Thursday, April 18, 2024

Bàn thờ Tổ đờn ca tài tử không theo khuôn mẫu cải lương-hát bội

Ngành Mai

Hội Cổ Nhạc Miền Nam Việt Nam Hải Ngoại tổ chức cúng Tổ vừa qua đã lập “Bàn Thờ Tổ” như thế nào, có giống bàn thờ Tổ của cải lương và hát bội không? Ðó là câu hỏi thắc mắc của một số người từng theo dõi cúng Tổ cải lương. Nhà văn Ngành Mai, hội trưởng có câu trả lời sau đây:

Hoạt động đờn ca tài tử khác xa với cải lương và hát bội, nên bàn thờ Tổ không thể giống được, bởi Tổ cải lương có trang thờ, có tạc tượng, còn Tổ đờn ca tài tử thờ bài vị hoặc tranh thờ. Tổ đờn ca tài tử là người Việt có danh tánh: Ðức Ông Nguyễn Quang Ðại (nhạc sư Ba Ðợi), còn Tổ cải lương thì mãi cho đến bây giờ chưa ai có câu trả lời xác đáng, mà theo truyền khẩu là từ thời Ðông Châu ở bên Trung Hoa.

Trước đây hậu trường ban hát nào cũng có một cái trang thờ Tổ, bên trong có ba cốt tạc bằng gỗ vông, mặc quần trắng, áo xanh, đỏ hoặc vàng, chít khăn đỏ. Câu chuyện truyền khẩu rất mơ hồ, không thấy ghi chép ở một tài liệu nào vững chắc cả.

Tương truyền một nhà vua (không rõ tên) không con nối nghiệp, cùng hoàng hậu ngày đêm khấn cầu Trời Phật. Mỗi khi làm lễ thì có người đóng vai linh thần, giả bay lên trời, vừa bay vừa hát, dâng sớ lên Thượng Ðế cầu xin sanh hoàng nam. Không bao lâu, hoàng hậu sanh được hai trai. Nhà vua mừng quá làm lễ tạ ơn Trời Phật, cho diễn lại lớp thần linh cỡi mây lên thiên đình, có nhạc thiều đưa đi, có con hát ca xướng.

Từ đó, mỗi năm đều có lễ tạ ơn trên. Một ban hát dành riêng cho cuộc lễ, lại cũng dùng để giúp vui trong cung.

Hai vị hoàng tử lớn lên thích xem hát, tối ngày cứ ở bên chốn bội đình, có khi quên ăn quên ngủ. Lâu ngày vóc võ mình gầy, nhà vua thấy thế không cho xem hát nữa. Ðêm nọ, hai vị hoàng tử lén vua cha, ôm nhau trong xó buồng hát, nhà vua thấy vắng con, sai thị thần đi kiếm thì gặp hai cậu đang ôm nhau, nhưng bấy giờ, phần bịnh, phần mệt, kiệt sức bất tỉnh và chết luôn. Sau đó, ban hát thấy Nhị Hoàng thường hiện về xem hát. Con hát biết là linh hiển, lập bàn thờ, phụng kính là Tổ.

Một truyền thuyết khác thì cải lương thờ tam vị Thánh Tổ, một vị hoàng tử nhà Tấn thời Ðông Châu ngồi giữa mặc áo vàng, hai vị hai bên là Hồng Tào Xạc (áo đỏ) và Quách Di (áo xanh).

Hoàng tử không muốn ở trong cung điện, mà trốn đi ra ngoài kể chuyện trong thâm cung để thiên hạ cho tiền chỉ đủ ăn cơm sống qua ngày. Vua truyền lệnh sai quan quân đi bắt, hoàng tử sợ quá leo lên cây vông trốn trên đó. Quân sĩ đem võng đến kêu hoàng tử nhảy xuống, nhưng ông không xuống và chết luôn trên cây vông. Do đó mà ngày nay trang thờ Tổ, cốt Tổ đều làm bằng cây vông. Ðào kép cải lương cữ đi guốc vông, và không được treo võng ở hậu trường.

Tổ cải lương, hát bội có sự tích như thế, còn Tổ đờn ca tài tử là nhạc quan triều đình Nhà Nguyễn, tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp. Cần Vương tan rã đức ông buồn nản bỏ vào Nam cư ngụ vùng Tân Ðịnh và dạy học trò. Môn đệ thuộc lớp tiền bối có: Cao Huỳnh Cư, Cao Huỳnh Diêu, Cao Hoài Sang, Sáu Thới… Nói rõ hơn Tổ đờn ca tài tử xuất hiện thời lịch sử cận đại, đã khai sáng nhạc tài tử Nam Kỳ.

Xưa giờ giới đờn ca tài tử không có cúng Tổ, mãi đến năm 1994, câu lạc bộ đờn ca tài tử ở quận Tám, Sài Gòn, mới tổ chức lễ cúng lần đầu tiên vào ngày 9 Tháng Giêng Âm Lịch. Hai năm sau (1996) Nhà Văn Hóa Cần Ðước, Long An xin rước bài vị Ðức Ông Nguyễn Quang Ðại về thờ vĩnh viễn tại đình Vạn Phước, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Ðước.

Tại Hốc Môn thì người con trưởng của nhạc sư Sáu Thới là nhạc sĩ Hai Sáng đã lập Nhà Thờ Tổ và hàng năm cúng vào ngày 23 Tháng Chạp Âm Lịch.

Riêng ở hải ngoại thì Hội Cổ Nhạc Miền Nam Việt Nam Hải Ngoại mới cúng Tổ đờn ca tài tử lần đầu tiên, có nghĩa là sau ở trong nước đến 24 năm. Không có hình ảnh nào của đức ông, hội đã thực hiện bức tranh thờ vẽ cảnh chiếc xe song mã đưa quan tài nhạc sư Nguyễn Quang Ðại hướng về Rạch Cát thuộc quận Tám.

Sở dĩ Hội Cổ Nhạc Miền Nam Việt Nam Hải Ngoại không thờ bài vị mà vẽ tranh, do bởi trong dân gian nhiều người hiểu lầm là quan tài đức ông đi bằng “xe ngựa chở cá,” chính tờ báo sân khấu đã viết lên như vậy!

Nếu ai từng ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Ðịnh từ năm 1950 trở về trước chắc biết rằng thời đó có loại xe song mã 4 bánh (hai bánh trước nhỏ, hai bánh sau lớn) dùng chuyên chở hàng hóa đủ mọi thứ. Loại xe có hai con ngựa kéo này thiên hạ không gọi là xe ngựa, mà gọi là “xe cá.” Còn xe ngựa là chiếc xe chỉ một con ngựa kéo mà thôi (còn gọi là xe thổ mộ). Nếu nói là xe ngựa chở cá thì người ta hiểu rằng chiếc xe một con ngựa kéo, hoặc xe thổ mộ chở cá. Xe ngựa nhỏ không thể chở quan tài, nếu chở thì người đánh xe không còn chỗ ngồi. Dĩ nhiên xe tang thời đó người ta đã dùng xe cá, tức xe song mã. Có thể anh nhà báo làm phóng sự buổi lễ cúng Tổ đờn ca tài tử Nguyễn Quang Ðại ở quận 8, đã không thông hiểu vấn đề nên đã ghi là “xe ngựa chở cá.”

Hội Cổ Nhạc Miền Nam Việt Nam Hải Ngoại không lập trang thờ, đến ngày cúng mới lập bàn thờ và treo bức tranh. Hội thực hiện bức tranh thờ này để các thế hệ sau hiểu rằng ngày ra đi của nhạc sư Nguyễn Quang Ðại, quan tài di chuyển bằng xe song mã. (Ngành Mai)


Thông báo họp mặt đờn ca tài tử

Ðờn ca tài tử sẽ họp mặt vào chiều nay Thứ Năm, ngày 22 Tháng Hai, 2018, lúc 6 giờ chiều, tại hội trường nhật báo Người Việt, 14771 Moran St., Westminster, CA 92683.

Ban tổ chức mời tất cả giai nhân tài tử, những ai từng học đờn, học ca cổ nhạc hãy đến tham gia. Những người mà khi xưa từng đi đờn ca nhưng bỏ lâu quá quên bài ca, xin hãy cứ đến nói lên kỷ niệm của mình đối với đờn ca tài tử.

Riêng những người yêu thích, chỉ muốn nghe đờn ca thì đến với tư cách khán giả. Vào cửa tự do, miễn phí. Liên lạc trưởng ban tổ chức, ông Lê Quang Thế (714) 454-7851.

Vùng Tây Trung Mỹ bị lụt nhiều nơi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT