Friday, April 26, 2024

Con mong một phép màu

Michi Trần

LGT: Tháng Năm Lễ Mẹ. Tháng Sáu Lễ Cha. Nhân dịp này, nhóm Kết Nối Việt trên Facebook – nơi quy tụ khá đông những thành viên là người gốc Việt sống khắp nơi trên thế giới – tổ chức một cuộc thi viết “bỏ túi” mang tên “Đấng Sinh Thành.” Với sự đồng ý của Ban Quản Trị Nhóm cũng như của các tác giả, Nhật Báo Người Việt sẽ lần lượt đăng tải một số bài viết là những câu chuyện, những tâm tình có thật liên quan đến tình mẫu tử, tình phụ tử trên nhật báo Người Việt, Người Việt Online và Facebook Người Việt. Kính mời quý độc giả đón xem.

 

Ký ức tuổi thơ tôi là đầy dẫy những chuỗi ngày chuyển trường học, chuyển chỗ ở, khi thì ở nhờ nhà cô giáo, lúc thì ở nhờ nhà họ hàng xa. Cứ đến môi trường mới không được bao lâu, chưa kịp thích nghi, thì tôi lại phải chuyển đi nơi khác.

Lý do của việc trốn chạy này là vì “Rượu.” Bố tôi nghiện “Rượu,” một thứ chất lỏng vừa cay vừa đắng lại làm cho người sử dụng nó quá nhiều sẽ biến thành một người khác. Đó là định nghĩa về “Rượu” trong tâm trí một đứa trẻ là tôi khi ấy 6 tuổi. Sau hàng trăm lần vác chai đi mua rượu cho bố, tôi thường trốn sau nhà, ngửa mặt lên trời, nước mắt sẽ chảy sang hai bên tóc rồi rơi xuống, tôi không phải lấy tay để quẹt nước mắt tèm nhem trên má, và hơn hết tôi không nếm phải vị mặn của nó, điều đó làm tôi cảm thấy ổn hơn.

Bố tôi là một người sống rất tình cảm, biết đối nhân xử thế, dĩ nhiên là ngoại trừ lúc ông say rượu. Tôi chứng kiến cả tá những lần khi hết hơi rượu, ông hứa sẽ không say, suýt xoa vì nhìn thấy vết thương trên người vợ con, rồi bế tôi trắng cả một đêm vì vết khâu bốn mũi ở đùi, kết quả của một trận say rượu.

Ngày hôm ấy là lần đầu tiên mẹ để tôi lại mà đi một mình, vì rằng đã bao nhiêu lần và bằng hàng nghìn cách đưa tôi đi, nhưng vẫn không thoát khỏi. Lần này mẹ nghĩ rằng, “Hổ dữ không dám ăn thịt con” để rồi tôi có “4 chỉ của hồi môn” bố để lại trên đùi trái, một vết sẹo nhỏ ở ngón tay áp út, và một ở giữa đỉnh đầu.

Trong lúc tôi bị những vết thương đó, bà nội tôi, bác và cả các anh chị bất lực ở ngoài vì không phá được cánh cửa đã khóa trái. Họ chỉ còn cách đi gọi công an. Khi công an đến cũng là lúc bố tôi như đã bớt hơi men trong người. Tôi nhớ họ hỏi bố tôi tại sao tôi lại bị chảy máu, ông trả lời do tôi đang cầm cốc mà đi dưới nền nhà trơn, tôi ngã nên bị mảnh cốc vỡ chém vào.

Tâm trạng tôi lúc ấy không thể nào quên, nhưng tôi không thể diễn tả nó ra thành lời. Sau khi hỏi bố tôi, công an vào hỏi tôi “Cháu đã bị thương như thế nào?” Tôi khai rõ ràng với họ, “Cháu cầm cốc đi mà nền nhà trơn nên cháu ngã.” Thế là họ ra về, tôi chìm vào giấc ngủ trong lòng bố sau khi được khâu lại vết thương.

Sáng sau tỉnh dậy, mẹ cũng đã về lại với tôi, và tiếp tục chịu đựng những chuỗi ngày sau không có gì thay đổi so với những ngày trước. Điều tốt đẹp hơn chỉ diễn ra không quá một tuần, và rất nhanh lại trở lại như cũ, vì ma men vẫn ở trong người bố tôi.

Nhưng qua lần đó, tôi cứng cỏi, trưởng thành hơn nhiều. Nghe có vẻ hơi “sĩ” với một đứa 6 tuổi, nhưng vì sao dù sợ bố say, muốn thoát khỏi bố cùng với mẹ, mà tôi lại không nói sự thật với công an? Vì ở đâu đó trong tim, tôi sợ mất bố, sợ họ sẽ đưa bố tôi đi, ngay trong lúc đó, lúc mà bố đã tỉnh rượu, lúc mà bố đang yêu thương tôi, tôi trân quý vô cùng những phút giây đó, bố tỉnh táo và “thương tôi”.

Năm 9 tuổi tôi thật sự mất bố,vì căn bệnh ung thư gan.

Chắc hẳn mọi người đang đọc câu chuyện của tôi tới đây cũng phần nào hình dung được về mẹ tôi. Để nói về mẹ, có lẽ chẳng lời lẽ nào tôi có thể viết được ra cho đủ về người, đặc biệt là trong lúc này,  khi mà mẹ con tôi đã vượt qua đủ sóng gió, cả khi còn bố, lẫn khi một mình mẹ nuôi tôi khôn lớn đầy đủ, bằng bạn bằng bè, cho dù có những lúc tưởng chừng không thể vượt qua, mẹ đã có ý định cho tôi cho một người bạn thân của mẹ, vì lúc đó sức khỏe mẹ tôi yếu kiệt quệ, bệnh viện đã trả về.

Thế rồi phép màu đến với mẹ con tôi. Mẹ vượt qua bệnh tật bằng nghị lực phi thường mà đến bây giờ sau bao nhiêu năm, những người hàng xóm vẫn còn nhắc lại với tôi rằng họ không tưởng.

Tôi không biết phép màu có thể một lần nữa đến với gia đình tôi không, vì giờ đây, con trai duy nhất của tôi, là kết quả của thụ tinh nhân tạo, do vợ chồng tôi hiếm muộn, lại mắc phải căn bệnh quái ác SMA teo cơ tủy sống, type 2!

Trong đau đớn tột cùng tôi lại nghĩ, mẹ sẽ còn đau đớn hơn tôi, vì thương tôi, thương cả cháu, nỗi đau cứ nhân lên thôi.

“Mẹ, con sẽ giống như mẹ, mang nghị lực sống phi thường để chờ phép màu sẽ lại đến với gia đình ta.” (Michi Trần)

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT