Saturday, April 20, 2024

Tìm hiểu Luật Cải Tổ Xí Nghiệp

Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủybỏ nợ thuế. Về Hoạch Định Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo Di Chúc và Tín Mục(trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch địnhkế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế,xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điềuđình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổhợp hùn hạp. Ngoài ra, Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân,thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 17151Newhope Street, Suite 113, Fountain Valley, California 92708. Ðiện thoại: (714) 531-7080. website: www.lylylaw.com

Luật Sư LyLy Nguyễn

Ngay chỉ riêng vấn đề sáp nhập nghiệp vụ, Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ đã thiết lập và ấn hành một bản hướng dẫn nhiều thứ. (Hình minh họa: Carl Court/Getty Images)

Sáp nhập hay mua nghiệp vụ khác với mục đích phát triển công ty là một phần nhỏ nhoi của thế giới “cải tổ xí nghiệp” (corporate change) rộng lớn vô tận. Ngay chỉ riêng vấn đề sáp nhập nghiệp vụ mà thôi, Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ (U.S. Department of Justice) đã thiết lập và ấn hành một bản hướng dẫn phương cách nhận định thị trường, phân loại sáp nhập, phân tích ảnh hưởng thương trường và lượng định các đề nghị sáp nhập.

Tuy nhiên, ngay chính Bộ Tư Pháp cũng mau mắn báo động rằng vì lý do bản hướng dẫn áp dụng cho một lãnh vực có sự kiện quá rộng lớn như vậy, cho nên mỗi đề nghị cải tổ xí nghiệp phải được giải quyết theo từng hoàn cảnh khác nhau so với những vụ từng xảy ra trước đó.

Việc cải tổ doanh nghiệp luôn luôn dính líu tới kinh tế và pháp luật và vì phần nhiều hình thức thay đổi có liên quan đến thuế má nên đây cũng là cơ hội tái tạo nghiệp vụ sao cho miễn thuế. Lãnh vực cải tổ xí nghiệp rất phức tạp và quá chi tiết, cho nên mỗi đề nghị sáp nhập của công ty khác đều là thử thách mới phải cần đến luật sư kinh ghiệm về cách phân nhánh khi lập quyết định.

Sáp nhập hay tiếp quản công ty là một trong các hình thức cải tổ xí nghiệp quan trọng, tuy nhiên một số hình thức cải tổ thường bị sử dụng từ ngữ sai lầm không đúng chỗ.Trên thực tế, các hình thức này đều có nhiều khác biệt nhất có ảnh hưởng quan trọng trên mặt pháp lý và thuế vụ. Sau đây là so sánh giữa một số hình thức cải tổ xí nghiệp tiêu biểu.

“Thu nhận” (acquisition) – Thu nhận có nghĩa là một xí nghiệp dành quyền kiểm soát
một nghiệp vụ khác do sự thỏa thuận mua lại bằng tài sản (asset acquisition).

Như đã đề cập trong bài trước, thu nhận do mua tài sản là phương pháp sáp nhập. Theo đó, xí nghiệp đứng mua bỏ vốn ra để mua lại một phần hay toàn thể tài sản của xí nghiệp đứng bán để đánh đổi lấy chứng khoán, tiền mặt, hay tài vật của nghiệp vụ đó. Thu nhận do mua tài sản thì phải giữ nguyên vẹn cấu trúc của xí nghiệp cho tới khi hoàn toàn giải tán và sau khi số tiền bán được đã chia xong cho các cổ đông.

Thông thường, thiểu số cổ đông không cần phải nói năng gì trong việc bán nghiệp vụ này và vì lý do công ty đứng mua không mua trọn vẹn mà chỉ một phần mà thôi nên không phải gánh chịu liên đới của xí nghiệp bán. Thu nhận do mua tài sản là phương cách tốn kém nhất trong các loại sáp nhập, và thường gặp nhiều khó khăn trong việc sang chuyển các khế ước, thuê mướn và môn bài từ thành phần thứ ba vì trước bạ của mỗi món tài vật bán đi phải sang tên riêng rẽ.

“Tiếp thu” (takeover) là thu nhận xí nghiệp mới bằng cách mua cổ phần (stock
acquisition).

Theo phương cách này thì “cổ đông đa số” – là số người nắm nhiều chứng khoán nhất của công ty – bán thẳng số cổ phiếu mà họ có cho người mua. Trường hợp hội đồng quản trị không chấp thuận cho bán thì cuộc mua này gọi là “tiếp thu không thân thiện” (hostile takeover). Tiếp thu không cần đến sự chấp thuận của hội đồng quản trị mới mua được công ty. Văn kiện cần thiết để chuyển chủ quyền chỉ cần các chứng chỉ cổ phiếu (stock certificates), hợp đồng, hay bất cứ một hình thức giấy tờ nào mà thành phần thứ ba đòi hỏi mà thôi. Có rất nhiều vấn đề rắc rối trong việc tiếp thu.

Thành phần “cổ đông đa số” mới vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới đối với những món nợ xảy ra từ đời sở hữu chủ cũ trước khi mua. Ủy Ban Trao Đổi Chứng Khoán (Securities and Exchange Commission) của chính phủ liên bang có thể bắt buộc công ty phải đăng ký cuộc mua bán này. Thành phần “cổ đông thiểu số” có quyền không nhượng bộ và tiếp tục nắm giữ các chức vụ cũ trong công ty là điều làm cho chủ nhân mới chưa chắc hài lòng.

“Hợp nhất” (consolidation) – Hợp nhất là một hình thức cải tổ xí nghiệp quan trọng khác theo đó hai hay nhiều nghiệp vụ cùng hợp lại với nhau thành một công ty mới.

Thông thường, đây là một lối giao dịch có tính cách hợp tác thân hữu theo đó công ty mới thu nhận được tất cả những ưu điểm và tinh hoa của cả hai xí nghiệp cũ để kết hợp hoạt động với nhau để tạo hiệu năng cao và chắc chắn sẽ đạt được thành tích xuất sắc hơn hẳn các nghiệp vụ cũ trước khi hợp nhất. Ưu điểm của hình thức hợp nhất là các nghiệp vụ cũ đều được gia nhập vào thương vụ mới với cùng một vị thế ngang nhau. Hợp nhất có điểm khác biệt là cả hai xí nghiệp cùng sống sót và hòa hợp hoạt động với nhau không có xí nghiệp nào bị xóa sổ vĩnh viễn như theo hình thức sáp nhập.

“Sáp nhập” (Merger) – Sáp nhập là gom hai hay nhiều nghiệp vụ lại với nhau do một
xí nghiệp thu mua trực tiếp tất cả tài sản của xí nghiệp đồng ý bán đi.

Theo phương pháp này, thì hai xí nghiệp cùng thỏa thuận hợp lại và lập thành một công ty chiếu theo luật lệ tiểu bang. Muốn thế thì cần phải có ít nhất hai phần ba tổng số cổ đông của mỗi xí nghiệp, cùng cả hai hội đồng quản trị chấp thuận. Như vậy, sẽ có một công ty bị “xóa sổ” vĩnh viễn, chỉ còn một công ty “sống sót” sẽ tiếp quản tất cả mọi hoạt động thương vụ, tài sản và nợ nần của cả hai xí nghiệp. Cổ đông của công ty biến mất sẽ trao đổi số cổ phiếu hiện hữu của họ đổi lấy một phần vốn liếng tương đương trong công ty còn sống sót.

Nói chung, theo kiểu sáp nhập xí nghiệp cổ điển, việc sáp nhập khởi sự bằng sự thỏa thuận giữa hai nghiệp vụ muốn gộp thành một, đưa đến kết quả công ty sống sót mua lại tất cả chứng khoán của công ty bị xóa sổ để đổi lấy quyền kiểm soát toàn bộ nghiệp vụ này.

Thông thường, sau khi thương lượng đã hoàn tất, đại diện của mỗi xí nghiệp cùng ký vào bản thỏa hiệp sơ bộ hoặc thư dự tính (letter of intent). Nếu cuộc sáp nhập được hội đồng quản trị (board) và cổ đông của cả hai công ty bỏ phiếu chấp thuận, bản thỏa hiệp sáp nhập (articles of merger) sẽ được nộp tới Bộ Trưởng Nội Bang (Secretary of State) của tiểu bang. Tới khi được tiểu bang chính thức chấp thuận, công ty còn sống sẽ nắm được trọn vẹn quyền lực, đặc quyền, đại lý, và tài sản của xí nghiệp đã nhượng lại. Sau khi cuộc sáp nhập đã hoàn tất thì xí nghiệp nhượng lại hoàn toàn bị xóa mất tung tích để nhập hẳn vào tổ chức của xí nghiệp sống sót.

“Bán cổ phần lần đầu cho công chúng” (initial public offering) – Đây là hình thức cải
tổ xí nghiệp theo đó lần đầu tiên công ty đem bán cổ phần vừa mới phát hành ra thị
trường chứng khoán công cộng với mục đích gây thêm vốn để phát triển công ty trong
tương lai.

Thông thường, lần đầu tiên phát hành cổ phiếu cho công chúng là giai đoạn sơ khởi
thành lập một xí nghiệp công ty (a publicly held corporation) nói chung là nghiệp vụ có
cổ phần (shares) do công chúng giữ chủ quyền sở hữu.

Một hình thức cải tổ xí nghiệp khác được mệnh danh là “mua bằng cách nâng vốn”
(leveraged buyout).

Theo hình thức này, xí nghiệp thu mua một nghiệp vụ khác để sáp nhập vào công ty
mình nhưng không dùng vốn công ty mà mua bằng tiền vay của các nguồn tài trợ. Sau
đó, công ty sẽ trả nợ bằng lợi tức sẽ kiếm được trong tương lai hoặc bán bớt tài sản.
Thông thường, khi sang chuyển chủ quyền công ty phải thiết lập lại một bản kết toán
đối chiếu cân bằng chi thu (balance sheet) có ghi rõ số tiền “nâng vốn.” Chính bản kết
toán đối chiếu có “nâng vốn” này là điểm phân biệt vụ thu mua này khác với cuộc thu
mua thông thường.

Ngoài các hình thức căn bản kể trên, còn có một số từ ngữ chuyên môn được dùng lẫn lộn cho một số tình huống canh cải xí nghiệp khác thí dụ như “thanh toán”(liquidation) là hoán đổi tài sản của xí nghiệp ra tiền mặt với dự tính trả dứt nợ cho chủ nợ và phần còn lại sẽ phân phối cho các sở hữu chủ cổ phần xí nghiệp. Danh từ “tái phối trí” (recapitalization) là sự điều chỉnh cổ phần công ty. Thí dụ, một xí nghiệp cầm thế nợ bằng cách phát hành cổ phiếu đưa đến kết quả “nâng vốn” trên vốn thật của xí nghiệp.

Một từ ngữ khác là “cải thiện cơ cấu” (restructuring) khi một xí nghiệp thay đổi tổ chức của mình để bội tăng tối đa hiệu năng của tài sản công ty. “Cải thiện cơ cấu” thường được áp dụng bằng cách sang chuyển một phần hay toàn bộ nghiệp vụ dưới hình thức bán lấy tiền mặt hay chứng khoán để trả nợ hoặc hợp tác vào một công cuộc kinh doanh mới. Sau hết “tái tổ chức” (reorganization) là việc điều chỉnh cấu trúc vốn liếng của xí nghiệp. Nhiều khi tái tổ chức được dùng trong việc khai phá sản theo Chương 11 của luật khánh tận giúp cho công ty còn sống sót và giữ được hoạt động trên thương trường.

Kỳ tới chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu các khía canh pháp lý khác trong việc cải tổ xí nghiệp.

Cũng như thường lệ, người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ có mục đích sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quý độc giả một vài kiến thức tổng quát về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó, nếu có vấn đề liên quan đến luật, quý độc giả vẫn cần thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quý vị.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT