Thursday, March 28, 2024

Nhạc sĩ du ca Nguyễn Quyết Thắng

Nguyễn Hoàn Nguyên

(Lời giới thiệu tiểu sử nhạc sĩ Nguyễn Quyết Thắng trong buổi sinh hoạt văn nghệ “Nói Với Người Du Ca Ban Mê Nguyễn Quyết Thắng” do Lưu Phát Tấn và thân hữu tổ chức ở Houten, Hòa Lan, ngày 16 Tháng Chín).

“…Hãy đến từ lòng người, và đến chính nơi ta,
đến với lòng thật thà, đừng dối trá điêu ngoa.
Hãy nói cùng tình người, cuộc sống quá bôn ba.
Ôi con tim dung tha là tiếng khóc nhạt nhòa…”
[Nguyễn  Quyết Thắng (Hát Từ Tim Hát Bằng Hơi Thở, 1971)]

Trong tuyển tập Mùa Đất Thấp do Cái Đình xuất bản ở Hòa Lan năm 1998, nhạc sĩ Nguyễn Quyết Thắng đã cung cấp một tiểu sử rất lý thú, ngắn gọn, có những nét châm biếm, tự trào. Tiểu sử này cho thấy những nét họa sắc bén chân dung một người nghệ sĩ gắn liền với những thăng trầm của quê hương  Việt Nam, của một nhạc sĩ dấn thân với cuộc đời. Tôi xin hân hạnh được đọc lên:

Nguyễn Quyết Thắng
Quê cha: Hà Nội
Quê mẹ: Thanh Hóa.
Quê nhà: Ban Mê Thuột
Quê người: Hòa Lan
1949: Sơ chi nhân
1954: Chứng nhân
1965: Ca nhân
1968: Quân nhân
1971: Bại nhân
1972: Xã nhân
1975: Tù nhân
1976: Dị nhân
1981: Thuyền nhân
1985: Công nhân

Anh Nguyễn Quyết Thắng không hề bận tâm đến vấn đề tiểu sử của mình. Các tiểu sử về anh mà chúng ta biết được thường rất vắn tắt, vì thế tôi xin được diễn dịch dài dòng hơn chân dung tự họa của anh.

Nguyễn Quyết Thắng sinh năm 1949 tại Hà Nội. Anh di cư vào Nam năm 1954 và từng sống trên nhiều địa phương như Quảng Trị, Tuy Hòa, Nha Trang, Ban Mê Thuột, Thủ Đức, Sài Gòn, giai đoạn anh gọi là sơ nhân và chứng nhân.

Nguyễn Quyết Thắng bắt đầu đi vào âm nhạc năm 1963. Năm 1965 anh đã có sự chuyến hướng quan trọng về chiều hướng sáng tác, những ý thức và cảm nhận về âm nhạc của mình, do tác động của một số ca khúc gợi lên lòng yêu nước và lý tưởng phục vụ xã hội của cố nhạc sĩ Nguyễn Ɖức Quang như Về Với Mẹ Cha, Đường Việt Nam, Anh Em Tôi…  Anh gia nhập Phong Trào Đoàn Thanh Ca Tác Động, sau đổi tên thành Phong Trào Du Ca, được hai sáng lập viên là Nguyễn Đức Quang và Đinh Gia Lập thành lập. Đoàn trưởng lúc bấy giờ là anh Hoàng Ngọc Tuệ. Chị Phương Oanh, đang hiện diện trong hội trường đêm nay, cũng như anh Từ Nguyên (Pháp) từng đến sinh hoạt văn nghệ với chúng ta ở Hòa Lan, là các huynh trưởng hướng dẫn và cố vấn của phong trào này. Trong Đại Hội Du Ca lần thứ nhất ở Sài Gòn vào năm 1967 anh Nguyễn Quyết Thắng đã đoạt giải nhất sáng tác ca khúc tại chỗ với nhạc phẩm “Máu Tim Này Cho Ai.”

Anh Nguyễn Quyết Thắng thành lập toán Du Ca có tên gọi Toán Du Ca Lòng Mẹ ở Ban Mê Thuộc với 15 thành viên. Chị Minh Chiến, tức chị Nguyễn Quyết Thắng sau này, sát cánh với anh trong các sinh hoạt trong thời gian nói trên. Ngoài ra, anh còn lập đoàn Ấu Thiếu Nhi Việt Nam với tổng số khoảng 200 trẻ em Việt Nam từ 5 đến 12 tuổi, hướng dẫn các em sinh hoạt du ca theo phương pháp của Hướng Đạo. Đây là giai đoạn anh tự gọi là ca nhân.

Anh gia nhập quân đội năm 1968. Sau đó anh bị thương và giải ngũ vào năm 1971, thời kỳ anh gọi là quân nhân và bại nhân.

Trở về thành phố Ban Mê Thuộc, anh thành hôn với chị Minh Chiến, tiếp tục sinh hoạt du ca trong thời gian từ 1972 đến 1975 mà anh tự gọi mình là xã nhân. Anh cùng các bằng hữu thành lập Cơ Sở Văn Nghệ Con Người ấn hành các tác phẩm nhạc, thơ, văn và thực hiện cả triển lãm hội họa. Chính cơ sở này đã xuất bản các tuyển tập nhạc của anh từ năm 1966 cho đến năm 1972:

Lá Xanh Ɖời  – tình ca quê hương (1966)
Ly Ca – tình tự  quê  hương (1968)
Hát Ngợi Ca Tình Nhân – tình ca (1970)
Hát Từ Tim, Hát Bằng Hơi Thở (1972)
Banmê và Cung Mi – tình ca (1972)

Hai băng nhạc do anh thực hiện gồm:

Hát Từ Tim – Hát Bằng Hơi Thở
Những Tối Hoa Xưa

Sau năm 1975, anh Nguyễn Quyết Thắng bị đi học cải tạo. Từ trại tù trở về để lại thấy xã hội Việt Nam là một nhà tù to lớn hơn và đời sống của gia đình anh cùng rất nhiều người khác xuống cấp thê thảm. Giai đoạn này là một khoảng trống vắng trong quá trình sáng tác của anh mà anh tự gọi mình là tù nhân và dị nhân.

Năm 1981, Nguyễn Quyết Thắng là một thuyền nhân tị nạn rời khỏi Việt Nam. Anh định cư và làm việc tại Hòa Lan như chúng chúng ta đã biết. Thời kỳ anh gọi là thuyền nhân và công nhân. Tuy nhiên, con người mà anh gọi là ca nhân vẫn đầy sức sống và vẫn sinh hoạt tích cực. Anh sinh hoạt trong phong trào Hưng Ca. Đây là một phong trào được thành lập vào năm 1985 ở San Jose, Hoa Kỳ, với tôn chỉ dùng văn nghệ, đặc biệt là văn nghệ sân khấu, để giữ vững niềm tin cách mạng dân tộc hầu tiếp tục tranh đấu cho tự do dân chủ ở quê nhà. Một nhạc phẩm anh đã sáng tác vào năm 1972, trở thành bài hát cho phong trào Hưng Ca được nhiều người biết đến vào năm 1986 là nhạc phẩm Tiếng Hát Vang Lên Trong Đêm Tối:

Trong đêm tối tiếng ca đã dậy lên.
Trong u tối oán than đã dần tan.
Dậy đi anh tôi chờ, dậy đi em tôi chờ,
nhìn quê hương thắp sáng trái tim con người…”

Nhưng phải đợi đến năm 1996 những bài tình ca mới nở rộ trong sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Quyết Thắng. Một số các nhạc phẩm tiêu biểu như: Anh, Ban Mê Về Nhớ – Em – Em Bước Xuống Chùa – Ngàn Năm Nào Ngưng Ɖọng – Ngày Rày Năm Xưa – Vẫn Còn Tiếng Ngân – Một Chia Xa Là Suốt Trăm Năm – Sinh Nhật,… Anh cũng tiếp tục hoạt động với Cơ Sở Văn Nghệ Con Người, phát hành các tuyển tập nhạc kế tiếp:

-Tái bản tuyển tập nhạc Banmê và Cung Mi vào năm 1998.
-Ngày Rày Năm Xưa, tuyển tập nhạc do anh phổ thành ca khúc từ những bài thơ của một số các nhà thơ, cũng được xuất bản vào năm 1998.
-Tuyển Tập Nhạc Nguyễn Quyết Thắng vào năm 1982.

Năm 2010, anh Nguyễn Quyết Thắng xin về hưu non. Cảm hứng và sức sáng tác của anh vẫn dồi dào. Anh vẫn tiếp tục sinh hoạt, vẫn với sự hỗ trợ của chị Minh Chiến, nhất là anh lại tích cực đóng góp và đẩy mạnh các sinh hoạt du ca ở Mỹ cùng với các thân hữu bên đó. Trong anh vẫn còn nguyên vẹn niềm tin và sự lạc quan mà anh muốn nhắn nhủ là điều đó vẫn hiện diện trong lòng của mọi người:

“...Dù cho nguy nan gian khó đang vờn quanh.
Niềm tin trong ta mang đến cơn mộng lành.
Dù cho thương đau che khuất những hoài mong.
Đừng quên trong ta đang có bao hy vọng…”
(Đừng Quên, 2012)

Vào năm 2012, nhật báo Người Việt xuất bản tuyển tập nhạc của anh với tựa đề Tình Yêu Quê Hương và Thân Phận gồm tám ca khúc do Nguyễn Quyết Thắng soạn nhạc, bằng hữu viết lời; 15 ca khúc do Nguyễn Quyết Thắng phổ nhạc từ thơ; 27 ca khúc do chính Nguyễn Quyết Thắng viết nhạc và lời.

