Friday, April 26, 2024

Mời Putin sang thăm Việt Nam, ngây thơ hay lú lẫn?

Kim Ngữ

Bản tin của VNExpress cho biết Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng chính thức mời Tổng Thống Vladimir Putin của Nga sang thăm Việt Nam trong lúc này khiến dư luận nhận ra vấn đề bấy lâu nay vẫn còn trong vòng bàn luận. Đó là ngoại giao cây tre có liên quan gì tới tình trạng sức khỏe của lãnh đạo hay không?

Tổng Thống Vladimir Putin (trái) nói chuyện với Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội năm 2013. (Hình minh họa: Na Son-Nguyen/AFP via Getty Images)

Ngoại giao cây tre là một thuật ngữ mới mà Hà Nội đưa ra chứng minh Việt Nam đối xử bình đẳng với mọi quốc gia trên thế giới bất kể chính thể của họ thuộc loại gì. Chính sách này bị nhiều người cho là đu dây, hay gió chiều nào theo chiều đó. Cách ứng xử của khuynh hướng “cây tre” là uốn éo theo hướng gió nhằm thu hoạch lợi lộc nhiều nhất, trong đó có việc lên án, đồng thuận hay chống đối một vấn đề gì đó theo số đông nhằm mưu cầu sự đáp trả có tính cách tích cực của thế giới.

Nếu nhìn vấn đề ngoại giao cây tre theo hướng đó thì việc chào đón ông Putin ngay trong thời điểm này có đúng với chính sách mà Hà Nội đưa ra hay không?

Vẫn biết Nga là một trong bảy nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam bên cạnh Trung Quốc, Mỹ, Nam Hàn, Nhật, Ấn Độ, và Úc, và được đối xử ngang hàng với nhau. Tuy nhiên, Nga đã và đang xua quân xâm lược Ukraine khiến gần như toàn thế giới tẩy chay và xa lánh. Nga công khai tiến quân vào Ukraine không cần viện dẫn một lý do nào. Từ Tháng Hai, 2022, có bao nhiêu sinh mạng bỏ thây vì tham vọng này của ông Putin và cả thế giới đang vây quanh Nga chờ ngày tập đoàn này sụp đổ trong đó có những nước mà Việt Nam có quan hệ ngoại giao. Tính cách xâm lược của ông Putin có khác gì thực dân Pháp hay đế quốc Mỹ, hai nước từng bị đánh đuổi khỏi Việt Nam vì miền Bắc luôn cho rằng họ là quân xâm lược.

Nếu định đề xâm lược bị Việt Nam đổ xương máu ra tranh đấu thì tại sao cũng là “xâm lược” nhưng ông Putin lại được mời đón thắm thiết như một lãnh tụ chân chính? Liệu khi ôm chầm ông Putin tại quảng trường Ba Đình ông Nguyễn Phú Trọng có bị nhìn dưới ánh mắt khinh thường khắp thế giới? Chắc chắn là có, vì ông Putin đang bị tòa án quốc tế truy bắt vì là tội phạm chiến tranh khắp thế giới ngoại trừ Việt Nam và một số nước khác.

Được bắt tay, ôm vai, “cụng” mặt một nhân vật có hồ sơ tội phạm như thế thì ông Nguyễn Phú Trọng và đảng của ông nhận được lợi lộc gì từ ông Putin?

Cũng có người cho rằng việc làm này chỉ thuần túy ngoại giao vì nước Nga của ông Putin từng có ơn nghĩa với Việt Nam nên truyền thống ăn quả nhớ kẻ trồng cây là đúng đắn. Ngoại giao không có cách hành xử kém “ngoại giao” như thế. Chào đón một người như ông Putin là đồng thuận với việc xua quân xâm lược Ukraine cho dù trong quá khứ Việt Nam nhận rất nhiều giúp đỡ từ Nga. Nước Nga trước đây không phải là của ông Putin cũng như Việt Nam trước đây không phải là của ông Nguyễn Phú Trọng. Trong khi hầu hết các quốc gia trên thế giới đã xóa tên ông Putin ra khỏi danh sách nguyên thủ quốc gia cần ứng xử thì ông Nguyễn Phú Trọng lại làm ngược lại, bất chấp quốc tế, bất chấp cương lĩnh của Liên Hiệp Quốc nhìn nhận kẻ gây ra chiến tranh là ông Putin. Rước ông Putin vào Hà Nội là giọt nước tràn ly của chính sách ngoại giao cây tre mà Việt Nam từng hãnh diện.

Ông Nguyễn Phú Trọng trong cương vị đứng đầu đảng CSVN chỉ nên mời những lãnh tụ có tham gia vào đảng Cộng Sản như ông mới phải. Những quốc gia như Trung Quốc, Bắc Hàn, hay Cuba thì xứng đôi phải lứa. Ông Putin không còn là người Cộng Sản nữa thì có mời chăng là chủ tịch nước chứ không phải là ông tổng bí thư. Ông Trọng đang lạm quyền một cách công khai sẽ khiến quốc tế nghĩ sao khi chứng kiến những việc làm không khuôn phép?

Chính sách ngoại giao của một nước được định hình từ cung cách mời mọc một nguyên thủ nước khác. Người được mời không những nói lên sự quan tâm đặc biệt của nước đưa lời mời mà còn sâu xa hơn, muốn thiết lập một quan hệ hợp tác có lợi cho cả hai nước. Trong trường hợp này, khi mời ông Putin sang Việt Nam, Hà Nội sẽ hưởng được lợi lộc gì và trong chiều ngược lại ông Putin sẽ có lợi gì khi bước chân lên tấm thảm đỏ của Việt Nam?

Đối với Việt Nam, lợi lộc trước mắt chỉ dành riêng cho ông Trọng và bè cánh thân Nga. Ông Putin sẽ thay mặt nhân dân Nga cám ơn ông Trọng và nếu có hứa hẹn gì thì cũng chỉ trên bản ghi nhớ chứ chưa chắc ký được một hợp đồng kinh tế nào vì Mỹ đang cấm vận Nga, cho kẹo ông Trọng cũng không dám vượt lằn ranh đỏ.

Người được lợi chắc chắn là Putin, kẻ đang bị thế giới xa lánh lại được Hà Nội rước vào nhà như quốc khách. Giọng nói của ông Putin sẽ cao hơn, tự tin hơn và nhất là khát máu hơn trong các chính sách đối với Ukraine. Ông Putin sẽ canh cánh trong lòng nhớ ơn ông Nguyễn Phú Trọng vì chỉ có ông Trọng mới đủ bản lĩnh mời một kẻ đang bị truy bắt gắt gao như ông Putin trước cộng đồng quốc tế.

Và đã có lợi thì phải có hại, hai nguyên tắc đi song song với nhau chưa bao giờ rời xa. Cái hại đến Hà Nội rất nhanh không như người ta tưởng.

Cái hại thứ nhất là quốc tế sẽ chăm chăm nhìn vào Việt Nam như nhìn một kẻ phản bội lại lý tưởng mà các nước đang theo. Lý tưởng bảo vệ Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, bảo vệ kẻ yếu chống lại quân xâm lược đã và đang là kim chỉ nam cho mọi quốc gia tôn trọng Hiến Pháp của mình. Từ lý tưởng ấy, Việt Nam, trong con mắt của quốc tế, chỉ là một con rối không hơn không kém. Con rối chính trị ấy sẽ nhận được những từ chối lịch sự trong các hợp đồng kinh tế trong tương lai. Những cái xua tay khi muốn mua bán vũ khí với cộng đồng quốc tế, nhất là Mỹ, nơi muốn bán vũ khí cho ai phải xin phép Quốc Hội. Cơ quan lập pháp Mỹ là nơi có cái nhìn rất bảo thủ về nguyên tắc đạo đức cho bất cứ quốc gia nào kể cả đồng minh.

Việt Nam không phải là đồng minh của Mỹ thì dựa vào đâu bảo họ có cái bắt tay thiện cảm với mình khi trước mặt họ mình đang chơi trò đu dây bắt tay với ông Putin như một nguyên thủ đáng kính, ngang hàng với một tổng thống Mỹ? Hơn nữa, ông Putin là kẻ đang khiến nước Mỹ tiêu tốn ngân sách một cách không giới hạn vậy thì bắt tay với ông Putin có ý nghĩa gì với nước Mỹ?

Nhìn vào thực tế này có thể đưa ra nhận xét, hoặc là ông Trọng quá ngây thơ trong vấn đề ngoại giao cây tre, hoặc là ông đang giải quyết chuyện hệ trọng của quốc gia thông qua cái đầu của một ông già lú lẫn. Hoặc cả hai, vừa ngây thơ vừa lú lẫn cũng nên? [đ.d.]

MỚI CẬP NHẬT