Friday, April 19, 2024

Mùa Hè Sài Gòn ăn kem nếp cẩm

Văn Lang/Người Việt

Sài Gòn, mùa Hè trời nắng như đổ lửa, nếu được ngồi nơi quán nhỏ, núp bóng dưới một gốc cây tỏa bóng mát, thưởng thức ly kem. Mới chỉ nghĩ tới đó đã nghe mát lạnh cả tâm can. Huống hồ chi, đó không chỉ là ly kem thông thường, mà là kem… nếp cẩm.

Nói tới kem thì cả thế giới biết. Mặc dù chỉ khi người Pháp đô hộ, kỹ thuật phương Tây được du nhập vô Việt Nam, lúc đó những chuyện “không tưởng tượng nổi” mới xảy ra. Như là đèn thắp không cần dầu (lạc), hay giữa mùa Hè nóng như trong chảo lửa, lại xuất hiện một “cục tuyết” thơm ngon – ngào ngạt hương sữa… Và, nếp cẩm vốn đã có từ rất lâu đời ở phương Đông. Theo tư liệu, thì nếp cẩm có nguồn gốc từ xứ Trung Hoa, và xuất hiện cách nay khoảng cỡ… 10 ngàn năm.

Nếp cẩm, ngay ở tại Việt Nam cũng không chắc là ai cũng biết. Có người còn lầm với nếp than…

Nếp cẩm thường được người Hoa gọi là “bổ huyết mễ,” dịch nôm na theo tiếng Việt, là loại gạo bổ máu. Và cũng vì nếp cẩm có một màu tím tươi như… máu, một màu rất đặc biệt dễ làm người ta hình dung ra tính chất bổ dưỡng đặc biệt của loại gạo này. Trong thiên nhiên, chỉ có rất ít những loại ngũ cốc, trái cây có màu lạ và quý như nếp cẩm. Chẳng hạn như trái việt quất hay trái nho đen (thực ra là màu tím than)…

Có thể nói ly kem nếp cẩm đúng là sự “giao thoa văn hóa” giữa Đông và Tây. Mà có khi người “chế” ra món kem này cũng chẳng nghĩ tới, chỉ thấy hai món “hạp” với nhau là “lăng-xê” món kem ngon, lạ này thôi.

Ly kem nếp cẩm mát lạnh trong mùa Hè “nóng như đổ lửa” ở Sài Gòn. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Giới trẻ ngày nay ở Sài Gòn, thường chuộng món trà sữa của Đài Loan. Nhiều “quý cô” cho rằng bị ghiền món trà sữa, tới không có cách nào cưỡng nổi. Dù mấy cô đều biết, món này uống nhiều dễ… mập. Cũng kiểu như mấy “quý ông,” cũng thừa biết uống bia nhiều thì vòng bụng to ra và vòng đời… ngắn lại. Nhưng hầu hết đều như những con thiêu thân, lao vào cuộc… uống, bất cần thân thể hay tương lai. Trong khi món ngon-bổ-rẻ lại hợp vệ sinh, là món kem nếp cẩm, xem ra không được giới trẻ mặn mà cho lắm.

Chỉ có mấy quý cô từ hải ngoại về, lần đầu được thưởng thức món kem nếp cẩm này lại rất thích. Còn “trách” là lâu nay, sao chẳng ai giới thiệu món kem độc đáo này? Người viết cũng chỉ biết đành ngọng miệng “à-á-a,” rằng thì là – món kem vốn không thuộc “chuyên ngành” của giới đàn ông, đàn ang.

Để khỏa lấp sự “lù-tù-mù” của mình, người viết bèn chữa thẹn bằng cách quảng bá cho quý cô biết là, nếp cẩm có chứa nhiều dưỡng chất có tác dụng làm đẹp da, xanh tóc và… sáng mắt. Các quý cô nghe thấy chắc hẳn mắt đã… sáng long lanh. Để “nói có sách, mách có chứng” bấm luôn vô Google thì thấy viết: “Trong men gạo nếp cẩm có chứa lovastatin và ergosterol, hai thành phần chính giúp hạn chế tai biến tim mạch và tái tạo mạch máu.”

Nhân nói về sự bổ dưỡng của nếp cẩm, mà không nói tới rượu nếp cẩm thì quả là một sai sót rất khó dung thứ.

Theo Đông Y, ngoài tác dụng làm đẹp da, thì lớp màng đen bên ngoài nếp cẩm chứa nhiều vitamin E (có tác dụng chống lão hóa). Và khi nếp cẩm lên men (cơm rượu nếp cẩm), chứa nhiều nhóm vitamin B, cùng nhiều chất vi lượng có tác dụng rất tốt cho hệ tiêu hóa…

Rượu nếp cẩm là một loại rượu nhẹ, có tác dụng đẹp da, mượt tóc, mắt sáng long lanh, má đỏ, môi hồng… dễ uống và… dễ làm.

Ly kem nếp cẩm. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Đơn giản là nếp cẩm nấu lên như nấu cơm (hay xôi), đổ ra khay cho nguội, rồi dùng men rượu đã đập nhuyễn, rắc lên rồi trộn đều. Tất cả cho vô hũ đậy kín, ba ngày sau mở ra, hương rượu nếp cẩm lan tỏa một làn hương ngọt ngào. Cái này người Việt gọi là cơm rượu nếp cẩm. Cơm rượu nếp cẩm này mà ăn chung với yaourt-nha đam, thì có thể tranh ngôi hoa hậu – nhất nhì, với món kem nếp cẩm trong những ngày Hè nóng bức.

Cũng xin nói thêm, hiện thời món yaourt nha đam-rượu nếp cẩm, vẫn chưa được “cầu chứng tại tòa” ở Sài Gòn. Quý cô, quý cậu, quý vị nào nhanh tay, có thể đăng ký thương hiệu “cầu chứng” để độc chiếm món “võ lâm ngũ bá” này.

Tiếp tục nói về sự bổ dưỡng tự nhiên của “hạt ngọc trời ban” mang tên “bổ huyết mễ” là nếp cẩm. Khi đã có món cơm rượu nếp cẩm rồi, ăn đã bổ da sáng mắt, đã quý lắm rồi. Nhưng muốn thành một phương thuốc quý giá hơn, dành cho các cô có bầu và gái đẻ (sau sanh), người ta thêm vô hũ cơm rượu nếp cẩm một lượng rượu trắng (rượu đế), tùy thuộc tửu lượng người dùng, rồi cho hạ thổ “bách nhật-trăm ngày.” Tức là đem chôn hũ rượu xuống đất, đúng một trăm ngày mới lấy lên, đem dùng.

Có nơi, người ta còn bỏ chung với hũ rượu “bách nhật” là một rổ trứng hột gà, trước khi cho hạ thổ (đem chôn).

Câu thành ngữ của người Việt: “Gái một con trông mòn con mắt,” là do gái đẻ sau sanh được bồi bổ bằng hủ rượu nếp cẩm ngâm hột gà hạ thổ bách nhật-trăm ngày mà nên thuốc. Da mịn, môi hồng khí huyết chẳng những được điều hòa mà sức khỏe còn dồi dào, sinh lực sung mãn (dù sau sanh), tình Xuân phới phới. Bảo sao cánh đàn ông chẳng “trông mòn con mắt”?

Nhưng dù sao, với những cô gái vô tư đang tuổi “xoan thì,” hãy dùng ly kem nếp cẩm để giải khát mùa Hè. Rồi tới ly yaourt nha đam-cơm rượu nếp cẩm, để dung dưỡng nhan sắc bốn mùa xinh tươi. Chờ tới ngày dùng hũ rượu “bách nhật-trăm ngày,” để thấy yêu mến một quê xưa. Nơi đã được Trời ban cho những hạt ngọc quý, được nuôi nấng bằng tình mẹ tảo tần – một nắng, hai sương.” (Văn Lang)

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT