Tuesday, April 23, 2024

Tình sử cải lương ‘Cuộc Ðời Thanh Nga’ quyển 2 sắp phát hành


Ngành Mai

Thế rồi tình sử cải lương “Cuộc Ðời Thanh Nga” lại được ra đời, đáp ứng sự mong đợi của quí vị, của những người vốn đã đọc qua quyển 1 từ lâu.

Tuy rằng quyển 2 đến với quí vị quá chậm, nhưng chậm còn hơn không. Tác giả Ngành Mai đã hoàn thành từ mấy năm trước, nhưng do trở ngại đủ mọi chuyện, nên mãi đến hôm nay sách mới được ra mắt độc giả bốn phương.


Nữ nghệ sĩ Thanh Nga. (Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai)

Nếu như tình sử cải lương “Cuộc Ðời Thanh Nga” quyển 1 đem lại sự thích thú cho người đọc, thì quyển 2 lại còn lý thú hơn, sẽ đưa quý vị từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, và từ bất ngờ kia đến bất ngờ nọ.

Tác giả đã ghi lại sự kiện “Thanh Nga và vụ nhìn con ở Phan Rang,” xảy ra vào đầu thập niên 1960, từng gây chấn động giới mộ điệu cải lương một dạo, mà trong đó vấn đề ngôi vị Vương Hậu Thanh Nga là do Long Mạch kết thành? Chơn giả thế nào, phán đoán sau cùng vẫn là độc giả.

Quyển 2 cũng đưa quí vị ngược thời gian về vùng đất Thủ Dầu Một thời thập niên 1930, cái thời mà thân phận người phụ nữ công nhân đồn điền cao su phải chấp nhận biết bao tủi nhục. Trong cái trù phú của rừng cao su bạt ngàn ấy biết bao nhiêu cành hoa bị vùi dập trong cơn giông bão phũ phàng, mà chỉ có trời mới biết, cây cỏ rừng cao su biết, chớ có mấy ai biết được.

Và đây xin trích một đoạn trong quyển 2 khi tác giả đề cập đến tỉnh Thủ Dầu Một, tức tỉnh Bình Dương sau này.

“…Xóm Bầu Bàng, Bình Dương lên cơn sốt! Quả đúng như dự đoán của mọi người, vài phút sau thì 2 chiếc xe của Sở Công An Phú Cường, gồm 1 xe Jeep và một chiếc xe 6 bánh, cả hai chiếc đều sơn màu xanh lá cây chạy đến dừng lại. Hai chiếc xe chở đầy công an khoảng 20 người mặc thường phục, trong số có 2 người Pháp chỉ huy, vào thời đó mà các xe màu xanh lá cây này chạy đến nơi nào thì dân chúng ở đó hồn vía lên mây, bởi hiếm khi xe chạy đến mà không bắt một hoặc vài người điều tra, đánh đập tại chỗ, mà khi chạy đi còn bắt theo vài người.

“Kế đó thì ba chiếc xe nhà binh loại 10 bánh chở khoảng một đại đội lính từ Phú Lợi cũng chạy trờ tới dừng lại đổ quân bủa vây khu vực Bầu Bàng. Số lính của các xe nhà binh này thuộc một trong hai tiểu đoàn thiện chiến, cấp chỉ huy là người Pháp, đa số là người Việt được tuyển mộ ở địa phương Thủ Dầu Một, căn cứ đóng tại Phú Lợi. Ðám lính nói trên có tiếng hung dữ, đi tới đâu là dân chúng kinh hoàng, bữa nay kéo đến đây thì khỏi phải nói, cả xóm đều trải qua cơn ác mộng.

“Trong lúc đám lính Phú Lợi đi lục soát từng nhà, thứ gì cũng bị giở tung lên hết, đồ vật, mùng mền chiếu gối bị ném ra sân, các lùm cây bụi cỏ đều bị châm lửa đốt vì nghi Lý Trung trốn trong đó. Trong lúc đám lính lục xét không chừa chỗ nào, thì số người mặc thường phục thuộc Sở Công An Phú Cường cũng đi vô mấy nhà lân cận đám cưới bắt một số người đem ra chỗ hiện trường, tức mấy bàn tiệc mà chén bát, dĩa tộ còn để ngổn ngang. Sau mấy tiếng đồng hồ tra hỏi, đến gần chiều thì tất cả lên xe chạy về hướng Phú Cường, bắt theo mẹ con cô Út Ngó và ông bà Sáu Lục Lộ.

“Thủ Dầu Một là một trong 20 tỉnh của Nam Kỳ dưới thời thuộc địa Pháp, và cũng là tỉnh trù phú nhứt nhờ nguồn lợi từ cây cao su, do đó mà lực lượng quân sự của Pháp tại tỉnh này được kể như hùng hậu, và căn cứ Phú Lợi được coi như thành trì kiên cố nhứt tại Ðông Dương.

“Phú Lợi nằm gần thị xã Phú Cường, là nơi người Pháp thiết lập trại tù giam giữ tù binh. Thời kỳ chiến tranh 1945-1954 giữa Pháp và Việt Minh, trại Phú Lợi là nơi tập trung tù chính trị từ các tỉnh đưa về giam giữ tại đây, có lúc con số lên đến cả ngàn người.

“Ðêm 9 Tháng Ba, 1945, Nhựt đảo chánh, đến sáng hôm sau thì hầu hết cơ quan công quyền, cảnh sát, căn cứ quân sự của Pháp trên toàn cõi Ðông Dương rơi vào tay quân đội Thiên Hoàng, chỉ duy nhứt căn cứ Phú Lợi, Thủ Dầu Một là cầm cự tới 11 giờ trưa mới chịu đầu hàng.

“‘Luật trời vay trả, trả vay,’ tên Tây nhiều năm qua gây tội lỗi ở đất địa Thủ Dầu Một này, thì hôm nay hắn phải đền tội tại đây thôi! Ðược xe đưa vô nhà thương Phú Cường, kế đó là nhà thương Ðồn Ðất (bệnh viện Gral) và thời gian sau thì đưa về Pháp. Nghe nói từ đó về sau hắn thành kẻ phế nhân bại liệt luôn, trí não cũng không bình thường, và dĩ nhiên là không còn dịp nào trở lại vùng đất thuộc địa từng đem lại cho hắn tiền tài, gái đẹp.”

Quyển 2 cũng ghi lại hình ảnh một đêm tối trời tại ngôi nhà tranh vách đất của Thầy Chàm Phan Rang, với buổi hội ngộ đầu tiên giữa thầy và vị khách. Có ai rõ được đêm ấy Thầy Chàm nói đến những sự kiện trọng đại lịch sử, liên quan đến sự biến đổi giang sơn cơ đồ, và chuyển hóa một dân tộc trong quá khứ. Thầy cũng báo trước với vị khách về sự thay đổi Vương quyền trong tương lai.

Vậy vị khách kia là ai? Xin trích lại một đoạn:

“…Thanh Nga dù có chơn mạng nữ hoàng nghệ thuật theo như lời của Thầy Chàm, nhưng ngay lúc này cô chỉ là cô gái mới lớn lên, chưa có ý niệm gì về ngôi vị của cô sau này. Cũng như cô đâu biết được vị khách đang ngồi trước mặt cô về sau sẽ là nhân vật nắm trong tay vận mạng đất nước, quyền nghiêng thiên hạ, ai ai cũng biết tên ông, tức vị thế của ông cao hơn cô rất nhiều, nhưng có điều là hiện tại tên tuổi ông chỉ quen thuộc với một số người liên hệ. Hơn nữa đến đây ông lại ăn mặc rất bình dân, đã nhờ người nào đó đưa đến bằng chiếc xe Mobylette thì có ai đâu chú ý.

“Thật vậy, chỉ có lần đầu tiên đến đây là ông mặc quân phục đeo lon trung tá, có xe Jeep nhà binh và cận vệ đi theo, nhưng hôm bữa đó là vào buổi tối, ban đêm thì đâu có ai thấy để mà có cái nhìn đúng về ông. Thế rồi từ sau cái buổi đầu tiên đó, nếu có đến cái xã ấp thôn quê này tiếp xúc với Thầy Chàm thì ông mặc thường phục giản dị như dân thường, cũng chẳng có cận vệ nào đi theo, do vậy mà người dân ở đây tưởng rằng người nào đó từ xa đến nhờ Thầy Chàm coi tướng số, chẳng để ý đến ông làm chi.

“Như đã nói ở trên, vị khách kia là trung tá trong quân đội, nhưng do đâu đưa ông đến cái thôn xã vùng quê nghèo nàn, một xóm ấp nhà tranh vách đất của người Chàm, và vì sao ông lại được Thầy Chàm kính trọng, lập bàn hương án để tiếp đón. Ông từ đâu đến đây với chỉ một mục đích là coi tướng số, coi vận mạng…”

Tóm lại quyển 2 tuy là tình sử cải lương, nhưng lại tập trung những câu chuyện nói lên hiện tình xã hội, và cũng có đôi điều liên hệ đến thời cuộc, vì nó có liên quan. Những câu chuyện chưa từng được nói đến tưởng đâu sẽ phai dần theo thời gian. Giờ đây lại được gom lại in thành sách thì có ai mà không muốn biết, có ai đâu lại bỏ qua.

Tình sử cải lương “Cuộc Ðời Thanh Nga” quyển 2, do nhà xuất bản Người Việt phát hành. Quí vị mua sách liên lạc nhật báo Người Việt. Ðịa chỉ: 14771 Moran Street Westminster, CA 92683. Ðiện thoại: (714) 892-9414. Website: www.nguoi-viet.com

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT