Thursday, March 28, 2024

Chiến Thuật 2 Nhịp

Nguyễn Đạt Thịnh

Hai nhịp là một chiến thuật của Kỵ Binh Việt Nam, nhịp thứ nhất là Tấn Công Vũ Bão, và nhịp thứ nhì là Rút Lui Thần Tốc.

Chiến thuật này giúp thực hiện chiến thắng Đức Huệ.

Không rõ do một cơ duyên nào mà quyển “Chiến Thuật Hai Nhịp” đó lại lọt được vào Tòa Bạch Ốc, rồi được tổng thống đọc lướt qua, và đem áp dụng trong trận “Lữ Bố Đại Náo NATO.”

Trong chuyến Âu Du dài 7 ngày, thăm 3 nước, ngay ngày đầu, Tổng Thống Donald Trump đã thực hiện được nhịp thứ nhất – đánh phá toàn diện tổ chức NATO (North Atlantic Treaty Organization – Tổ Chức Liên Phòng Bắc Âu). Lối đánh của ông thật tàn bạo – đúng với chiến thuyết Tấn Công Vũ Bão.

Air Force One đưa ông đến Brussels sáng Thứ Ba, 10 Tháng Bảy, 2018; ra khỏi máy bay, ông tuyên bố với phóng viên truyền thông là ông sắp gặp nhiều nhân vật Âu Châu, trong đó có cả Tổng Thống Nga Putin, rồi ông nhận định là trong tất cả những nhân vật đó, Putin là người dễ chịu hơn cả.

Ông Trump nói thêm: “Dĩ nhiên gặp gỡ quý vị thành viên của NATO cũng vui; mặc dù họ đối xử bất công đối với Hoa Kỳ, nhưng tôi vẫn nghĩ là có thể làm một điều gì đó với tình trạng Hoa Kỳ đóng góp quá nhiều, mà họ lại đóng góp quá ít vào ngân sách NATO – một tổ chức tạo ra với mục đích duy nhất là phòng thủ đất nước họ.”

Ông Trump trách Liên Âu lợi dụng Hoa Kỳ trong lúc ngược đãi sản phẩm Mỹ trên thị trường Liên Âu. Chưa bước vào phòng họp mà ông đã chỉ trích Liên Âu nặng nề đến mức đó, thì quả là khó tìm đất dung hòa, nhưng các nước Âu Châu vẫn bình tĩnh chịu đựng. Họ chưa biết chiến thuyết Tấn Công Tàn Bạo nên chưa sợ.

Hôm sau, Thứ Tư 11 Tháng Bảy, 2018 – trong cuộc thương thảo với 28 thành viên khác của NATO, ông Trump đề nghị gia tăng mức đóng góp của các quốc gia thành viên vào ngân sách NATO – tăng từ 2% GDP (Tổng Sản Lượng Quốc Gia) lên 4%.

Chỉ riêng đề nghị này cũng đủ phá tan tổ chức NATO rồi, vì cho đến hôm nay trong 29 thành viên, chỉ có vài nước đóng đủ, trên 20 nước khác đóng dưới mức 2% tổng sản lượng quốc gia, nhất là những nước nhỏ, sản lượng thấp.

Ông Trump mệnh danh những nước đóng không đủ phần họ phải đóng (2% GDP) là “delinquent” – tội phạm, và chỉ trích nước Đức là captive of Russia (bị Nga cầm tù), chỉ vì Đức mua nhiên liệu của Nga.

Tuy nhiên, nhờ học được bí quyết “té không đau” của bà Angela Merkel – thủ tướng Đức – nên quý vị nguyên thủ của 27 nước thành viên khác của NATO – họp bàn với nhau về môn võ Nhật Judo; họ trải nệm trong đại sảnh đường để tập… té.

Nhờ “té không đau” mà trong suốt ngày N1 – Thứ Tư 11 Tháng Bảy, 2018 – thành viên NATO nhẫn nhịn, không nước nào lên tiếng khiến Trump không có đối tượng để tranh cãi.

Họ để ông Tấn Công Vũ Bão một mình.

Ngay cả tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg cũng áp dụng võ “bất talk” khi Trump mời ông ăn sáng để than “nhiều quốc gia thành viên NATO không đóng đủ phần họ phải đóng cho ngân sách NATO, khiến Mỹ phải đóng nhiều hơn phần 2% của Mỹ; những nước đó thiếu nợ Mỹ một số tiền rất lớn.”

Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel, cũng không trả lời điều mạ lị “nước Đức là captive of Russia,” bà chỉ nhỏ nhẹ trình bày là “ngay hôm nay, nước Đức hiện đại không còn bị quốc gia nào cầm tù nữa cả, nhưng trong lịch sử, Nga đã cầm tù Đông Đức trong một thời gian khá dài, và vì là người Đông Đức, bà đã nếm trải cái khổ nhục ‘bị cầm tù.’”

Bà nói thêm, “Hôm nay, đã thống nhất trong tự do, Đức quốc tự quyết định vận mạng của chính mình.” Bà Merkel tỏ ra rất bình tĩnh, không đối đáp bốp chát với ông Trump, mặc dù vẫn bênh vực lập trường của Đức.

Ông Trump không nhịn, dù bà Merkel không trực tiếp trả lời ông; ông lái cuộc tấn công qua hướng khác: ông chỉ trích việc nguyên Thủ Tướng Đức Gerhard Schroder đứng ra thực hiện công tác đặt đường ống dẫn dầu Nord Stream 2 rồi nêu lên câu hỏi với cử tọa, “Ông nguyên thủ tướng Đức là chủ tịch công ty đặt đường ống tiếp tế nhiên liệu từ Nga sang Âu Châu, thì quý vị thấy việc làm đó đúng hay sai?”

Những lờì ông Trump nặng nề chỉ trích Đức khiến 2 nhân vật lãnh đạo đảng Dân Chủ – Nghị Sĩ Charles Schumer và Dân Biểu Nancy Pelosi- phải lên tiếng qua một bản tuyên ngôn chung, với nội dung nêu lên lời Trump gọi Đức là “captive of Russia” (bị Nga cầm tù), rồi lên án Trump “quá đáng đến phát ngượng.”

Cựu tổng trưởng Không Quân Mỹ, ông Deborah Lee James, cũng chỉ trích thái độ và ngôn từ của Tổng Thống Trump mạt sát Đức.

Trên đài NBC ông James nói: “…việc tổng thống nặng lời chỉ trích nước Đức sẽ có phản tác dụng trong dư luận quốc nội.” Ông James so sánh thái độ của tổng thống đối với Đức, giống như người võ sĩ đối với cái bọc cát mà anh ta tập đấm, đấm mọi cách, đấm trong mọi thế.

Ông James ghi nhận thái độ kiên nhẫn, nhịn nhục của thành viên NATO, rồi nói là dư luận quốc nội sẽ không giống như vậy. Ông nói gần đúng, điểm chưa đúng là chữ “SẼ,” vì dư luận không SẼ mà ĐÃ chỉ trích ông Trump ngay sau khi ông nói quá đáng về nước Đức.

Ngay hôm Thứ Tư, 11 Tháng Bảy, Hạ Viện Mỹ đã thông qua một nghị quyết bày tỏ thái độ ủng hộ NATO. Chủ Tịch Hạ Viện Paul Ryan tuyên bố: “Tổ chức NATO rất cần thiết ngay trong lúc này, cũng như từ trước đến nay.”

Nghị Sĩ Cộng Hòa Orrin Hatch (Utah), cũng tuyên bố, “Tôi không chấp nhận việc tổng thống chỉ trích Đức bị Nga hoàn toàn khống chế chỉ vì Đức mua nhiên liệu của Nga.” Ông xác định “Đức là đồng minh chí cốt của Mỹ, và người Đức là những người rất tốt.”

Trưa ngày 11 Tháng Bảy, 2018, Trump phổ biến bức điệp văn ông viết qua hệ thống Tweeter, với lời lẽ như sau:

“Nếu Đức trả cho Nga nhiều tỉ đô la để mua gas và nhiên liệu thì NATO có lợi gì không? Tại sao lại chỉ có 5 trong số 29 quốc gia thành viên đóng đủ tiền cho ngân sách NATO. Hoa Kỳ đóng góp đầy đủ để phòng thủ Âu Châu, để rồi thua thiệt nhiều tỉ bạc trên bình diện ngoại thương. Mọi nước phải trả đủ 2% GDP, trả ngay bây giờ chứ không được hẹn trả vào năm 2025.”

Tướng Wesley Clark, nguyên tư lệnh lực lượng NATO, cũng nhận xét là Trump quá đáng; Tướng Clark nói” “Cho là Đức bị Nga kiểm soát vì Đức mua nhiên liệu của Nga cũng giống như nói Mỹ bị Tầu kiểm soát vì Tầu mua nhiều công khố phiếu của Mỹ; tuy nhiên mọi người vẫn không hiểu như Trump nói.”

Dù sao Tổng Thống Trump cũng đã hoàn thành động tác Một của chiến thuận hai nhịp; ông dự tính sẽ thực hiện nhịp thứ nhì ngày Thứ Hai, 16 Tháng Bảy, 2018, ngày ông hẹn gặp ông Putin tại Helsinki. Cuộc hội nghị tay đôi đó là sáng kiến của Mỹ, do cố vấn John Bolton đem sang Moscow trình bày với Tổng Thống Nga Vladimir Putin.

Chính phủ Mỹ loan báo là 2 nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về liên hệ giữa 2 nước và nhiều vấn đề an ninh quốc gia.

Chỉ riêng thế đồng minh với Nga cũng đã đủ là một bảo đảm an ninh cho Hoa Kỳ rồi, vì Nga và Mỹ là hai cường quốc quân sự mạnh nhất thế giới hiện nay. Họ không đánh lẫn nhau, thì nước nào dám đánh họ.

Trở ngại duy nhất cho mưu đồ thành lập khối Nga-Mỹ liên kết, là người Mỹ. Phản ứng của họ chống đối khiến ông Trump hiểu là không độc diễn được, không một mình tạo ra chính sách ngoại giao được.

Thế đồng minh giữa Mỹ và khối Tây Âu mang giá trị lịch sử, viết bằng máu của binh sĩ Mỹ đổ ra trên đất Tây Âu trong 2 trận Thế Giới đại chiến 1914-18, và 1939-45.

Nước bọt của ông Putin và ông Trump không đặc, không đỏ như máu.

Do đó giai đoạn 2 – Rút Lui Thần Tốc – được thực hiện qua một cuộc họp báo chớp nhoáng, chuyên chở lời tuyên bố toàn thắng của Tổng Thống Trump.

Toàn thắng trên chính trường, hay toàn thắng bằng tuyên ngôn cũng vậy thôi; biết đâu thuyết “lộng giả thành chân” đôi khi cũng đúng.

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT