Wednesday, April 24, 2024

Phim hài Châu Tinh Trì 20 năm rồi xem lại vẫn ‘ôm bụng cười’

Thiện Lê/Người Việt

HỒNG KÔNG (NV) – Khán giả Á Châu hầu như không ai lạ lẫm gì với phim Hồng Kông với đủ thể loại từ hành động, võ thuật, tình cảm cho đến hài kịch. Khi nhắc đến các phim hài của Hồng Kông, không ai có thể quên được tên tuổi của Châu Tinh Trì (Stephen Chow).

Diễn viên kiêm đạo diễn Châu Tinh Trì. (Hình: Keith Tsuji/Getty Images)

Tài tử kiêm đạo diễn 46 tuổi này có các tác phẩm làm khán giả có những tiếng cười sảng khoái vào thập niên 1990 và đầu thập niên 2000. Đến nay, cứ nhắc đến phim Hồng Kông thì phải nhắc đến Châu Tinh Trì.

Các phim của ông lúc nào cũng có những cảnh hài “không có đầu đuôi” tức là những chi tiết rất ngẫu nhiên, gần như không liên quan đến bộ phim. Cứ nhắc đến tên tuổi của Châu Tinh Trì thì phải nhắc đến kiểu hài đó.

Giờ đây khi xem lại phim Châu Tinh Trì sau 20 năm, những tác phẩm vẫn rất quen thuộc với khán giả Á Châu, vẫn còn làm cho khán giả cười sảng khoái. Không chỉ vậy, nhờ các dịch vụ chiếu phim qua mạng, khán giả Tây Âu cũng bắt đầu xem được những tác phẩm này.

All for the Winner

Châu Tinh Trì đóng vai “Thánh Bài” trong phim “All for the Winner.” (Hình: themoviedb.org)

Tác phẩm “All for the Winner” (tạm dịch “Thánh Bài”) hồi năm 1990 là một trong những phim đầu tiên cho khán giả thấy được khả năng diễn xuất trong phim hài của tài tử Châu Tinh Trì và cách sử dụng các cảnh hài “không có đầu đuôi” của ông.

Trong phim này, ông đóng vai nhân vật Sing, một thanh niên có khả năng nhìn xuyên các vật thể. Vì vậy, người chú của anh (tài tử Ngô Mạnh Đạt đóng) muốn lợi dụng khả năng đó tại các sòng bài để kiếm tiền dễ dàng.

Sing nhảy vào con đường bài bạc và dùng khả năng nhìn xuyên vật thể để thắng cược, rồi được nhiều người gọi là “Thánh Bài.”

Sau đó, anh yêu một cô gái có tên Yee-mung, làm việc cho người được gọi là “Thần Bài” của Hồng Kông. Để được cưới cô, Sing phải chiến thắng một giải đấu bài bạc danh giá của Hồng Kông.

“All for The Winner” là phần ngoại truyện của dòng phim “God of Gambler” và là một trong những phim hài hước nhất của Châu Tinh Trì. Ông đóng một nhân vật ngớ ngẩn nhưng có những điểm rất đáng yêu.

Bộ phim này còn có những cảnh hài “không có đầu đuôi” đặc trưng của Châu Tinh Trì, khiến khán giả không nhịn cười được.

Ngoài ra, ông còn đóng rất ăn khớp với tài tử Ngô Mạnh Đạt, góp phần làm cho khán giả “đau bụng” hơn vì cười quá nhiều.

From Beijing with Love

Trong phim “From Beijing with Love,” Châu Tinh Trì đóng vai điệp viên bán thịt heo Ling Ling Chat. (Hình: themoviedb.org)

Với tựa “From Beijing with Love,” khán giả biết chắc chắn đây là một nhái theo dòng phim điệp viên “007” nổi tiếng của Hollywood với những tình tiết đầy hài hước đặc trưng của phim Châu Tinh Trì.

Trong tác phẩm vào năm 1994 này, ông đóng vai Ling Ling Chat, một điệp viên và là một người bán thịt heo, được giao nhiệm vụ đi tìm sọ khủng long bị ăn cắp.

