Thursday, March 28, 2024

Luật Thuế – Tại sao bị kiểm thuế?

Luật Sư LyLy Nguyễn

Luật sư tại California và Washington. Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Ðịnh Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo Di Chúc và Tín Mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang.  Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, CA 92708, điện thoại (714) 531-7080, website www.lylylaw.com. 

Ở Mỹ ai cũng biết Cơ Quan Thuế Vụ Liên Bang (Internal Revenue Service gọi tắt là Sở Thuế IRS) có trọng trách thu thuế trên lợi tức của mọi cá nhân do làm việc, kinh doanh, đầu tư hoặc tất cả khoản tiền khác từ bất cứ nguồn nào đem đến. IRS thi hành nhiệm vụ thu thuế bằng cách nào mà họ thấy đúng luật và công bằng cho người thọ thuế.

Vì lý do ấy nên sinh ra hình thức kiểm thuế là một phương cách hữu hiệu của chính quyền trong việc thúc đẩy người dân thi hành nghiêm chỉnh nghĩa vụ đóng thuế. Người ta thường gọi là “kiểm” (audit) nhưng IRS thích dùng mỹ từ “khảo nghiệm” (examination) nghe cho nhẹ nhàng hơn. Cho dù gọi thế nào chăng nữa thì thủ tục thi hành các vụ kiểm thuế đều diễn tiến như nhau.

Phần lớn tờ khai thuế lợi tức cá nhân hằng năm của mọi người tại Hoa Kỳ đều được IRS chấp nhận dễ dàng không một lời hỏi han. Theo thống kê thì vận hạn của một cá nhân “bị” kiểm thuế vào khoảng 1%, tuy nhiên trong suốt cuộc đời của người ấy thì rủi ro bị “sao IRS” chiếu có thể lên tới 50%. Thông thường lợi tức càng cao hoặc tự làm việc thì càng dễ bị kiểm, thí dụ một người làm nghề tự do trong năm kiếm được trên $80,000 thì dễ bị IRS nhằm vào nhiều hơn so với một người làm cho hãng xưởng với số lương $40,000.

Tội nghiệp cho mấy ông bà thanh tra của Sở Thuế IRS! Không cần đánh cuộc ai cũng biết chắc chắn 100% rằng không có người dân nào thích bị… kiểm thuế. Thanh tra sở thuế đều hiểu là nhiệm vụ của họ không mấy được đại chúng “hoan nghênh” dù rằng họ không cố tình làm khó người thọ thuế hoặc cố ý làm cho vụ kiểm thuế trầm trọng hơn. Họ cũng phải chống chọi với cả một guồng máy quan liêu thư lại và thường bị đau đầu trước cả chồng luật thuế mù mờ khó hiểu thay đổi luôn như xoay chong chóng. Ngay đến cả người thọ thuế tuy không làm gì sai trái nhưng một khi bị “dính” vào cuộc kiểm thuế thì ai nấy đều lo âu vì bao giờ các vụ kiểm thuế đều vừa rắc rối khó hiểu, vừa gây bực bội chán nản, vừa làm gián đoạn công ăn việc làm và nhất là làm mất nhiều thì giờ cho “nạn nhân.”

Vậy kiểm thuế là gì? Đây là một thủ tục pháp luật theo đó Sở Thuế IRS duyệt xét xem người khai thuế có báo cáo đầy đủ mọi lợi tức có trong năm hay không. Lợi tức được kể là mọi thứ tiền kiếm ra rồi trừ đi các khoản tiền theo luật được phép khai giảm (deduction), miễn trừ (exemption) hay các khoản chi phí “cho lại” (credit) như một phần tiền chi giữ trẻ hay học phí chẳng hạn. Nếu IRS phanh phui ra các dữ kiện khai không đúng hoặc không chứng minh được thì sẽ đánh thêm thuế sai biệt cộng với tiền lãi và nhất là còn kèm theo một khoản tiền phạt.

Để chu toàn được nhiệm vụ thu không sót thuế, Quốc Hội đã ban cho IRS quyền hạn rất rộng lớn trong việc kiểm tra mọi hồ sơ, sổ sách kế toán; cùng quyền thẩm vấn cá nhân người khai thuế và những nhân vật có liên quan khác về các hoạt động tài chính của người bị kiểm; trong mục đích điều tra xem người này có cố tình gian dối hay qua mặt chính phủ hay không. IRS sẽ duyệt xét các đề mục liệt kê trong thư thông báo kiểm thuế hoặc sẽ tỉ mỉ tra cứu các đề mục khác mà họ cảm thấy không rõ ràng. Dĩ nhiên luật thuế buộc đích danh người khai có bổn phận phải chứng minh rằng các dữ kiện báo cáo trong tờ khai thuế đều đúng sự thật. Tuy nhiên việc chứng tỏ các mục khai báo trong tờ khai thuế là đúng không phải là điều dễ dàng.

Theo thống kê thì Sở Thuế IRS có tỷ số thắng 80% tổng số các vụ kiểm, phần lớn với lý do người khai không chứng minh đúng mọi dữ kiện mà họ đã khai. Các thanh tra IRS cho biết rằng phần lớn các lỗi lầm sai sót do người khai thuế không biết lưu giữ các chứng từ liên hệ như biên lai, phiếu mua bán… chứ không phải vì thiếu thành thật. Tổng kết hằng năm sở thuế IRS kiểm soát chừng ba triệu tờ khai thuế trong số đó có kết cuộc khoảng trên hai triệu vụ phải trả thêm tiền thuế cho IRS.

Như vậy ai là người bị kiểm thuế? Cơ quan IRS có ba phương pháp chính chọn tờ khai thuế để kiểm tra. Phương pháp thứ nhất là lựa bất chợt (random selection). Với lối lựa bất chợt này IRS đã đẩy mạnh tinh thần khai thuế đúng luật. Vì lý do bất cứ tờ khai thuế nào cũng có cơ bị lựa ra kiểm cho nên mọi người thọ thuế đều cố gắng khai thành thật hơn. Tương đối rất ít tờ khai thuế lựa theo cách này có chứa sai sót đáng kể, nhưng IRS thường dùng kết quả của các cuộc kiểm thuế do cách lựa bất chợt đo lường tinh thần tuân hành luật pháp của dân khai thuế để cập nhật và cải tiến toàn bộ hệ thống thuế vụ.

Phương pháp thứ hai là sử dụng máy điện toán tự động lọc ra những tờ khai thuế nào khả nghi có ẩn chứa dữ kiện sai sót hoặc gian dối. Các thảo chương điện toán (computer programs) thiết trí trong hệ thống đều được cập nhật và cải tiến càng ngày càng thêm tinh vi nhờ vào kinh nghiệm mà IRS rút tỉa trong khi thi hành luật thuế. Phần lớn các tờ khai lọc ra theo lối này đều chứa những điểm bất thường báo động cho giới chức thanh tra thuế để mắt đến. Thí dụ điển hình, mục khai giảm về chi phí giải trí (entertainment expenses) trong hoạt động nghiệp vụ. Mục này thường dễ bị lạm dụng khai gian cho nên máy điện toán được cài đặt lựa ra những tờ khai thuế chứa đựng con số khai giảm chi tiêu giải trí quá đáng. Một thí dụ khác, khi IRS rút kinh nghiệm từ những cuộc kiểm thuế bất chợt và khám phá ra rằng một số đông người thọ thuế đã hiểu lầm một điều luật thuế nào đó; lúc ấy máy điện toán sẽ được lệnh tách ra tất cả các tờ khai thuế có áp dụng điều luật ấy.

Phương pháp lựa chọn tờ khai thuế theo lối này có khuyết điểm quan trọng là vì tính chất hoàn toàn “máy móc” và “thiếu nhân tính,” có nghĩa là máy điện toán mò ra bất cứ tờ khai thuế nào có dữ kiện phù hợp với điều kiện thanh lọc do thảo trình cài vào thì đều lôi ra hết. Do đó một số người thọ thuế có khoản khai giảm chi phí hàng năm khá lớn, tuy có lý do khai rất hợp pháp nhưng vẫn bị liệt trong loại “khả nghi” cho nên năm nào cũng bị gọi đi kiểm thuế. Thật tình IRS muốn tránh không kiểm một hồ sơ nhiều lần với cùng một lý do cho nên trong luật thuế có biệt lệ nếu trong hai năm kiểm thuế liên tiếp mà IRS không tìm ra sai sót thì cuộc kiểm thuế phải chấm dứt ngay không cần tra xét nữa. Nếu ai có bị rơi vào trường hợp này thì nên nhắc IRS để họ lưu ý hủy bỏ.

