Friday, April 19, 2024

Nghệ sĩ Anh Tài: ‘Âm nhạc là một góc cạnh của cuộc đời’


Ðức Tuấn/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) Ca nghệ sĩ Anh Tài, một trong những nghệ sĩ “chơi” đàn guitar “lead,” đã góp mặt với các anh chị em ca nghệ sĩ tại hải ngoại từ những năm cuối thập niên 1970.

Anh nói: “Tôi sinh ra tại Ðà Nẵng. Năm 1974, vừa tròn 17 tuổi, tôi đậu đầu trong số hơn chín trăm mấy chục người xin vào làm cho Sở Dân Vận Chiêu Hồi. Mặc dù tuổi chưa đủ nhưng vì mình điểm cao nên họ ‘bắt’ mình vào làm cho họ luôn.”

Ban nhạc Anh Tài nổi tiếng tại Orange County hồi thập niên 1980, từ trái, Thanh Tùng, Linda Trang Ðài, Huỳnh Anh Hà, Anh Tài, và Trúc Hồ (hàng trước). (Hình chụp lại: Ðức Tuấn/Người Việt)

Anh kể thời gian đó là thần tiên nhất, vì có tiền xài rủng rỉnh, ban ngày chơi nhạc cho Sở Dân Vận Chiêu Hồi, ban đêm được đi hát ở những club Mỹ.

“Lúc đó ai cũng lo bị bắt đi lính, còn mình vừa được ở nhà, ăn mặc đẹp, đi chơi nhạc khắp nơi và tiền bạc lại có nữa,” anh chia sẻ. “Bởi vậy đời tươi như hoa.”

“Biến cố 1975 xảy đến, mất tất cả, thành phố cúp điện, đói, thiếu thốn đủ mọi phương diện, rồi ai cũng vượt biên,” anh hồi tưởng lại.

Năm 1978 anh vượt biên, đến Mỹ năm 1979.

Nghệ sĩ Anh Tài thú nhận chưa bao giờ được đi học nhạc ở bất cứ trường lớp nào.

“Nhà mình nghèo, làm gì có tiền mà cho con đi học nhạc, vốn liếng đàn mà Anh Tài có được là nhờ học ‘lóm’ từ mấy ông ‘đàn anh’ mà mình đi theo chơi thôi,” người nghệ sĩ kể.

Rồi anh cởi chiếc áo đang mặc chỉ vào vết sẹo hằn đậm trên vai, nói đó là vết tích hồi lúc bắt đầu đi đàn, tại vì thấp quá, nên cứ mỗi lần đàn là phải leo lên chiếc ghế cao đứng, đeo trên vai cái đàn guitar điện nặng đến xệ vai luôn.

Câu chuyện bắt đầu trở lại từ lúc anh sang đến Hồng Kông.

Anh kể: “Qua đến trại tị nạn, mình cũng lập ban nhạc, chơi ì xèo, lúc đó các đài truyền hình tới quay lung tung hết.”

Khi sang Mỹ định cư, tiểu bang đầu tiên đặt chân đến là New York. Anh nhớ lại lúc mới qua Mỹ, tiếng Anh, tiếng U đâu biết gì mấy, nhưng nhờ biết nghề nhạc nên cơ quan bảo trợ mới gọi đến cho chơi nhạc.

Ảnh chụp phía bên trong của album Anh Tài 1, cassette tên “Tiếc Thương” phát hành giữa thập niên 1980. (Hình: Ðức Tuấn/Người Việt)

Anh nói: “Hồi đó mấy người du học họ mời mình ráp lại với họ, thiệt ra lúc đó mình chơi cũng thường thôi, nhưng chắc Trời thương, tổ đãi nên được họ chiếu cố, họ làm show, mời ca sĩ từ Pháp qua là anh Elvis Phương, Jomarcel từ Cali sang…”

Anh tâm sự tiếp: “Tại vì thời tiết ở New York lạnh quá, nên mọi người kêu gọi mình di chuyển sang Cali nắng ấm.”

“Sang California thì sao?”

Anh cười: “Ừ, thì qua tới đây mình theo anh Trung Nghĩa học đàn, nhưng bên cạnh đó Anh Tài cũng ghi tên vô học nhạc ở trường OCC được mấy năm, rồi lập ban nhạc, phòng trà đầu tiên của người Việt Nam ở Mỹ có là Tự Do, họ mời mình đến cộng tác, lúc đó làm chung với nhạc sĩ Tùng Giang.”

Anh kể sau đó hầu như mọi phòng trà mới, lớn nhỏ nào ở Orange County anh đều có đến làm như Làng Văn, Tự Do, Carravel, Maxim, Bồng Lai…

Sau một thời gian, anh lập ban nhạc có Vũ Tuấn Ðức, Võ Ðức Xuân… Anh kể ban ngày đi học, ban đêm tới vũ trường đánh đàn kiếm tiền, được một ít lâu sau anh có ý làm một cuốn cassette nhạc hòa tấu, anh đến phòng thu hỏi giá.

“Ðâu có biết là mắc lắm đâu, tới hồi mình hỏi đến, họ nói phòng thu ‘charge’ một giờ khoảng $30, nhiều tiền quá, tính ra thu xong cuốn cassette mất khoảng mười mấy ngàn đô la,” nghệ sĩ Anh Tài kể.

“Sẵn lúc đó đang đi học trường OCC, có lấy lớp ‘required’ là lớp thu âm, mình tâm sự với ông thầy dạy, và các bạn Mỹ học chung, là mình muốn vậy, vậy đó… Họ hỏi lại nhà mình có dàn máy ‘stereo’ hông?
Mình hỏi ‘Dàn stereo là gì?’ Họ giải thích là mấy cặp loa để nghe nhạc. Mình nói ‘Mấy cái đó thì ai chẳng có.” Họ cười cho biết chỉ cần vậy thôi, đi ‘lượm’ về dàn máy 8 track là đủ,” nghệ sĩ Anh Tài kể tiếp.

“Nghe nói vậy tui chạy lên West Covina xem dàn máy thu giá bao nhiêu? Thấy họ đang bán dàn máy 16 track, lúc đó bà con chỉ mới dùng 8 track thôi, nhưng mà Anh Tài nghĩ sớm muộn gì mọi người cũng dùng đến dàn 16 track nên về nhà bàn tính với gia đình, mượn bà má $25,000 để làm phòng thu. Hồi đó tiền mấy chục ngàn như vậy là nhiều lắm đó à nha. Ðổ đầy một bình xăng xe truck 8 máy chỉ có $20 thôi,” anh kể thêm.

Phòng thu âm làm xong, cuốn cassette đầu tiên anh làm do các anh chị em ca sĩ tên tuổi, mỗi người giúp một tay như Elvis Phương, Khánh Ly, Hương Lan, Thanh Mai, Thanh Thúy, Duy Quang, Như Mai, Giao Linh…

Anh nói: “Cuốn cassette đầu tay đó do chị Thanh Thúy phát hành, tựa đề “Tiếc Thương” bán chạy lắm!”

Anh tâm tình, sau đó anh được bầu show mời cộng tác đánh show lớn ở Anaheim Convention Center, rồi bắt đầu đi show nhiều tiểu bang khác, song song đó album số 2 của cuốn cassette do Anh Tài làm, đang lúc chuẩn bị thì dòng nhạc New Wave ào đến, lúc đó ban nhạc của anh bắt đầu có mặt nhạc sĩ Trúc Hồ.

Năm 1986 tên tuổi Anh Tài bắt đầu nổi tiếng, đi show khắp nơi với ban nhạc.

“Linda Trang Ðài là giọng nữ đầu tiên gia nhập ban nhạc tụi tui,” anh kể, và cho biết tên Linda Trang Ðài là do anh đặt, vì nghe như vậy vừa lạ, vừa hay.

Với dòng nhạc New Wave, được sự hưởng ứng nhiệt tình của giới trẻ, ban nhạc Anh Tài đi show khắp mọi nơi trên nước Mỹ, cũng như các quốc gia khác trên thế giới như Âu Châu, Úc Châu, Ðông Âu, Liên Xô…

Anh nói đi đến đâu bà con hỗ trợ, thương mến đến đó. Bên cạnh đó anh vẫn phát hành băng cassette, rồi ca sĩ Leyna Nguyễn từ tiểu bang Minnesota sang, rồi Trizzi Phương Trinh gia nhập vào ban nhạc của Anh Tài.

“Mặc dù nhiều biến cố xảy ra trong đời sống của anh, cuối cùng tại sao anh vẫn còn ôm cây đàn để phục vụ cho cộng đồng?”

“Tất cả cũng chỉ vì tôi quá đam mê âm nhạc, và có lẽ sự đam mê ấy cho đến khi trút hơi thở cuối cùng mới chấm dứt,” nghệ sĩ Anh Tài thổ lộ.

“Niềm vui, hạnh phúc nhất của nghệ sĩ Anh Tài trong đời sống là gì?”

“Hạnh phúc của tôi là được nhiều người thương mến, trân trọng. Bởi vì điểm cuối cùng trong đời sống của tôi là sống đàng hoàng, cư xử tử tế và yêu người như yêu âm nhạc bằng tình cảm thật đến từ trái tim,” anh kết luận.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT