Thursday, April 18, 2024

Viết về mẹ của bố tôi – Bà Nội

Phương Chi

LGT: Tháng Năm Lễ Mẹ. Tháng Sáu Lễ Cha. Nhân dịp này, nhóm Kết Nối Việt trên Facebook – nơi quy tụ khá đông những thành viên là người gốc Việt sống khắp nơi trên thế giới – tổ chức một cuộc thi viết “bỏ túi” mang tên “Đấng Sinh Thành.” Với sự đồng ý của Ban Quản Trị Nhóm cũng như của các tác giả, Nhật Báo Người Việt sẽ lần lượt đăng tải một số bài viết là những câu chuyện, những tâm tình có thật liên quan đến tình mẫu tử, tình phụ tử trên nhật báo Người Việt, Người Việt Online và Facebook Người Việt. Kính mời quý độc giả đón xem.

 

Tôi sinh đúng vào năm có biến cố đặc biệt, 1975. Có lẽ vì vậy mà nội nuôi tôi khổ nhất trong ba đứa cháu. Không có sữa Mẽo sữa Tây như anh hai chị ba, nội nuôi tôi bằng nước cơm và bo bo. Nội bảo gạo cứ đổ nhiều nước đợi lúc sôi chắt nước cơm hơi sền sệt cho tôi uống. Vậy mà tôi vẫn lớn đều.

Mỗi lần mở quyển album “lịch sử” của gia đình tôi lại thầm cười: “Con nhỏ còi không tóc kia là tui sao, một bà mẹ nay đã 43 tuổi?”

Tuổi thơ của anh em tôi phần lớn là cạnh nội vì mẹ phải theo bố đi kinh tế mới ở Hố Nai sau thời gian “cải tạo.” Những ký ức nhỏ nhoi còn sót lại thời tiểu học là đầu năm học nào chúng tôi cũng phải trả lời những sát hạch của giám thị : “Ai là con sĩ quan ngụy? đứng lên!” Tôi và nhiều bạn trong lớp đứng lên để được “điểm danh.” “ Ai theo đạo Công giáo? đứng lên!” Tôi lại được lần nữa viết tên. Và “ Ai năm ngoái nằm trong danh sách học sinh giỏi của lớp? đứng lên!” Việc mỗi năm học được “điểm danh 3 lần” đã thành quen thuộc với tôi là vậy.

Tôi cũng dần hiểu vì sao đứa bạn cùng lớp được lãnh quà rất to chỉ vì sinh nhật ngày 30 Tháng Tư, 1975 và ba bạn ấy là “cách mạng”. Tôi đã từng khóc thật to khi nhỏ bạn cùng lớp chỉ thẳng tay vào mặt tôi quát lên giữa lớp: “Ba mày bắn què giò ba tao.” Một đứa trẻ 7 tuổi ngày ấy chỉ yếu ớt phản ứng “Ba tôi là bác sĩ quân y, ba cứu người trong bệnh viện mà.” Còn quá nhỏ để tôi hiểu vì sao mỗi lần ba bạn ấy, một thương binh, chống nạng vào trường là tim tôi lại đập thình thịch. Những ngày ấy tôi đều về khóc với nội để nội ôm tôi vào lòng, những câu chuyện của nội đã thay lời ru đưa tôi vào giấc ngủ. Chuyện nội cõng bà cố mù lòa, tay dẫn bố tôi lên tàu theo các Cha Cố chạy từ Bắc vào Nam, chuyện nội mù chữ nhưng nhất định nuôi bố tôi học thành bác sĩ, là gương cho cả giòng họ. Những vất vả của nội không thể viết thành lời không thể đo đếm.

Nội thay bố mẹ chăm sóc anh em tôi, nội đưa anh em tôi đi học, đi họp phụ huynh, các thầy cô trong trường đã quen với hình ảnh của nội vì ba anh em tôi cách đều lớp 1, 2, 3 và học giỏi. Và, nội đưa anh em tôi đi lễ, đi nhà thờ, dạy cầu nguyện đọc kinh từ khi bập bẹ học nói.

Ngày ấy, giấc ngủ của bốn bà cháu ở trên một chiếc giường. Nội luôn nằm dưới chân với tay quạt cho ba đứa cháu ngon giấc. Có lẽ những cú giật mình giữa khuya tôi vô tình “song phi” trúng mạn sườn nội đã làm nội đau ê ẩm. Chiếc giường ọp ẹp theo anh em tôi khôn lớn và nội vẫn ngủ ở đó cho dù sau này chúng tôi, những đứa cháu của nội đã có thể mua tặng nội một chiếc giường đẹp hơn ngàn lần.

Rồi, nội già, nội lẫn, nội không còn đi lại được nữa, chỉ nằm một chỗ và chỉ vài phút trong ngày nội tỉnh táo. Có lần nằm cạnh nội đang thiu thiu ngủ, tôi thủ thỉ: “Nội ơi con đi lấy chồng nhé!” Tưởng tâm sự một mình ai ngờ nội bất chợt mở miệng: “Có chó nó lấy mày.” Nói xong tủm tỉm cười… Vậy mà đã hơn 15 năm rồi nội nhỉ. 15 năm, nhưng mỗi lần về thăm nội tôi vẫn khóc.

Nội không còn ở trong ngôi nhà của gia đình ngày xưa nữa, nội đã chuyển đến chỗ ở mới. Ngôi nhà của nội hôm nay rất nhỏ đánh số 43. Nhà nội nằm gần nhà bà cố, nhà ông cậu và bà bác, những chị, em của nội. Những ngôi nhà nhỏ nằm trong một ngôi nhà to có tên gọi “Nhà An Nghỉ.”

15 năm. Nội đi mà chẳng kịp nhìn mặt đứa chắt nào. Nội cũng không được nhìn mặt bố mẹ tôi và bé Út ở Mỹ chưa về kịp.

15 năm. Tôi còn nhớ như in hình ảnh mẹ tôi, người mẹ nhỏ bé, con dâu của dòng họ “Ngô” đã vĩ đại thế nào. Một mình mẹ chăm bố trong bệnh viện trên đất cờ hoa xa nửa vòng trái đất, cũng mình mẹ bay đi bay về Mỹ-Việt lo chuyện cưới hỏi cho ba anh em tôi. Cũng chính mẹ ngày ấy nghẹn ngào đứng trước linh cữu nội đọc lá thư từ biệt của bố tôi vì không thể về Việt Nam đưa nội. Lá thư của người con trai duy nhất mà trước khi ra đi nội như tỉnh táo hơn bao giờ hết gọi tên da diết. Nội không thể biết, bố tôi lúc ấy không thể về với nội vì bố cũng đang cấp cứu trong bệnh viện. Nhớ anh hai tôi đã phải đóng giả là bố tôi miệng cứ liên tục dỗ dành nội: “Con đã về nè mẹ ơi!” Có lẽ trái tim người mẹ lúc đó vẫn mách bảo điều gì, nội cứ mở mắt chờ, cho đến khi mẹ đọc và đốt lá thư tay bố viết từ giường bệnh, ngọn nến thắp bên quan tài mới cháy phừng lên như ngọn lửa, gương mặt nội nhẹ nhàng nở nụ cười…

Nội đi, anh hai tôi cứng rắn, bản lãnh là vậy mà khóc nấc như đứa trẻ, tấm vải lụa anh hai mua tặng nội nhân ngày lãnh tháng lương đầu tiên nội còn cất ngay ngắn trong vali của nội. Cả một kho tàng cất giấu trong đó, mấy cái áo bà ba mẹ may, chuỗi dây đeo cổ, đôi hài nhung, những tờ tiền con cháu biếu còn nguyên…

Ngày nội đi xa, nội ngoại chỉ có năm đứa cháu. Hôm nay về thăm nội, dân số đã là 15.

Ngày của mẹ, của cha, tôi lại muốn chạy về nhà thăm nội. Thắp nén nhang lòng thầm gọi: “Nội ơi!” (Phương Chi)

MỚI CẬP NHẬT