Saturday, April 20, 2024

Ngày Tết bàn chuyện diễn viên đóng cảnh say rượu trong phim

Thanh Long/Người Việt

HOLLYWOOD, California (NV) – Đôi khi khán giả thắc mắc không biết diễn viên đang đóng phim hay là thật. Khán giả chắc chắn biết họ chỉ đang nói theo đúng kịch bản và có đạo diễn ngồi kế bên hướng dẫn cách hành động. Tuy nhiên, nhiều lúc tài tử khiến khán giả tưởng rằng họ đang thực sự đau khổ, vui sướng, hay yêu điên cuồng, và không có chút gì giả tạo.

Tài tử Mads Mikkelsen uống rượu “giả” trong “Another Round” để đóng cảnh say thật. (Hình: viff.org)

Bộ phim mới nhất làm cho người xem không chắc “cảnh này thật hay giả” là “Another Round” (tạm dịch: “Thêm Chầu Nữa”) của Đan Mạch, được gửi đi tranh giải phim quốc tế hay nhất của Oscars.

Bộ phim vừa hài vừa bi của đạo diễn Thomas Vinterberg (nổi tiếng với phim “Festen,” và “The Hunt”) nói về giai đoạn khủng hoảng tuổi trung niên, trong đó có tài tử Mads Mikkelsen (“Casino Royale,” và “Doctor Strange”) đóng vai một trong bốn giáo viên chán đời muốn uống rượu giải sầu.

Những cảnh họ say rượu nhìn như thật, chẳng hạn cảnh Mikkelsen vừa say vừa khiêu vũ trên cầu tàu, được chia sẻ lan tràn trên mạng xã hội. Cho dù diễn viên say ít hay say nhiều, vài khán giả sẽ thắc mắc: Bốn người này có say thật hay không?

Câu trả lời dứt khoát là không. “Chúng tôi chắc chắn về chuyện đó ngay từ đầu,” Mikkelsen trả lời phỏng vấn đài BBC. “Diễn viên nào chỉ đóng một hay hai cảnh say rượu trong phim thì có thể uống một ly bia để có cảm giác, nhưng với phim này, suốt 60 ngày, ngày nào chúng tôi cũng phải say, do đó, không thể nào uống như vậy được. Cũng có những ngày chúng tôi phải say rượu ba tiếng đồng hồ trong cảnh này, rồi phải lái xe tỉnh táo trong cảnh kế tiếp. Uống bia rồi thì làm sao lái xe.”

Đạo diễn Vinterberg còn nói dứt khoát hơn. Qua điện thoại từ Copenhagen, Đan Mạch, ông nhấn mạnh diễn viên mà phải uống rượu để đóng cảnh say rượu là “nghiệp dư.”

Cả bốn diễn viên chính trong “Another Round” phải đóng cảnh say rượu mà không thực sự có giọt rượu nào trong người. (Hình: cineuropa.org)

Nhưng làm sao khiến khán giả tưởng rằng nhân vật đang say rượu?

“Cũng như tất cả thứ gì nhìn như thật trên màn ảnh, đó là nhờ tập luyện siêng năng và quay đi quay lại nhiều lần,” ông Vinterberg cho hay.

Chuyện tài tử đóng vai tỉnh táo nhưng lại đang say rượu cũng từng xảy ra. Nhưng dường như muốn đóng vai say rượu, tốt nhất là diễn viên phải thật tỉnh táo. Nhân chuyện này cũng nên nhắc đến Richard E. Grant, diễn viên chính trong phim “Withnail & I” của Anh Quốc. Tài tử 63 tuổi không được phép uống rượu do bị bệnh, và trước khi đóng phim này, ông chưa bao giờ đụng đến giọt rượu nào. Tuy nhiên, đạo diễn Bruce Robinson đề nghị Grant làm sao đó để có cảm giác say rượu như nhân vật Withnail. Vậy là Grant cố nốc hai chai champagne, và hậu quả là ông ói ra mật xanh mật vàng mấy tiếng đồng hồ. Vợ Grant hỏi: “Tại sao anh không cố gắng giả bộ say thôi?”

Mặc dù không thực sự uống rượu để đóng cảnh say rượu, bốn diễn viên trong “Another Round” đều có kinh nghiệm thực tế. Mikkelsen cho hay: “Chúng tôi đều chuẩn bị đầy đủ kiến thức về say rượu.” Tuy nhiên, đạo diễn Vinterberg vẫn bắt buộc họ tham gia “khóa huấn luyện uống rượu.” Trong quá trình tập dượt đó, họ mất hai ngày uống rượu trước ống kính máy quay phim, rồi dùng máy đo nồng độ cồn để đo nồng độ cồn trong máu. Sau đó, họ xem kỹ lại đoạn phim để bảo đảm diễn đúng độ say so với số lượng rượu mà họ uống trong mỗi cảnh.

Cảnh Mads Mikkelsen vừa say vừa khiêu vũ trên cầu tàu trong “Another Round” khiến khán giả tưởng như ông say thật. (Hình: cineuropa.org)

“Nếu chỉ uống hai hoặc ba ly bia thì có lẽ bình thường. Có thể người uống không thấy dấu hiệu say xỉn gì cả,” Mikkelsen nói. “Nhưng người ngoài nhìn vào sẽ thấy khác rõ ràng, chẳng hạn sẽ thấy họ nói lớn hơn một chút hoặc đi lắc lư hơn một chút. Uống ít như vậy thì không có gì khác nhiều, nhưng chắc chắn có khác. Khi đóng mấy cảnh như vậy, diễn viên phải chùng vai xuống và thả lỏng một chút. Tôi bị chứng nói ngọng nhẹ, tôi cũng để như vậy trong phim.”

Khán giả có thể thấy nhân vật với tình trạng như vậy trong rất nhiều bộ phim cổ điển. Hai ví dụ rõ ràng nhất là nhân vật Chishu Ryu lè nhè than phiền về con cái trong phim “Tokyo Story” (1953); và nhân vật Humphrey Bogart say rượu chửi rủa um xùm trong phim “Casablanca” (1942). Nhưng công bằng mà nói, không như Richard E. Grant, Bogart không cần tập luyện gì cả cho cảnh đó. Có người kể, lời trăng trối cuối cùng của ông là: “Hồi đó, lẽ ra tôi không nên bỏ rượu Scotch để đổi sang rượu Martinis.”

Vậy “bí kíp” đóng cảnh say rượu là gì?

“Hầu hết diễn viên sẽ nói bí kíp đóng cảnh hơi say say là làm sao cho giống ngoài đời,” Mikkelsen cho biết, “tức là cố hết sức tỏ ra không say. Đi đứng chậm hơn, thận trọng hơn, chính xác hơn.”

Mads Mikkelsen (trái) tập “khiêu vũ say” với vũ công Adam Tocuyo cho phim “Another Round.” (Twitter Mads Mikkelsen France News)

Mức độ say rượu kế tiếp là “chẳng ai thèm nghe ai, mà chỉ lo nói, và nói rất lớn,” Mikkelsen giải thích. Đó là một lý do khác mà diễn viên phải tỉnh táo khi đóng cảnh say rượu, vì “nếu không, làm sao nghe được đạo diễn nói gì để biết mà diễn.”

Thêm vài ly nữa, các diễn viên trở nên say mèm. Trong phim “Arthur” có cảnh Dudley Moore đâm đầu vô bờ rào rồi gầm gừ: “Đồ bờ rào!” Còn trong “A Star Is Born” có cảnh Bradley Cooper tè ra quần tại lễ trao giải Grammy khi Lady Gaga lên nhận giải.

Tuy nhiên, không phải Mikkelsen lấy cảm hứng đóng cảnh say rượu từ những phim khác. Thay vào đó, ông “xem rất nhiều video trên YouTube, mà không hiểu sao có rất nhiều người Nga tự quay lại lúc họ say bí tỉ.”

Để giúp họ nhìn giống như đang say thật, một số diễn viên tự xoay vòng vòng trước khi quay phim. Có người còn dùng thuốc nhỏ mắt “rất rát”để mắt đỏ ngầu, và gắn miếng đệm lên vai cho cảnh va vào tường.

Đóng cảnh “say hết thấy đường” đôi khi rất nguy hiểm. Trong “One A.M.,” một trong những phim hay nhất nói về người say rượu, tài năng khéo léo của Charlie Chaplin giúp ông té lộn nhào mà không bị gãy cái xương nào. Còn trong “Another Round,” các nhà làm phim phải lót thảm trên sàn để diễn viên té ngã “thoải mái” theo cảm hứng.

Tài tử Richard E. Grant (trái) phải đóng cảnh say rượu trong “Withnail & I” dù ngoài đời ông không được phép uống rượu do bị bệnh. (Hình: unionfilms.org)

“Mấy người quá say không bao giờ dùng tay chống mỗi khi té ngã,” Mikkelsen giải thích, “họ chỉ dùng răng hay mặt. Do đó, chúng tôi phải lót thảm khắp nơi.”

Tuy nhiên, theo đạo diễn Vinterberg, “điều quan trọng nhất” khi đóng cảnh say rượu không phải là đánh lừa khán giả mà là đánh lừa bản thân diễn viên.

Trong cảnh mở đầu của “Another Round,” vài thiếu niên uống hết mấy thùng bia rồi chạy đua quanh hồ nước. Ông Vinterberg cho hay bia này không có cồn, nhưng các diễn viên trẻ bị khung cảnh xung quanh làm cho hưng phấn đến mức “họ hóa điên.”

Tình trạng ảo tưởng đó cũng xảy ra với bốn diễn viên chính trong cảnh quay ở quán rượu. “Chỉ là ảo tưởng. Bộ não của diễn viên lúc đó cứ nghĩ: ‘Khung cảnh như vậy thì phải có trạng thái như vậy,’ rồi nó đưa diễn viên vào trạng thái đó.’”

Cho nên, có lẽ về mặt nào đó, lúc đóng cảnh say rượu, bốn diễn viên chính trong “Another Round” say thật: Chỉ có điều, họ có thể say mà không đụng đến giọt rượu nào. (Thanh Long) [qd]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT