Friday, April 26, 2024

Vì sao CSVN ra sức kiên định ý thức hệ Cộng Sản?

Thanh Hà

Kể từ năm 1986, sau khi CSVN mắc những sai lầm trong chính sách đối ngoại về vấn đề Cambodia, tạo ra khó khăn cho nền kinh tế, họ phải đối diện với tình cảnh sa sút tới mức cùng cực, dân chúng phải ăn bo bo là loại thức ăn dành cho gia súc.

Thành viên Quốc Hội “bù nhìn” Việt Nam nhấn nút bỏ phiếu thông qua một dự luật do đảng CSVN chỉ đạo. (Hình minh họa: AFP via Getty Images)

Ban lãnh đạo CSVN lúc đó buộc phải quyết định cải cách kinh tế, chuyển đổi từ mô hình kinh tế Xô Viết, sang nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Điều đó đồng nghĩa với việc CSVN và chính quyền của họ đã chính thức, mặc dù tạm thời và không công bố, từ bỏ học thuyết chủ nghĩa Cộng Sản để đi theo con đường tư bản chủ nghĩa.

Đặc trưng và sự khác biệt cơ bản giữa nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung của chủ nghĩa Cộng Sản và nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa là vấn đề sở hữu tư liệu và quan hệ sản xuất.

Nền kinh tế theo kiểu Xô Viết cũ, mà CSVN theo đuổi cho đến năm 1986, chỉ thừa nhận duy nhất sở hữu công – tư liệu sản xuất thuộc về toàn dân và không công nhận kinh tế tư nhân mà chủ thuyết này tuyên truyền là chế độ người bóc lột người.

Trong khi đó, kinh tế thị trường chấp nhận kinh tế đa thành phần, cạnh tranh theo quy luật của thị trường tự do.

Đó là lý do vì sao thể chế kinh tế ở Việt Nam mang cái tên không giống bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Đó là “nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.” Gắn cái đuôi “định hướng XHCN” với lý do CSVN không muốn cho dân chúng, đặc biệt thành phần lão thành cách mạng, cựu chiến binh, biết rằng lãnh đạo Việt Nam đã phản bội lý tưởng Cộng Sản của ông Hồ Chí Minh.

Theo giới phân tích, tính chất cộng sản của Việt Nam hiện nay chỉ còn tồn tại duy nhất trong danh xưng “tên đảng,” còn tất cả đường lối, chủ trương hành động của họ thì tuyệt nhiên không còn chút gì là Cộng Sản.

Truyền thông nhà nước Việt Nam hôm 23 Tháng Hai đưa tin, Tiểu Ban Văn Kiện Đại Hội 14 của đảng CSVN đã tiến hành phiên họp đầu tiên. Theo đó, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, trưởng tiểu ban, có phát biểu và yêu cầu cần “quán triệt sâu sắc và thống nhất cao” một số vấn đề về cái gọi là “bốn kiên định.”

Cái gọi là “bốn kiên định” vừa kể của Trọng xoay quanh vấn đề “ý thức hệ chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Mác-Lênin,” mà lãnh đạo CSVN hiện nay phải bảo vệ đến cùng, để duy trì chế độ độc tài toàn trị theo chủ thuyết Cộng Sản.

Theo Tiến Sĩ Phạm Quý Thọ từ Học Viện Chính Sách & Phát Triển của Bộ Kế Hoạch & Đầu Tư Việt Nam, trong một bài bình luận mới nhất về vần đề này,  đưa ra nhận xét: “Trước thực trạng chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy, đảng và nhà nước đối diện với nhiều thách thức. Trong khi kinh tế ảm đạm, thì yêu cầu bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng, trong đó việc biện minh cho ý thức hệ CNXH giáo điều, được đặt ra hết sức cấp bách hòng ngăn chặn xu hướng ‘tự diễn biến, tự chuyển hoá’ của các quan chức CSVN.”

Quan điểm của đa số lãnh đạo thì cho rằng sau khi mô hình Xô Viết sụp đổ, chiến tranh lạnh kết thúc, mô hình CNXH theo học thuyết Cộng Sản đã chính thức sụp đổ. Nhưng Tổng Bí Thư Trọng vẫn gượng ép khi cho rằng “CNXH vẫn đang tiếp tục như một làn sóng tiếp nối mang tính lịch sử,” để thuyết phục những người khác.

