Saturday, April 20, 2024

Trào lưu viết tiểu thuyết lịch sử bằng quốc ngữ ở Nam Kỳ đầu thế kỷ 20

Giáo Sư Trần Văn Chi

Tiểu thuyết dịch Trung Hoa khuynh đảo thị trường văn chương chữ nghĩa trong giai đoạn đầu hiện đại hóa khi sáng tác chưa đáp ứng được nhu cầu độc giả.

Một cô gái mặc áo dài truyền thống Việt Nam bên ngoài Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội. (Hình minh họa: Manan Vatsyayana/AFP via Getty Images)

Phong trào dịch quốc ngữ tiểu thuyết Trung Hoa trở nên ồ ạt vào thập niên thứ hai của thế kỷ 20 làm cho các nhà văn Nam Kỳ phản ứng lại bằng cách sáng tác các tiểu thuyết lịch sử Việt Nam.

***

Trước tình trạng đó các nhà văn Nam Kỳ như Tân Dân Tử, Phạm Minh Kiên, Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Chánh Sắt bắt đầu chú ý đến đề tài lịch sử với niềm tin tiểu thuyết lịch sử chính là một phương tiện hữu hiệu để phổ biến lịch sử nước nhà. Xu hướng tìm về với truyền thống dân tộc, ý thức dân tộc trỗi dậy với khát khao muốn chứng minh rằng người Việt không hề thua kém người Trung Hoa, khích lệ nhiều nhà văn sáng tác tiểu thuyết lịch sử. Điều này đã được các nhà văn phát biểu ở lời giới thiệu của các tác phẩm.

Hồ Biểu Chánh khi viết cho rằng “Trung Hoa có sử rồi có truyện nữa. Việt Nam cũng có sử, há lại không có truyện hay sao?” (Lời tựa Nặng Gánh Cang Thường).

Phạm Minh Kiên cũng tự hào “Lý Thường Kiệt là một danh tướng nước ta trong đời Lý, khi đánh Chiêm Thành, khi chinh Nam phạt Bắc, chống vững sơn hà, dẹp loạn phù nguy, vun bồi tổ quốc. Cái công nghiệp của Lý Thường Kiệt có kém gì Địch Thanh đời Tống, Nhơn Quý đời Đường, Quan Công đời Hán bên Trung Quốc” (Lời tựa Việt Nam Lý Trung Hưng).

Ý thức chống lại sự ảnh hưởng của các tiểu thuyết mang nội dung mê tín dị đoan được Trương Duy Toản phát biểu trong Phan Yên Ngoại Sử xuất bản năm 1910, khi phong trào dịch thuật tiểu thuyết Trung Hoa đã lớn mạnh. “Theo trí mọn của tôi nay phải bỏ những Lê Huê Pháp Thuật, Kim Đính Thần Thông, Khương Thượng Phong Thần, Thế Hùng Tróc Quỷ, Chung Ly Lập Trận, Bồ Tát Cứu Binh, Đại Thánh Loạn Thiên Cung, Đăng Anh Về Tiên Cảnh… mà sắp bày một chuyện chi mới, bây giờ mặc dầu miễn là cho lánh khỏi cái nẻo dị đoan và báo ứng phân minh thì đủ rồi.”

Tân Dân Tử, cây bút chuyên về tiểu thuyết lịch sử cũng chỉ ra hiện trạng thông thuộc lịch sử Trung Hoa mà xa rời quốc sử. “Thử hỏi: Trương Lương, Hàn Tín, Hạng Võ, Tiêu Hà thì sự tích làu thông; còn hỏi lại ai là anh hùng hào kiệt trong nước ta thì ngẩn ngơ chẳng biết” (Lời tựa Giọt Máu Chung Tình).

Phạm Minh Kiên cũng chia sẻ: “Các đấng vĩ nhân tiền bối bị mai một là do mấy ông văn sĩ cựu học ơ hờ không để ý đến mà diễn dịch ra truyện sách cho người mình xưng tụng, để mua các thứ truyện Tàu về xem rồi xúm nhau khen ngợi; vì vậy bây giờ phần nhiều người mình hỏi đến các ông danh giá của Tàu thì làu thông mà hỏi qua các bậc vĩ nhân trong nước thì ngẩn ngơ không biết. Thật là một việc đáng buồn” (Lời tựa Việt Nam Lý Trung Hưng).

Các nhà văn đã lên tiếng nhắc nhở ý thức và trách nhiệm của những người làm văn hóa (dịch giả) và số đông độc giả đối với lịch sử dân tộc, đồng thời chống lại các cuốn tiểu thuyết không có lợi cho đường tiến hóa của dân tộc.

***

Trào lưu sáng tác tiểu thuyết lịch sử ở Nam Kỳ hẳn không chỉ có một nguyên do chính từ sự phản ứng lại làn sóng phiên dịch tiểu thuyết Trung Hoa mà xuất phát từ nhu cầu bức thiết của đời sống. Chính ngọn gió duy tân (ở Nam Kỳ là phong trào Minh Tân) với chủ trương nâng cao dân trí và chấn dân khí, rồi không khí của các cuộc đấu tranh chính trị sôi động, giúp những người cầm bút nói lên khát vọng của dân tộc, khát vọng tìm lại “hồn nước” từng được giới sĩ phu cất lên thống thiết đầu thế kỷ 20.

Chưa bao giờ ý thức dân tộc, tinh thần dân tộc lại được nhắc nhiều như thế trong văn chương. Tái hiện quá khứ với cảm thức và cảm xúc của con người thời đại mới với mục đích cuối cùng là ấp ủ tinh thần yêu nước, khích lệ lòng tự hào dân tộc chi phối ngòi bút của các tác giả viết tiểu thuyết lịch sử.

Nếu làm một phép so sánh giữa tiểu thuyết lịch sử Trung Hoa được phiên dịch và những sáng tác của các nhà văn Nam Kỳ chúng ta sẽ nhận thấy một sự chênh lệch rất lớn. Trong lúc tiểu thuyết dịch là bức tranh đầy màu sắc với hàng trăm bộ thì tác phẩm sáng tác hết sức khiêm tốn (khoảng 14 bộ). Trong khi đó, các sáng tác là thành quả của văn học Việt Nam đang trên quá trình cách tân hiện đại hóa. Nó thuộc về giai đoạn quan trọng của quy luật vận động từ phiên dịch, phóng tác đến sáng tác thực thụ. Những tác phẩm góp phần hoàn thiện bức tranh văn học Việt Nam đầu thế kỷ 20: Việt Nam Lê Thái Tổ – 1929 của Nguyễn Chánh Sắt; Nam Cực Tinh Huy – 1924, Nặng Gánh Cang Thường, Chưởng Hậu Quân Võ Tánh – 1926 của Hồ Biểu Chánh; Tiểu Anh Hùng Võ Kiết – 1926 của Phú Đức; Giọt Máu Chung Tình – 1925, Gia Long Tẩu Quốc – 1930, Gia Long Phục Quốc – 1932, Hoàng Tử Cảnh Như Tây – 1931 của Tân Dân Tử; Việt Nam Anh Kiệt – 1927, Việt Nam Lý Trung Hưng – 1929, Lê Triều Lý Thị – 1931, Tiền Lê Vận Mạt – 1932, Trần Hưng Đạo – 1933 của Phạm Minh Kiên.

Các tác phẩm ra đời nhận được sự chào đón nồng nhiệt của độc giả chứng tỏ nhu cầu biết lịch sử dân tộc của một bộ phận không nhỏ nhân dân Nam Kỳ mà các nhà làm sử lúc đó chưa đáp ứng được. Cùng một thời đoạn, tiểu thuyết lịch sử ở Bắc Kỳ cũng có nhiều thành tựu, có thể kể Chuyện Đức Thánh Trần của Nguyễn Nhật Quang, Ngọn Cờ Vàng của Đinh Gia Thuyết, Tiếng Sấm Đêm Đông – 1928, Vua Bà Triệu Ẩu – 1929, Hai Bà Đánh Giặc – 1929, Việt Thanh Chiến Sử – 1929, Trần Nguyên Chiến Kỷ – 1932 của Nguyễn Tử Siêu (1887-1965). Nguyễn Tử Siêu là cây bút chuyên chú vào đề tài lịch sử giống Tân Dân Tử trong Nam.

Trong số tác giả viết tiểu thuyết lịch sử ở Nam Kỳ hồi đầu thề kỷ 20 chỉ có Nguyễn Chánh Sắt (1869-1947) vừa là nhà văn vừa là dịch giả tiểu thuyết Trung Hoa, còn các nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử khác không tham gia phong trào dịch thuật. Khi phong trào dịch thuật trở nên ồ ạt, mất phương hướng, vào giữa thập niên 1920 các nhà văn như Hồ Biểu Chánh (1885-1958), Phú Đức (1901-1970), Phạm Minh Kiên (?-?), Tân Dân Tử (1875-1955) mới quay sang viết tiểu thuyết lấy đề tài từ lịch sử Việt Nam.

Việc phản ứng lại phong trào dịch thuật để rồi đi đến sáng tác, thực chất các nhà văn Nam Kỳ chỉ mới dừng lại ở mức nhận ra những tác động và hạn chế về mặt nội dung của tiểu thuyết dịch góp phần rất lớn làm cho độc giả Việt thông thuộc lịch sử Trung Hoa mà quên lịch sử nước nhà, chứ chưa có ý thức phủ định về mặt cấu trúc thể loại một cách triệt để.

Nhà văn không có ý thức (hoặc chưa có khả năng) phá tung thể loại và tái cấu trúc nó cho phù hợp với hoàn cảnh mới mà sử dụng lại hình thức cũ: Hình thức chương hồi. Tuy vậy, trong ý thức về thể loại, trên phương diện lý thuyết, nhà văn đã bắt đầu chạm tới một số vấn đề cơ bản của lý luận tiểu thuyết hiện đại mà chắc chắn là có ảnh hưởng đến quá trình sáng tác của họ.

Khi bàn về thể loại tiểu thuyết lịch sử, Tân Dân Tử đi từ sự phân biệt giữa lịch sử và lịch sử tiểu thuyết, nhấn mạnh tính chất “đời tư” của nhân vật, quyền năng hư cấu trên sự thật lịch sử của nhà văn.

“Lịch sử đại lược chỉ nói tóm tắt những sự lớn lao mà không nói cặn kẽ những sự mảy mún. Còn lịch sử tiểu thuyết thì nói đủ cả, vừa chuyện lớn lao vừa chuyện mảy mún, đều trạng ra như một cảnh vật tự nhiên hiển hiện trước mắt. Lịch sử đại lược có nói nhơn vật sơn xuyên, quốc gia hưng phế mà không tả trạng mạo ngữ ngôn, không tả tánh tình phong cảnh. Còn lịch sử tiểu thuyết thì tả đủ các nhơn vật sơn xuyên, tánh tình ngôn ngữ, tả tới hỉ, nộ, ái, ố, trí não tinh thần, tả tới phong cảnh cỏ hoa, cửa nhà đài các, nhành chim lá gió, nhạc suối kèn ve, làm cho độc giả ngồi xem quyển sách, miệng đọc câu văn mà tưởng mình đã hóa thân đi du lịch một phong cảnh nào kia, xem thấy một nhơn vật nào đó, khiến cho kẻ đọc ấy dễ cảm xúc vào lòng, dễ cảm xúc vào trí” (Lời tựa Gia Long Tẩu Quốc). Từ những nhận thức về thể loại, các nhà văn sáng tác nên những tác phẩm không dừng ở mức độ “giảng sử” mà tiến lên một trình độ nghệ thuật hư cấu nhất định.

Giọt Máu Chung Tình của Tân Dân Tử xuất bản năm 1925, cùng thời điểm với cuốn Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách ở đất Bắc, là cuốn tiểu thuyết lịch sử lãng mạn miêu tả tình yêu của đôi trai tài gái sắc Võ Đông Sơ và Bạch Thu Hà. Cuốn tiểu thuyết thiên về hướng “dã sử,” lịch sử chỉ là “cái đinh để nhà văn treo bức bích họa.”

Sau những thành công vang dội của Giọt Máu Chung Tình, Tân Dân Tử viết tiếp bộ ba tác phẩm về vua Gia Long như Gia Long Tẩu Quốc, Gia Long Phục Quốc, Hoàng Tử Cảnh Như Tây.

Tính cho đến hôm nay, Tân Dân Tử là tác giả viết tiểu thuyết lịch sử về vua Gia Long với số trang đồ sộ và trọn vẹn nhất. Bộ ba tác phẩm liên hoàn tái dựng lại cuộc đời bôn tẩu của vua Gia Long để khôi phục lại vương triều Nguyễn. Đó là cuộc giằng co giữa hai lực lượng Tây Sơn (ba anh em Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ) với lực lượng Nguyễn Ánh trên một không gian rộng lớn và thời gian tương đối dài, với một thế giới nhân vật đông đảo.

Có nhân vật có thật trong lịch sử, đồng thời cũng có những nhân vật do nhà văn hư cấu, tô đặt. Không gian rộng lớn từ thành Thăng Long cho đến đảo Phú Quốc rồi qua các nước Cao Miên, Xiêm La. Thời gian kéo dài gần một phần ba thế kỷ. Trong bối cảnh lịch sử Việt Nam thời thuộc Pháp, Gia Long là một hình ảnh gây rất nhiều xúc động cho công chúng Nam Kỳ.

Theo đuổi đề tài lịch sử, Phạm Minh Kiên cũng sáng tác những tác phẩm đặc sắc. Việt Nam Lý Trung Hưng tập trung ca ngợi người anh hùng Lý Thường Kiệt. Lê Triều Lý Thị và Tiền Lê Vận Mạt viết về sự tích vị vua mở đầu vương triều Lý là Lý Công Uẩn từ thuở ấu thời cho đến lúc ngài lên ngôi trị vì đất nước. Trần Hưng Đạo lại lấy cảm hứng từ cuộc kháng chiến của nhân dân đời Trần chống lại quân Nguyên Mông với hình tượng chính và linh hồn của cuộc kháng chiến là Trần Hưng Đạo. Nếu như Tân Dân Tử chuyên chú vào giai đoạn lịch sử gắn liền với nhà Nguyễn thời cận đại thì Phạm Minh Kiên lại chuyên chú vào giai đoạn trước đó.

Cuốn Việt Nam Lê Thái Tổ của Nguyễn Chánh Sắt kể lại công cuộc dựng nghiệp của người anh hùng Lê Lợi từ khi dấy binh ở Lam Sơn cho đến khi đánh lui giặc Minh.

Trong tâm thế chống lại sự bành trướng của tiểu thuyết Trung Hoa, các nhà văn Nam Kỳ chủ yếu chống lại sự ảnh hưởng nội dung đối với độc giả chứ không chống về mặt hình thức thể loại. Do đó, trong sáng tác họ chủ yếu xây dựng nội dung thuần túy là sự kiện và con người lịch sử Việt Nam, chứ về mặt hình thức thể loại thì tiếp thu một cách tự nhiên.

Hình thức chương hồi phân đoạn là đặc trưng nổi bật của tiểu thuyết lịch sử Trung Hoa được các nhà văn Nam Kỳ mượn lại. Các thủ pháp nghệ thuật khác như cách xây dựng đường dây phát triển của câu chuyện và tuyến sự kiện theo thời gian tuyến tính, cách miêu tả nhân vật thông qua giới thiệu ngoại hình, hành động, ngôn ngữ theo lối biền ngẫu và kết thúc thường có hậu.

Việc nhà văn sử dụng lại hình thức nghệ thuật của tiểu thuyết lịch sử Trung Hoa sẽ có những ưu thế nhất định. Trong lúc độc giả đang say mê tiểu thuyết Trung Hoa thì sử dụng lại thủ pháp nghệ thuật của nó là hợp lý, phù hợp với tầm đón đợi của độc giả, nhà văn cũng có kinh nghiệm thể loại.

***

Nói như vậy không có nghĩa là nhà văn Nam Kỳ bắt chước một cách máy móc hình thức tiểu thuyết lịch sử Trung Hoa mà có những tìm tòi cách tân. Trong nhiều bộ tiểu thuyết, nhân vật lịch sử đã trút được chiếc áo phi thường và khoác vào chiếc áo đời tư, nhân vật đã biết đến những dòng hồi ức, suy tư, trăn trở. Nhiều nhân vật không có thật trong lịch sử được nhà văn hư cấu tạo nên tính chất đời thường cho câu chuyện. Nhiều cuốn tiểu thuyết hướng đến kết thúc không có hậu.

Phong trào phiên dịch tiểu thuyết lịch sử Trung Hoa có tác động lớn đối với quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam đầu thế kỷ 20. Chính hoạt động phiên dịch có tác động đến hoạt động sáng tác của các nhà văn ở Nam Kỳ.

Ngày nay, trước sự lấn át của phim truyền hình lịch sử Trung Quốc, những nhà làm phim của chúng ta sẽ làm gì? Sự lựa chọn của nhiều nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử ở Nam Kỳ nhằm phản ứng lại trào lưu phiên dịch tiểu thuyết lịch sử Trung Hoa vẫn còn có giá trị thời sự và là bài học cho quá trình hiện đại hóa văn học và hiện đại hóa đất nước hôm nay. [đ.d.]

MỚI CẬP NHẬT