Tuesday, April 16, 2024

Trung Quốc, đối thủ nguy hiểm của Hoa Kỳ

Lê Mạnh Hùng

Năm 1999, Giáo Sư Paul Bracken của Đại Học Yale cho xuất bản cuốn sách “Fire in the East: The Rise of Asian Military Power and the Second Nuclear Age,” trong đó ông viết: “Cuộc đấu tranh giữa Mỹ và Trung Quốc… sẽ là sự kiện định nghĩa của thế kỷ thứ 21. Và Trung Quốc sẽ là đối thủ nguy hiểm hơn nhiều so với Liên Xô cũ.”

Và điều đó nay đã xảy ra, không phải là một cuộc tranh chấp thương mại bình thường mà là một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới. Việc xâm nhập liên tục vào các hệ thống điện toán quân sự và dân sự của Mỹ của những tay “hacker” người Hoa có liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với các cơ quan an ninh tình báo của Trung Cộng chính là một cuộc chiến không tuyên bố.

Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm và chắc chắn sẽ còn kéo dài thêm cả nhiều chục năm nữa, bất kể rằng một thỏa thuận về thương mại có đạt được hay không vào lần này với những tấm hình ông tổng thống Mỹ cười sung sướng bắt tay ông chủ tịch Trung Quốc trong một tấm hình quảng cáo khiến cho giá cổ phần trên thế giới tăng vọt lên.

Đó là vì cuộc Chiến Tranh Lạnh mới này được một loạt những yếu tố mà các ông tướng và những nhà chiến lược quân sự có thể hiểu rõ tạo ra, nhưng lại xa lạ với rất nhiều nhân vật trong giới kinh doanh vốn là thành phần chính có mặt tại những nơi như là Davos. Nhưng bởi vì quan hệ Mỹ – Trung Cộng là quan hệ then chốt nhất thế giới với nhiều hậu quả trong rất nhiều lãnh vực thành ra thị trường tài chánh không thể nào không tính đến.

Vấn đề là những khác biệt giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng có tính căn bản và đối nghịch không thể nào dung hòa được, thành ra chúng chỉ có thể giữ không bùng nổ thành nóng, qua thương thuyết nhưng không bao giờ giải quyết được tận gốc cho đến khi một bên sụp đổ hoặc đầu hàng.

Phía Trung Cộng bắt buộc phải tìm cách đuổi Hoa Kỳ ra khỏi miền Tây Thái Bình Dương (ít nhất là ở các Biển Đông và Hoa Đông) trong khi Hoa Kỳ thì nhất định không chịu rút.

Việc Trung Cộng phải đuổi Hoa Kỳ ra khỏi miền Tây Thái Bình Dương là một chuyện tất nhiên. Người Hoa coi Biển Đông giống như người Mỹ coi biển Caribê trong thế kỷ thứ 19 và đầu thế kỷ thứ 20 vậy. Nó là sự triển khai chính tự nhiên của lãnh thổ Trung Cộng, cho phép hải quân và hàng hải thương thuyền của họ đi ra chi phối vùng biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Nó tương tự như trong thế kỷ thứ 19 và đầu thế kỷ thứ 20 người Mỹ coi việc chi phối vùng biển Caribê sẽ cho phép Hoa Kỳ chi phối cả vùng Tây Bán Cầu và qua đó triển khai lực lượng của họ sang Đông Bán Cầu trong hai cuộc thế chiến và cuộc Chiến Tranh Lạnh. Đối với Mỹ, bá quyền thế giới khởi đầu với biển Caribê, đối với Trung Cộng nó khởi đầu với Biển Đông.

Nhưng trái với Anh trong thế kỷ thứ 20, Hoa Kỳ từ chối không chịu rút ra khỏi Tây Thái Bình Dương. Giới lãnh đạo quốc phòng Mỹ, cả quân sự lẫn dân sự coi sự hiện diện của Mỹ tại vùng này là một điều không thể nào từ bỏ được. Bắt đầu từ việc Mỹ cướp lấy Philippines từ tay Tây Ban Nha cho đến Thế Chiến Thứ Hai và các cuộc chiến Triều Tiên và Việt Nam, Hoa Kỳ đã bỏ rất nhiều xương máu để bảo vệ sự hiện diện của mình tại vùng này. Quan trọng hơn nữa là một chuỗi các liên minh mà Hoa Kỳ đã ký kết với các nước trong vùng trải rộng từ Nhật Bản phía Bắc xuống đến Úc tại phía Nam. Đó là một cam kết không những có tính chiến lược mà còn có tính lịch sử nữa.

Việc Hoa Kỳ từ chối không chịu từ bỏ vùng Tây Thái Bình Dương cho Trung Cộng được sự ủng hộ của tất cả hai đảng và có triển vọng sẽ là chính sách của bất kỳ một chính quyền Mỹ nào sau Trump dù là Dân Chủ hay Cộng Hòa. Ngay cả những người gọi là “tân cô lập” (Neo-isolatinist) khi mà nói đến cùng, thật sự chỉ muốn rút quân đội Mỹ ra khỏi vùng Trung Đông, một điều mà có thể củng cố vị thế của Mỹ chống lại Trung Cộng. Còn về phần những người cấp tiến cánh tả trong đảng Dân Chủ, thật sự trên phương diện mậu dịch họ gần với ông Trump hơn là chính sách của những người ôn hòa trong đảng.

Ngoài ra còn khía cạnh ý thức hệ của cuộc Chiến Tranh Lạnh mới này. Trong những thập niên trước, việc phát triển nhảy vọt của Trung Quốc không tạo ra những chống đối bao nhiêu tại Mỹ là vì các chính sách tương đối ôn hòa của ông Đặng Tiểu Bình và những người thừa kế ông khiến cho người Mỹ dễ dàng bỏ qua, nhất là cộng đồng doanh nghiệp Mỹ.

Nhưng với ông Tập Cận Bình, Trung Cộng đã xoay ra thành một chế độ độc tài hầu như toàn trị. Thay vì một sự lãnh đạo tập thể thì nay ta có một nhà độc tài cá nhân mà thời hạn cai trị không bị giới hạn, với một chủ nghĩa tôn thờ cá nhân bắt đầu manh nha cùng với một bộ máy cưỡng chế càng ngày càng tinh vi. Và đây cũng là một chế độ mà đã tổ chức bắt trên một triệu người sắc tộc Uighur Hồi Giáo vào các trại lao động khổ sai. Sự khác biệt giữa hệ thống chính trị Mỹ và Trung Cộng càng ngày càng giống như sự khác biệt giữa Hoa Kỳ và Liên Xô.

Thành ra bất kể cuộc thương thuyết Hoa Kỳ – Trung Cộng về mậu dịch có đến kết quả như thế nào, các quan hệ chính trị quân sự cũng vẫn tiếp tục căng thẳng và sẽ lan vào các quan hệ kinh tế với mọi thỏa thuận sẽ chỉ có tính cách tạm thời. (Lê Mạnh Hùng)

MỚI CẬP NHẬT