Theo giới chuyên gia, đây là sự đánh tráo khái niệm và ngụy biện có chủ ý của ông Trọng, nhằm thuyết phục một số đông lãnh đạo CSVN, những người đã nhận ra sự thất bại của các quốc gia vốn theo đuổi chủ nghĩa Cộng Sản, kể từ khi học thuyết này đã phá sản từ năm 1991.

Việc Trung Quốc, Việt Nam và một số quốc gia Đông Âu thành công về kinh tế sau khi từ bỏ chủ thuyết Cộng Sản là do họ đã vứt bỏ nền kinh tế tập trung theo mô hình Xô Viết, để chuyển sang nền kinh tế thị trường.

Chỉ cần so sánh với nền kinh tế của Cuba, một quốc gia cộng sản, cho đến nay vẫn duy trì nền kinh tế bao cấp, để thấy nước này đã thất bại thê thảm ra sao. Nhà nước Cuba hiện nay vẫn duy trì một nền kinh tế theo mô hình của nền kinh tế tập trung bao cấp theo mô hình Xô Viết. Chính phủ Cuba vẫn trợ cấp hầu hết hàng hóa và dịch vụ thiết yếu cho người dân.

Báo VNExpress hôm 29 Tháng Hai đưa tin cho biết, theo bộ trưởng Tài Chính Cuba, cùng với việc tăng giá xăng lên 500%, giá điện cũng tăng 25% kể từ ngày 1 Tháng Ba năm nay, ngoại trừ giá xăng cho phương tiện công cộng sẽ không thay đổi.

Theo giới phân tích quốc tế, nếu so sánh sự phát triển của hai quốc gia là Singapore và Cuba, cùng giành được độc lập từ năm 1959, Cuba lúc đó, với lợi thế hơn hẳn Singapore, cộng với điều kiện địa lý lý tưởng do thiên nhiên ban tặng nhưng đến hôm nay, đảo quốc đã trở thành một đất nước tàn tạ sau 65 năm theo đuổi chủ nghĩa Cộng Sản. Trong khi đó, Singapore đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới.

Nhân ngày Quốc Khánh Cuba năm năm 2024, Đài Tiếng Nói Pháp (RFI) hôm 4 Tháng Giêng đưa ra bình luận, “…đúng 65 năm sau khi Fidel Castro tuyên bố ‘Cách mạng chiến thắng,’ Cuba chìm trong khủng hoảng. Thủ đô Cuba đầy người ăn xin, nhiều người sống tạm bợ chờ cơ hội di cư sang nước khác.”

Lần kỷ niệm thứ 65 năm nay là ngày kỷ niệm buồn thảm của cách mạng Cuba, do quá thiếu thốn. Thủ tướng Cuba đã đề nghị giảm số lượng người được hưởng chế độ phân phối theo tiêu chuẩn bao cấp. Điều vừa kể khiến cho giới quan sát đánh giá đây là một chọn lựa đáng ngạc nhiên của chính phủ đảo quốc cộng sản này.

Quan trọng hơn, nếu chính sách bao cấp mất đi, nó sẽ chôn vùi luôn cái gọi là chủ nghĩa xã hội ở đảo quốc cộng sản này. Vẫn theo RFI, ở thủ đô Cuba và các thành phố khác, người ta dễ dàng bắt gặp “…hàng đoàn người già ốm trơ xương, người ăn mày, đàn bà trẻ con đói khát ngày càng đông đảo từ nhiều tháng vừa qua.”

Trong khi khăng khăng đòi tiến lên CNXH bằng bất cứ giá nào nhưng khi nhận xét dự thảo sửa đổi Hiến Pháp CSVN năm 1992, vào Tháng Mười, 2013, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng không ngần ngại thừa nhận rằng, “…xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa?”

Một trong những ưu việt đặc trưng của chủ nghĩa xã hội là việc nhà nước phải bảo đảm miễn phí về giáo dục cũng như y tế cho dân chúng, như Cuba và Bắc Hàn hiện nay. Điều đó càng cho thấy, cái gọi là “xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và y tế” của CSVN đang áp dụng không chỉ là sự thoái thác của nhà nước đối với dân chúng một cách vô trách nhiệm, mà còn là biểu hiện của sự phản bội lý tưởng Cộng Sản của nhà nước này.

Tóm lại, ông Trọng vẫn níu kéo vấn đề ý thức hệ CNXH, nhằm duy trì quyền lực chính trị độc tôn, toàn trị của CSVN. Điều đó chỉ nhằm mục đích duy trì lợi ích và bổng lộc của một nhúm nhỏ các lãnh đạo trong chế độ mà thôi. [đ.d.]

MỚI CẬP NHẬT