Khi đang làm nhiệm vụ, nhân vật chính gặp một cô gái bí ẩn có tên Lee Ham-Heung (minh tinh Viên Vịnh Nghi đóng), và quyết định tuyển dụng cô để đối đầu với vai phản diện Súng Vàng.

Tuy vậy, điệp viên Chat không biết cô gái mà mình tuyển dụng là một sát thủ được thể để ngăn cản ông không hoàn thành được nhiệm vụ.

Không chỉ đóng vai chính cho “From Beijing with Love,” tài tử Châu Tinh Trì còn làm đạo diễn cho bộ phim này, mang cách thể hiện hài hước đặc trưng của ông lên màn ảnh với những cảnh hài “không có đầu đuôi.”

Vì là phim nhái theo “007,” tác phẩm “From Beijing with Love” còn có nhiều chi tiết rất giống với “007,” trong đó những cảnh các nhân vật sử dụng những thiết bị bí mật dành cho điệp viên. Tuy nhiên, các thiết bị đó có công dụng không ai ngờ được, và làm cho khán giả ôm bụng vì không nhịn cười nổi.

Fight Back to School

Cảnh sát viên Sing do Châu Tinh Trì đóng và cô giáo do minh tinh Trương Mẫn đóng trong phim “Fight Back to School.” (Hình: themoviedb.org)

Có thể nói tác phẩm “Fight Back to School” của năm 1991 là phim bộ đôi cảnh sát hài đầu tiên của Hồng Kông, phần lớn nhờ vào khả năng diễn xuất của tài tử Châu Tinh Trì.

Bộ phim này có doanh thu cao nhất của phim Hồng Kông vào năm 1991, và có thêm hai phần tiếp theo, nhưng không ai quên được phần một đầy hài hước.

Trong phim này, Châu Tinh Trì đóng vai cảnh sát viên trẻ tuổi Chow Sing Sing sắp bị đuổi việc vì làm đồng đội gặp nguy hiểm trong lúc tập luyện.

Anh Sing chọn làm nghề cảnh sát vì không thích đi học và cảm thấy mình hoàn toàn không hợp với học đường. Tuy vậy, anh được cấp trên ra lệnh giả thành một học sinh trung học để tìm một khẩu súng lục bị ăn cắp.

Nhân vật chính phải hợp tác với một cảnh sát viên đã lớn tuổi và không còn nhạy bén nữa, do tài tử Ngô Mạnh Đạt đóng.

Trong suốt bộ phim, hai cảnh sát viên tìm đủ mọi cách để tìm được khẩu súng bị ăn cắp. Sau đó, cảnh sát viên Sing yêu một cô giáo do minh tinh Trương Mẫn đóng, và còn ngăn chặn được một vụ bán vũ khí.

Với cách sử dụng hài “không có đầu đuôi” đặc trưng và sự ăn khớp với tài tử Ngô Mạnh Đạt, “Fight Back to School” là bộ phim giúp đưa đẩy tên tuổi của Châu Tinh Trì trong điện ảnh Hồng Kông.

Kung Fu Hustle

Nhân vật chính Sing của Châu Tinh Trì trong “Kung Fu Hustle,” đối đầu với băng đảng Rìu. (Hình: cinemateque.org)

Tác phẩm “Kung Fu Hustle” là phim thành công nhất ở thị trường Tây Âu vào năm 2004 của Châu Tinh Trì. Bộ phim này được công chiếu ở Á Châu vào năm 2004, sau đó chiếu ở Hoa Kỳ vào năm 2005, có thuyết minh bằng tiếng Anh.

Chỉ cần nhìn tựa phim, khán giả biết chắc đây là một phim võ thuật, nhưng có cách thể hiện độc đáo của Châu Tinh Trì, với ông đóng vai chính và làm đạo diễn.

Bộ phim này có bối cảnh ở Hồng Kông bị băng đảng Rìu điều khiển, và không ai dám đối đầu với băng đảng đó.

Nhân vật chính của “Kung Fu Hustle” là Sing, một thanh niên nghèo muốn gia nhập băng đảng Rìu. Anh từng gặp một chuyện không hay lúc còn nhỏ và nhận ra người tốt không bao giờ thắng, nên quyết định muốn gia nhập băng đảng.

Anh giả mạo thành một thành viên của băng đảng Rìu để tống tiền cư dân của khu nhà Chuồng Heo, nhưng không hề biết khu nhà này có những võ sư đang sinh sống và làm việc.

Sau khi tống tiền không thành công, Sing tình cờ kéo được những thành viên thật của băng đảng Rìu đến, và các võ sư sống khu nhà Chuồng Heo phải đứng ra bảo vệ cư dân.

Sau nhiều chi tiết hấp dẫn, khán giả biết được Sing là một người có thiên khiếu cho võ thuật và anh phải đối đầu với sát thủ lùng danh của Hồng Kông, có tên Quái Vật.

Có thể “Kung Fu Hustle” là phim có nhiều kỹ xảo nhất của Châu Tinh Trì, có nhiều cảnh đấu võ hấp dẫn, và dĩ nhiên là không thể thiếu được những cảnh hài “không có đầu đuôi” đặc trưng.

“Kung Fu Hustle” là phim thành công nhất ở Tây Âu của Châu Tinh Trì, với doanh thu $17 triệu ở Hoa Kỳ và $84 triệu ở quốc tế. Bộ phim này được xếp hạng 10 trong danh sách các phim ngoại ngữ có doanh thu cao nhất của năm 2005

Không chỉ về doanh thu thôi, bộ phim này còn thắng sáu giải thưởng phim Hồng Kông và bốn giải Ngựa Vàng của Đài Loan.

Đến năm 2014, “Kung Fu Hustle” được tái công chiếu thành phiên bản 3D để kỷ niệm 10 năm ngày công chiếu đầu tiên.

Hồi năm 2019, Châu Tinh Trì xác nhận “Kung Fu Hustle” sẽ có phần hai sau 15 năm, nhưng đến nay chưa có thông tin gì mới.

Shaolin Soccer

Võ sư Sing do Châu Tinh Trì đóng vai, đối đầu với đội bóng Tà Ác trong “Shaolin Soccer.” (Hình: tmdb.org)

“Shaolin Soccer” (tạm dịch “Đội Bóng Thiếu Lâm”) là tác phẩm đầu tiên giúp khán giả Tây Âu biết đến tên tuổi của Châu Tinh Trì. Không chỉ vậy, bộ phim của năm 2001 này còn giúp nhiều người tìm xem phim hài Hồng Kông.

Trong phim, Châu Tinh Trì vừa làm đạo diễn, vừa đóng vai Sing, một võ sư phải đi làm nghề hốt rác, nhưng muốn công chúng biết các lợi ích của học võ Thiếu Lâm Tự.

Một hôm, anh gặp ông Fung, một cựu cầu thủ túc cầu có biệt danh “Chân Vàng” do tài tử Ngô Mạnh Đạt đóng. Ông nói sẽ giúp anh Sing giới thiệu võ Thiếu Lâm Tự với công chúng qua môn túc cầu. Anh nhận lời ông và quyết định tìm lại các đàn anh từng là võ sư để thành lập một đội bóng.

Đội bóng Thiếu Lâm phải tham gia giải túc cầu của Trung Quốc và phải đối đầu với đội bóng Tà Ác của huấn luyện viên Hung

Nét độc đáo của “Shaolin Soccer” là sự kết hợp tài tình của phim võ thuật và phim thể thao, lại có thêm nhiều cảnh bay nhảy của “phim chưởng,” làm nhiều khán giả không nhịn cười nổi.

Đến nay đã 20 năm, nhưng khán giả vẫn không quên được những cảnh đá quả bóng có lửa, hay quả bóng biến thành một cơn bão trong bộ phim này.

Khi sản xuất “Shaolin Soccer,” Châu Tinh Trì nhắm vào khán giả ở Tây Âu và đã chinh phục được họ. (Thiện Lê) [qd]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT