Thursday, April 25, 2024

Dân luật: Đáo tụng đình

Luật Sư LyLy Nguyễn

Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 11, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Định Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo di chúc và tín mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang. Luật Sư LyLy Nguyễn được chứng nhận hành nghề tại Supreme Court of California, United States District Court, United States Court of Appeals for the Ninth Circuit và United States Tax Court. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708. Điện thoại: (714) 531-7080. website: www.lylylaw.com

Xưa kia mỗi khi hai người xích mích bất đồng với nhau mà không giải quyết được thì đem nhau “đáo tụng đình” hay nói nôm na là đi kiện. Ở thôn quê Việt Nam thời trước quan nha thì xa, “phép vua thua lệ làng,” phiên tòa diễn ra ở sân đình làng do ông lý trưởng làm “chánh án” dưới sự chủ tọa của cụ tiên chỉ, đôi bên thưa kiện được gọi ra đó để xử nên có thành ngữ “đáo tụng đình” ám chỉ chuyện tranh tụng kiện cáo. Chúng ta thử chứng kiến hoạt cảnh một vụ kiện điển hình với người đi kiện tên Ninh. Ninh lễ phép chắp tay vái hai vị lý trưởng và tiên chỉ rồi trình rằng con chó của kẻ hàng xóm là Nang cắn què chân con nghé mới đẻ được một tuần. Ninh kêu nài xin được “đèn trời soi xét” đền bù thiệt hại. Sau khi nghe Ninh thưa thốt đến lượt Nang được gọi ra trình bày đầu đuôi sự tình. Nang gãi đầu gãi tai thưa lên lý trưởng là mình bị oan vì thằng con của Ninh leo rào sang vườn nhà hái trộm ổi bị con chó rượt nên thằng nhỏ cuống lên chạy trốn vào chuồng trâu nấp sau con nghé. Con chó cứ thế nhào tới thằng nhỏ làm cho con nghé hoảng sợ bung ra khỏi chuồng bị cái then cài cửa rớt trúng chân bị thương thành què chứ thực sự Nang không cố ý xua chó cắn nghé. Lý trưởng sau khi nghe đôi bên trình bày tự sự bèn ghé tai thầm thì hội ý với cụ tiên chỉ trước khi quyết định xem có nên bắt Nang bồi thường cho Ninh hay không rồi sau đó mới tuyên bố kết quả.

Hoạt cảnh trên cho chúng ta ý niệm về thủ tục tố tụng, đó là một thủ tục do chính quyền đứng ra phân xử để giải quyết một cuộc tranh chấp giữa hai bên dân sự bằng một kết quả công bình thỏa đáng. Hai bên trình bày lý lẽ trước một thẩm phán (chánh án) do chính phủ ủy quyền để ngồi nghe cả hai nêu ra sự kiện rồi giải quyết bằng một quyết định, bên nào thắng kiện thì được tòa ra lệnh cho bên thua bồi thường. Câu chuyện Ninh Nang chỉ là một câu chuyện vui để quí độc giả có khái niệm về tố tụng kiện thưa. Dĩ nhiên xử án trong bối cảnh một làng quê Việt Nam thời đại phong kiến xa xưa thì hoàn toàn khác với xử án ở Hoa Kỳ là một xứ dân chủ có nền văn minh tân tiến, nhưng cả hai có căn bản giống nhau theo đó tố tụng là một thủ tục do chính quyền đảm nhiệm phân xử một cuộc tranh chấp song phương, có thể giữa hai cá nhân, giữa hai tập thể, giữa một cá nhân với một tập thể hay ngược lại. Đôi bên đem vấn đề bất đồng không hòa giải được với nhau ra tranh cãi trước một thẩm phán do chính phủ ủy thác quyền giải quyết. Tuy nhiên nguyên đơn tức là người đứng kiện không bắt buộc phải đi kiện mà có thể dàn xếp hòa giải khỏi đem ra tòa vì theo tâm lý chung phần đông mọi người không muốn dính dáng đến “ba tòa ông lớn” sợ gặp nhiều phiền phức, thí dụ như Ninh nghĩ nếu đưa Nang “đáo tụng đình” chắc gì đã thắng nhiều khi thua còn phải bị phạt vạ. Thay vào đó nếu Ninh nhỏ nhẹ điều đình phải trái với Nang không chừng anh chàng này sẵn sàng chịu bồi thường vì con chó của hắn là nguyên nhân gây ra thương tích cho con nghé. Một lý do khác nữa hẳn nhiên kiện tụng mất nhiều thì giờ và tốn công tốn của. Thời nay dân chúng rất ngại thưa kiện, chỉ trừ phi bất đắc dĩ lắm mới phải dính dáng đến tòa án dù rằng trong cuộc sống hàng ngày họ bị nhiều đụng chạm bất mãn với người khác. Trước sự tình này phần đông thường nhẫn nhịn bỏ qua vì ra tòa ngoài việc tốn kém tiền án phí và tiền trả luật sư lại mất nhiều thì giờ mà còn kết thù kết oán với đối phương, do đó việc kiện thưa ra tòa chỉ dành cho những vụ tối quan trọng có mức thiệt hại đáng kể đo lường được bằng cả tính chất xã hội lẫn tiền tài.

Hoa Kỳ vốn là một nước chịu ảnh hưởng của luật Anh Quốc theo đó tố tụng là một thủ tục xử một cuộc tranh cãi song phương, trước tòa án cả hai bên đều cố tranh dành lợi thế, bên nguyên đơn phải quyết định có nên đem sự việc ra tòa kiện hay không, nếu ra tòa thì phải đưa ra lý lẽ thế nào. Phía bị kiện thì ra tòa là một cơ hội để cãi lại, đưa ra sự kiện minh oan cùng bằng cớ. Nhiệm vụ của vị chánh án là nghe lập luận đôi bên rồi quyết định kết quả cho một bên thắng. Ngày nay hệ thống tư pháp tuy phức tạp hơn nhiều nhưng căn bản tố tụng dân sự vẫn là thủ tục phân xử hai bên đối phương. Trong một vụ kiện luật sư cả hai phía đều giữ vai trò chính yếu vì luật sư sẽ là người định đoạt thưa kiện hay chống lại đối phương là ai, kiện lúc nào và kiện ở đâu, dựa theo luật nào mà cãi, điều tra sự việc ra sao, cần đưa những nhân chứng và bằng chứng nào. Vị chánh án sẽ là trọng tài giám sát các luật sư trong việc theo đúng luật lệ và thủ tục tố tụng, nhưng quan trọng hơn hết là quyết định kết quả vụ án hoặc giám sát việc lấy quyết định của bồi thẩm đoàn cho kết quả vụ án. Tuy nhiên trong thực tế không bao giờ thấy có một vụ án phân xử hai bên đối phương đúng theo mẫu mực tố tụng thuần túy như vụ xử “Ninh Nang.” Đặc biệt trong những năm sau này khi số lượng các vụ án càng tăng gấp bội thì các thẩm phán có khuynh hướng xử qua loa mau cho xong bằng cách thu hẹp vấn đề hay khuyến khích đôi bên dàn xếp với nhau đỡ phải đưa ra xử chính thức cho khỏi mất công tốn sức.

Tố tụng luôn luôn liên quan đến cả hai việc truy tìm sự kiện và áp dụng luật lệ. Khi ông lý trưởng nghe Ninh thưa rằng Nang để chó cắn què chân nghé của mình thì câu chuyện chưa chấm dứt ở đây. Nang cãi lại rằng không ai xua chó tấn công con nghé mà vì con chó thấy thằng nhỏ ăn cắp ổi nên rượt theo. Chính vì thằng nhỏ nấp trốn sau con nghé nên con vật này mới hoảng sợ vùng chạy làm cho thanh gỗ then cửa chuồng rớt xuống trúng chân. Ông lý trưởng phải quyết định xem Nang có xua chó sang để cắn con nghé không, hay vì con chó làm đúng bổn phận của kẻ giữ nhà rượt kẻ xâm nhập, truy nã đến tận chuồng trâu của Ninh khiến cho con nghé xông ra cửa chuồng làm rớt cái then vào chân. Những diễn tiến này diễn ra đúng như lớp lang theo thủ tục xử các vụ tố tụng ngày nay.

Tố tụng theo dân luật không những chỉ là một thủ tục của chính quyền trong việc giải quyết tranh chấp đôi bên kiện thưa nhau. Nếu Ninh đi qua nhà Nang mà bị Nang xua chó ra cắn thì Nang chắc chắn sẽ bị phạt và bồi thường tiền thuốc thang cho Ninh, vì vụ án đó được liệt vào loại tố tụng dân sự. Nhưng ông lý trưởng cũng có thể kết tội Nang cố tình muốn mưu sát Ninh nên thả chó ra cắn gây thương tích nặng thì đó là tội hình sự, Nang có thể bị kết tội nhẹ thì bị đánh đòn, còn nặng thì bị nhốt rồi giải lên ngục thất ở huyện. Trong một cuộc tranh chấp song phương giữa dân sự với nhau mà tòa án chỉ có nhiệm vụ đứng ra phân xử quyết định phải trái thì đó là tố tụng dân sự. Ngược lại nếu chính phủ đứng ra truy tố một bị can bằng cách phạt tiền, bỏ tù hay nặng nhất là kết án tử hình thì đó là thủ tục xử hình sự. Ngày nay để tránh việc ai cũng đem nhau ra tòa thưa kiện khiến tòa không đủ khả năng xử nổi tất cả mọi vụ nên lập pháp đã nghĩ ra nhiều luật để giải quyết mọi vụ thưa kiện. Bộ luật chính liên hệ đến tố tụng dân sự gọi là dân luật (civil procedure) dùng để điều hành và hướng dẫn thủ tục tố tụng từng buớc một từ đầu đến cuối.

Tuần tới chúng tôi tiếp tục phần tìm hiểu về chi tiết thủ tục xử kiện cùng giải thích tại sao chúng ta cần đến dân luật và luật tố tụng. Cũng như thường lệ, người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được xử dụng với tính cách thông tin (information) để giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi, và không thể coi như sự liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên hệ đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với LyLy Nguyễn, Esq. tại văn phòng chính ở địa chỉ 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, CA 92708, Điện thoại: (714) 531-7080, website:lylylaw.com.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT