Thursday, April 25, 2024

Điều chỉnh lối sống để ‘trị’ tiểu đường

Hỏi: Nghe nói bệnh tiểu đường có nhiều biến chứng rất nguy hiểm như hư thận, mù mắt, tai biến tim mạch, mất cảm giác, bị nhiễm trùng không chữa được dẫn đến cưa chân, vân vân. Ngoài việc uống thuốc, tôi cần làm gì để giữ được bệnh chậm tiến triển và ngăn chặn các biến chứng xảy ra?

Đáp: Để sống khỏe, sống vui với bệnh tiểu đường, những điều chính mà ta cần chú ý để điều chỉnh lối sống của mình là:

-Để ý đến và điều chỉnh cách ăn uống cho thích hợp.

-Tránh thuốc lá.

-Thể dục và vận động thể lực thích hợp.

-Biết cách kiểm tra và kiềm chế mức đường trong máu một cách thích hợp bằng thuốc men cũng như thể dục và ăn uống.

-Biết cách phòng và phát hiện sớm các biến chứng của bệnh cũng như tác dụng phụ của thuốc men.

-Hợp tác chặt chẽ và vui vẻ với bác sĩ để kiểm soát bệnh, phòng, phát hiện và chữa sớm các biến chứng.

Cần nhắc lại, các nguyên tắc dinh dưỡng chính mà bệnh nhân tiểu đường cần chú ý là:

-Duy trì cân nặng vừa phải.

-Giảm sự gia tăng mức đường máu sau khi ăn.

-Thực hiện các nguyên tắc dinh dưỡng lành mạnh.

-Ăn uống điều độ, vào những giờ cố định.

-Biến các nguyên tắc ăn uống thích hợp thành thói quen, luôn duy trì và cải thiện các thói quen tốt đó. 

Ăn uống điều độ, vào những giờ cố định 

Đây là điều đặc biệt cần chú ý hơn ở những người dùng insulin, vì nó giúp làm cho việc kiểm soát mức đường máu dễ dàng hơn. Thường ta nên ăn ba bữa, và có thể cần hai bữa phụ (với khẩu phần nhỏ, không nhiều năng lượng calories) quá.

Một cách khác nữa là điều chỉnh mức insulin trước mỗi bữa ăn tùy theo số lượng chất bột đường nhiều hay ít. Các chuyên viên dinh dưỡng có thể giúp ta thực hiện điều này. Cách dễ hơn, là theo dõi mức đường với từng loại thức ăn khác nhau xem loại thức ăn nào, với lượng nhiều ít thế nào thì số insulin bao nhiêu là thích hợp.

Để điều chỉnh cách ăn uống và thuốc men, lý tưởng nhất là ta phải có sổ ghi chép mức đường và cách ăn uống mỗi ngày để biết cách điều chỉnh. Tham dự các buổi hội thảo với các chuyên viên dinh dưỡng là điều rất tốt để học hỏi chi tiết hơn cách thực hiện điều này.

Vì cần giữ mức đường ở mức vừa phải để tránh các biến chứng của bệnh, nên đôi khi nếu ta không ăn kịp đúng giờ, bị căng thẳng, vận động thể lực, mức đường có thể xuống thấp hơn bình thường. Những lúc đó, các triệu chứng thường gặp là hoa mắt, chóng mặt, đánh trống ngực, toát mồ hôi lạnh. Nếu không cho đường vào kịp, ta có thể bị té xỉu và nếu vẫn không được cho đường kịp thời, có thể đi vào hôn mê và bị tổn thương não. Do đó, một trong những điều quan trọng ngoài việc ăn uống điều độ, đúng giờ, là đi đâu, ta cũng nên đem theo đường trong người (như thanh kẹo, nước ngọt…), nếu thấy các triệu chứng hạ đường huyết như kể trên thì nên dùng số đường thủ thân đó ngay.

Nếu có một lắc đeo ở cổ tay hay thẻ bài ghi rằng ta bị bệnh tiểu đường, để nếu việc không may kể trên xảy ra, người ta có thể điều trị thích hợp ngay, thì càng tốt.

Nói chung, nếu biết giữ kỹ luật ăn uống, và nhất là đi đâu cũng “thủ” đường theo để dùng khi vừa mới nghi đường máu bị thấp, thì việc bị té xỉu do hạ đường máu như kể trên hầu như không thể xảy ra được.

Có nhiều người, bị hạ đường, hoa mắt chóng mặt, muốn xỉu một lần, sợ quá lại không dám dùng thuốc để giữ đường ở mức vừa phải. Đó là điều không nên, vì cứ để mức đường cao như vậy, chỉ trong một thời gian không lâu, các biến chứng như suy thận, hư mắt, hoại tử chân… sẽ xảy ra.

Biến các nguyên tắc ăn uống thích hợp thành thói quen 

Sau khi đã thay đổi, biến nó thành thói quen đều đặn hằng ngày là một trong những điều quan trọng nhất.

Để biến thành lối sống mới lành mạnh, bí quyết để thành công là biết phân biệt rõ những thứ mình thích (mà cứ tưởng là cần) với những thứ mình thật sự cần và tập thích những gì mình thật sự cần.

Và khi cần thay đổi thì cứ từ từ mà chắc, để cơ thể ta kịp thích ứng và thưởng thức (enjoy) các thay đổi đó.

Thân mến

www.nguyentranhoang.com
(714) 531-7930



Mục này chỉ nhằm giải đáp các thắc mắc về sức khỏe có tính cách tổng quát. Với các vấn đề cụ thể, chi tiết của từng bệnh nhân, xin liên lạc với bác sĩ để được thăm khám trực tiếp.

Nhiều thông tin thiết thực và bổ ích khác về sức khỏe cũng được phát trên “Radio Chuyện Sáng Chủ Nhật” ở vùng Orange County, California, vào mỗi sáng Chủ Nhật từ 6 giờ đến 9 giờ, trong chương trình “Câu Chuyện Sức Khoẻ Sáng Chủ Nhật.” Nhiều thông tin sức khỏe bổ ích khác cũng có thể tìm thấy trên các website www.nguyentranhoang.com và www.radiochuyensangchunhat.com.

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT