Friday, April 19, 2024

Từ ‘giáo sư’ đến ‘chôm chôm’

Từ Thức (Paris)

Ông Phùng Xuân Nhạ khoe: VN sắp có thêm 73 giáo sư, 349 phó giáo sư.

Trên TT GROUP, tôi viết: “Chắc sắp sửa phải đút lót để xin cái giấy chứng nhận KHÔNG phải là giáo sư, tiến sĩ”.

Câu đó chỉ một nửa đùa dỡn.

Sự thực là nếu bạn xin chỗ đứng bán thịt, cá trong siêu thị, hay làm lơ xe đò, nên dấu cái bằng của ông Nhạ đi. Khi tuyển nhân viên, người ta kiếm người có khả năng, không ai kiếm người từ lò tiến sĩ chui ra. Không ai hỏi khả năng thuộc lòng tư tưởng Mác, tư tưởng Bác. Hay những kiến thức văn chương, triết học, lịch sử có định hướng ”cách mạng”.

Trí não là chuyện sinh tử của quốc gia, hàng ngũ trí thức càng đông, tương lai càng bảo đảm. Nhưng phải là trí thức thiệt, được đào tạo bởi một hệ thống giáo dục, nếu không tiến bộ, ít nhất cũng lành mạnh, lương thiện, lấy kiến thức làm gốc. Và trong kiến thức, đứng trên cùng cái lương thiện trí thức.

Cần giấy chứng nhận không phải là giáo sư, phó giáo sư, để dễ kiếm việc hơn, dễ kiếm cơm hơn.

Bởi vì ở lò ấp ra, treo cái bằng to tổ bố trên tường rồi, bạn sẽ khám phá ra nếu mình không phải là con cháu đầy tớ lớn, không có đủ tiền đấm mõm chỗ này chổ kia, bạn sẽ chẳng là giáo sư của ai cả, chẳng dạy dỗ ai cả. Và khám phá ra mình không có nghề ngỗng gì, kiến thức gì đặc biệt..

Lỗi không phải ở bạn.

Nếu có một nền giáo dục có tư cách, bạn sẽ chẳng thua gì trí thức của bất cứ quốc gia nào. Tôi không tin có sinh viên nước này thông minh hơn nước kia. Tôi tin có những nền giáo dục khai phóng, bên cạnh nền giáo dục nhồi sọ, tăm tối.

Bạn chỉ là nạn nhân. Lỗi tại một nền giáo dục bịp bợm, giáo điều, lạc hậu, ngu dân, bệ rạc.

Luật cung cầu là một luật bất di dịch. Khi hiếm, và nhất là có khả năng, giáo sư, tiến sĩ được trọng vọng, và đóng vai quan trọng, là tư duy của xã hội. Khi được đào tạo ẩu tả, để nhà nước làm thống kê, để thủ tướng, bộ trưởng nổ cho sướng miệng, cái bằng chẳng còn giá trị gì.

Cũng như chôm chôm. Chôm chôm trong nước bán như cho, nơi tôi ở 14, 15 dollars một kí. Bởi vì hiếm.

Câu đầu bài là một câu nói dỡn. Đau một cái là ở VN, những câu nói dỡn trở thành sự thực. Thua xa sự thực.

Bạn tin hay không, nhưng nhiều lúc muốn khóc khi đùa dỡn.

MỚI CẬP NHẬT