Wednesday, April 17, 2024

Nghe trẻ ngân nga nhạc Phạm Duy

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Vẫn là buổi hội ngộ của những tiếng hát, gồm các em thiếu nhi, thanh thiếu niên, và cả những vị cao niên, nhưng lần này những học viên của lớp thanh nhạc Lê Hồng Quang hát những bài nhạc khó hơn, nhạc Phạm Duy.

Họ, với lòng yêu thích âm nhạc, cùng gặp gỡ giữa mùa Thu qua chủ đề “Những Dòng Nhạc Phạm Duy” được khai diễn vào chiều Thứ Bảy, 11 Tháng Mười Một, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, Westminster.

Bé Kenrick Khải Bùi (4 tuổi) rất dễ thương qua lời tự giới thiệu: “Con xin kính chào quý vị. Con tên là Kenrick Khải Bùi, con đã lớn lên trong sự yêu thương của ông bà, cha mẹ và anh chị. Con xin hát bài ‘Em Yêu Ai’ của nhạc sĩ Hùng Lân, để nói lên tình thương tha thiết của con dành cho gia đình, thầy cô và quê hương.”

Tiếp đó, những bài “Chỉ Có Một Trên Đời” (Hùng Lân), “Em Bé Quê” (Phạm Duy), Bụi Phấn (Vũ Hoàng), “Tuổi Mộng Mơ” (Phạm Duy), “Một Đàn Chim Nhỏ” (Phạm Duy), qua những tiếng hát của các em thiếu nhi: Jamien Bùi, Anh Thư, Nguyễn Hoàng Minnie, Bảo Hân, Thu Anh, Bảo Ân và Hoàng Thanh Thanh.

Nhóm ca Lê Hồng Quang trong liên khúc “Cửu Long Giang” và “Về Miền Nam.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Những dòng nhạc tuổi thơ và những giọng hát non nớt của các thiếu nhi đã cho khán giả những giây phút, phải nói là hạnh phúc lắm, vì các em đã hồn nhiên đưa mọi người về những kỷ niệm trong thời thơ ấu, mà trong hoàn cảnh nào, ai cũng phải trải qua.

“Lúc em còn nhỏ, em có học lớp thanh nhạc của thầy Lê Hồng Quang, nhưng sau đó em không học với thầy nữa vì phải lo xong chương trình đại học. Sau hơn năm năm vắng mặt, khi đã học xong, em trở lại học thanh nhạc tiếp tục với thầy vào Tháng Ba năm nay,” học viên Diễm Hạnh tâm tình.

Và cô đã hát bài “Khúc Hát Thanh Xuân,” nhạc J. Strauss, lời Việt Phạm Duy. Điều lạ là, khi nói tiếng Việt thi Diễm Hạnh không được trau chuốt mấy, nhưng khi ca tiếng Việt thì cô lại rất thông thạo, không trật một lỗi chính tả nào khi phát âm.

Cũng với nhạc phẩm của cố nhạc sĩ Phạm Duy, bài nhạc bất hủ “Serenata” (Chiều Tà), nhạc Toselli, lời Việt Phạm Duy với tiếng hát khắc khoải của học viên Long Cơ. “Tôi hát để quên lãng cuộc đời trong tuổi già của mình để có thể mình sẽ được trẻ trung hơn,” Bác Sĩ Phạm Đăng Long Cơ nói.

Khi hỏi về tại sao ông chọn bài nhạc này, ông tâm tình: “Tôi muốn hát bài ‘Serenata’ vì lời bài này có chút tiếc nuối về tình yêu của tuổi trẻ, mà tình yêu của đôi lứa thì quá tuyệt vời, cho dù có những mối tình đã bị gãy đổ, nhưng đó là những thời gian tuyệt vời nhất của tuổi yêu đương. Thế nên, tôi chọn bài này để có thể giúp mình không quên được những kỷ niệm của khoảng thời gian đắm chìm trong tình yêu của tuổi trẻ.”

Học viên Long Cơ hát bài “Serenata” (Chiều Tà), nhạc Toselli, lời Việt Phạm Duy. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Cũng lắng sâu, cũng trầm buồn và trong sáng với những tiếng hát Thanh Hằng (Nghìn Trùng Xa Cách), Kim Hạnh (Kiếp Nào Có Yêu Nhau), Lâm Ngọc Dung (Hẹn Hò), Thúy An (Quán Bên Đường), Bùi Lương Sơn (Riêng Một Gốc Trời), Kim Dung (Con Đường Tình Ta Đi), Bích Thuận (Giết Người Trong Mộng), Tuyết Minh (Nước Mắt Mùa Thu), và Bích Hà (Tình Câm).

Hơn 40 tiết mục trong chủ đề “Những Dòng Nhạc Phạm Duy,” nhạc sĩ Lê Hồng Quang và các học viên đã cho khán giả những nhạc phẩm ý nghĩa, cảm thông và đầy tình người.

Nhạc sĩ Lê Hồng Quang chia sẻ: “Đúng ra hôm nay, chỉ là một buổi thi cuối khóa bình thương thôi, nhưng có sự đặc biệt là có đến hơn 40 tiếng hát của học viên hát những bài nhạc của cố nhạc sĩ Phạm Duy. Sở dĩ tôi chọn chủ đề này vì dòng nhạc của ông gần như đã bao phủ hết những đường nét trong đời sống của con người trong đó có tình yêu, tình quê hương và tình nhân loại…”

“Từ khi khai mở lớp này, niềm vui của tôi là khi biết những thế hệ trước mình ngày xưa muốn đi học hát không phải dễ, vì rất nhiều gia đình của Việt Nam không thích cho con cháu học hát. Nhưng khi ra nước ngoài, cuộc sống được thoải mái hơn, sau một thời gian ổn định thì sự khao khát về học hát của họ có cơ hội đến với lớp học này, và những bài nhạc mà các cô bác yêu thích trong thời xưa thì bây giờ chính họ đã tự hát được, cho dù như thế nào thì họ cũng cảm thấy hạnh phúc. Tại vì, họ đến đây để học hát không phải để được trở thành ca sĩ, mà để cho mình có một thú vui nhàn hạ,” nhạc sĩ nói thêm.

Cũng vì vậy mà bà Nguyễn Thị Lan Phương, cư dân Garden Grove, học viên mới hai tháng vui vẻ tâm tình: “Mỗi tuần tôi chỉ học của thầy Quang có nửa tiếng thôi, nhưng bây giờ tôi đã hát được tới ba bài nhạc, đó là ‘Dư Âm’, ‘Làng Tôi’ và ‘Chiều.’ Thật ra, mấy bài nhạc này tôi đã biết từ lúc mới 18 tuổi và tôi cũng rất thích hát những bài này. Nhưng lúc đó không có ai hướng dẫn cho mình hát, rồi sau đó phải có chồng con và phải lo làm tròn bổn phận của mình. Bây giờ mình đã trên 80 tuổi rồi, con cháu đầy đàn cũng đã lớn khôn hết rồi thì mới có dịp được học hát những bài mình yêu thích ngày xưa.” (Lâm Hoài Thạch)

Mời độc giả xem phóng sự “Nghề rửa xe dạo ở Little Saigon”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT