Thursday, April 25, 2024

5 phim giúp khán giả chịu đựng mùa Đông dễ dàng hơn

Thanh Long/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Nước Mỹ đang giữa mùa Đông, nhiều vùng lạnh tê tái. Nếu người nào cảm thấy khí hậu quá khắc nghiệt, những bộ phim sau đây sẽ giúp họ nhận thấy mình may mắn vì không phải trải qua tình huống còn tồi tệ hơn nữa, như các nhân vật trong phim.

Trong “Alive,” những hành khách sống sót sau tai nạn phi cơ đành phải ăn thi thể người chết để tồn tại. (Hình: commonsensemedia.org)

Sau đây là năm bộ phim mùa Đông cổ điển được rất nhiều khán giả yêu thích.

Alive (1993)

Bộ phim “Alive” của đạo diễn Frank Marshall kể về vụ rơi máy bay khủng khiếp có thật vào mùa Đông năm 1972.

Ngày 13 Tháng Mười năm đó, chiếc phi cơ nhỏ của Không Lực Uruguay, chuyến bay số hiệu 571, chở 45 hành khách, gồm đội bóng rugby của nước này, bị rơi xuống nơi hẻo lánh trên dải núi Andes ở Nam Mỹ.

Nhiều người thiệt mạng. Những người bị thương thì vì không có thiết bị, cộng với thời tiết quá khắc nghiệt trên núi cao, cuối cùng đành ăn sống thi thể những hành khách thiếu may mắn.

Đây có lẽ là câu chuyện sống sót bi thảm nhất kể từ vụ của Donner Party năm 1846, một nhóm người Mỹ tiên phong từ vùng Trung Tây di cư sang California bị mắc kẹt trong vùng núi Sierra Nevada và cũng đành ăn thịt người để tồn tại.

Poster phim “Alive” năm 1993. (Hình: en.wikipedia.org)

Hai tài tử Mỹ Ethan Hawke và Vincent Spano dẫn đầu dàn diễn viên quốc tế trong phim, trong đó gồm minh tinh kỳ cựu John Malkovich.

“Alive” mở đầu bằng loạt cảnh máy bay rơi thuộc loại hồi hộp nhất trong phim từ xưa đến nay. Sau đó, nội dung chính không chỉ là việc các nạn nhân tìm đủ mọi cách để sống còn, mà quan trọng hơn, là việc họ không từ bỏ hy vọng, và cuối cùng, nhiều người được cứu thoát sau 72 ngày gian khổ.

Antarctica (1983)

Một cảnh trong phim “Antarctica.” (Hình: worldscinema.org)

Một trong những câu chuyện sống sót trong gian khó cảm động nhất được đưa vào phim “Antarctica” không phải nói về con người, mà là về số phận khác nhau của đàn chó kéo xe trượt tuyết (sled dog), bị bỏ rơi ở trạm thám hiểm của Nhật tại Nam Cực.

Bộ phim được quay tuyệt đẹp của đạo diễn Koreyoshi Kurahara gồm hai ngôi sao Ken Takahura và Tsunehiko Watase đóng vai hai thành viên Đoàn Thám Hiểm Xuyên Đông Số 1. Năm 1958, hai nhân vật này để lại đàn chó 15 con bị xích lại giữa thời tiết lạnh đóng băng, không đủ thức ăn cũng như chỗ trú.

Khi đoàn thám hiểm số 2 không đến được trạm, đàn chó phải tự tìm cách sống sót. Đạo diễn Kurahura mô tả cuộc chiến đấu sống còn hết sức cảm động của chúng một cách chi tiết gây ấn tượng mạnh.

Poster phim “Antarctica” năm 1983. (Hình: worldscinema.org)

“Antarctica” được quay ở Hokkaido, miền Bắc Nhật Bản, suốt ba năm, trong đó có bản nhạc chủ đề tuyệt hay của nhạc sĩ Vangelis, người nổi tiếng sáng tác nhạc cho phim “Chariots of Fire” và “Blade Runner.”

Bộ phim vô cùng thành công về doanh thu, tổng cộng gần $140 triệu tiền bán vé, từng là phim doanh thu cao nhất mọi thời đại ở Nhật trong gần 15 năm. “Antarctica” được làm lại năm 2006 với tựa đề “Eight Below,” do diễn viên quá cố Paul Walker đóng vai chính.

Frozen (2010)

“Frozen” (2010) kể về câu chuyện thương tâm của ba người bạn bị mắc kẹt nhiều ngày trên ghế treo trong khu trượt tuyết. (Hình: it.wikipedia.org)

Mặc dù hãng Disney sản xuất hai bộ phim hoạt họa cùng tên vào năm 2013 và 2019, nhưng khán giả không nên lầm lẫn với bộ phim “Frozen” về câu chuyện sống sót rùng rợn hiếm thấy của đạo diễn Adam Green.

Ba sinh viên đại học gồm Dan (do Kevin Zegers đóng), người bạn thân từ thuở nhỏ Joe (Shawn Ashmore) và bạn gái mới của Dan là Parker (Emma Bell) đi chơi trượt tuyết cuối tuần. Không may, lúc khu trượt tuyết đóng cửa, họ bị mắc kẹt ở độ cao 40 foot trên ghế treo trên dây cáp.

Màn đêm buông xuống và bão tuyết ập đến, khiến ba người bạn trẻ bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài, thậm chí không có sóng điện thoại di động. Cuối cùng, họ đành hành động liều lĩnh để mong sống sót, thay vì ngồi yên đến chết cóng.

Poster phim “Frozen” năm 2010. (Hình: dvd-covers.org)

Đạo diễn Green khéo léo vừa bảo đảm những hành động của ba nhân vật chính diễn ra hợp lý, vừa bảo đảm thu hút khán giả với khung cảnh kéo dài chỉ ở một chỗ.

Khán giả sẽ rùng mình trước màn ảnh khi nhìn thấy ba người bạn trẻ bị phỏng lạnh, tét thịt, gãy xương, và bị chó sói rình rập bên dưới, và sẽ vắt óc suy nghĩ mình sẽ giải quyết như thế nào nếu lâm vào tình huống tương tự.

The Gold Rush (1925)

“The Gold Rush” là một trong những phim nổi tiếng nhất của Charlie Chaplin. (Hình: silentfilm.org)

Lấy cảm hứng từ vụ đổ xô đi tìm vàng Klondike ở Canada cuối những năm 1890 cũng như câu chuyện sống sót ghê sợ của nhóm người đi tìm vàng Donner Party kể trên, Charlie Chaplin (thường được gọi là “Sạc-lô”) biến câu chuyện gian khổ và chết đói đầy rùng rợn của họ thành một trong những bộ phim hài nổi tiếng nhất của ông.

Trong phim “The Gold Rush,” nhân vật Little Tramp của Chaplin tham gia cuộc đổ xô đi tìm vàng Klondike. Trong lúc rảo quanh vùng núi Alaska để tìm vàng, ông phải chống chọi với bão tuyết, thú dữ, cái đói kinh khủng và bọn tội phạm khét tiếng.

Lối diễn xuất hài hước đặc trưng của Chaplin được thể hiện tự nhiên, từ khu nhà ổ chuột trong thành phố đến đỉnh núi tuyết phủ, giúp khán giả bật cười ngay cả trong tình huống bạo lực, nguy hiểm và tuyệt vọng.

Poster phim “The Gold Rush” năm 1925. (Hình: en.wikipedia.org)

“The Gold Rush” gồm vài cảnh của Chaplin được người hâm mộ yêu thích và nhớ lâu nhất: Khiêu vũ với hai ổ bánh mì, cố ăn chiếc giày vì đói, bị gấu rượt trên đoạn đường đèo hẹp, và thoát khỏi cái chòi gỗ sắp rơi xuống vách đá.

Thu được $5 triệu đô tiền vé trong lần công chiếu đầu tiên, “The Gold Rush” là một trong những bộ phim câm thành công nhất. Chính Chaplin tuyên bố “đây là bộ phim mà tôi mong muốn được khán giả nhớ mãi.”

The Grey (2011)

Tài tử Liam Neeson đóng một vai rất thành công trong “The Grey.” (Hình: npr.org)

Bộ phim “The Grey” của đạo diễn Joe Carnahan về nỗ lực sống sót đáng sợ giữa mùa Đông xứng đáng được khán giả quan tâm nhiều hơn.

Tài tử Liam Neeson, cùng Frank Grillo và Delmot Mulroney, đóng vai công nhân khai thác dầu ở Alaska. May mắn sống sót sau khi phi cơ chở họ về nhà nghỉ phép bị rơi, họ tiếp tục chiến đấu với thời tiết khắc nghiệt và đàn sói hung dữ.

Poster phim “The Grey” năm 2011. (Hình: dvd-covers.org)

“The Grey” được quay chỉ hai năm sau khi vợ của tài tử Neeson là minh tinh Natasha Richardson qua đời. Trong phim, ông đóng vai một nhân vật đầy hoài nghi, bị dằn xé nội tâm, nhưng dũng cảm, cứng rắn, đem lại cho khán giả bài học về nỗ lực vượt qua gian khó để thành công. (Thanh Long) [qd]

—-
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT