Tuesday, April 23, 2024

Nếu không là con dâu của me, thì tôi sẽ thế nào?

Diễm Mai

Diễm Mai

LGT: Tháng Năm Lễ Mẹ. Tháng Sáu Lễ Cha. Nhân dịp này, nhóm Kết Nối Việt trên Facebook – nơi quy tụ khá đông những thành viên là người gốc Việt sống khắp nơi trên thế giới – tổ chức một cuộc thi viết “bỏ túi” mang tên “Đấng Sinh Thành.” Với sự đồng ý của Ban Quản Trị Nhóm cũng như của các tác giả, Nhật Báo Người Việt sẽ lần lượt đăng tải một số bài viết là những câu chuyện, những tâm tình có thật liên quan đến tình mẫu tử, tình phụ tử trên nhật báo Người Việt, Người Việt Online và Facebook Người Việt. Kính mời quý độc giả đón xem.

Khi mới quen với anh bạn cùng trường – lão gia nhà tôi bây giờ – bạn bè đã cảnh cáo, “Nhà đó người Huế, lại còn gốc gác quan quyền phong kiến hồi xưa, liệu hồn.” Tôi nghĩ chỉ cần mẹ chồng không ghét mình là tốt rồi, còn thương hay không thì tính sau. Mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu xưa nay làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực, vốn dĩ đâu phải là chuyện lạ để lo nữa. Vậy là tôi bước vào gia đình anh, có thêm một người mẹ mà tôi gọi là me.

Me chồng tôi có sáu người con. Anh cả được ba me cho đi du học ở Mỹ đầu năm 1972. Sau biến cố Tháng Tư năm 1975, anh và gia đình hoàn toàn mất liên lạc. Ba me chồng tôi không biết con mình xoay sở ra sao. Lo lắng, hoảng sợ, rồi tưởng tượng ra những tình huống xấu nhất… đủ cả… nhưng không có ai quen để hỏi thăm tin tức. Một người bà con bảo me tôi nên đi xem bói nhưng bà từ chối. Bà không muốn mất đi niềm hy vọng rằng anh vẫn an toàn và sớm muộn gì cũng tìm cách liên lạc với gia đình. Còn anh, lo lắng gia đình ở Sài Gòn có thể bị sách nhiễu vì mình, anh không dám viết thư về nhà mãi đến hai năm sau.

Sài Gòn bắt đầu những ngày đánh tư sản… Xí nghiệp nhà ba me chồng tôi bị tịch thu. Gia đình với năm người con phút chốc trắng tay. Chứng kiến bao nhiêu tâm huyết của mình bỗng nhiên mất đi, ba chồng tôi bị đột quỵ rồi liệt hoàn toàn. Ông không thể tự chăm sóc mình hay giao tiếp được nữa. Chiếc giường nhỏ trong bệnh viện An Bình trở thành nhà của ông. Từ một cô tiểu thư rồi thành bà nội trợ khi lập gia đình, me tôi giờ là trụ cột trong nhà, lo cho chồng và năm đứa con. Bà đi theo người bà con để buôn chuyến. Lúc đầu thì ai nhờ gì làm đó, sau dần dần tìm mối để tự mua hàng rồi bán lại. Khi có chút vốn liếng, bà rứt ruột cho hai anh kế tiếp vượt biên. Anh bạn tôi nhỏ nhất nên ở lại nhà với me cùng hai chị chăm sóc ba cho đến khi ông mất.

Khi hỏi bà, điều gì ẩn phía sau vóc dáng nhỏ bé ấy tạo ra một ý chí vững vàng cho bà đến vậy. Me tôi bảo con cái giúp cha mẹ mạnh mẽ hơn. Ước muốn được nhìn con mình thành người, có một cuộc sống ổn định đã giúp bà vượt qua hết những ngày khốn khó mà có lúc tưởng chừng bà đã bỏ cuộc.

Tôi thật sự ở gần bà sau khi rời Sài Gòn. Như bao nhiêu mẹ chồng nàng dâu khác, hai mẹ con tôi cũng có nhiều khác biệt do khoảng cách hai thế hệ. Là người quyết đoán nhưng me tôi không áp đặt suy nghĩ của mình lên con cái mà tôn trọng ý kiến của con. Khi bất đồng xảy ra, bà tìm dịp gợi chuyện khi đôi bên thấy thoải mái – đi lòng vòng trong công viên gần nhà, khi đi chợ, hay cả khi nấu ăn. Bà hay bắt đầu “Me nghĩ làm như vậy chưa được, con nên sửa lại. Ý con thế nào?” Hơn mười năm bên cạnh nhau, ngoài sự hết lòng vì con cái, tôi học được nhiều điều từ tính quyết đoán, chu đáo, và lạc quan của bà. Mối quan hệ của hai mẹ con tôi chuyển từ giai đoạn tìm hiểu sang chấp nhận nhau, để rồi xem nhau là hai mẹ con. Bà đã đi cùng tôi qua hết những cột mốc quan trọng – tốt nghiệp đại học, đi làm, có con đầu lòng, đón ba mẹ tôi qua sum họp…

Mọi việc cứ nhẹ nhàng trôi qua cho đến khi trong một chuyến đi công tác ở nước ngoài, anh cả bị heart attack rồi mất. Anh chị em trong nhà không ai dám báo tin ấy cho me tôi. Chính xác hơn là mấy anh em không biết nên mở lời thế nào để bà ít bị sốc nhất vì chúng tôi cũng bàng hoàng. Thế nhưng khác với lo lắng, bà im lặng rất lâu khi nghe tin rồi sau đó hỏi chuyện đưa anh về.

Mất hai tuần cho biết bao thủ tục giấy tờ nhiêu khê, anh – giờ chỉ còn là tro cốt nằm gọn trong một chiếc hộp gỗ – cũng về được với gia đình. Hình ảnh me tôi đứng vịn tay vào chiếc hộp, nước mắt lăn dài, vai run lên từng chập ám ảnh tôi mãi đến bây giờ. Đó là lần đầu tiên sau bao nhiêu năm ở cạnh nhau tôi thấy bà khóc và khóc nhiều như thế. Dù là người từng lèo lái cả gia đình qua biết bao nhiêu khó khăn, mất con là nỗi đau quá lớn mà bà không vượt qua được. Một tuần sau đám tang anh cả, me tôi nhập viện. Nằm viện chỉ bốn ngày thì bà đi theo anh… Anh em chúng tôi chưa kịp ngấm hết nỗi đau mất một người thân thì lại mất thêm một người nữa.

Đôi khi tôi cứ tự hỏi, nếu không là con dâu của bà thì tôi sẽ thế nào. Chắc sẽ là con dâu của một nhà khác thôi, vì không có ai để cãi nhau thì buồn lắm. Thế nhưng để có hơn mười năm sống xa gia đình mà tôi vẫn luôn cảm thấy ấm áp thì chắc chỉ có me tôi làm được.

P.S: Không còn cơ hội xin phép chia sẻ hình hai mẹ con ở đây, mình xin kèm ảnh hoa anemone tím chụp ở vườn nhà. Me chồng mình rất thích màu tím. (Diễm Mai)

Mời độc giả xem chương trình du lịch “Đời sống và sinh hoạt Ai Cập”(Phần 1)

MỚI CẬP NHẬT