Saturday, April 20, 2024

Biệt ly thời COVID-19

Bùi Bích Hà

Tiểu luận ngày tôi ra trường Đại Học Sư Phạm ban Pháp Văn có tiêu đề “Biệt ly trong thi ca xưa và nay.”

Bà Cindy Pollock chụp hình bên cạnh những lá cờ được cắm trên sân nhà của mình hôm Thứ Tư, 10 Tháng Hai, 2021, tại Boise, Idaho. Mỗi lá cờ bà cắm xuống tượng trưng cho mỗi người trong số hơn 1,800 người dân Idaho chết vì COVID-19. (Hình minh họa: AP Photo/Otto Kitsinger)

Ở tuổi ngoài 20 và sinh sống ở một thành phố nhỏ nệ cổ, chưa từng biệt ly, tôi nhận lệnh xong là cắm đầu cắm cổ, miệt mài lục tìm trong trí nhớ và các tài liệu văn học có trong tầm tay để hoàn thành bài luận tốt nghiệp. Tôi chọn các trích đoạn mô tả biệt ly trong ngôn ngữ thi ca cổ kim dựa trên hai tiêu chuẩn: thẩm mỹ và hình ảnh gây nhiều cảm xúc, hoàn toàn không có tôi ở trong.

“Người lên ngựa, kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
Dặm hồng bụi cuốn chinh an…” (“Truyện Kiều,” Nguyễn Du)

Hai chữ “chia bào” cho tôi hình dung ra nỗi đau xé nát không chỉ tâm can mà cả thịt da của người vợ “nửa năm hương lửa đang nồng” bỗng dưng phải nhìn chồng dứt khoát ra đi, hai bàn tay cuống quýt cầm không được, buông không xong mùi hương một vạt áo vừa quen. Xa một người, cõi lòng đang xanh tươi của nàng như cả một rừng phong mùa Xuân thoắt héo hon, vàng úa, màu Thu ảm đạm loang ra, loang ra và nước mắt của chia ly như máu từ trái tim ruổi rong theo vó ngựa mịt mờ bụi cuốn…

“Đưa chàng lòng dặc dặc buồn
Bộ khôn bằng ngựa, thủy khôn bằng thuyền
Nước trong chảy lòng phiền chẳng rửa…
Cỏ xanh thơm, dạ nhớ khó khuây.

Nhủ rồi tay lại cầm tay” (“Chinh Phụ Ngâm Khúc,” Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm)

Biệt ly nào cũng nghẹn ngào đòi đoạn, cũng tan nát tim gan, cũng đau xót nhớ nhung một hơi hướm, một cận kề gần gũi, một mong muốn tủi buồn ngoài tầm tay và không trọn vẹn.

“Vầng trăng ai xẻ làm đôi

Nửa soi gối chiếc nửa soi dặm trường…” (“Truyện Kiều,” Nguyễn Du)

Thơ mới có một nhan sắc ngôn ngữ khác, đánh động trực tiếp hơn, nhưng cô sinh viên tỉnh nhỏ ngoài 20 tuổi phải sống thêm nhiều năm tháng nữa, đi qua nhiều cảnh đời nữa, mới có một ngày thấy mình thâm nhập được vào thơ, thấy mình phần nào trong thơ để thật sự biết thế nào là biệt ly?

“Sớm biệt ly nhau, không nhớ nhau
Nửa đêm chợt tỉnh, bỗng dưng sầu
Trăng mùa xuân đó, ai tâm sự?
Em đã xa rồi, em biết đâu?” (“Tương Biệt Dạ,” Huyền Kiêu)

Biệt ly buồn mà đẹp nên người nghệ sĩ thường đem biệt ly vào nghệ phẩm vì cái thường tình bỗng huy hoàng khi trở thành kỷ niệm, vì cái tràn đầy thoắt trở thành hư ảo để bùng cháy niềm khao khát một vòng tay. Để nhớ nhung. Để trông đợi.

Như Xuân Diệu đã viết xuống nhân gian nỗi lòng ông: “Được đợi chờ sung sướng biết bao nhiêu, nay mình anh nghe tất cả buổi chiều, vào chầm chậm ở trong hồn hiu quạnh…” Như Chế Lan Viên yêu những sân ga từng ngày từng đêm chứng kiến biệt ly: “Những ngày nghỉ học tôi hay tới, đón chuyến tàu đi tới những ga, tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt, lòng buồn đau xót nỗi chia xa…”

Không vẽ vời như thi sĩ, cuộc chia tay của đôi tình nhân thấm thía hơn:

“Hình như hôm qua anh vừa đứng đây
Cùng em soi chung mảnh gương dưới đèn
Đêm vẫn đêm thâu ngờ gương hỏi bóng
Ngày đi qua gương còn một mình em
Hình như hôm qua anh vừa ngồi đây
Cùng em chia chung tách trà thơm này
Tách trả cho khay, hương trà trả gió
Em trả lại tình hơi ấm bàn tay” (H.T)

Thi sĩ Trần Mộng Tú đằm thắm, bóng bẩy mà say đắm tận cùng:

“hôm qua mình chia tay
em như một chiếc lá
thương tích mỗi đường gân
hôm qua mình xa nhau
xa nhau rồi anh ơi
xa nhau rồi anh ơi
cất hộ em nụ hôn
dấu son trên vai áo
cất hộ em giọt lệ
trên quãng đường mình qua”

Cô Vivian Zayas nắm chặt chiếc xe tập đi từng được mẹ cô – bà Ana Martinez, 78 tuổi, dùng hằng ngày trước khi qua đời vì COVID-19 hôm 1 Tháng Tư – trong lúc cùng gia đình cầu nguyện trước bữa tối lễ Tạ Ơn hôm Thứ Năm, 26 Tháng Mười Một, 2020, tại Deer Park, New York. (Hình minh họa: AP Photo/John Minchillo)

Khác với chia ly buồn và đẹp trong nghệ thuật:

“Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?” (“Tống Biệt Hành,” Thâm Tâm)

Chia ly đời thường đau đớn thập phần. Chia ly trong suốt một năm đại dịch COVID-19 ngàn vạn lần bi thiết hơn để đi vào lịch sử thê lương của nhân loại trên địa cầu buồn nhiều hơn vui này.

Để mô tả cái chết của người chiến binh trong thời chiến, cố nhạc sĩ Phạm Duy có những ca từ cắt ngọt trái tim người hậu phương: “Nằm chết như mơ, chết thật tình cờ…” Nghĩ về cái chết của các bạn tôi vì COVID-19, tôi như kẻ nửa mê nửa tỉnh, không biết “việc ấy” là sự thật hay là giấc mơ qua?

Họ đang khỏe mạnh, đang tươi vui, có người một tay sờ trán, một tay lái xe đến bệnh viện gặp bác sĩ như mọi lần chị vẫn tự làm, tự đi, lấy cái toa thuốc rồi về nhưng lần này chị không về nữa. Cái xe chị vừa sập cửa và bấm khóa nằm im lặng ở bãi đậu xe, chìa khóa xe do nhân viên nhà thương bỏ vào bao plastic kéo chặt zip và trao lại cho người nhà. Con cái, bạn bè, các cháu không ai được thấy chị nữa kể từ lúc chị một mình đi vào cái hành lang dài thoang thoảng mùi thuốc sát trùng, may mắn còn nghe tiếng chị qua điện thoại vài hôm, càng lúc càng yếu ớt rồi thì thào rồi… thôi. Người ta báo tin chị được cho ngủ để lấy sức nhưng đó là giấc ngủ cuối cùng của chị.

Anh to khỏe, da ngăm, người thẳng băng, rắn rỏi. Ban đầu thúng thắng ho, người lúc nóng lúc lạnh. Anh vẫn khỏe, vẫn cười và điềm tĩnh uống Tylenol. Vẫn làm việc bình thường. Tự chữa vài ngày, tình thế lằng nhằng rồi sốt cao. Vừa tiếp tục uống thuốc vừa nghe ngóng nhưng chuyển sang mệt rất nhanh. Anh đi nhà thương, bác sĩ cho vào ER ngay, bắt nằm sấp và được gắn máy trợ sinh. Trễ quá rồi, phổi anh không nhận dưỡng khí nữa và anh đi. Như đùa. Như cơn mơ dữ. Như một điều rất lạ.

Tôi hình dung ra chị, hình dung ra anh. Họ lạc quan, yêu mình và yêu cuộc sống, là những vầng nắng sớm mai, tưng bừng, tràn trề, rồi bỗng dưng tan biến. Tôi cảm giác như ngọn gió bất ngờ ngắt đi những cánh hoa, những chiếc lá đâu đó trên cành, thả chúng xuống đất và cuốn chúng đi, mất hút, không một tiếng động. Ngoài người thân và bạn bè, có lẽ ít ai biết bầu trời này, những con đường này, đã thiếu đi những đôi mắt của anh/chị đôi khi ngước nhìn, đã thiếu đi những dấu giầy anh/chị ngược xuôi.

“Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ” (“Đôi Mắt Người Sơn Tây,” Quang Dũng)

Ôi, những biệt ly cô quạnh và chất ngất thương đau trong mùa dịch COVID-19! Chưa bao giờ chuyến tàu rời sân ga cuối của đời người lại tịch mịch và vội vàng đến vậy! Bây giờ, nghe lại câu thơ Quang Dũng trong “Đôi Mắt Người Sơn Tây,” mới mường tượng ra và thấm ngấm ý nghĩa của con “đường hoa khô ráo lệ.”

Thời mới lớn của các cô thiếu nữ Việt Nam ai cũng yêu bài hát “Màu Tím Hoa Sim,” thơ Hữu Loan nhiều người phổ nhạc. Tôi từng hát một mình những câu “Em ơi giây phút cuối, không được nghe nhau nói, không được trông nhau một lần” với chút buồn của biệt ly thời chinh chiến, đâu ngờ thơ cũng linh thiêng và năm 2020, nhiều triệu người trên cả thế giới đã kêu thầm trong lòng họ những lời tương tự khi người thân yêu ra đi mà “không được nhìn mặt nhau lần cuối.”

Những dãy quan tài cùng một kiểu xếp thứ tự, san sát trên nền xi măng trong các nhà kho lạnh, theo nhau ra nghĩa trang trong nhiều lần tiễn đưa tập thể đối với các nạn nhân không có thân quyến. Tôi nhớ đã xem một video của nước Ý, chuyện một cô gái trẻ mất người tình vào tay COVID-19. Buổi sáng một ngày trời u ám, cô đến nghĩa trang trong một buổi chôn cất chung. Cô ngồi yên trong xe đậu ở góc một con đường nhỏ, nhìn những người phu mộ lần lượt chuyển các áo quan đến các huyệt sâu. Cô không biết người tình của cô trong cái quan tài nào tuy cô biết chắc anh là một trong số các bệnh nhân qua đời đang được trả về lòng đất sáng nay. Vì vậy, cô thấy anh trong mỗi cái hòm gỗ đi qua trong mắt cô và cô gửi lời chào yêu thương và vĩnh biệt đến từng người, những người cô chưa từng gặp mặt. Cô không chắc sẽ có ai đặt đúng mộ bia cho người dưới mộ vì họ đông quá và họ chết như những người vô thừa nhận, bởi những con siêu vi y hệt nhau trong tình trạng nhà thương quá tải, lao công chỉ đủ thời giờ đẩy cả người vừa nhắm mắt và cái giường cần tẩy rửa ra ngoài hàng hiên ngổn ngang những cái giường tương tự.

Lúc cơn dịch mới vỡ ra, nhiều người nói với tôi là cuộc sống sau đại dịch sẽ không còn như xưa nữa. Tôi hồ nghi. Tuy nhiên, thời gian trôi qua, cùng với mạng che mặt, cùng với khoảng cách xã hội luật định để ngăn dịch, cùng với ngại ngùng sau mỗi lần gặp gỡ cố không chạm vào nhau, cùng với cả năm trời không hẹn hò qua lại, cho nhau chút gì thì lẳng lặng treo ở nắm cửa bên ngoài, quay mũi xe rồi mới điện thoại báo tin để người trong nhà ra lấy, mang vào, rón rén tháo bỏ túi ni lông hay giấy gói vứt ngay vào sọt rác, thở một hơi nãy giờ nén lại trong lồng ngực sợ hãi, xong mới bâng khuâng đặt món ăn hay món đồ xuống mặt bàn bếp và đi rửa tay, vừa rửa vừa lẩm nhẩm hát Happy Birthday là thời gian 20 giây cho một lần rửa tay đúng theo quy định và hướng dẫn của thẩm quyền y tế.

Sau nhiều lần đóng cửa, mở cửa rồi lại đóng cửa vì lý do COVID-19 cũng có vì động cơ chính trị phe phái cũng có, đợt mở cửa gọi là giới hạn hôm đầu Tháng Hai vừa qua đã không không làm sinh hoạt ban đêm của khu Little Saigon thức dậy. Hàng quán vẫn đóng cửa trước khi mặt trời lặn chỉ trừ vài nơi đèn màu thắp sáng như sao sa để mong đón khách. Đường phố vẫn vắng tanh, thị dân tự nguyện chuyển từ văn hóa rong chơi qua văn hóa cấm cung, từ thói quen như vạc ăn đêm qua thói quen nhàn nhã ngồi sofa xem phim “free” trên truyền hình và đi ngủ sớm cho… yên chuyện.

Đối với riêng tôi, lời tiên tri của bạn bè đã ứng nghiệm. Một thời đã qua không bao giờ còn trở lại nguyên vẹn. Một điều gì rất lớn trong tôi đã tàn phai, đã rơi rụng, như bức tranh tuyệt tác trong căn nhà dột nát, bị những giọt mưa vô tình xóa đi vài đường nét linh hồn và để lại hư hao không bao giờ tái tạo lại như xưa. [qd]

MỚI CẬP NHẬT