Tuesday, March 19, 2024

Sổ mũi, hắt hơi, rát cổ, xin đừng vội dùng kháng sinh

Bác Sĩ Nguyễn Ý Ðức

Thời tiết bắt đầu chuyển động. Cho nên nhiều người đã bắt đầu than phiền khó chịu với sổ mũi, hắt hơi, cảm lạnh. Và cũng không thiếu gì người vội vàng lục lọi tìm kiếm vài chục viên kháng sinh để tiêu trừ bệnh tật. Vì sợ rằng để lâu thì bệnh nặng thêm.

Ðây là hành động đáng khen và cũng cần xét lại. Khen vì đã biết tự lo tự liệu nhưng có điều hơi  “nhanh nhẩu đoảng.”

Giới chức y tế khắp nơi vẫn luôn luôn nhắc nhở rằng thủ phạm những cảm lạnh vào cuối Thu đầu Ðông của mỗi năm không phải do vi khuẩn gây ra. Ða số hung thần là những cô những chú siêu vi sinh vật virus bất trị, ngang ngược.

Kháng sinh đều bó tay trước sự hoành hành của các tiểu yêu này. Cho nên dùng kháng sinh chẳng những vô hiệu mà còn gây ra nhiều rủi ro xấu.

Sự khác biệt giữa virus và vi khuẩn 

Vi khuẩn (bacteria) là những vi sinh vật đơn bào, sinh sản vô tính bằng cách phân chia nhân đôi tế bào. Vi khuẩn có khắp mọi nơi: trong nước, đất, không khí. Nhiều loại sống ký sinh ở người, súc vật và cây cối. Trong cơ thể, vi khuẩn nhởn nhơ đầy rẫy ngoại trừ máu và nước tủy sống. Không phải tất cả vi khuẩn đều có hại, vì một số giúp cơ thể trong nhiều lãnh vực khác nhau. Kháng sinh có thể khuất phục được hầu hết các bệnh do vi khuẩn gây ra.

Còn virus là những “hạt” rất nhỏ, có khả năng sinh sản nhưng chỉ tồn tại được ở trong tế bào sống. Ra không khí một thời gian ngắn là chúng hai năm mươi tiêu tùng. Kích thước của virus rất nhỏ nên không nhìn thấy qua kính hiển vi quang học.

Nhỏ vậy mà chúng đã và đang gây ra những bệnh quái đản giết hại có khi cả mấy chục triệu sinh linh, người và súc vật. Như là cảm lạnh, cúm, đa số viêm cuống phổi và cuống họng; bệnh sởi, quai bị, thủy đậu, herpes, đậu mùa, tê liệt trẻ em, bệnh dại, viêm gan.

Ðặc biệt trong những thập niên qua, các bệnh liệt kháng HIV-AIDS, cúm gia cầm đang hầm hừ đe dọa nhân loại và các quốc gia đang sát cánh với nhau dốc toàn lực phòng chống. Kháng sinh không có hiệu lực với virus nhưng một số bệnh có thể kiểm soát được bằng chủng ngừa vắc xin.

Làm gì khi sổ mũi, hắt hơi? 

Sổ mũi là chuyện thường xảy ra khi bị cảm lạnh, đặc biệt ở trẻ em.

Khi vi sinh vật xâm nhập mũi, mũi phản ứng bằng  cách tiết ra chất lỏng trong để loại bỏ các tác nhân này khỏi lỗ mũi và xoang mũi. Sau vài ngày, hệ thống miễn dịch của cơ thể bắt đầu hoạt động, phản công lại các cô chú virus, nước mũi trở thành mầu trắng hoặc vàng.

Kháng sinh không làm bớt ho, bớt chảy nước mũi. (Hình: mutantworkout.org)

Rồi đến khi vi sinh vật tăng sinh trong mũi, chúng sẽ làm nước mũi có màu xanh xám. Ðó là những diễn tiến bình thường. Và khi mũi bị chất tiết kích thích thì ta phải hắt hơi, để gạt bỏ những chất này. Ðôi khi chất tiết xuống cuống họng, ta ngứa cổ; xuống cuống phổi, ta ho sù sụ.

Khi thấy vậy, ta nên kiên nhẫn chờ đợi vài ngày, đừng vội vàng dùng kháng sinh. Lý do là kháng sinh KHÔNG làm bớt ho, bớt chảy nước mũi hoặc đau nhức xương thịt, mà chúng tự hết sau ít hôm.

Có nhiều thuốc trị chảy nước mũi hiệu nghiệm. Chẳng hạn nhiều người chỉ cần nhỏ mấy giọt nước pha muối, hít thở vào máy bốc hơi lại giải quyết được vấn nạn mau chóng. Kháng sinh chỉ nên dùng nếu thầy thuốc nói bị bội nhiễm vi khuẩn như viêm xoang sinusitis, sưng phổi.

Cảm lạnh, cúm có cần đến kháng sinh? 

Như đã thưa ở trên, cảm lạnh và cúm là do virus gây ra.

Cảm lạnh (common cold) là bệnh cấp tính do siêu vi thuộc nhóm rhinovirus, tác hại trên mũi, xoang mặt, cuống họng, thanh quản, đôi khi xuống tới cuống phổi. Bệnh này chưa có thuốc chủng ngừa.

Còn cúm do virus Influenza A và B gây ra. Siêu vi này thay đổi cấu trúc mỗi năm do đó sự trầm trọng của bệnh cũng thay đổi. Nhưng cúm có thể ngăn chận lây lan được bằng chủng ngừa trước mùa cúm khoảng một tháng. Ðọc xong bài này, xin mời quý thân hữu đi chích ngừa ngay cho kịp. Vì ở các xứ lạnh, cúm đến vào mùa Ðông, từ Tháng Mười Một trở đi tới Tháng Hai, Tháng Ba. Còn ở xứ nóng thì cúm xảy ra hầu như quanh năm.

Kháng sinh không tiêu diệt được virus. Bị cảm lạnh, cúm mà dùng kháng sinh chẳng những vô ích tốn tiền, không chữa được bệnh, không ngăn ngừa sự lan truyền bệnh sang người khác, không làm mình cảm thấy khỏe hơn. Trái lại còn đưa tới nhiều ảnh hưởng xấu như nhờn thuốc, tốn tiền, phí phạm dược phẩm.

Thường thường cảm lạnh, cúm tự lành sau khi bệnh đã hoàn tất chu kỳ là hai ba tuần lễ. Ðiều trị bao gồm sự hỗ trợ như uống nhiều chất lỏng (nước lã tinh khiết, nước trái cây, nước súp) để tránh khô nước; hít thở trong máy phun hơi hoặc nhỏ mấy giọt nước pha muối vào mũi nhiều lần trong ngày; làm dịu đau cuống họng với ngậm vài viên nước đá cục, súc miệng với dung dịch diệt trùng.

Ho là phản ứng tự nhiên của cơ thể để đẩy nước tiết ra khỏi phổi nên cũng chẳng cần quan tâm. Nhưng nếu ho nhiều đến đau ngực, rát họng, mệt mỏi thì uống mấy thìa thuốc giảm ho. Chỉ khi nào có dấu hiệu bội nhiễm vi khuẩn như sưng phổi mới cần đến kháng sinh. Mà khi bác sĩ cho toa thì uống đủ ngày, đúng liều lượng đã ghi trong toa thuốc, chứ đừng thấy bớt là ngưng, để dành thuốc cho kỳ sau.

Riêng cúm thì bác sĩ có thể cho mấy loại thuốc như Tamiflu, Relenza, Amantadine, Rimantadine …

Rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc quá gần với người bệnh là những phương thức rất hữu hiệu để ngăn ngừa sự lan truyền bệnh gây ra do virus. (Bác Sĩ Nguyễn Ý Ðức)

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT