Thursday, March 28, 2024

ASEAN, Bắc Hàn, và Trung Quốc

Tiến Sĩ Đinh Xuân Quân

Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN lần thứ 30 mà Philippines làm chủ tịch luân phiên đã kết thúc ngày 29 Tháng Tư, và đưa ra bản Tuyên Bố Chung ngày hôm sau, có lời nói rất nhẹ nhàng đối với Trung Quốc, và các hành động của Bắc Kinh bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông hoàn toàn không được nhắc tới.

Theo cơ quan truyền thông Philippines ABS-CBN, việc công bố muộn bản Tuyên Bố Chung là một sự kiện khác thường vì “lần đầu tiên trong lịch sử của mình, thượng đỉnh ASEAN bế mạc mà không có bản tuyên bố chung được công bố trong cùng một ngày.” Báo The Straits Times của Singapore cũng nêu lên việc mọi người đều chờ đợi Tổng Thống Rodrigo Duterte của Philippines, trong tư cách chủ tịch ASEAN, sẽ lên tiếng giải thích, nhưng việc này đã không xảy ra.

Việc Trung Quốc ảnh hưởng đến ASEAN đã xảy ra với Lào và Cambodia. Tuyên Bố Chung của ASEAN 2017 lần này ngắn gọn – gồm hai điều và 265 từ – “tái khẳng định” tầm quan trọng của quyền tự do hàng không và hàng hải, của việc xây dựng lòng tin lẫn nhau, tự kiềm chế để tránh làm cho tình hình phức tạp thêm, không sử dụng võ lực hay đe dọa dùng võ lực để giải quyết tranh chấp – “Chúng tôi ghi nhận những quan ngại của một số lãnh đạo về các diễn biến gần đây trong khu vực,” không có gì e ngại sâu sắc về việc cải tạo đất và quân sự hóa, trong khi bản tuyên bố chung tại hội nghị ASEAN 2016 ở Lào có đến tám điều và 439 từ. Việc thay đổi từ ngữ là vì Philippines, cũng như Lào và Cambodia, bị mua chuộc chăng?

Cùng ngày 29 Tháng Tư, Bộ Quốc Phòng Nam Hàn, vài giờ sau cuộc họp khẩn của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, thông báo là “Bắc Hàn bắn hỏa tiễn đạn đạo từ một địa điểm phía Bắc Bình Nhưỡng. Chúng tôi cho rằng vụ bắn thử này đã thất bại.” Tên lửa đạt đến độ cao 71 km rồi bị vỡ tan. Như vậy Bắc Hàn đã bắn hỏa tiễn đạn đạo (tuy không thành công) để đáp trả lời kêu gọi của Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc chống lại “mối đe dọa nguyên tử” từ Bình Nhưỡng thông qua việc tăng cường trừng phạt của quốc tế. Ai cũng biết là sau cuộc họp giữa Tổng Thống Donald Trump và Chủ Tịch Tập Cận Bình thì Trung Quốc hứa gây sức ép lên Bắc Hàn qua nhiều biện pháp trừng phạt.

Vậy tại sao hai chuyện này lại xảy ra và hậu quả đều khác hẳn? Ai cũng biết là Bắc Hàn dựa vào Trung Quốc. Theo một tài liệu của Trung Quốc năm 2003, trên 2.7 triệu quân đã tham gia vào chiến tranh Triều Tiên và gần 190,000 người đã thiệt mạng. Trung Quốc tổn phí 6.2 tỷ nhân dân tệ, tương đương 3.1% GDP lúc đó (200 tỷ nhân dân tệ) và cùng lúc nợ Liên Xô $1.3 tỷ. Mặc dù tổn phí chiến tranh này của Trung Quốc thấp hơn (theo nghiên cứu của Trung Quốc) chi phí Hoa Kỳ chi tiêu cho Nam Hàn, nhưng đây là những con số rất lớn.

Trong tranh chấp với Trung Quốc, lập trường ASEAN và Bắc Hàn khác hẳn nhau – một bên rụt rè và bên kia “điên rồ?” Với thái độ của ASEAN như vậy, Việt Nam có thể làm gì? Bài này phân tích thái độ ASEAN và thái độ Bắc Hàn.

Tình hình ASEAN/Biển Đông

Năm 2013, Philippines kiện Trung Quốc ra tòa Trọng Tài Thường Trực tại The Hague (PCA), và năm 2016, tòa này phủ nhận các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trong tranh chấp, có lợi cho Philippines.

Ai cũng biết là Trung Quốc trong nhiều năm đã tiến hành vận động hành lang với các nước ASEAN, gây chia rẽ giữa các nước này, để họ không đạt được sự đồng thuận trong vấn đề Biển Đông. Những hành động của Trung Quốc (viện trợ kinh tế, mua chuộc, viện trợ quân sự, v.v…) có vẻ đã đem lại kết quả. Theo AFP thì sự thiếu nhiều từ ngữ so với thượng đỉnh ASEAN 2016 về mối e ngại với Trung Quốc cho thấy là trong vòng đàm phán chót, phe chủ trương không phê phán Trung Quốc đã áp đặt được quan điểm của họ nhất là khi Philippines đang làm chủ tịch.

Theo Reuters, việc này là hệ quả của nỗ lực từ Bắc Kinh – tòa Đại Sứ Trung Quốc tại Manila đã áp lực chính phủ Philippines phải tránh đưa vào nghị trình thảo luận những gì đề cập các hành động của Trung Quốc tại vùng biển đang tranh chấp giữa nhiều nước trong khu vực với Bắc Kinh. Tổng Thống Duterte nói “sẽ không có ích gì trong việc thảo luận về các hoạt động trên biển của Trung Quốc bởi vì dù sao cũng không ai dám gây áp lực với Bắc Kinh.”

Ai thiệt thòi?

Hội nghị thượng đỉnh khối ASEAN kết thúc với nhiều diễn biến có lợi cho Trung Quốc và theo phân tích của quốc tế sẽ bất lợi cho Việt Nam. Bản thông cáo chính thức đã bỏ đi dòng chữ “xâm chiếm đất đai và quân sự hóa” vốn được đề cập trong bản thông cáo năm ngoái và vốn có ghi trong bản dự thảo mà Reuters có được trước đó. Trong bản thông cáo đề cập đến “phát triển sự hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc,” nhưng không nhắc đến “căng thẳng” và “hành động leo thang” như trong bản thông cáo ra sau hội nghị năm ngoái.

Các nước trong khối vẫn chưa đạt được thỏa thuận chung trong việc đàm phán với Trung Quốc về vùng biển đang tranh chấp nhất là khi gặp sự phản đối của Cambodia và Lào và nay có cả Philippines vì các nước này mong viện trợ kinh tế và là đối tác thương mại và kinh tế quan trọng với Trung Quốc.

Trong bài viết trên Forbes ngày 27 Tháng Tư, Ralph Jennings bình luận rằng nếu Việt Nam không đề cập đến Hoàng Sa trong Quy Tắc Ứng Xử (COC) thì điều này sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc bành trướng các đảo nhỏ này, nơi nước này đang xây dựng một thành phố và các dự án quân sự. Nhưng nếu như COC được ký kết, Việt Nam sẽ vẫn là kẻ thua cuộc lớn nhất, tác giả viết. Phía Trung Quốc hẳn sẽ không muốn nhắc tới Hoàng Sa trong COC.

Trước sự nhút nhát và bất đồng ý kiến trong ASEAN thì lại có trường hợp các nước nhỏ dám đương đầu với Trung Quốc, đó là Bắc Hàn và Đài Loan, đặc biệt là Bắc Hàn. 

Tình hình Bắc Hàn 

Sự đóng góp của Trung Quốc trong sự tồn tại của Bắc Hàn là rất lớn (theo các con số chính thức). Năm 1961, Bắc Hàn và Trung Quốc có ký một hiệp ước hỗ trợ và hiệp ước này đã được gia hạn hai lần, 1981 và 2001. Hiệp ước này có hiệu lực đến 2021.

Trung Quốc là mạch sống của Bắc Hàn về tài chính và thực phẩm và các chuyên gia cho là 90% ngoại thương của Bắc Hàn là với Trung Quốc. Từ khi ông Kim Jong Un lên thay cha thì truyền thông Bắc Hàn ngày càng có giọng điệu gay gắt với Bắc Kinh. Bắc Hàn đã phóng nhiều hỏa tiễn – trùng với nhiều biến cố mà Trung Quốc tham gia – có lẽ để làm nhục Bắc Kinh. Truyền thông Bắc Hàn thẳng thừng tố Bắc Kinh đang bắt tay với Hoa Kỳ, Nhật, và Nam Hàn.

Ngược lại tờ Hoàn Cầu Thời Báo ngày 24 Tháng Tư cho là chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và hỏa tiễn đã “ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định khu vực Bắc Á” và ảnh hưởng đến quyền lợi của Trung Quốc. Sau đó, truyền thông Trung Quốc cũng nói là việc Bắc Hàn bắn hỏa tiễn là đi ngược với quyền lợi chiến lược của Bắc Kinh.

Việc này cũng dễ hiểu vì với cớ là Bắc Hàn gây nguy cơ làm bất ổn định thì Hoa Kỳ và Nam Hàn lắp đặt hệ thống phòng thủ chống hỏa tiễn – Terminal High Altitude Area Defense (THAAD) – mà Bắc Kinh cho rằng các radar của hệ thống này sẽ có khả năng nhòm ngó Trung Quốc. Trong nhiều năm, Trung Quốc cố gắng tách rời Nam Hàn ra khỏi quỹ đạo Hoa Kỳ, nhưng các hành động của Bắc Hàn nay đã phá việc đó và hệ thống THAAD nay là một thực thể.

Kết luận

Mặc dù Trung Quốc hùng hổ nhưng có hai nước nhỏ dám đương đầu với họ là Đài Loan và nhất là Bắc Hàn.

Vì sao? Bắc Hàn dám thách thức Trung Quốc và dám làm Trung Quốc mất mặt. Đứng trước một tổng thống Philippines không dám lên tiếng về Biển Đông thì kinh nghiệm Bắc Hàn cho thấy là chưa chắc nước lớn có thể bắt nạt nước nhỏ. Mỹ mang hạm đội tới thì chàng Kim Jong Un “cũng tỉnh bơ.”

Bắc Hàn bắn nhiều hỏa tiễn (mặc dù không thành công) nhưng việc này cho thấy là chính sách nhút nhát của ASEAN sẽ làm cho Trung Quốc lấn thêm trong khi Trung Quốc còn có vẻ phải nể Bắc Hàn.

Lâu nay Trung Quốc vẫn dùng lá bài Bắc Hàn để trả giá với Hoa Kỳ nhưng những biến cố gần đây cho thấy Trung Quốc lo sợ là sẽ mất con bài quí và Trung Quốc muốn Mỹ-Nam Hàn-Nhật phải giải quyết vấn đề Bắc Hàn qua ngoại giao, thông qua Trung Quốc. Bắc Hàn cũng đâu phải lúc nào cũng chịu làm con cờ ngoan ngoãn của Trung Quốc?

Nếu Việt Nam tiếp tục nhân nhượng Trung Quốc thì dần dần cũng sẽ rơi vào tình trạng Philippines – chỉ nói mà không dám làm. Việt Nam vẫn còn nhiều con bài như kiện vụ Hoàng Sa hay xích lại gần với Hoa Kỳ hơn. Tâm lý cho thấy nếu ta sợ địch thì địch đã thắng rồi – trường hợp tổng thống Philippines – trong khi ông Kim Jong Un thì vẫn tỉnh bơ. Bài này không có ý đề cao Bắc Hàn, nhưng chỉ muốn trình bày rằng không phải lúc nào nước nhò cũng phải quỵ lụy nước lớn. Vấn đề là cái giá phải trả mà thôi.

Mời độc giả xem Người Việt Bếp Việt 2: Gỏi cầu vồng

MỚI CẬP NHẬT