Cựu Chiến Binh

Trường hợp Đài Loan: Tiếc thay một đóa trà mi!

Vann Phan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Nguồn tin thông tấn xã Reuters cho hay, hôm 6 Tháng Mười, 2021, Bộ Trưởng Quốc Phòng Đài Loan Chiu Kuo-cheng nói rằng tình hình quân sự căng thẳng giữa Đài Loan và Trung Quốc hiện nay là tồi tệ nhất từ hơn bốn thập niên qua.

Bản đồ địa hình của đảo quốc Đài Loan. (Hình: maps.lib.utexas.edu)

Từ sau ngày Quốc Khánh 1 Tháng Mười của Trung Quốc, trong bốn ngày liên tiếp, gần 150 máy bay quân sự từ Hoa Lục đã bay đến vi phạm Vùng Nhận Dạng Phòng Không (ADIZ) của Đài Loan, liên tục quấy nhiễu không phận và đánh đòn cân não vào hệ thống phòng thủ của đảo quốc này.

Các chiến đấu cơ của Không Lực Đài Loan đã bay lên cảnh cáo và xua đuổi các máy bay của Trung Quốc đi, nhưng chỉ cần một sơ suất hoặc hiểu lầm nhỏ của lực lượng hai phe trong cuộc giằng co là chiến tranh có thể bùng nổ giữa hai bên bờ Eo Biển Đài Loan.

Đây sẽ là cái cớ chính đáng để Trung Quốc tràn quân qua tiêu diệt sức kháng cự của quân đội Đài Loan và đánh chiếm đảo quốc này, theo đúng với ý đồ và sách lược xâm chiếm vùng lãnh thổ nhỏ bé nằm ngoài khơi tỉnh Phúc Kiến mà Bắc Kinh đã hăm he từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền cai trị Hoa Lục hồi Tháng Mười Một, 2012 tới nay.

Trước khi bàn đến tìn hình nghiêm trọng hiện nay và tương lai bấp bênh của Đài Loan, tưởng cũng nên đề cập đến thế đứng chênh vênh của Đài Loan từ sau ngày Hoa Kỳ và hầu hết các nước trên thế giới đành đoạn phủ nhận sự tồn tại chính đáng của đảo quốc này mà công nhận Trung Quốc là chính quyền hợp pháp tại Hoa Lục vào ngày 1 Tháng Giêng, 1979.

Thế đứng chênh vênh của đảo quốc Đài Loan

Sau khi bỏ rơi đồng minh Trung Hoa Dân Quốc (bằng cách cắt mọi viện trợ quân sự và kinh tế cho chính quyền của Tổng Thống Tưởng Giới Thạch) vào tay các lực lượng Cộng Sản do Mao Trạch Đông lãnh đạo, khiến cho chính quyền và quân đội Trung Hoa Dân Quốc phải chạy ra cố thủ tại đảo Đài Loan hồi năm 1949, Hoa Kỳ đã lại xuống tay cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức với chính quyền Đài Bắc vào ngày 1 Tháng Giêng, 1979, dẫn đến việc Đài Loan bị trục xuất khỏi Liên Hiệp Quốc (nơi quốc gia này là một trong năm thành viên sáng lập tổ chức quốc tế đó) vào ngày 25 Tháng Mười, 1979.

Thấy đồng minh chính yếu của Đài Loan, là Hoa Kỳ, lại đang tâm làm thế với Đài Bắc, phần lớn các quốc gia trên thế giới cũng theo đuôi mà ruồng bỏ Đài Loan, khiến chỉ có một số quốc gia nhỏ bé và đảo quốc tại Mỹ Châu La Tinh và Thái Bình Dương là còn đủ can đảm để giữ vẹn lời thế chúng thủy với Đài Bắc mà thôi. Nhưng con số các nước này, thảm hại thay, lại hao hụt dần theo năm tháng dưới sức nặng của đồng tiền vạn năng mua chuộc từ Bắc Kinh.

Tuy nhiên, như một phép lạ, chỉ một thập niên sau khi đảo Đài Loan trở thành miền đất sống của nước Trung Hoa Dân Quốc, đảo quốc này đã từ một nơi thưa dân và kém mở mang trở thành một đất nước tự do, dân chủ mẫu mực và có nền kinh tế thịnh vượng nhất, nhì tại Viễn Đông, đi từ một nền kinh tế chuyên gia công kiếm lời đến một công xưởng sản xuất hàng tiêu dùng của Á Châu và toàn thế giới, vị thế mà Trung Quốc đang nắm giữ bây giờ.

Trong bài viết nhan đề “Asia’s Emerald Isle” trên trang mạng iwandered.net, ngày 7 Tháng Tư, 2010, Đài Loan đã được du khách khắp nơi ca ngợi là Hòn Đảo Ngọc Bích của Thái Bình Dương, chẳng những vì vẻ đẹp thuần khiết và trang nhã của đất nước này mà còn vì lòng hiếu khách của dân chúng địa phương cùng các tiện nghi giao thông tân tiến trên đảo quốc nữa.

Mặc dù các chính quyền thuộc Quốc Dân Đảng Trung Hoa có lập trường chấp nhận chỉ có một nước Trung Hoa với hai thể chế khác nhau tại Bắc Kinh và Đài Bắc, nhưng chính quyền hiện nay của Tổng Thống Thái Anh Văn – thuộc Dân Tiến Đảng – được tuyệt đại đa số dân chúng Đài Loan tín nhiệm từ gần một thập niên qua, không chấp nhận đảo Đài Loan là thuộc lãnh thổ Trung Quốc mà chỉ muốn vùng đất này là một đảo quốc độc lập cả về chính trị lẫn kinh tế. Điều này trái ngược hẳn với lập trường của cả Bắc Kinh và Washington khi các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc (Nixon và Chu Ân Lai) ký bản Thông Cáo Chung Thượng Hải (Shanghai Communiqué) vào ngày 28 Tháng Hai, 1972, có giá trị pháp lý từ đó đến nay.

Tuy được Trung Quốc tạm thời để yên từ bảy thập niên qua, thế đứng của Đài Loan, với dân số hơn 23 triệu vào năm 2020, vẫn bị coi là chênh vênh trên trường quốc tế, đơn giản chỉ là vì không có cường quốc nào, kể cả Hoa Kỳ, nhìn nhận lãnh thổ này là một quốc gia (hoặc đảo quốc), tức là thua xa cả những tiểu quốc như Monaco bên bờ Địa Trung Hải hoặc Singapore tại Đông Nam Á nữa.

Đã thế, sự tồn vong của Đài Loan chỉ nương tựa mong manh vào thỏa thuận chung giữa hai cường quốc Hoa Kỳ và Trung Quốc sau ngày Washington cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc và nhìn nhận Bắc Kinh, theo đó Đài Loan tạm thời giữ vững nền độc lập khỏi Hoa Lục cho đến khi Bắc Kinh và Đài Bắc thỏa thuận thống nhất với nhau “bằng đường lối hòa bình,” nhưng lại không nói rõ nếu Đài Loan không chịu thống nhất với Trung Hoa thì sao.

Về mặt an ninh, Đài Loan chỉ được Hoa Kỳ bảo đảm, một cách mơ hồ, là Washignton sẽ giúp Đài Bắc võ trang đầy đủ tới mức bảo vệ được hòn đảo này khỏi một cuộc chiến tranh xâm lược từ bên ngoài – mà chủ yếu là từ Hoa Lục – chứ không hề có một hiệp ước phòng thủ chung với Hoa Kỳ như ba quốc gia Á Châu khác, là Nhật, Nam Hàn và Philippines, đang có.

Trong bối cảnh nền chính trị của Hoa Kỳ luôn thay đổi và bất nhất tùy theo nhà cầm quyền tại Washington thuộc đảng Dân Chủ hay đảng Cộng Hòa, và với tập quán ưa bỏ rơi đồng minh, từ Việt Nam Cộng Hòa cho tới kháng chiến quân người Kurds ở Syria và mới đây là Afghanistan, sinh mệnh của đảo quốc Đài Loan thật chẳng có gì là bảo đảm cả.

Điều đáng buồn nhất là đất nước Đài Loan tuy giàu có và người dân xứ Đài thì hiền hòa như thế nhưng dân tộc Đài Loan lại rất cô đơn, tức là không có một đồng minh thân thiết nào ngoài Hoa Kỳ, là kẻ lúc nào cũng chỉ ỡm ờ trong chuyện bảo vệ Đài Loan khỏi nanh vuốt của Trung Quốc.

Nước Nhật, kẻ từng cai trị hòn đảo này một thời gian ngắn trước khi Thế Chiến Thứ Hai kết thúc, luôn tỏ ra rất cảm phục và nặng tình với Đài Loan, nhưng ngày nay lại đang quá yếu trước sức mạnh quân sự vượt trội của Trung Quốc. Đông Kinh lo tự bảo vệ mình khỏi nanh vuốt cúa Con Rồng Đỏ còn chưa xong thì sức lực đâu mà bảo vệ người đàn em ở phía dưới chân mình?

Trung Quốc chắc chắn sẽ đánh chiếm Đài Loan trong nay mai

Kể từ khi Tổng Thống Joe Biden, nổi tiếng là một nhà lãnh đạo ôn hòa, lên nắm quyền tại Tòa Bạch Ốc hồi đầu năm nay, Trung Quốc đã có nhiều hoạt động quân sự mang tính khiêu khích từ Biển Hoa Đông và Eo Biển Đài Loan cho tới Biển Đông. Trong khi mục tiêu của các lực lượng Trung Quốc tại Biển Hoa Đông chỉ là nghi binh nhằm mục đích “điệu hổ ly sơn” (bởi vì họ không dám đánh chiếm đảo Điếu Ngư, tức Senkaku, của Nhật do nước này có hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ) thì tại Biển Đông và Đài Loan, các hành động khiêu khích này rất nghiêm trọng.

Riêng tại Đài Loan, mục đích khiêu chiến của các lực lượng Trung Quốc nhằm gây ra cuộc chiến tranh xâm lược đảo quốc này đã quá rõ ràng, với những hoạt động tập trận liên tiếp tại Eo Biển Đài Loan và hiện nay là tung hàng trăm chiến đấu cơ xâm phạm vùng nhận diện phòng không của Đài Loan.

Mặc dù Tổng Thống Biden nói rằng ông và Chủ Tịch Tập Cận Bình, trong một cuộc điện đàm mới đây, cho biết hai bên sẽ tuân thủ các thỏa thuận lâu đời về tương lai của Đài Loan, các quan sát viên quốc tế tin rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ đánh chiếm đảo quốc này trong nay mai, mặc dù chính xác vào thời điểm nào thì hiện chưa ai biết rõ. Các yếu tố sau đây có thể chứng minh cho nhận định nói trên:

Thứ nhất, sau bốn thập niên canh tân đất nước cả về kinh tế lẫn quân sự, nước Trung Quốc ngày nay đã trở thành một siêu cường, và Giải Phóng Quân Nhân Dân Trung Hoa hiện không còn cái mặc cảm là thua kém Quân Lực Mỹ nữa, đội quân được coi là hùng mạnh nhất thế giới hiện nay, sau khi họ đã tiến bộ vượt bực trong các lãnh vực khoa học-kỹ thuật, đặc biệt là về hỏa tiễn siêu thanh và chinh phục vũ trụ.

Thứ nhì, ông Tập Cận Bình và đảng Cộng Sản cầm quyền tại Bắc Kinh rất có thể cũng cần một thành tích nổi bật, như việc đánh chiếm Đài Loan, để trình lên Đại Hội lần thứ 20 của đảng Cộng Sản Trung Quốc vào năm tới.

Thứ ba, Đài Loan nay lại càng hấp dẫn hơn về mặt kinh tế nhờ kỹ nghệ độc quyền sản xuất thiết bị bán dẫn dùng trong xe hơi, máy điện toán và điện thoại thông minh hiện đang khan hiếm trên khắp thế giới. Hồi Tháng Hai năm nay, Đài CNBC cho biết Đài Loan đã trở thành nền kinh tế vượt trội tại Á Châu vào năm 2020, qua mặt luôn cả Trung Quốc lần đầu tiên từ hơn 30 năm qua, bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vì đại dịch COVID-19.

Và thứ tư, chính tham vọng của ông Tập Cận Bình là động lực mạnh mẽ nhất thúc bách nhà độc tài này phải chiếm lấy Đài Loan rồi thống nhất Trung Hoa, đặng chiếm thành tích để đời rằng đây là lần thứ nhì sau khi Tần Thỉ Hoàng, lần đầu tiên, tóm thâu lục quốc và thống nhất đất nước Trung Hoa vào năm 221 Trước Công Nguyên.

Tiếc thay một đóa trà mi…

Giả sử Trung Quốc, trong những ngày tháng tới, đánh chiếm được đảo quốc Đài Loan, viên ngọc bích giữa đại dương dông bão, thì thật chẳng khác nào một cô gái quyền quý, cao sang và xinh đẹp bỗng dưng rơi vào tay một kẻ thất phu, như câu ca dao (mang nặng tính kỳ thì chủng tộc) Việt Nam sau đây: “Tiếc thay cây quế giữa rừng/ Để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo.”

Đài Loan cho hay trong số những phi cơ Trung Quốc bay vào Vùng Nhận Dạng Phòng Không (ADIZ) của Đài Loan có máy bay ném bom Xian H-6U. (Hình minh họa: Greg Baker/AFP via Getty Images)

Nhưng phải so sánh số phận của Đài Loan sau khi bị thất thủ vào tay Trung Quốc với số phận của Thúy Kiều (trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du) khi phải thất tiết với Mã Giám Sinh, một kẻ chuyên buôn người, mới đúng, nhất là khi Thúy Kiều cùng với Đài Loan đều là nạn nhân của các cuộc mua bán tình ái hoặc chính trị thuở xưa và thời nay.

Thúy Kiều là nạn nhân của cuộc bán mình vào thanh lâu để lấy 300 hoặc 400 lượng vàng mà chuộc tội buôn lậu tơ lụa cho cha, còn Đài Loan là nạn nhân trong cuộc mua bán giữa các chính quyền liên tiếp của Hoa Kỳ với Cộng Sản Trung Hoa từ 1972 đến nay.

Trên đường đưa nàng Kiều sắc nước hương trời về cho tú bà, họ Mã đã không dằn được con lợn lòng nên đã xâm phạm tiết hạnh của nàng Kiều trước khi chính thức trao món “hàng độc” này lại cho bà chủ thanh lâu: “Tiếc thay một đóa trà mi/ Con ong đã tỏ đường đi lối về…” (Vann Phan) [qd]

Disqus Comments Loading...
Share

Recent Posts

  • Cộng Đồng

Nhét dương vật vô thức ăn, người nấu bếp nhà hàng Houston bị bắt

Từ việc một người đàn ông bị buộc tội đã làm ô nhiễm thức ăn…

5 hours ago
  • Hoa Kỳ

Google lập kế hoạch xây trung tâm dữ liệu $2 tỷ ở Indiana

Google có kế hoạch đầu tư $2 tỷ xây cất một trung tâm dữ liệu…

6 hours ago
  • NHÀ ĐẤT

Những cách thỏa hiệp để tiết kiệm tiền khi mua nhà

Từng được coi là “dấu ấn của giấc mơ Mỹ,” việc mua nhà và lãi…

6 hours ago
  • Xe Hơi

10 mẫu xe cũ dưới $10,000 đáng tin cậy

Những cải tiến quan trọng bắt đầu vào những năm 2010, với nhiều mẫu xe…

7 hours ago
  • Little Saigon

Tưởng niệm 30 Tháng Tư gợi nỗi đau khó xóa nhòa

Những cư dân đến tham dự buổi tưởng niệm 3- Tháng Tư cùng tỏ lòng…

9 hours ago
  • Hoa Kỳ

California có 4 thành phố trong Top 100 Nơi Sinh Sống Tốt Nhất Nước Mỹ

Livability.com phân tích dữ liệu công cộng và tư nhân của thành phố cỡ nhỏ…

9 hours ago

This website uses cookies.