Hiện nay anh đang thực hiện tuyển tập nhạc Những Bài Ca Thiếu Nhi. Tuyển tập nhạc này chưa được phát hành nhưng những ca khúc đã được thu băng để có thể hướng dẫn các em tập hát ở Mỹ.

Ngoài một số bài hát nổi tiếng như chúng ta đã biết như: Vắt Tay Lên Trán, Hát Từ Tim Hát Bằng Hơi Thở, Gọi Tên Đất Mẹ, Suốt Đời Lang Thang, Những Tối Hoa Xưa,…  Những bài hát về Banmê như: Ban Mê, Về Nhớ, Ban Mê và Ta, Chiều Buồn Ban Mê,… anh Nguyễn Quyết Thắng có những sáng tác hay các ca khúc do anh phổ nhạc từ thơ trong thời gian sau này như: Biền Biệt Bóng Trăng Tan (2002), Ô Mai Ngày Xưa, Hát Giữa Vầng Trăng, Từ Xứ Uất Kim Hương, Lặng Im (2006), Trên Đỉnh Zermatt (2007), Paris Đêm Mưa (2009), Nợ (2010), Đừng Quên (1012), Tiếng Hát Ven Sông, Cho Nhau, Tôi Cứ Phải Hỏi, Vô Sự, Xích Lô, Xuân Sang,… Theo lời Nguyễn Quyết Thắng, anh còn khoảng 20 ca khúc mới sáng tác chưa tìm được người hát.

Nguyễn Quyết Thắng trên hết là nhạc sĩ du ca:

“...Với bàn tay trắng với bàn chân yếu,
dựng quê hương đi qua bao làng thôn,
đã về trong tiếng cười, đã về trong tiếng hát,
sống cho người…”
(Nói Với Người Du Ca Ban Mê,1974).

Nhưng nhìn vào quá trình sáng tác, chúng ta thấy dòng nhạc của anh rất đa dạng: nhạc du ca, tình ca quê hương, tình tự quê hương, tình ca, nhạc thiếu nhi. Nguyễn Quyết Thắng còn có một vài ca khúc sau năm 1997 phảng phất thiền vị. Nhìn chung, ngoài sự đánh động ý thức phản tỉnh, lòng yêu nước,và lý tưởng phục vụ xã hội, tâm cảm của người nhạc sĩ còn có những nét vừa trăn trở sâu kín, vừa bao la thâm trầm trong lời và nhạc:

“...Ngồi im trong bóng tối, một uất ức chưa vơi
Lặng thinh không tiếng nói, tình người như đá vôi…”
(Lặng Im, 2006)

“…Đứng bên bờ vực sâu. Hóa thân làm mù sương.
Cội thông reo cùng hoa lá. sợi mong manh ghềnh thác đá.
Ngàn mai sau cho thác cuộn tình nguồn,…”
(Trên Đỉnh Zermatt, 2007)

Thật ra tiểu sử của anh Nguyễn Quyết Thắng không dừng lại nơi đây như một bảng lý lịch khô khan. Những sinh hoạt và những sáng tác của anh đã tạo cơ hội cho chúng ta ngày hôm nay được gặp nhau, ngồi lại với nhau. Để thưởng thức các ca khúc của Nguyễn Quyết Thắng. Để cảm nhận tâm tình và chân tình của người du ca Ban Mê qua dòng nhạc mong ước làm đẹp cho xã hội, cho dân tộc, cho con người. Cho nhau một nụ cười, cho niềm tin đi tới. Cho nhau lời gọi mời, đường dài có xa xôi (Cho Nhau). Đó là một may mắn và là một hạnh phúc có thể chia sẻ được.

Cũng chính nhờ những hoạt động du ca và những sáng tác của những nhạc sĩ như Nguyễn Đức Quang, Nguyễn Quyết Thắng, trong nước hiện đã có những toán người trẻ, bằng cách này hay cách khác trong một xã hội mất tự do dân chủ, ôm đàn tiếp tục sinh hoạt và hát những bài nhạc du ca. Đây là điều mang lại cho chúng ta niềm tin và hy vọng trong sự chuyển hóa tích cực hoàn cảnh tăm tối của quê hương trước nhiều hiểm họa nếu có những người trẻ vẫn tiếp tục hát những ca khúc vì đất nước, vì tình người và tương lai dân tộc. Những tiếng hát vang lên trong đêm tối. Đây cũng là điều làm cho chúng ta lại càng trân trọng hơn những đóng góp của các nhạc sĩ du ca cho quê hương và con người Việt Nam như nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang. Như nhạc sĩ Nguyễn Quyết Thắng.

Mời độc giả xem phóng sự “Đưa tiếng Việt vào chương trình tiểu học tại Little Saigon”

MỚI CẬP NHẬT