Phương pháp thứ ba của IRS trong việc lựa chọn hồ sơ kiểm thuế là đối chiếu dữ kiện khai trong tờ khai thuế với những nguồn tin tức khác. Thí dụ điển hình, IRS thường so sánh lợi tức trong tờ khai thuế với số tiền lương trả cho nhân công trong phiếu W-2 do công ty hay sở làm báo cáo.

Diễn tiến một vụ kiểm thuế: Cuộc kiểm thuế khởi sự ngay từ lúc người thọ thuế nhận được thư của Sở Thuế IRS thông báo đương sự được lựa chọn để kiểm tra tờ khai thuế đã nộp trong năm thuế nào đó. Cuộc kiểm thuế nhiều khi có thể thực hiện hoàn toàn qua bưu tín nếu IRS chỉ muốn hỏi thêm một vài thắc mắc nhỏ.

Cuộc kiểm thuế cũng có thể diễn ra ở văn phòng IRS nếu họ muốn hỏi han nhiều hơn. Nhiều khi cuộc kiểm thuế cũng có thể diễn ra ngay tại nhà hoặc nơi làm việc của người thọ thuế, những vụ kiểm thuế này gọi là “kiểm thuế ngoài” (field audit). Người thọ thuế cũng có quyền yêu cầu cuộc phỏng vấn được chuyển sang một chi nhánh IRS thuộc địa phận khác nếu thấy thuận tiện hơn cho đương sự.

Theo luật một tờ khai thuế sẽ không bị kiểm tra sau ba năm tính từ ngày nguyên thủy nộp tờ khai cho IRS. Nếu gởi tờ khai trước ngày mãn hạn 15 Tháng Tư năm ấy thì thời hạn ba năm tính từ ngày 15 Tháng Tư năm gởi tờ khai. Thí dụ giới hạn kiểm thuế cho năm thuế 2015 có tờ khai nộp vào ngày 15 Tháng Tư, 2016, sẽ là 15 Tháng Tư, 2019. Tuy nhiên trong một vài trường hợp đặc biệt thì giới hạn ba năm có thể được nới thêm. Sở Thuế IRS có quyền đòi hỏi khai trình mọi chứng từ khai thuế lên tới sáu năm nếu IRS khám phá ra rằng mức lợi tức mà người thọ thuế khai báo ít hơn lợi tức thật từ 25% hay hơn nữa. Đồng thời IRS cũng có quyền kiểm thuế vô hạn định đối với những người không gởi tờ khai thuế hằng năm hoặc với những cá nhân mà IRS xét thấy có bằng chứng man khai hoặc có dụng ý cố tình lừa đảo.

Các thanh tra IRS bao giờ cũng muốn thấy mọi chừng từ liên hệ đến tờ khai thuế mà họ đang kiểm soát. Điều này đưa đến một câu thường hỏi là người khai thuế phải giữ các chứng từ liên hệ trong thời hạn bao lâu. Câu trả lời rõ ràng là ba năm rưỡi bởi vì lý do sau thời gian đó IRS ít khi nào tái kiểm tra người đã từng bị kiểm như vừa đề cập ở trên. Nếu các chứng từ còn có ảnh hưởng lâu dài đến các kỳ khai thuế một vài năm tới thì người thọ thuế nên giữ lâu hơn thời hạn ba năm rưỡi nói trên. Thí dụ người mua chứng khoán nên lưu giữ giấy tờ mua cho tới khi bán ra số chứng khoán đó bởi vì trong kỳ khai thuế năm tới vẫn phải báo cáo số tiền vốn đầu tư của chứng khoán đó có lời hay bị lỗ.

Cũng như thường lệ, người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ có mục đích sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quý độc giả một vài kiến thức tổng quát về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quý độc giả vẫn cần thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quý vị. (Luật Sư LyLy Nguyễn)

MỚI CẬP NHẬT