Monday, March 18, 2024

Vụ ‘mất bản đồ Thủ Thiêm’ sẽ dẫn đến một đại án quốc gia?

Phạm Chí Dũng (VOA)

Từ một câu hỏi tưởng chừng vô thưởng vô phạt của phóng viên về số phận của bản đồ gốc quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, giới quan chức và đặc biệt cựu quan chức của Thành Ủy và chính quyền TP.HCM có lẽ không thể hình dung rằng số phận của họ đã bị đóng đinh vào câu hỏi này.

Thông đồng phi tang bản đồ gốc?

Cách đây 10 năm và vào lúc còn chưa bị mất chức, tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết là nhà báo Lý Tiến Dũng cũng đã tung ra một loạt bài về vấn nạn quy hoạch bị xé nát ở Thủ Thiêm và tình trạng giải tỏa vô tội vạ ở vùng đất này, đồng thời đặt dấu hỏi lớn về việc tại sao các cơ quan chức năng của TP.HCM lại không tìm ra bản đồ gốc quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Vài năm trước, báo chí cũng một lần nữa nhắc lại câu hỏi trên. Tuy nhiên, lời hứa hẹn “đang tìm” của chính quyền TP.HCM luôn có giá trị cứ sau mỗi thập kỷ.

Nhưng đến năm nay – 2018, lời hứa trên không còn “thiêng” nữa.

Hậu quả khó ngờ đối với giới quan chức TP.HCM là lời hứa cho có trên đã kéo theo một cảnh tượng bát nháo của quan chức lẫn những chuyên gia nhà nước theo cách kẻ nói có người nói không.

Nhưng mỗi cách trả lời “có” hay “không” lại đều như gắn chặt với một động cơ hoặc đùn đẩy trách nhiệm cho kẻ khác, hoặc rất thiếu trong sáng. Cứ nhìn vào cái cách báo chí nhà nước ồ ạt nhảy vào xới tung vụ “mất bản đồ Thủ Thiêm,” không chỉ những quan chức đương nhiệm và cả những cựu quan chức của TP.HCM – từ chủ tịch thành phố đến giám đốc các Sở Quy Hoạch và Kiến Trúc, Xây Dựng, Tài Nguyên và Môi Trường, Văn Phòng Ủy Ban Nhân Dân thành phố,… đều có thể cảm nhận rõ vụ xới tung tấm bản đồ biến mất không thể là vô tình, và rằng rất có thể hơi nóng hầm hập của cái “lò” Nguyễn Phú Trọng đang phả vào gáy những ai đó ở Sài Gòn.

Trong trường hợp bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm 1/5000 biến mất hay bị phi tang, những kẻ “ăn đất” trong chính quyền TP.HCM và các bộ ngành liên đới sẽ có khả năng thoát tội vì cơ quan thanh tra không có cơ sở để đối chiếu và làm rõ con số 150-160 ha đất “giải tỏa thêm” so với quy hoạch cũ. Hẳn là bởi động cơ tính toán như thế mà trong khi Văn Phòng Ủy Ban Nhân Dân TP.HCM khẳng định bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm là “có,” thì một hiện tượng chưa từng có là tấm bản đồ này lại không hề được tìm ra ở các bộ ngành liên quan như Văn Phòng Chính Phủ, Bộ Xây Dựng, Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư…

Có nghĩa là trong trường hợp tấm bản đồ xấu số trên bị phi tang, đã có một âm mưu thông đồng tập thể giữa nhiều quan chức ở nhiều cơ quan – hoàn toàn xứng đáng trở thành một vụ đại án với ít nhất một tội danh “Cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng.”

“Phe cánh chính trị và lợi ích” Lê Thanh Hải

Ngay vào lúc này, nếu ông Trọng muốn mở điệp vụ “truy tìm tấm bản đồ thất lạc,” thì có nghĩa là nhắm trực tiếp vào trách nhiệm của Lê Thanh Hải – cựu chủ tịch và cũng là cựu bí thư TP.HCM, cùng “phe cánh chính trị và lợi ích” của nhân vật này.

Bởi vụ giải tỏa Thủ Thiêm diễn ra trong suốt chiều dài thời gian mà Lê Thanh Hải đảm nhiệm chức vụ chủ tịch TP.HCM (2001-2006) và 2 nhiệm kỳ liên tiếp giữ chức bí thư Thành Ủy TP.HCM (2006-2015).

Lê Thanh Hải lại là quan chức bị dân oan Thủ Thiêm tố cáo ghê gớm nhất về “cướp đất vàng” ở Thủ Thiêm. Vào thời đó, người được xem là “đệ tử ruột” của ông Hải là Tất Thành Cang là bí thư quận 2 đã có nhiều biểu hiện tiếp tay rất đắc lực cho các nhóm lợi ích để cưỡng chế đẩy đuổi dân nghèo Thủ Thiêm ra khỏi mảnh đất duy nhất của họ.

Theo tố cáo của dân oan Thủ Thiêm, trong khi bản đồ người dân trưng ra thực tế diện tích đất chỉ hơn 500 ha thì bản đồ 650 ha của chính quyền tính luôn diện tích nhà đất của người dân.

Có nghĩa là diện tích “giải tỏa thêm” có thể đến 150 ha và do đó đã đẩy đuổi thêm nhiều ngàn người dân Thủ Thiêm khỏi nơi ở và cũng là chỗ sinh nhai duy nhất của họ.

Thủ Thiêm là một khu vực được giới bất động sản Sài Gòn xem là cực kỳ đắc địa, là khu “đất vàng” chỉ cách khu trung tâm Quận Nhất có ba trăm thước bề rộng mặt sông Sài Gòn. Vào thời điểm công bố đền bù lần đầu tiên cho dân, giá đền bù chỉ từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng một thước vuông đất, trong khi giá thị trường khi đó đã lên đến vài ba chục triệu đồng một thước vuông. Còn hiện thời, giá thị trường năm 2018 đã vọt đến hàng trăm triệu đồng cho mỗi thước vuông đất ở Thủ Thiêm. Với mức giá đó và ứng với khoảng 150 ha đất giải tỏa lố – mà hoàn toàn có thể xem là “giải tỏa ăn cướp,” các doanh nghiệp đầu tư vào khu đô thị Thủ Thiêm và giới quan chức ăn theo có thể thu lời ngay cho riêng tiền chênh lệch đất ít nhất 140 ngàn tỷ đồng, tương đương hơn 6 tỷ USD!

Nếu Nguyễn Phú Trọng muốn làm rõ vụ “ăn đất” khủng khiếp và đẫm máu trên và lấy lại một phần lòng tin của dân Sài Gòn, ông ta sẽ không thiếu gì cách để tìm ra bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm, bởi bản đồ này không chỉ được lưu ở TP.HCM mà còn ở nhiều bộ ngành khác như Văn Phòng Chính Phủ, Bộ Xây Dựng, Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư,…

Chưa kể việc chính một dân oan Thủ Thiêm đã công bố với báo chí là ông đang giữ tấm bản đồ quy hoạch gốc của Thủ Thiêm. Mà như vậy, các cơ quan của ông Trọng không phải mất công tìm kiếm xa xôi nữa.

Còn trong trường hợp bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm 1/5000 “có đâu mà tìm” – như một khẳng định của Trưởng Ban Tiếp Công Dân Trung Ương Nguyễn Hồng Điệp, sự việc đang xoay chuyển sang khả năng đã chưa từng tồn tại bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm 1/5000, cũng có nghĩa là hồ sơ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm mà chính quyền TP.HCM trình lên thủ tướng chính phủ đã không có bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm 1/5000 kèm theo, do vậy không có cơ sở để xây dựng quy hoạch chi tiết và quy hoạch ranh giới (những thành phần bản đồ được tiến hành sau bản đồ quy hoạch chung 1/5000), cũng chẳng có cơ sở nào để giao đất, cấp phép cho các dự án xây dựng ở Thủ Thiêm,… và do đó đây rất có thể là hồ sơ khống, dẫn đến chữ ký trong Quyết Định số 367 phê duyệt quy hoạch Thủ Thiêm của thủ tướng khi đó ông Võ Văn Kiệt cũng… khống nốt.

Mà như vậy, trong suốt hai chục năm kể từ năm 1996 khi có Quyết Định 367, toàn bộ hoạt động cưỡng chế giải tỏa dân ở 160 ha đất Thủ Thiêm là hoàn toàn sai, sai nghiêm trọng, sai đến mức những kẻ làm quy hoạch khống và đi cưỡng chế phải bị ra tòa!

Vì sao báo nhà nước được “mở van”?

Vào thời gian này và như một hiệu ứng đồng pha, hàng loạt tờ báo nhà nước lên tiếng về vụ bản đồ Thủ Thiêm biến mất và còn làm đậm nét như “Dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm: Ai phá nát quy hoạch?” và “Công an cần vào cuộc điều tra vụ ‘mất tích’ bản đồ Thủ Thiêm”…

Hiện tượng truyền thông nhà nước ồ ạt tung bài mổ xẻ vụ Thủ Thiêm là rất đáng chú ý.

Bởi theo truyền thống bưng bít các thông tin nhạy cảm từ nhiều năm qua và cho đến nay vẫn chưa có gì thay đổi, loại hình khiếu tố tập thể liên quan đến đất đai được các cơ quan nhà nước như Thanh Tra Chính Phủ, Bộ Công An… xếp vào loại đặc biệt nhạy cảm, “dễ gây kích động,” và do đó Ban Tuyên Giáo Trung Ương cùng Bộ Thông Tin và Truyền Thông luôn chỉ thị cho các cơ quan truyền thông nhà nước hạn chế hoặc cấm đăng những tin tức loại này.

Trong vài trăm “điểm nóng khiếu kiện đất đai” ở Việt Nam mà Thanh Tra Chính Phủ thường thống kê, làn sóng khiếu kiện và tố cáo của dân Thủ Thiêm thuộc loại bi phẫn nhất, dày đặc nhất và kéo dài lâu nhất cho tới ngày hôm nay kể từ khi một quyết định phê duyệt quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm được chính phủ ban hành vào năm 1996.

Trong nhiều năm trời, chính quyền TP.HCM và Quận 2 tiến hành chiến dịch cưỡng chế di dời đối với dân nơi đây một cách tàn bạo và đẫm máu nhất trong các vụ cưỡng chế di dời dân ở Việt Nam, đã dẫn đến nhiều cái chết của dân oan Thủ Thiêm, nhưng lại tuyệt đối không được bất cứ cơ quan chức năng nào tiết lộ và cũng không được báo chí nhà nước công bố.

Cho tới nay, vẫn còn hàng trăm hộ dân Thủ Thiêm rồng rắn và ròng rã kéo đi khiếu kiện ở tận Hà Nội, đến tận nhà Thủ Tướng Phúc và Tổng Bí Thư Trọng để đòi hỏi công lý. Cứ mỗi lần dân kéo đến như thế, công an lại ra sức đẩy đuổi và bắt bớ…

Vậy vì sao báo chí nhà nước lại dồn dập đăng tải vụ bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm? Phải chăng Ban Tuyên Giáo Trung Ương đã “mở van”?

Cái cách báo chí nhà nước đăng bài ồ ạt như trên lại khá giống với vụ “xe Lexus” của Phó Chủ Tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh – cũng được báo chí làm đậm vào Tháng Sáu năm 2016. Tháng Sáu ấy lại được đặc thù bởi “việc cần làm ngay” của Nguyễn Phú Trọng.

Phải chăng ông Trọng đang đưa vụ Thủ Thiêm từ “tầm ngắm” sang tư thế chuẩn bị “bóp cò”?

Sẽ dẫn đến một đại án quốc gia?

Không biết vô tình hay hữu ý, trùng thời điểm vụ “mất bản đồ Thủ Thiêm” vào cuối Tháng Tư – đầu Tháng Năm, 2018, đã có tin về việc một đoàn thanh tra đang làm việc với chính quyền TP.HCM về quá trình bồi thường giải tỏa khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy nhiên, đây chỉ là tin “nói miệng” – theo Trưởng Ban Tiếp Công Dân Trung Ương Nguyễn Hồng Điệp, mà không hiểu sao lại không được công bố chính thức trên mặt báo nhà nước.

Cũng cần chú ý cách nói của ông Nguyễn Hồng Điệp: “Bây giờ phải tìm biện pháp xử lý cho người dân thôi. Sai đâu nhận đấy.”

Cách nói mạnh miệng trên như thể đã được “quán triệt” từ cấp trên. Cấp nào? Liệu có liên quan gì đến những chỉ đạo gần đây của Nguyễn Phú Trọng về giải quyết khiếu tố đất đai?

Phải chăng Nguyễn Phú Trọng đang đi một nước cờ chưa từng có kể từ lúc khởi động chiến dịch “đốt lò”: xới tung hồ sơ một vụ việc gây ảnh hưởng diện rộng đối với dân chúng và do đó vừa diệt cả quan chức tham nhũng cấp “tập đoàn quân,” vừa thu hồi tài sản tham nhũng, vừa được tiếng lo cho dân?

Nếu đúng thế, vụ “mất bản đồ Thủ Thiêm” sẽ phải dẫn đến một đại án quốc gia về tham nhũng, trực chỉ “gia tộc lê Thanh Hải” và phe cánh chính trị mà quan chức “đại gia tư bản đỏ” này đã dày công gây dựng từ vài chục năm qua ở Sài Gòn.

Chỉ từ đầu Tháng Ba đến nay, đã có 3 người thân của Lê Thanh Hải bị “lên thớt”: Lê Tấn Hùng – em ruột ông Hải, Lê Trương Hải Hiếu – con trai ông Hải, và gần đây nhất là Tất Thành Cang.

Tất Thành Cang – Phó bí thư thường trực TP.HCM – sẽ chắc chắn mất chức vì chỉ đạo vụ công ty Tân Thuận của Thành Ủy TP.HCM bán trái phép 32 ha đất Nhà Bè cho tư nhân. Khi con bài này bị “cháy”, Lê Thanh Hải sẽ mất đi một lá chắn mạnh nhất trong Thành Ủy TP.HCM, và do vậy ông Hải sẽ phải đối mặt với rủi ro lớn hơn hẳn khi bị kiểm tra, thanh tra và điều tra trong thời gian tới.

Mời độc giả xem phóng sự cộng đồng “Triển lãm tranh thiếu nhi 2018”

MỚI CẬP NHẬT