Monday, March 18, 2024

Tổng Thống Mỹ Johnson với Tết Mậu Thân 1968

Hà Tường Cát

Nửa thế kỷ trước, chiến tranh Việt Nam là chuyện đau đầu hàng ngày của Tổng Thống Mỹ Lyndon B. Johnson. Ông hiểu rằng không có lợi ích cốt lõi nào của nước Mỹ ở đó và can thiệp quân sự vào Việt Nam có thể là một tai họa.

Ngày 27 Tháng Năm, năm 1964, hơn hai tháng trước khi Mỹ bắt đấu ném bom lần đầu ở Bắc Việt, Tổng Thống Johnson nói chuyện qua điện thoại với Chủ Tịch Ủy Ban Quân Lực Thượng Viện Richard Russell để tham khảo ý kiến về việc tiến hành các nỗ lực đã khởi đầu từ thời Tổng Thống Dwight D. Eisenhower và John F. Kennedy ở Việt Nam. Hai người đều đồng ý rằng nếu đưa quân vào Việt Nam thì không biết bằng cách nào có thể rút ra.

Nhưng rồi tình thế cuộc Chiến Tranh Lạnh với khối Cộng Sản và các diễn tiến chính trị ở trong nước đã dần dần từng bước đưa đẩy Tổng Thống Johnson trực tiếp can dự vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Đối với Tổng Thống Johnson, đó là cuộc xung đột mà ông không quyết tâm muốn thắng nhưng nhất định không thể để cho thua. Và sau khi đã leo thang từ 1965 khi ào ạt đưa quân Mỹ đến Việt Nam, đúng như ông đã tiên đoán, gần như không có cách gì để rút ra.

Kyle Longley, giáo sư Arizona State Univerity, kể lại chuyến đi vòng quanh thế giới trong 5 ngày của Tổng Thống Lyndon B. Johnson cuối năm 1967, vào thời điểm chiến tranh Việt Nam sắp đi tới một khúc quanh quan trọng do cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân của quân Cộng Sản.

Sự việc này khởi đầu do cái chết bất ngờ của thủ tướng Úc, ông Harold Holt, mất tích khi tắm biển và được coi là chết đuối. Ông Holt, 59 tuổi, bạn thân với Tổng Thống Johnson và là người trực tiếp ủng hộ nỗ lực chiến tranh của Mỹ với 7,500 quân Úc được đưa đến Việt Nam. Ngày 19 Tháng Mười Hai, 1967, Tổng Thống Johnson lên đường qua Úc dự lễ truy điệu. Một phụ tá Tòa Bạch Ốc nhớ lại rằng chiến tranh Việt Nam là chủ đề chính trong những cuộc nói chuyện trên Air Force One khi bay qua Thái Bình Dương.

Thượng Nghị Sĩ George McGovern sau một bữa tiệc tối với tổng thống hồi cuối năm 1967 đã mô tả Tổng Thống Johnson là “một người tinh thần bối rối như bị tra tấn vì cái hỗn loạn ông đã gây nên do can thiệp vào Việt Nam, không yên ổn gần như con thú bị nhốt trong chuồng.”

Trước đó vào Tháng Chín, cố gắng ra khỏi vũng lầy, Tổng Thống Johnson đã tung ra “Công thức San Antonio,” đề nghị ngừng oanh tạc nếu Hà Nội chịu thương thuyết. Không có đáp ứng, Tháng Mười Một, ông gọi Tướng William Westmoreland, tư lệnh quân Mỹ ở Việt Nam, về Mỹ đi nói chuyện cổ vũ sự ủng hộ chiến tranh. Lúc đó phong trào phản chiến đã có nhưng hãy còn chưa lớn mạnh lắm, và căn cứ trên báo cáo chiến trường về con số tổn thất nhân mạng của Cộng quân, Bộ Quốc Phòng Mỹ vẫn tin là sẽ thắng cuộc chiến tranh.

Ngay cả trong lễ truy điệu Thủ Tướng Holt, Tổng Thống Johnson không thoát khỏi ám ảnh của chiến tranh Việt Nam, ông có nhiều cuộc thảo luận chiến lược với các nhà lãnh đạo đồng minh. Theo ông, “Cộng Sản Bắc Việt đang chuẩn bị một cuộc tấn công rất rộng lớn thử nghiệm ý chí của Mỹ và đồng minh nhưng Mỹ và các đồng minh phải kiên định tư thế, không mở rộng chiến tranh nhưng không rút chạy.”

Tân thủ tướng Úc, ông John McEwan xác định giữ vững cam kết với Việt Nam Cộng Hòa cho đến khi đạt được một nền hòa bình công chính. Tổng Thống Johnson cũng có được bảo đảm của Tổng Thống Nam Hàn Park Chung-hee và các nhà lãnh đạo đồng minh khác. Ông hội đàm 2 tiếng đồng hồ với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu thảo luận kế hoạch chống các thế lực chính trị ở hai nước tìm cách gây chia rẽ.

Phấn khích với những cuộc gặp gỡ đó, Tổng Thống Johnson quyết định bay đêm tới Đông Nam Á, không về Washington ngay như đã định. Trên máy bay ông nói chuyện rất lâu với phi công và phi hành đoàn về quyết tâm của nước Mỹ không để cho Hà Nội chiếm miền Nam Việt Nam. Ngay sau khi đáp xuống căn cứ không quân Korat, tổng thống bay trở lại Cam Ranh, trong thời gian ngắn lưu lại đây đã vào thăm bệnh viện dã chiến rồi được Tướng Westmorelsnd hướng dẫn đến gặp quân sĩ tập trung chờ đón.

Tướng Westmoreland thuyết trình với ông về tình hình tiến bộ trên chiến trường. Phát biểu trước quân đội, Tổng Thống Johnson nhấn mạnh rằng Mỹ và đồng minh chiến đấu cho mục tiêu có ý nghĩa lâu dài và địch quân không bao giờ có thể thắng. Thoát khỏi áp lực của các chính trị gia và những phe biểu tình phản chiến, ông tỏ ra lạc quan và quyết tâm hơn. Bằng tinh thần thoải mái ấy, Tổng Thống Johnson tiếp tục bay về hướng Tây, ghé qua Pakistan gặp Tổng Thống Ayub Khan tại phi cảng Karachi.

Chặng chót, Tổng Thống Johnson đến Vatican hội kiến với Đức Giáo Hoàng Paul VI trong hơn một giờ. Ông muốn Đức Giáo Hoàng giúp cho việc cải thiện sinh hoạt của các tù binh Mỹ bị giam ở Bắc Việt và thúc đẩy Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đến bàn hòa đàm. Tổng Thống Johnson khẳng định với Đức Giáo Hoàng mục tiêu tối hậu của Mỹ là hòa bình.

Bản thông cáo chung Vatican-Mỹ sau đó được yêu cầu bỏ đi câu “chúng tôi không bao giờ trao Nam Việt Nam cho xâm lược và tấn công” vì Giáo Hoàng Paul VI sợ rằng nói như thế là ngài ủng hộ chiến tranh. Tuy nhiên Tổng Thống Johnson ghi nhận: “Tôi rời khỏi Vatican với tin tưởng rằng Đức Thánh Cha hiểu lập trường và hy vọng của chúng tôi.”

Tổng Thống Johnson về tới trang trại riêng ở Texas đúng buổi tối trước Lễ Giáng Sinh sau chuyến đi 4 ngày nửa vòng Trái Đất dài 28,210 dặm. Trong 112 giờ đi xa tòa Bạch Ốc, ông ở trên máy bay 60 giờ.

Hơn một tháng sau, trong bản Thông Điệp Liên Bang đọc trước Quốc Hội, Tổng Thống Lyndon B. Johnson nhắc lại thông điệp mà ông đã mang theo chuyến đi. Ông nói: “Kẻ thù tiếp tục hy vọng là ý chí bảo toàn của nước Mỹ sẽ gẫy đổ. Họ sai. Sự nhẫn nại và kiên trì  phù hợp với sức mạnh của chúng ta. Xâm lược không bao giờ có thể thắng.” Và ông nói thêm: “Mục tiêu của chúng ta là hòa bình – và hòa bình sớm nhất.”

Tuy vậy các phụ tá của ông nhận ra rằng mối hoài nghi cũ của ông đã trở lại và tổng thống cảm nhận thấy một điềm báo trước. Hai tuần lễ sau bản Thông Điệp Liên Bang, Cộng quân mở trận tổng công kích Tết Mậu Thân. Thượng Nghị Sĩ Eugene McCarthy tranh cử với lập trường phản chiến chiếm 41% phiếu, Lyndon B. Johnson 49%,  trong bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ ở tiểu bang New Hampshire ngày 12 Tháng Ba, năm 1968.

Nhận thấy mình mất sự ủng hộ, sự lạc quan về tình hình chiến tranh ở Đông Nam Á không xác đáng và phải bằng lòng thực tế ngoài ý muốn, ngày 31 Tháng Ba năm 1968, Tổng Thống Lyndon B. Johnson loan báo không tái tranh cử nhiệm kỳ thứ nhì. Đắc cử trong cuộc bầu cử năm 1968 là Tổng thống Richard Nixon tiếp tục chật vật với việc giải quyết chiến tranh suốt hơn 6 năm sau. (Hà Tường Cát)

—————–
Liên lạc tác giả: [email protected]

Mời độc giả xem chương trình “Con Yêu” với đề tài “Dọa dẫm ảnh hưởng đến não trạng con trẻ”(Phần 1)

MỚI CẬP NHẬT