Monday, March 18, 2024

Chú Năm Sanh

Nguyễn Hoàng Duyên

Vào những năm 1950, Sài Gòn là một thành phố đẹp thanh lịch, là Hòn Ngọc Viễn Đông. Vẻ thanh lịch của Sài Gòn được thấy rõ nếu khách vào thăm những khu vực trung tâm thuộc Quận Nhứt, với những phố Catinat, Bonard, Charner… Thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, những đường này được đổi tên thành Tự Do, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, và Sài Gòn tiếp tục giữ nguyên vẻ diễm lệ của một thành phố phương Đông pha trộn với nét thanh tân và cổ điển của phương Tây.

Nhưng cách trung tâm tráng lệ đó không xa, chỉ cần một cuốc xích lô đường ngắn, khách sẽ vào địa phận của những người buôn gánh bán bưng, của những tay giang hồ đứng bến thuộc Quận Nhì. Cuối đường Bác Sĩ Yersin, khoảng sát bờ sông Sài Gòn, một bên là khu chợ Cầu Ông Lãnh, và xê xế đối diện phía bên kia đường là khu cư xá nhỏ của những gia đình nhân viên cảnh sát. Trong khu xóm nhỏ đó, có một nhân vật mà khi nhắc đến, mọi người đều thương mến, đó là chú Năm Sanh.

Chú Năm Sanh quê quán Vũng Liêm thuộc tỉnh Vĩnh Long. Thuở thanh niên, chú ưa thích thể thao. Chú chơi đá banh giỏi lắm, nên được tuyển vào đá cho đội tuyển Cảnh Sát Quốc Gia thời Pháp thuộc. Nghe đâu trong một trận đấu bên Nam Vang, vì một va chạm chấn thương, chú Năm phải giải nghệ túc cầu. Để đãi ngộ, chú được giữ làm việc tại ngành cảnh sát, và được bổ nhiệm về sở cảnh sát Quận Nhì.

Quận Nhì thời điểm đó là nơi có nhiều vấn đề xã hội phức tạp. Sòng bài Kim Chung vừa đóng cửa trở thành Khu Dân Sinh, nhưng những tệ nạn cộng sinh với ngành cờ bạc như mãi dâm, du đãng, vẫn tiếp tục lan tràn. Rồi những người dân lao động, buôn gánh bán bưng, vẫn luồn lách kiếm sống, qua đó vi phạm luật lệ và trật tự do chính quyền mới định ra. Chú Năm Sanh được giao phó giải quyết những hồ sơ vi phạm trật tư thành phố như thế.

Có lẽ bản chất phóng khoáng của người cầu thủ trẻ, cộng với cái lòng thương người cùng khó, chú Năm Sanh đã giải quyết những hồ sơ vi phạm tiểu hình của những cô gái buôn hương bán phấn, những người bán rong trốn thuế hoa chi ở chợ, những vụ xô xát giành mối của các bác tài xe ba bánh, xích lô… bằng cái tâm khoan dung khoáng đạt. Mọi người truyền miệng, hồ sơ được chú Năm giải quyết bao giờ tiền phạt cũng rất tượng trưng, và nhất là chú Năm không bao giờ hoạnh hẹ người để đòi tiền hối lộ.

Những tay yên hùng đứng bến ở chợ Cầu Ông Lãnh thương chú Năm Sanh lắm, họ dành cho chú sự kính mộ của giới giang hồ. Những ngày lễ, ngày Tết, họ dọn tiệc từ trong nhà ra trước sân để nhậu với chú. Những màn múa võ, múa lân ngày Tết là lúc họ biểu diễn hết tài để chúc mừng đại ca Năm Sanh của họ. Những cuộc vui như thế, chú Năm thường khoe thằng con nhỏ, mới năm tuổi mà hát cải lương trình làng, xuống câu vọng cổ mùi như Út Trà Ôn, Hữu Phước.

Chú Năm Sanh rất mê cải lương. Trong mấy đứa con chú, thằng con nhỏ là đứa thích nghe cải lương theo cha. Những dĩa hát như “Bao Công Đình Long Giá,” “Mã Chiếm Sơn,” “Sầu Vương Biên Ải” với giọng hát út Trà Ôn là những bài nó mê nhất. Nghe riết rồi nó thuộc lòng.

Những buổi họp mặt với các huynh đệ giang hồ, chú Năm cho thằng con đứng trên chiếc ghế đẩu, và thằng nhỏ cất giọng: “Dạ dạ cúi xin thiên nhan hãy đình long giá, cho thần đây cạn tỏ vài lời…”

Hoặc câu nói lối như: “Ô kìa chiến mã! Chiến mã ơi sao ngươi dừng vó khí, cho Chiếm Sơn này rủn chí giữa tàn quân… Cho Mãn Châu kia quằn quại trong đau thương, cho cả dân quốc lầm than vì giặc Nhật…”

Có lẽ lời ca như thế cũng khơi dậy hào khí trên bàn tiệc, nhất là vào lúc nắng tắt, khi các huynh đệ giang hồ biểu diễn màn múa đuốc. Hai võ sĩ lực lưỡng với bốn ngọn đuốc biểu diễn song đấu, âm thanh lửa ngọn vùn vụt trong thinh không im lắng làm buổi tối thêm hùng tráng.

Thằng con vui vì làm cha mình hãnh diện, rồi chẳng biết từ lúc nào, hình ảnh của những anh hùng trong các kịch bản, và những ngôn từ trang trọng trong các bài hát cải lương đã nhập vào kho tàng chữ nghĩa của nó. Bắt đầu đi học, vừa đọc được vần ngược vần xuôi, thằng bé đã ngấu nghiến quyển “Tập Đọc Vui” lớp đồng ấu. Rồi nó đọc những truyện “Tề Thiên Đại Thánh,” “Phong Thần,” “Thủy Hử,” “Tam Quốc Diễn Nghĩa.” Mỗi lần xem mấy chú bạn của ba múa đuốc ban đêm, nó tưởng ra cảnh 108 tay giang hồ Lương Sơn Bạc quần tụ trên núi. Cách hành xử của cha với mấy chú, phong thái của các anh hùng trong văn học cổ điển dần dần ảnh hưởng. Sống giữa chợ đời, mà thằng nhỏ và anh chị em nó chẳng bao giờ có một tiếng chửi thề thô tục.

Vào năm thằng bé vừa hơn chín tuổi, lần đó tin từ Vĩnh Long đưa lên cho hay bác nó lâm bệnh nặng, ba nó tức tốc lấy xe đò về quê thăm bác. Tờ mờ sáng trước khi rời nhà, ông còn ôm hôn từng đứa con trước khi từ giã ra bến xe. Có một điều gì đó trong linh tính khiến nó bồn chồn cả ngày.

Buổi chiều thì có tin dữ bất ngờ báo về nhà. Định mệnh trớ trêu, trên đường về quê thăm anh mình, khi còn trên xe đò thì chính chú Năm lại lên cơn nghẽn mạch cơ tim. Chú được cho nhập viện khẩn cấp vào nhà thương Vĩnh Long. Mẹ lên đường cấp tốc để lo cho ba. Hôm sau tin về cho biết ba nó đã đột ngột qua đời trong bệnh viện. Thằng bé khóc ròng cả ngày đến khi vùi vào giấc ngủ mệt nhoài. Trong mơ, nó thấy ba nó trở về bình an, và những gì nó nghe được mấy ngày qua không phải là sự thực.

Quá nửa đêm ngày hôm sau, cả nhà được đánh thức dậy. Thằng bé bàng hoàng, nửa hoảng loạn, nửa hôn mê. Lẫn trong tiếng khóc rấm rứt của mọi người, nhìn ra màn đêm nó thấy hai người võ sĩ bạn của ba múa đuốc đi trước, theo sau là một cổ quan tài được rước vào nhà. Nó khóc òa lên, không còn là ác mộng nữa, ba đã ra đi thật rồi! Ba nó ra đi trong nghĩa khí giang hồ, với sự kính trọng của đệ huynh. Lần ba hôn nó trước phút lên đường mấy hôm trước, không ngờ lại là lần chia tay vĩnh viễn. Không nói với ai, nhưng ngay lúc đó thằng bé bắt đầu cảm được câu nói dân gian “con có cha như nhà có nóc…”

Cả đời liêm khiết, nên đám tang ba nó là một đám ma nghèo. Nhưng khách viếng thăm đông lắm, những thân phận sa cơ, những người buôn gánh bán bưng dầu dãi, những tay giang hồ bặm trợn nhưng khí phách… đến nghiêng mình trước một người chú, một người anh yêu kính vừa ra đi.

Những năm tháng sau đó, là sự quả cảm của mẹ, là sức chịu đựng của những đứa con. Nhờ trời, thằng bé lớn lên với sức bật phi thường. Nó đọc nhiều, đọc đủ loại văn chương, gom đủ thứ kiến thức, nhưng không gì bằng di sản mà nó trân quý là tấm lòng của cha, biết xót thương những góc đời cơ cực. Anh chị em thằng bé, dẫu là “nhà không có nóc,” nhưng “giấy rách vẫn giữ lấy lề.”

Thảng hoặc nhớ lại ngày thơ, thằng con nhỏ ngày xưa của chú Năm Sanh thích hát “Kỷ Niệm” của Phạm Duy: “Cho tôi lại ngày nào/ Trăng lên bằng ngọn cau/ Me tôi ngồi khâu áo/ Bên cây đèn dầu hao/ Cha tôi ngồi xem báo/ Phố xá vắng hiu hiu…”

Father’s Day 2018 (Nguyễn Hoàng Duyên)

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT