị. Khi trả đũa, Israel cũng chỉ nhắm các kho vũ khí của Iran mà tránh không tấn công các trại tập trung quân lính.

Nhưng nếu tình hình này cứ kéo dài thì vẫn tạo cơ hội cho Iran bành trướng thế lực ở cả ba nước Syria, Lebanon và Yemen, chưa kể tại các nước khác nơi có những nhóm thiểu số người Shi A sinh sống.

Israel có thể sống với thực tế đó, vì không có cách khác, khi 9 triệu dân nước này đã sống giữa mấy triệu người thù địch từ 70 năm qua. Nhưng bản đồ cả vùng này sẽ thay đổi, vì mối xung đột giữa dân theo hai phái Sun Ni và Shi A càng ngày càng căng thẳng hơn. Chưa biết nước Mỹ còn muốn đóng vai trò trung gian nào trong các cuộc cờ đó hay không.

Tình trạng Trung Đông cũng tùy thuộc chính phủ Iran. Liệu họ có làm sống lại việc nghiên cứu năng lượng nguyên tử, để có khả năng làm bom hay không? Nếu các nguồn lợi giao thương và đầu tư từ các nước Âu Châu cũng ngưng lại vì Mỹ cấm vận, thì Nga và Trung Cộng có đủ trám vào chỗ trống đó hay không? Chiến lược mới của Tổng Thống Trump tùy thuộc cả hai câu hỏi này. (Ngô Nhân Dụng)