Friday, April 26, 2024

Khi Bộ Trưởng Barr coi thường Quốc Hội

Nguyễn Đạt Thịnh

Dân biểu Jerrold Nadler, chủ tịch Tiểu Ban Tư Pháp Hạ Viện, nói, “chúng ta không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc lập tức buộc ông bộ trưởng Tư Pháp vào tội khinh miệt Quốc Hội nếu ông ta trì hoãn hoặc không đàm phán với đầy đủ thiện chí. Tuy nhiên, ông bộ trưởng cũng phải lựa chọn thái độ; chúng ta cũng vậy; ai cũng phải lựa chọn.”

“Sự lựa chọn của chúng ta, giờ này trở thành một việc không thể không làm, một ràng buộc, hay một nghĩa vụ của tiểu ban tư pháp chúng ta. Sự lựa chọn rất đơn giản: Chúng ta có thể đứng lên chống vị tổng thống này để bảo vệ đất nước và Hiến Pháp mà chúng ta yêu thương, hoặc chúng ta có thể để vận hội này trôi qua bỏ chúng ta ngồi lại mà nhìn.”

Ông Nadler nói phải đối phó với ông William P. Barr bằng pháp luật, nếu ông Barr không biết lỗi, không đến trình diện tiểu ban tư pháp hạ viện để chịu chất vấn, và không trao cho ông bản chính – không kiểm duyệt – phúc trình Mueller.

Chữ “nếu” in đậm nét đó, ông Nadler có thể quên đi, vì việc ông Barr biết lỗi đến làm hòa với ông Nadler sẽ không bao giờ xảy ra.

Ông Barr coi thường cái trát nhỏ của Tiểu Ban Tư Pháp Hạ Viện gửi đòi ông đến thuyết trình tại Hạ Viện hôm Thứ Năm, mùng 2 Tháng Năm, 2019; ông Barr chỉ đến thượng viện hôm Thứ Tư, và trong lúc thuyết trình tại Thượng Viện, ông nói hôm sau, ông sẽ không đến Hạ Viện vì chủ tịch Tiểu Ban Tư Pháp Hạ Viện cho các luật sư làm việc trong tiểu ban được phép chất vấn ông.

Mấu chốt là ở điểm đó; và dựa vào đó ông Barr công khai tuyên bố ông sẽ không đến; trong lúc ông chủ tịch Tiểu Ban Tư Pháp Hạ Viện còn loay hoay tìm cách buộc nhân vật đứng đầu ngành thi hành luật pháp vào tội khinh nhờn quốc hội, thì bà Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi kết ông Barr vào tội nói dối Quốc Hội.

Dân biểu Nadler nói ông sẽ phải hành động, nếu ông Barr không lập tức chuyển sang Quốc Hội bản chính (không cắt xén) phúc trình của công tố viên đặc trách Mueller.

Bà Pelosi nói với phóng viên truyền thông: “Tôi quan niệm không có gì nghiêm trọng hơn việc vị tổng chưởng lý Hoa Kỳ không nói thật với Quốc Hội Hoa Kỳ.”

Có thể bà chưa nghĩ đến việc quốc hội không làm gì được kẻ phạm tội nói dối quốc hội đó; và chính sự bất lực của Quốc Hội mới thật là nghiêm trọng.

Bộ trưởng Tư Pháp Barr ra mặt đối phó với cả thượng lẫn hạ viện; trong buổi thuyết trình tại thượng viện hôm Thứ Tư, 1 Tháng Năm, 2019, ông bảo thẳng mọi người, “trong thời gian gần 2 năm của cuộc điều tra, ông Muellers nắm vai chủ chốt, nhưng sau ngày ông đệ nạp bản phúc trình điều tra cho bộ tư pháp, thì tài liệu đó là ‘my baby.’ Tôi muốn công bố phúc trình vào lúc nào, và bằng cách nào là quyền của tôi thôi.”

Qua câu nói đó, thái độ thách thức của ông Barr vượt mọi mức trắng trợn. Ông coi thường quốc hội đến mức ông đến thuyết trình tại thượng viện (đến tay không) không đem theo bản phúc trình Mueller mà quốc hội kỳ hẹn cho ông ngày mùng 1 Tháng Năm là ngày chót ông phải chuyển tới cho họ.

Ông bảo thẳng quốc hội là việc công bố phúc trình là quyền của ông ta, quốc hội đang loay hoay tìm cách đối phó với thái độ và ngôn ngữ của Barr.

Tối Cao Pháp Viện có lần đã khẳng định là Hiến Pháp trao cho hạ viện thẩm quyền rộng rãi để điều tra các vấn đề lợi ích quốc gia và xem xét những luật nào sẽ được thông qua.

Sức mạnh đó còn bao gồm cả việc điều tra những khiếm khuyết trong hệ thống xã hội, kinh tế hoặc chính trị của Hoa Kỳ, rồi khắc phục những khiếm khuyết đó.

Hiến Pháp cũng cho hạ viện quyền ký trát đòi bất cứ công dân nào của Hoa Kỳ đến hạ viện để chất vấn tìm phương thức chỉnh đốn những sai sót của Hoa Kỳ.

Tối Cao Pháp Viện còn giải thích rõ hơn là, hạ viện có quyền điều tra mọi khiếm khuyết trong hệ thống xã hội, kinh tế hoặc chính trị của Mỹ để khắc phục khiếm khuyết, vạch trần tham nhũng, và cải thiện những phần hành kém hiệu quả, hoặc lãng phí.

Trở về với bế tắc đang xảy ra do thái độ của ông Bộ Trưởng Barr ra mặt đối phó với cả thượng lẫn hạ viện. Việc thứ nhất cần làm ngay là tiểu ban tư pháp hạ viện phải tổ chức một cuộc biểu quyết trong nội bộ tiểu ban. Bước thứ nhì là căn cứ vào cuộc biểu quyết của Tiểu Ban Tư Pháp, Hạ Viện tổ chức cuộc biểu quyết của toàn thể thành viên hạ viện chọn thái độ kết tội hay không kết tội ông Barr khinh mạn Quốc Hội.

Chỉ cần Hạ Viện biểu quyết là đủ, do đó dân biểu Nadler không cần quan tâm đến yếu tố thượng viện hiện do đảng Cộng Hòa kiểm soát.

Tội khinh mạn Quốc Hội bằng cách không chấp nhận thuyết trình và chất vấn – như thái độ của ông Barr – được liệt vào loại khinh tội – tội nhẹ – với mức án tối đa là 1 năm tù giam.

Trong thực tế thì bản án đó không đủ để ông Barr phải quan tâm; vì tổng thống có quyền chỉ thị cho bộ tư pháp không thi hành.

Quốc Hội có quyền tự thi hành bản án tù giam do họ xét xử, nhưng trong lịch sử Mỹ, chưa một Quốc Hội nào giam giữ kẻ phạm tội khinh mạn Quốc Hội.

Nói tóm lại ông Bộ Trưởng Tư Pháp Barr có quyền tiếp tục khinh mạn quốc hội mà Quốc Hội không có khả năng để thật sự trừng phạt ông. (Nguyễn Đạt Thịnh)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT