Monday, April 29, 2024

Lỗ hổng của vụ án Vạn Thịnh Phát

Thanh Hà

Vụ án tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Sài Gòn (SCB), và bà Trương Mỹ Lan, cùng các đồng phạm đã được đưa ra xét xử hôm 5 Tháng Ba.

Bà Trương Mỹ Lan tại tòa án. (Hình: Ngọc Dương/Thanh Niên)

Theo cáo trạng của Viện Kiểm Sát Tối Cao, bà Lan và cộng sự bị cáo buộc tham ô chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn, hơn 304,000 tỷ đồng của SCB.

Cáo trạng xác định, từ năm 2012 đến trước ngày bị bắt, vào Tháng Mười, 2022, bà Trương Mỹ Lan đã thâu tóm từ 85% đến 91.5% cổ phần của SCB, rồi nắm quyền chỉ đạo để thao túng toàn bộ hoạt động của ngân hàng này.

Truyền thông nhà nước Việt Nam đã đưa ra những con số thiệt hại khủng khiếp của vụ án tham nhũng chưa từng có này. Theo đó, sự thất thoát tiền bạc và tài sản có thể hơn 1 triệu tỷ đồng, tương đương với 10% GDP của Việt Nam.

Một vấn đề mà công luận đặt ra là “vì sao và lỗ hổng nào giúp bà Trương Mỹ Lan và đồng bọn hoành hành thời gian dài như vậy mà không bị phát hiện?” Cũng như, “tại sao các sai phạm mang tính hệ thống của bà Trương Mỹ Lan và tập đoàn Vạn Thịnh Phát kéo dài trong một thời gian dài tới 20 năm (1992-2022). Tại sao sự việc không bị phát hiện kịp thời để xử lý nhanh và sớm hơn?”

Bất chấp những cảnh báo trước đó của truyền thông nhà nước, vụ án vẫn bị phớt lờ và không được quan tâm. Nếu phát hiện và xử lý sớm từ năm 2013 thì số tiền hơn 1 triệu tỷ, trong đó có số tiền gửi, mua trái phiếu của khách hàng lên tới 500,000 tỷ sẽ không bị thất thoát và biển thủ toàn bộ như đã thấy.

Ngược dòng thời gian để thấy, vào năm 2013, ông Nguyễn Bá Thanh được Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng bổ nhiệm giữ chức trưởng Ban Nội Chính Trung Ương, với mưu đồ “hốt liền” đối với Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, một đối thủ chính trị của ông Trọng.

Vào thời điểm đó, ông Dương Chí Dũng, nguyên cục trưởng Cục Hàng Hải Việt Nam, nguyên chủ tịch Hội Đồng Thành Viên tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines), bị tuyên án tử hình về tội tham ô và tội cố ý làm trái nguyên tắc, trong phiên xử sơ thẩm hôm 16 Tháng Mười Hai, 2013. Ông Thanh lúc đó ra điều kiện cho ông Dương Chí Dũng, nếu khai hết sự thật thì đổi lại ông sẽ được miễn án tử.

Có mặt tại phiên tòa xét xử em trai mình là Đại Tá Dương Tự Trọng, ông Dương Chí Dũng, với tư cách là nhân chứng của vụ án, khai rằng, ông đã nhận của bà Trương Mỹ Lan $1 triệu để chuyển cho Thượng Tướng Phạm Quý Ngọ, thứ trưởng thường trực Bộ Công An, và nhờ ông Ngọ đưa cho Bộ Trưởng Bộ Công An Trần Đại Quang $500,000.

Đó là số tiền liên quan đến việc, bà Trương Mỹ Lan đưa hối lộ để “lót tay” cho việc chuyển đổi công năng mục đích sử dụng khu đất Cảng Nhà Rồng-Khánh Hội ở quận 4, Sài Gòn, sau khi Cảng Khánh Hội di dời. Cho đến nay, tử tù Dương Chí Dũng vẫn bình an và bản án tử hình chưa được thi hành vì lý do như vậy.

Sau đó khoảng một năm, ông Nguyễn Bá Thanh đột ngột qua đời, với lý do mắc bệnh lạ không thể chữa khỏi. Ít lâu sau, ông Trần Đại Quang cũng mắc một bệnh lý tương tự y như vậy. Gần đây, sau khi bà Trương Mỹ Lan bị khởi tố và bắt giam, có những cái chết bí ẩn của một số nhân vật quan trọng liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát. Đã có những đồn đoán cho rằng, những cái chết bí ẩn của Phạm Quý Ngọ, Nguyễn Bá Thanh, và Trần Đại Quang rất có thể có bàn tay bí ẩn của bà Trương Mỹ Lan.

Bà Trương Mỹ Lan vẫn dùng thủ đoạn quen thuộc, dùng tiền của người gửi sau, để trả cho người gửi tiền trước. Công luận đã đặt câu hỏi, với một hệ thống giám sát chặt chẽ của hàng chục cơ quan quản lý của nhà nước, cũng như Ngân Hàng Nhà Nước, đặc biệt là hệ thống an ninh kinh tế của Bộ Công An, tại sao lại để bà Lan hoành hành như chỗ không người như thế.

Theo kết luận điều tra của Bộ Công An, bà Trương Mỹ Lan và một số lãnh đạo của SCB đã hối lộ cho đoàn thanh tra liên ngành của chính phủ, có 18 người, do bà Đỗ Thị Nhàn làm trưởng đoàn, để che giấu sai phạm của ngân hàng này. Riêng cá nhân bà Nhàn nhận hối lộ tới $5.2 triệu, một khoản lớn chưa từng thấy.

Công luận đưa ra một nhận xét, chỉ một lãnh đạo cấp cục, vụ của Ngân Hàng Nhà Nước đã nhận hối lộ tới mức đó thì thử hỏi các cấp lãnh đạo cao hơn, không chỉ trong hệ thống ngân hàng, mà các lãnh đạo thuộc Bộ Tài Chính, Kiểm Toán Nhà Nước, các thứ trưởng, bộ trưởng, ủy viên trung ương có liên quan, và kể cả Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, đã nhận bao nhiêu tiền từ bà Trương Mỹ Lan?

Phải chăng đó là lý do, trong thời gian 10 năm, trải qua ba đời thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước như ông Nguyễn Văn Bình, ông Lê Minh Hưng, và bà Nguyễn Thị Hồng, SCB chỉ bị thanh tra duy nhất một lần.

Sau khi cơ quan điều tra kết luận, theo giới thạo tin, vụ án Vạn Thịnh Phát và SCB, theo chỉ đạo của Bộ Chính Trị và Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Công An sẽ không tiếp tục điều tra về trách nhiệm lãnh đạo của Ngân Hàng Nhà Nước cũng như giới chức chính phủ. Họ chỉ dừng lại ở cấp lãnh đạo cục, vụ, nghĩa là chỉ điều tra theo hệ thống hàng ngang, không điều tra đến cấp cao hơn.

Chưa hết, cũng như bằng cách nào mà bà Trương Mỹ Lan sử dụng tiền lừa đảo để mua và sở hữu 156 bất động sản, đa số là công sản thuộc sở hữu nhà nước. Đó là những bất động sản vốn là công sản ở những khu vực ở trung tâm quận 1, Sài Gòn, từ thời chính quyền VNCH để lại, được sang nhượng với giá rẻ gần như cho không.

Công luận khẳng định, chắc chắn bà Lan phải có các mối quan hệ rất “đặc biệt” với giới chức chính trị cấp cao, kể cả giới chức cấp cao nhất của đảng CSVN. Đồng thời đặt câu hỏi, “Vì sao, còn quá nhiều điều nổi cộm chưa được làm rõ ở vụ án này, mà lãnh đạo Việt Nam lại cho dừng cuộc điều tra?”

Nhật báo The South China Morning Post đưa ra một thắc mắc đáng quan tâm, “…vì sao Việt Nam đã khởi tố và bắt giam bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm từ đầu Tháng Mười, 2022 cho đến nay, mà vẫn chưa có thêm các giới chức chính phủ hay Ngân Hàng Nhà Nước nào bị xử lý kỷ luật về trách nhiệm liên quan đến vụ án?”

Việc Bộ Công An hôm 27 Tháng Mười Hai, 2023, phải quyết định mở rộng và tiếp tục điều tra giai đoạn hai của vụ án này, không chỉ với lý do đây là vụ án lớn với số lượng bị can, người liên quan nhiều cá nhân và tổ chức, mà còn có rất nhiều ẩn ý trong cuộc đấu quyền lực, trong nội bộ đảng CSVN.

Vụ bê bối của SCB, Vạn Thịnh Phát, và bà Trương Mỹ Lan, với thiệt hại lên tới hàng chục tỷ đô la, cho thấy các cơ quan quản lý của nhà nước Việt Nam vô trách nhiệm đáng nghi vấn. [đ.d.]

MỚI CẬP NHẬT