Thursday, April 25, 2024

Hàng bánh đúc đắt khách nhất Sài Gòn

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt/Người Việt

Hàng bánh đúc trên xe đẩy đặt ngay hè phố, trước mặt căn nhà số 130 Võ Thị Sáu, phường 8, quận 3, được xem là hàng bánh đúc đắt khách nhất ở Sài Gòn. Hàng bánh đúc này đã có mặt ở đây trên dưới chục năm, luôn đông khách tới ăn tại chỗ và mua mang về.

Trên diện tích nhỏ hẹp của hiên nhà, hàng bánh đúc không sắp xếp được gì ngoài chiếc xe đẩy và 5 chiếc ghế nhựa nhỏ dành cho khách ngồi ăn tại chỗ. Nhiều thực khách nói đây là “hàng bánh đúc 5 chỗ ngồi,” đã mặc nhiên trở thành tên gọi của hàng bánh đúc này.

Bánh đúc là món ăn dân dã, phổ biến lâu đời tại miền Bắc; từ thuở nhỏ chúng tôi đã được thưởng thức bánh đúc hằng ngày tại các chợ. Sau này Sài Gòn có nhiều hàng bánh đúc, thường chế biến bánh đúc nóng, thứ bánh đúc chúng tôi chưa từng thưởng thức khi còn ở miền Bắc.

Bà Nhung, chủ “hàng bánh đúc 5 chỗ ngồi” là người miền Nam, nhưng loại bánh đúc bà Nhung bán lại mang đậm hương vị miền Bắc.

Bà Nhung cho biết: Bởi “ông xã” tui là người Bắc di cư, gia đình thường làm bánh đúc ăn tại nhà, thấy rất ngon nên tui học cách làm. Rồi dùng xe đẩy bán bánh đúc trên đường phố. Về sau mướn được chỗ này để đậu xe cố định, ngày càng nhiều bà con tới ăn và mua mang về.

Hàng bánh đúc của bà Nhung chủ yếu là bánh đúc nóng, chế biến bằng các nguyên liệu: bột gạo tẻ – thịt bằm xào cùng nấm mèo (còn gọi là mộc nhĩ) – đậu xanh… Bà Nhung cũng chế biến bánh đúc nguội truyền thống của miền Bắc.

Hàng bánh đúc.

Bánh đúc tại đây rất đặc sắc, ngon hơn hẳn những nơi khác. Nguyên liệu làm bánh đúc đều do bà Nhung và gia đình tự tay làm, không mua sẵn ở chợ. Bởi vậy, việc chế biến bánh đúc của bà Nhung tuy đơn giản nhưng công phu. Nguyên liệu chính để chế biến bánh đúc là bột gạo tẻ, bà Nhung luôn chọn loại gạo trắng thơm loại 1, như gạo Nàng Thơm, gạo Tài Nguyên Chợ Đào của Cần Đước – Long An. Ước lượng làm bao nhiêu phần bánh đúc để bán sẽ xay gạo thành bột tới chừng đó. Không xay sẵn, cũng như không mua bột gạo bán ngoài chợ, thường không bảo đảm chất lượng và vệ sinh thực phẩm.

Chế biến bánh đúc nóng, bà Nhung luôn để nồi đun trên bếp lửa nhỏ ngọn, và khuấy cho bánh đúc luôn nóng, dẻo, sệt bột. Ăn kèm với bánh đúc nóng là thịt bằm xào với nấm mèo – đậu xanh – hành củ xắt nhỏ phi vàng, các thứ gia vị… Trước khi ăn, chan vào chén bánh đúc thứ nước mắm ngon cũng do bà Nhung tự pha chế, có vị ngọt của đường, vị cay của ớt xay.

Khác với bánh đúc nóng với chất bột sệt và dẻo, bột bánh đúc nguội đông đặc như thạch rau câu. Chế biến bánh đúc nguội, đun bột gạo hòa chung với nước, thêm vào những hạt đậu phộng. Thưởng thức bánh đúc nguội sẽ cảm nhận cái dai giòn của bột bánh nấu chín, cái bùi béo của đậu phộng nằm trong bánh đúc. Chấm từng miếng nhỏ bánh đúc vào chén mắm tôm, rất thích hợp. Thực khách nào không quen mùi vị mắm tôm, hàng bánh đúc của bà Nhung đã có sẵn tương Bần nổi tiếng ngon từ miền Bắc mang vào, dành riêng cho thực khách thưởng thức bánh đúc nguội.

Một thực khách đã trọng tuổi, gốc người miền Bắc, nói với chúng tôi: Bánh đúc nguội có thể không hấp dẫn bằng bánh đúc nóng, nhưng với nhiều người, nó nhắc nhớ cả một thời thơ ấu sống ở ngoài Bắc… (Nguyễn Đạt)

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT